Em có vóc dáng thanh nhỏ, đôi mắt đen long lanh ánh lên sự thông minh và mái tóc dài hay thắt bím. Chúng tôi quen nhau cũng vào một buổi chiều Chúa nhật, sau khi đứng cầu nguyện trong nhà thờ. Lần ấy, tiếng thút thít ở cuối dãy bàn gần đó, làm tôi tò mò: một cô bé gục đầu trên bàn khóc nức nở. Như có một sự thôi thúc, tôi khẽ bước đến, ngồi xuống bên cạnh em, đặt tay lên bờ vai đang run lên từng đợt. Em ngẩng mặt lên nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn nước. Tôi khẽ hỏi: “Chị có thể giúp gì được cho em không?” Em chỉ lắc đầu rồi lại gục đầu xuống khóc. Chúng tôi chẳng nói với nhau thêm một câu nào nữa, nhưng tôi đã nán lại, ngồi bên em rất lâu, bởi nghĩ sự hiện diện của mình có lẽ sẽ giúp em vơi bớt được phần nào nỗi đau.
Tình bạn của chúng tôi phát sinh như thế đó. Em nhỏ hơn, chấp chới hơn tôi về kinh nghiệm sống, nên tôi hay gọi em là ‘Én nhỏ’. Én nhỏ cho tôi biết em đang gặp thử thách. Em đã chọn thi hai ngành là Sư Phạm và Ngành Y, nhưng trong thâm tâm của em, ngành Y vẫn là ngành trong mơ mà em cố công theo đuổi. Em hy vọng với ngành học phục vụ con người này, em sẽ tiếp chạm được với từng hoàn cảnh để chia sẻ niềm hạnh phúc với họ. Và rồi, kết quả đến là em chỉ đậu vào ngành Sư phạm chứ không là ngành Y, và một lần nữa, Én nhỏ chấp chới.
Tôi ngay lập tức bị thu hút bởi lý tưởng sống tốt đẹp của Én nhỏ. Chúng tôi cùng nhau phân tích vấn đề, chẳng hạn về những yếu tố ngoại tại, đó là phản ứng của gia đình, nỗi lo về sự ‘an toàn’ rằng liệu ôn thi một năm nữa có đậu không hay lại trắng tay? Rồi cả về nền kinh tế của gia đình khi em dùi mài kinh sử? Tuy nhiên, tôi linh tính có một điều gì đó sâu hơn trong Én nhỏ, vượt qua những biểu hiện bên ngoài như cố gắng ‘bảo vệ danh hiệu học sinh giỏi’, ‘muốn tặng mẹ món quà đẹp’ là học vị bác sĩ… đến nỗi em chỉ còn biết đèn sách mà chẳng quan tâm đến bạn bè, các cuộc vui, thậm chí dành ra ít phút bên người mẹ đơn độc.
Dường như động lực khiến Én nhỏ quyết tâm theo nghành Y có chút gì đó linh thánh hơn, mà tôi cho đó là “Ơn gọi”. Cứ nhìn cách em tiếp cận với những bệnh nhân nghèo trong những chuyến từ thiện, cứ nhìn khóe mắt rướm lệ của em trước nỗi đau của người khác, tôi thấy trong đó hình ảnh của một bác sĩ từ tâm. Tôi đã khích lệ em theo đuổi ước mơ. Chúng tôi đã có nhiều giờ ngồi tâm sự với nhau về cuộc sống và ước mơ ‘làm nên mùa xuân’ của Én nhỏ.
Tôi biết thời gian để Én nhỏ trở thành một bác sĩ thực thụ không phải là ngắn, nhưng mùa xuân thì tôi đã được chứng nghiệm trong từng thay đổi của em, mỗi ngày. Em cởi mở hơn, vui tươi hơn. Cặp kính dầy cộm, ánh mắt hiền hòa nghiêm nghị như không muốn rời những trang sách ấy, giờ đây được trang hoàng thêm ánh lung linh của cõi lòng muốn đem niềm vui cho người khác. Én nhỏ đã làm bừng lên ánh vui trên khuôn mặt mẹ; nét thân thiện của bạn bè; nhất là niềm an ủi cho những người bệnh tật neo đơn trong các chuyến từ thiện.
Viết những trang này, tôi như thấy mùa xuân đang về trong chính lòng mình. Cảm ơn Én nhỏ và ước mơ xuân. Tôi tưởng mình giúp Én nhỏ vươn cánh, nhưng chính Én nhỏ lại tạo nên khung trời xuân trong tôi. Chợt nghĩ: đời sống như một ơn gọi. Nếu ai đó tìm được ơn gọi đích thực của mình, và dám sống cho ơn gọi đó thì sẽ đẹp biết bao. Như thế, chẳng còn có những cuộc chạy đua theo thành tích, chẳng có những mong ngóng trả ơn, chẳng có những bon chen tranh giành, chẳng còn những ganh tị, hơn thua. Bởi sống là phục vụ. Tôi nhận ra, xã hội cần biết bao những cánh én nhỏ để làm nên mùa xuân trong lòng người.
Thúy Hiền