“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới,
sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi,
và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ed 36,26)
Trong cuộc sống hiện đại, đối với nhiều người, buổi tối là thời gian rảnh để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, tuy nhiên không phải ai cũng có được may mắn như thế. Bạn biết không, hằng đêm, dọc các tuyến đường ăn nhậu hoặc khu vui chơi của các thành phố lớn… hình ảnh những người trẻ mặc trang phục hoạt hình, tay cầm giỏ kẹo mút liên tục chào mời đã trở nên quá quen thuộc. Khoác lên mình “vỏ bọc vui vẻ” nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những khuôn mặt cười mua vui cho thiên hạ lại là hoàn cảnh đáng thương, thậm chí có người còn bị trêu đùa vì làm công việc không mấy “cao sang” này.
Mới đây trên trang mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc khi xem đoạn clip hai nam thanh niên ở Cần Thơ trêu ghẹo cô gái bán hàng rong tội nghiệp. Trước lời đề nghị mua hết mười cây kẹo (80.000 vnđ) với điều kiện phải ăn hết tại chỗ, ngay lập tức cô gái cởi bỏ chiếc mặt nạ và đồng ý làm theo. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như hai thanh niên này cố tình quay clip rồi phát tán lên mạng xã hội kèm thái độ xem thường, coi đây như một thú vui tiêu khiển.
Xem đoạn clip đó, chúng ta có thể thấy khi ăn đến cây thứ bảy, hai thanh niên này liên tục có những lời lẽ trêu đùa cô bé như: “Vừa được ăn vừa được 80 nghìn thì sướng quá rồi”, “Ăn đi rồi mai uống thuốc”, “Ráng ăn đi, ăn 7 cây rồi thêm vài cây nữa là được tiền”, “Nhớ phải ăn cho hết thì mới trả tiền đó nhé”,…
Được biết, cô bé bán kẹo trong đoạn clip trên, vừa tốt nghiệp lớp 12. Vì gia cảnh khó khăn, nên cô đã đi bán kẹo để kiếm thêm phụ giúp gia đình. Ngay sau khi hoàn thành thử thách của hai thanh niên đưa ra, cô gái tội nghiệp ấy cầm trên tay số tiền mình có được mà không kìm được nước mắt, cô đã viết trên trang cá nhân của mình như sau: “Ăn xong 10 cây kẹo nước mắt tự tuông. Đúng là đồng tiền khó kiếm quá ha”.
Trực trạng xã hội hôm nay đang diễn ra là thế đó bạn, chẳng cần phải đi đâu xa, tìm kiếm cho mệt, dạo một vòng trên các trang mạng, chúng ta có thể thu thập được rất nhiều những bản tin khiến chúng ta phải thở dài ngao ngán: Một cô gái vì muốn mua chiếc điện thoại di động đắt tiền mà không ngần ngại bán thân xác, hoặc một chàng trai vì để có tiền chiều chuộng bạn gái mà chấp nhận bán thận, bán gan…
Mong muốn vật chất thực sự là cội nguồn của rất nhiều tội lỗi. Chỉ vì tiền, một số người sẵn sàng bán tất cả những gì họ có thể bán, hoặc như câu chuyện cô gái bán kẹo trên, người có tiền muốn bắt người khác làm bất cứ thứ gì họ muốn… Người khốn cùng làm vậy đã đành, mà người giàu có làm vậy lại càng đáng buồn hơn. Có người có tiền lại muốn nhiều tiền hơn, có danh lại muốn nổi danh hơn, đến mức họ có thể bán cả “trái tim” để thoả mãn tư tâm dục vọng. “Trái tim”, tôi muốn nói ở đây không có nghĩa là quả tim, mà chính là hai chữ “tâm hồn” của các bạn.
Với những gì đang diễn ra trong xã hội của người trẻ hôm nay làm tôi nhớ đến câu truyện ngụ ngôn của nhà văn Lâm Thanh Huyền, câu chuyện mang tựa đề “Rao bán trái tim”. Truyện kể rằng:
Trước đây có một chàng trai trẻ phải lao động quần quật để kiếm sống qua ngày, tên anh là Nhất Tâm. Giống như tên gọi, Nhất Tâm luôn mơ ước sớm thoát khỏi cuộc sống bần cùng và trở nên giàu có.
Người ta nói rằng trong khu rừng bên bờ biển có một hòn đá tinh có sức mạnh khiến người ta mơ ước điều gì cũng sẽ thành sự thật, có thể chỉ trong một đêm mà trở nên giàu có. Nhưng điều kiện duy nhất là họ phải lấy trái tim của mình để trao đổi.
