“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Vài nét Tiểu sử của Thánh Gioan Bosco

Gioan Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815, tại xóm Becchi, làng Castelnuovo d’Asti (nay là Castelnuovo Don Bosco), tỉnh Tôrinô; thuộc gia đình nghèo và mồ côi cha khi mới lên hai.

Mẹ Gioan là Bà Magarita. Bà đã sớm dạy con biết lao động ngoài đồng áng và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa qua những hiện tượng thiên nhiên.

Khi lên 9 tuổi, Gioan Bosco đã có một giấc mơ đầy tính tiên tri: nhờ sự hướng dẫn và trợ giúp của Mẹ Maria, ngài sẽ giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng thành người tốt, có ích cho xã hội và Giáo hội.

Mẹ Magarita đã phải rất khổ cực và vất vả để Gioan Bosco có thể đi học và theo đuổi ơn gọi linh mục.

Gioan Bosco chịu chức linh mục ngày 5 tháng 6 năm 1841. Cha linh hướng của ngài là cha Giuse Cafasso đã căn dặn: “Cha hãy rảo khắp thành phố và để ý nhìn chung quanh”. Nhờ đó vị linh mục trẻ đã nhận ra sự cùng khổ của người nghèo, nhất là của thanh thiếu niên.

Hình ảnh về nhà tù đã gây cho Don Bosco một ấn tượng sâu xa và khiến ngài phải suy nghĩ. Bởi thế, sau khi đi thăm nhà tù, ngài đã quyết định: “Tôi cần làm một việc gì đó để thanh thiếu niên khỏi phải vào tù”.

Thời bấy giờ, một số linh mục thường chờ đợi thanh thiếu niên tới nhà thờ hay phòng thánh để dạy giáo lý. Cần phải có những hình thức tông đồ mới: việc tông đồ lưu động, nơi các nhà hàng, nơi cửa tiệm, nơi xưởng thợ, nơi công viên… Nhiều linh mục đã thử nghiệm.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 1841, đứa trẻ đầu tiên đến với Don Bosco là cậu Bartôlômêô Garelli d’Asti. Ba ngày sau, 9 em khác cùng đến với cậu. Ba tháng sau, 25 em. Rồi vào mùa hè 1842, con số là 80 em. Thế là Nguyện xá đã bắt đầu.

Nhưng một số em không biết tìm đâu ra chỗ ngủ, ngoại trừ những nơi công cộng. Don Bosco đã nhận ra công việc cấp bách và quan trọng là lo chỗ ngủ cho những em đó.

Vị ân nhân đầu tiên của Don Bosco không phải là bà Bá tước, nhưng chính là bà mẹ của ngài, một người nhà quê 59 tuổi, nghèo và mù chữ, nhưng đạo đức, đã lên Tôrinô với ngài để lo việc bếp núc và giặt giũ.

Giữa những em sống với Don Bosco, có một số đã bày tỏ nguyện vọng “được trở nên như ngài”. Tu hội Salêdiêng được thành hình, với tên gọi là Tu hội Thánh Phanxicô Salê.

Mùa Thu năm 1853, xưởng thợ đầu tiên được thành lập. Chính Don Bosco đứng ra dạy nghề cho các em.

Ngày 26 tháng 01 năm 1854, Tu hội Salêdiêng chính thức được thành lập.

Ngày 30 tháng 11 năm 1860, “đứa trẻ đầu tiên của Don Bosco”, Micae Rua trở thành linh mục. Vào cuối đời, Don Bosco có thể nói rằng: gần ba ngàn linh mục đã xuất thân từ những con cái của mình.

Tháng 3 năm 1864, Don Bosco đặt viên đá đầu tiên cho Đền Thờ Đức Mẹ Phù Hộ tại Valdocco. Tám năm sau, ngài khởi sự một “Đền Thờ” khác kính Đức Mẹ: Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Tháng 11 tháng 1875, những vị truyền giáo Salêdiêng tiên khởi lên đường đi Nam Mỹ. Cùng năm ấy, các “Cộng Tác Viên”, Dòng Ba Salêdiêng, ra đời.

Trước khi qua đời, Don Bosco đã nói với các Cộng tác viên: “Không có lòng bác ái của các con, cha không làm được việc gì cả; nhờ lòng bác ái của các con, chúng tôi đã lau khô biết bao nước mắt và đã cứu được biết bao linh hồn”.

Nhưng công trình vĩ đại mà Don Bosco để lại cho Giáo Hội là “HỆ THỐNG GIÁO DỤC DỰ PHÒNG”. Bí quyết của Hệ thống này là “Sống với thanh thiếu niên”, nhờ đó nhà trường được biến thành “gia đình”. Toàn thể Hệ thống này có thể được tóm lại trong ba chữ: lý trí, tôn giáo và lòng thương mến. Khi người ta không dọa nạt, nhưng trò chuyện; khi Thiên Chúa là “Chủ Nhà”; khi người ta không sợ hãi, nhưng muốn điều tốt, gia đình sẽ nảy sinh.

Don Bosco qua đời sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1888. Với các tu sĩ Salêdiêng đang đứng chung quanh, ngài đã nói những lời sau đây: “Các con hãy muốn điều tốt cho nhau như là anh em. Hãy làm điều tốt cho mọi người, nhưng không làm điều xấu cho ai cả… Hãy nói với các thanh thiếu niên điều này: Cha chờ đợi tất cả trên Thiên Đàng”.

Carlo Ambrosio, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG