Mỗi lần cài chiếc băng đô hớt hết phần tóc mái ra phía sau để rửa mặt, đứng trước gương, tôi lại trân trân nhìn vết sẹo. Một vệt dài khoảng 1 xăng-ti-mét, trắng bệt so với màu da xung quanh, ngay phía trên, giữa chân mày bên phải. Nó gắn với một câu chuyện về cuộc đời tôi, mà có lẽ không bao giờ tôi quên được.
Đó là một buổi chiều tháng mười, trời đã chập choạng tối. Những tia nắng yếu ớt cuối ngày dọi qua khung cửa sổ, rồi tàn dần sau khi ông mặt trời khuất sau rặng tre. Mới khoảng 5 giờ chiều mà bóng đêm đã bắt đầu phủ xuống miền quê yên ả. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi hay nói: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”, quả không sai thật.
Út, mẹ bảo xuống bếp vo gạo nấu cơm kìa! – Tiếng chị Ba inh ỏi vọng từ bếp lên.
Tôi, cô bé học lớp 7 – cái tuổi ương ương giữa con nít và tập tành làm người lớn, đang đọc quyển truyện Doremon, gấp lại rồi bực dọc bước xuống lấy nồi nấu cơm. Nhìn khuôn mặt bí xị của tôi, chị Ba vừa cười vừa dỗ dành: “Bực bội gì nè, vo gạo tí rồi lên đọc tiếp chứ có sao đâu mà!”. Với tính ương ngạnh của mình, tôi chẳng thèm để ý câu nói của chị. Tôi ghét bị ngắt ngang khi đang làm hay đọc một cái gì đó, cảm giác y như mất hứng giữa chừng… Chị tôi cũng chẳng chấp con bé mới lớn, lại tiếp tục ngồi ngoài sân sau nhà, cạo vảy mấy con cá và hát nghêu ngao mấy câu: “Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi. Ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe…”.
Vừa lúc ấy, mẹ tôi từ trên nhà xuống lấy vài món hàng lên bán cho khách, mẹ vội nên chỉ kịp nói với một câu cho tôi: “Tí nữa xong, nhớ đóng cửa sau lại, nha con!”. Nhà tôi có cái cửa hàng tạp hóa nho nhỏ ở gian trước, cũng bán đủ thứ từ gạo, nếp, đậu các loại cho đến mấy thứ linh tinh như đinh, kẽm… đúng với cái tên “tạp hóa”. Từ ngày ba tôi mất thì cái cửa hàng ấy lại là nguồn thu nhập chính cho gia đình, thành ra mẹ thường có mặt ở nhà trên, thỉnh thoảng rảo xuống ngó nghiêng chị em tôi làm việc nhà rồi lại đi lên ngay để trông hàng. Xóm tôi ngày đó nổi tiếng với chuyện hay có người ăn cắp vặt, khi thì là mấy gói snack, lúc thì vài túi đường… Đó cũng là lý do mẹ dặn chị em tôi phải cẩn thận với chuyện cửa nẻo, đóng ngay khi không có ai ở dưới bếp. Tôi vo gạo và bắc nồi cơm xong, định đóng cửa thì thấy bà chị còn lúi húi dọn dẹp đống tàn dư ở ngoài sân sau khi làm mấy con cá, nên tôi chạy ton ton lên nhà đọc tiếp quyển truyện còn bỏ dở.
Đang say sưa tới khúc thú vị, tôi nghe tiếng mẹ la inh ỏi ở dưới bếp: “Thư! xuống đây ngay.” Lại bị cắt ngang lần thứ hai, tôi vác cái mặt cáu kỉnh xuống gặp mẹ:
Sao mẹ bảo đóng cửa mà không đóng, tối rồi mà còn để toang hoác như vầy đó hả? – Giọng mẹ thể hiện sự bực bội thấy rõ.
Tôi đảo mắt tìm chị Ba, chẳng biết chị xong từ lúc nào, chỉ biết trước mắt tôi là cửa mở toang ngó ra bóng tối mịt mù phía sau nhà, ở ngoài đó, có ai rình rập chắc cũng không thể thấy rõ. Biết mình sai rành rành, nhưng tôi cũng không vừa, cao giọng cãi lại: “Mới nãy con làm xong trước, chị Ba làm xong sau. Tại chị không chịu đóng chứ bộ.”
Sao con không nhắc chị? – Mẹ hỏi lại tôi, giọng có vẻ giận hơn nhiều
Chị làm sai, mẹ không la chị, lại la con… – Tôi tiếp tục phân bua tay đôi với mẹ.