Nhất Tâm nghĩ: “Nếu cứ phải sống bần cùng thống khổ thì chi bằng sống vui vẻ vô tâm, bán quả tim thì có gì là quan trọng đâu?”.
Nhất Tâm không còn coi trọng lời khuyên của cha mẹ, anh lặng lẽ đến khu rừng xa xôi kia mà tìm hòn đá tinh. Trải qua trăm nghìn cay đắng, cuối cùng anh cũng tìm đến hòn đá tâm linh trong truyền thuyết.
Nhất Tâm quỳ xuống vái lễ bái lạy, hướng đến hòn đá mà thỉnh cầu: “Đá tinh vĩ đại! Đá tinh bất hủ! Đá tinh uy nghi! Làm ơn đáp ứng thỉnh cầu của tôi”.
Nhất Tâm không biết đã bái bao nhiêu lạy, thành kính đến độ sắt đá phải phân khai. Bỗng anh nghe thấy một tiếng nổ lớn, từ hòn đá nhảy ra một ông lão tóc vàng kim, lông mày xanh, đôi mắt đỏ, chòm râu trắng, thân thể tròn vo, trông rất giống một hòn đá.
Hình dáng của ông lão tuy kỳ quái nhưng nụ cười thì đặc biệt cuốn hút. Ông cười tít mắt rồi hỏi Nhất Tâm một câu: “Chàng trai trẻ, cậu có điều gì cầu ta nào?”.
Nhất Tâm thấy hòn đá tinh không đáng sợ như trong tưởng tượng, anh lấy lại bình tĩnh rồi nói: “Thạch tinh lão bá, cuộc sống của tôi thực tại rất khổ rồi, vậy nên tôi đặc biệt cầu xin ngài cho tôi thực hiện được điều ước!”.
Thạch tinh hỏi: “Cậu ước ao gì?”. Nhất Tâm đáp: “Tôi ước trong một khoảng thời gian ngắn trở thành người giàu có bậc nhất!”.
Thạch tinh nói: “Điều này rất đơn giản, nhưng cậu có biết điều kiện của ta không? Cậu đã suy nghĩ kỹ chưa?”. Nhất Tâm trả lời: “Tôi biết, trước tiên tôi phải bán trái tim mình cho ngài, sau đó ngài mới biến ước mơ của tôi thành hiện thực. Nhưng vẫn còn một điều tôi không hiểu được: Sau khi bán trái tim cho ngài, làm thế nào tôi có thể sống tiếp đây?”.
Thạch tinh mỉm cười cởi mở hơn, ông nói: “Hãy đi theo ta!”.
Thạch tinh dẫn Nhất Tâm xuyên qua khe đá rồi tiến vào một gian thạch thất, xung quanh thạch thất là những bức cẩm thạch vuông vức bày xếp như một bàn thờ. Trên đó đặt rất nhiều đĩa thủy tinh, mỗi chiếc đĩa có một quả tim cùng với tên chủ nhân ghi trên bài vị.
Thạch tinh nói: “Những quả tim này đều là cái giá để thực hiện ước mơ. Những người chủ quả tim sẽ đưa cho ta quả tim của họ, còn ta đưa cho họ quả tim bằng đá. Có quả tim bằng đá rồi họ sẽ không có cảm giác, không thấy thống khổ, không thấy bất an, ước mơ cũng đã thành hiện thực rồi”.
Nhất Tâm thấy điều đó thì giật nảy mình. Trên bài vị là tên của những người có danh tiếng có địa vị, trong đó có vị là thương nhân, có vị là quan lớn, cũng có cả bác sỹ và luật sư. Hầu như các ngành các nghề đều có người bán trái tim. Chẳng lẽ trong tầng lớp của những người có thể hô phong hoán vũ, quả tim của họ đều là đá hết sao?!
Đúng lúc Nhất Tâm xem những bài vị đó, anh đột nhiên thấy chóng mặt rồi ngã xuống và ngất đi…
Khi tỉnh lại, Nhất Tâm thấy mình đang nằm bên cạnh một tảng đá lớn, không thấy ông lão đâu mà thạch thất cũng không còn, chỉ thấy trước mặt là một đĩa tiền vàng. “Đây có lẽ là vì ta bán trái tim mà được đây. Bán tim đi không chỉ không có cảm giác thống khổ mà so với thuở trước thì còn nhẹ nhàng thoải mái hơn”.
