- Ngọc ơi, anh vừa biết kết quả thi đại học! Anh đậu rồi!!!
Nó cúp máy nhưng tiếng nói tràn ngập niềm vui của anh còn âm vang mãi trong lòng nó. Nó có thể hình dung được nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hiền hậu của anh.
Nó gặp anh trong kỳ thi đại học vừa rồi, khi tham gia chương trình tiếp sức mùa thi tại một giáo xứ trong thành phố. Nó nhớ ngày đầu gặp anh với xách nách mang nào là ba lô, giỏ xách, hộp màu, khung vẽ. Sau khi đỡ phụ anh những thứ lỉnh kỉnh đó, nó niềm nở chào và ghi tên anh vào danh sách như những thí sinh khác. Bởi không biết đối tượng trước mắt nên nó luôn miệng xưng chị và gọi mình bằng em. Mãi tới lúc cầm giấy báo thi của anh, nó mới thật sự bối rối… hix…anh hơn nó tới 3 tuổi.
Nhưng anh vừa ghi điểm “ấn tượng” trong lòng nó: “Hay thiệt đó, hơn tụi nhỏ tới 7 tuổi mà vẫn còn cất công đi thi”. Từ lúc đó, nó thường xuyên chú ý đến thí sinh “lớn tuổi”.
Một cách ngẫu nhiên, ngày anh đi thi, nó được phân công chở anh. Đó cũng là cơ hội tốt để trò chuyện tìm hiểu anh nhiều hơn. Và anh đã làm nó phải khâm phục.
Anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Đăk Nông, ở đó, thi vào đại học là một ước mơ xa vời như “hái trăng”, nhất là thi vào một ngành được xem là không dành cho dân quê, đó là ngành mỹ thuật. Anh thích vẽ, anh ước mơ trở thành hoạ sĩ xuất thân từ trường đại học mỹ thuật từ khi còn bé. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh đành tạm gác ước mơ sang một bên, để phụ giúp gia đình trồng cà phê và để lo cho các em ăn học. Tuy thế, anh không để ước mơ ngủ yên, nhưng thường xuyên nuôi dưỡng nó bằng những giờ cặm cụi vẽ trên đất, hay trong những cuộc thi vẽ của câu lạc bộ hoạ sĩ ở tỉnh.
Mảnh đất miền núi với núi cao xanh bạt ngàn, với những con đường đất đỏ dài hun hút, với những vườn cà phê lừng hương đã là nơi anh nung nấu giấc mơ, là nơi anh luyện những nhát cọ và để anh phiêu cùng mầu sắc. Bây giờ, kinh tế gia đình đã vững vàng và cuộc sống các em đã ổn, anh có thể sống cho giấc mơ hoạ sĩ của mình.
Lúc vào trường thi xem địa điểm, các bạn trẻ nhìn anh như thể nhìn kẻ từ hành tinh khác đến. Cái khung vẽ của anh, hộp mầu vẽ của anh, và cả nét rắn rỏi trên khuôn mặt anh, dáng người thô rám của anh đều thật lạc điệu so với tính chất ngành nghề đầy nghệ sĩ của ngành mỹ thuật. Nó vừa buồn cười vừa thương anh khi đối diện với cảnh huống này.
Như người chị đảm đang, nó chở anh đi mua khung vẽ, bảng mầu và bộ cọ mới. Nhìn vẻ trân trọng và háo hức của anh trước các gian hàng, lối anh xăm soi chọn cọ, chọn mầu; nhìn thấy ánh lấp lánh vui sướng trong khoé mắt của anh, nó nhận ra anh còn trẻ thơ lắm! Đúng thế đấy. Anh đúng là trẻ thơ trong thế giới lung linh này. Nó thầm cầu chúc anh chạm tay đến vì sao may mắn!
Hôm nay, nghe tin báo anh đậu đại học, nó còn mừng hơn cả tin thằng em họ vừa đậu. Nó nhận ra mình phải cảm ơn anh nhiều, vì gương nghị lực của anh đã vực nó không té xấp té ngửa do đối mặt với đời sống thực sau khi tốt nghiệp đại học. Không tìm được việc làm, nó như dần mất đi khả năng mơ ước, nhưng rồi nét rắn rỏi pha lẫn tinh khôi trên khuôn mặt đầy quyết tâm của anh đã cho nó sức đẩy để vượt trên sự thất vọng của bản thân.
“Khó khăn luôn có nhưng mọi sự sẽ qua thôi!” câu nói của anh như đôi cánh hy vọng cho nó mơ về “ngày mai trời lại sáng”. Quả thật, khó khăn sẽ là vực thẳm cho kẻ nhát đảm nhưng lại là bệ phóng cho người có nghị lực. Phần thưởng xứng đáng nhất chỉ giành cho những ai có đủ dũng cảm thực hiện ước mơ của mình.
Nó mỉm cười, thầm cầu chúc anh bước đi mạnh mẽ trên con đường anh đã chọn. Còn nó, nó sẽ vượt qua tất cả để thực hiện giấc mơ của mình. Bởi nó anh đã là bằng chứng hùng hồn nhất về bản lãnh sống và sức vươn lên của con người.
Cảm ơn anh, người hoạ sĩ đã hoạ lại trong em ước mơ!
Hồng Ngọc