“Đã không vâng lời, làm sai mà còn cãi nữa hả?” – Mẹ vừa quát, vừa giơ tay táng một cái như trời giáng vào đầu tôi. Cái bốp khá mạnh ấy làm tôi mất thăng bằng, đập đầu vào khoen tròn hay dùng để móc ổ khóa trên cánh cửa. Vừa choáng váng, vừa đau điếng, tôi quơ tay ôm lấy trán, và hoảng hồn khi nhìn tay mình toàn là máu. Ngay lúc ấy, mặt mẹ cũng tái xanh, í ới gọi chị Ba để chở tôi lên trạm xá.
Tôi được sát trùng, gây tê và khâu một mũi để đóng lại vết thương hở miệng đang rỉ máu. Ngay lúc ấy, trong tâm trí tôi chỉ ấp ủ những suy nghĩ: “Mẹ thật đáng ghét. Mẹ không hiểu chuyện mà còn đánh mình…” Đại loại là cái cảm giác lẫy khi bị người khác làm mình đau, làm mình bị tổn thương. Tối hôm đó, tôi về nhà và chỉ nói chuyện dăm ba câu với chị Ba, tuyệt nhiên không nói chuyện với mẹ. Tôi dặn lòng sẽ giận mẹ luôn và không thèm tha lỗi cho mẹ, tôi nghĩ mẹ là người đã có lỗi với tôi, và hẳn nhiên, tôi cho mình cái quyền được giận mẹ.
Ba ngày trôi qua, với cái tính bướng bỉnh của mình, tôi nhất quyết không mở miệng với mẹ dù chỉ một từ. Và dường như mẹ đọc được tất cả những suy nghĩ của tôi, mẹ cũng không đả động gì, vẫn ngày ngày nấu cơm cho tôi ăn, để tiền ăn vặt trên bàn học của tôi, một phần đồ ăn sáng trên giỏ xe đạp mỗi ngày… Tôi đã nghĩ mình sẽ hả hê lắm vì mẹ sẽ “sợ” mình, sẽ không bao giờ la rầy hay đánh mình nữa, sẽ thỏa sức đọc truyện vì mẹ không sai mình làm việc nhà nữa… Nhưng sự thật lại trớ trêu, cảm giác hả hê ấy không tồn tại, mà thay vào đó lại là cảm giác khác. Tôi thèm lắm việc muốn được xà vào lòng mẹ, kể cho mẹ nghe ngày hôm nay tôi đi học có chuyện gì vui, hay chỉ đơn giản là được hít hà hơi ấm của mẹ… Tất cả những cái đó tôi đều phải tự áp đảo mình rằng không được, khuôn mặt tôi lúc nào cũng cố căng ra khi có mẹ để thể hiện mình vẫn còn đang giận… Thật chẳng dễ chịu tí nào.
Đến tối ngày thứ ba, tôi thật sự hết chịu nổi cái cảm giác khó chịu ấy, tôi ôm lấy cổ mẹ từ phía sau khi mẹ đang lúi húi đếm tiền bán hàng trong ngày, rồi tôi thủ thỉ vào tai mẹ: “Mẹ ơi, con xin lỗi nhé!”. Ngay lúc ấy, mẹ xoay người lại, ôm tôi vào lòng và bảo: “Sao không giận nữa đi?”. Tôi cười trừ: “Con thấy giận mệt quá mẹ à”. Mẹ cười xòa, rồi săm soi vết chỉ khâu còn chưa cắt trên trán tôi và bảo: “Kiểu này mai mốt xấu rồi đây”… Ngay lúc ấy, tôi cảm nhận được sự nhẹ nhõm từ chính bản thân mẹ. Mẹ vẫn luôn yêu thương tôi, và mẹ xót khi tôi đau như thế nào, khi tôi xấu hơn một chút ra sao… Tôi thấy trái tim mình đang hoan hỉ trở lại, mọi thứ dường như bừng sáng xung quanh mình, và cảm giác được cười thay vì phải giả bộ căng mặt thật dễ chịu biết bao.
Sự tích vết sẹo trên trán tôi là thế đấy. Từ ngày đó trở đi, 12 năm nay, tôi ít khi giận ai lâu quá hai ngày, vì tôi biết, khi có một sự bất hòa trong một mối quan hệ, người giận và người bị giận, chẳng ai là sung sướng cả. Và chính khi ta tha thứ cho người khác, cũng là khi ta giúp mình trút bỏ đi một gánh nặng về tinh thần đó, bạn nhé!
Thanh Huyền