Nhất Tâm dùng số tiền vàng ấy làm kinh doanh. Từ đó, anh làm bất cứ việc gì thì đều thành công, rất nhanh chóng trở thành người giàu có. Nhưng anh đã mất đi cảm giác, không còn vui vẻ, không còn đau khổ, cũng không còn thoả mãn. Không lâu sau anh cảm thấy hối hận vô cùng…
Nhất Tâm trở lại tìm hòn đá tinh để chuộc lại quả tim của mình, anh đem tất thảy số tiền kiếm được trong những năm qua đưa cho ông lão thạch tinh.
Khi Nhất Tâm nghe trái tim mình đập lại, anh vui mừng trào nước mắt. Đã bao nhiêu năm rồi anh không biết khóc, không biết mừng vui hay cảm động. Thế mà giờ đây, giọt nước mắt ấm áp đang lăn trên mặt anh. Anh hăm hở vượt qua khu rừng về lại quê hương, gặp ai anh cũng nói: “Nếu phải bán quả tim mới có thể phát tài, tôi thà ôm giữ trái tim mà sống cuộc sống bình thường còn hơn”.
Bạn thân mến!
Nếu cuộc sống chúng ta, ai cũng đợi cho đến lúc nhận ra như Nhất Tâm thì cuộc sống này sẽ như thế nào? Thậm chí chúng ta vẫn nghe hoài câu nói của Nhất Tâm đó chứ: “Nếu phải bán quả tim mới có thể phát tài, tôi thà ôm giữ trái tim mà sống cuộc sống bình thường còn hơn”, nhưng ta nào có nghe, có thấu.
Các nhà nghiên cứu xã hội học, tâm lý học cho rằng, khi vô cảm trong giới trẻ đang trở thành một hiện tượng phổ biến, ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của giới trẻ cũng là lúc nhiều hệ lụy xã hội nảy sinh. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (GĐ Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học) cho biết: Đối với những người trẻ tuổi, cách sống theo kiểu hồn nhiên chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cuộc sống đồng nghĩa với việc họ đã đánh mất đi giá trị của bản thân, hủy hoại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xu hướng vị kỉ còn dẫn đến nguy cơ “bản năng” hóa tư duy và hành động – một bước thụt lùi trong tiến trình phát triển xã hội.
Còn theo thạc sĩ tâm lý Trần Bích Nga (giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Báo chí & Tuyên truyền), hiện nay không chỉ giới trẻ vô cảm với những điều diễn ra xung quanh mà người Việt Nam, số người mắc bệnh vô cảm ở mọi giới tăng cao so với 50 năm trước đây. Chỉ có điều khác là ở giới trẻ bệnh vô cảm bộc lộ một cách hiển nhiên, không giấu giếm, che đậy. Thậm chí còn cho sự vô cảm, coi thường mạng sống con người là điều đáng tự hào và “lạnh tanh, giết người không run tay”. Nguyên nhân của sự vô cảm là do con người đã không đủ sức mạnh để chiến thắng cái ác, cái xấu, cái cá nhân. Đứa trẻ sinh ra, lớn lên, gia nhập vào các mối quan hệ xã hội. Đó là quá trình diễn ra sự thương lượng giữa cái cá nhân và cái xã hội để hình thành nên nhân cách của bản thân (quá trình xã hoá).
Theo thầy Lôrensô Vũ Văn Trình: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.
Quả tim trơ như đá cũng chính là con người ta đã mất đi năng lực cảm động, mất đi sự quan tâm, đồng thời mất đi lương tri để phán đoán đúng – sai, thiện – ác. Người như thế rất khó nói họ là một “con người” thật sự.
Bạn thân mến!
Chúng ta phải làm gì để chữa lành vết thương của con tim?
Khi nói đến bi kịch của một trái tim khép kín, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thánh lễ kính nhớ thánh Stephano đã nhấn mạnh trong bài giảng của mình như sau:
Trong Thánh vịnh 94, Thiên Chúa đã răn bảo dân Ngài đừng chai đá trái tim. Ngôn sứ Ezekiel đã có một lời hứa tuyệt đẹp, là biến trái tim chai đá thành trái tim thịt mềm, một trái tim biết lắng nghe và đón nhận chứng tá vâng phục. Trái tim chai đá gây đau khổ cho Giáo hội. Những trái tim chai đá, không muốn mở ra, không muốn lắng nghe, những trái tim chỉ biết lên án. Họ biết cách lên án, nhưng họ không biết cách để nói “Giải thích cho tôi nghe đi, sao anh lại nói thế? Sao lại thế này? Giải thích cho tôi nghe?” Không, họ khép kín. Họ chỉ biết thế thôi. Họ không cần lời trình bày.
Một trái tim chai đá không để Thần Khí ngự vào. Trong trái tim chai đá không có chỗ cho Thần Khí. Có thể chúng ta là những môn đệ trên đường Emmaus, với đầy hoài nghi và nhiều tội lỗi. Nhiều lần chúng ta muốn xa tránh Thập giá, tránh sự thật, nhưng chúng ta chừa chỗ trong lòng mình để nghe Chúa Giêsu, Đấng có lời thắp lửa trong lòng chúng ta. Cũng có thể chúng ta là những người mang trái tim khép kín: khép kín trong sự cứng ngắc của lề luật, của những người không muốn nghe lời của Chúa Giêsu.
Các bạn trẻ thân mến!
Hệ quả rõ ràng mà chúng ta nhận thấy trong cuộc sống của chúng ta:
Nếu không nghe Lời Chúa, thì cuối cùng chúng ta sẽ nghe các ngẫu tượng của thế gian. Nếu ngừng nghe Lời Chúa, thì thực tế là chúng ta đang chạy trốn và rời xa Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa, chúng ta sẽ nghe những tiếng khác. Tiếng của các ngẫu tượng: tiền tài, danh vọng, ham lợi thú. Ta trở thành nô lệ cho ngẫu tượng, đánh mất phẩm giá, lương tri, suy đồi đạo đức…
Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh thêm với những kitô hữu rằng: Nếu có trái tim chai đá, thì chúng ta trở thành “người tín hữu ngoại đạo” thậm chí là “người Công Giáo vô thần”. Ngài giải thích như sau:
Khi rời xa Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở nên khô cứng. Khi không còn lắng nghe, trái tim trở nên khô cứng hơn, khép kín hơn vào chính mình và không thể đón nhận thêm gì nữa. Khi ấy trái tim không chỉ là khép kín mà còn là chai đá.
Khi không còn lắng nghe Lời Chúa, trái tim trở nên chai đá và khép kín, chúng ta đang đánh mất đi sự trung tín, mất đi cảm thức của sự trung thành. Trong sách Ngôn sứ Giêrêmia, Chúa nói: “Sự tín trung đã bị đánh mất”. Và khi ấy, chúng ta là người Công Giáo mà không sống đạo, chúng ta là người Công Giáo ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, chúng ta có thể là người Công Giáo vô thần, bởi vì chúng ta không quy chiếu vào tình yêu của Thiên Chúa hằng sống. Không nghe và ngoảnh mặt, điều ấy làm cho con tim của ta ra chai đá, điều ấy dẫn chúng ta đi trên con đường bất trung.
Sự bất trung ấy chứa đầy những lầm lẫn xáo trộn. Đó là con đường gây ra những nhầm lẫn, rằng không biết Thiên Chúa ở đâu, rằng không biết có Chúa hay không, rằng nhận biết sai lầm và nhầm lẫn giữa Thiên Chúa và ma quỷ.
Bạn thân mến!
Để nói nên tình cảm của con người với con người, chúng ta không thể đánh đổi bằng những vật chất tầm thường mà chỉ có sự chân thành quan tâm mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương. Xin đừng mang đá đặt vào tim, đừng đánh đổi con tim thịt mềm bằng một hòn đá vô tri, lạnh lùng, thiếu sức sống và thiếu tình yêu.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ trong cách thanh luyện con tim như sau: «Có lẽ, “nhiều người trong chúng ta có một đời sống khá thoải mái nên không biết khóc. Một số thực tại của cuộc đời chỉ được nhìn thấy với cặp mắt được rửa bằng nước mắt. Tôi xin mỗi người hãy tự hỏi: Tôi đã học được cách khóc chưa? Tôi có biết khóc không khi thấy một đứa trẻ đói khát, một đứa trẻ nghiện ngập ở ngoài đường, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ bị xã hội sử dụng như một nô lệ? Hay là tiếng khóc của tôi chỉ là tiếng than van của những kẻ chỉ biết nghĩ đến mình vì họ muốn một điều gì đó cho mình?” Hãy cố gắng học cách khóc cho những người trẻ không được may mắn như bạn. Lòng thương xót và trắc ẩn cũng được thể hiện trong nước mắt. Nếu nó không đến với bạn, hãy cầu xin Chúa ban cho bạn những giọt nước mắt vì sự đau khổ của người khác. Chỉ khi nào bạn biết khóc bạn mới có thể làm điều gì đó cho người khác tận đáy lòng». (Christus vivit 5,76).
Nguyễn Xuân Quang, SDB