Như thường xảy ra với các thánh, Don Bosco nhìn lịch sử của mọi sự từ nhãn quan của Thiên Chúa. Dù vẫn đang sống trên trần gian nhưng đôi mắt của Don Bosco luôn hướng về trời cao.
Trong truyền thống Salêdiêng, tháng Năm luôn mang một ý nghĩa đặc biệt khi được dành để kính Đức Maria. Don Bosco là một người thực tế, biết thích ứng với những đòi hỏi đặt ra cho mình. Ngài xác tín rằng cuộc đời của ngài luôn được Thiên Chúa hướng dẫn, ngài sẵn sàng thực hiện những thay đổi mà hoàn cảnh đòi hỏi, không chùn bước trước những khó khăn hoặc từ bỏ những xác tín sâu sắc nhất của mình trong hoạt động mục vụ và giáo dục.
Chàng trai trẻ – Gioan Bosco đã học được bài học về lòng sùng kính Đức Maria từ những người khiêm tốn ở Morialdo và Capriglio, nơi sinh của thân mẫu của ngài, Mẹ Ma-ga-ri-ta. Ở đó, họ tôn kính Đức Mẹ Mân Côi và Đức Mẹ Sầu Bi. Ở Castelnuovo d’Asti, giáo xứ nơi ngài được rửa tội và Rước lễ lần đầu, Madonna del Castello (Đức Mẹ Lâu Đài) được biết đến nhiều hơn, trong khi ở nhà thờ chính tòa Chieri, bàn thờ được viếng thăm nhiều nhất là bàn thờ của Madonna delle Grazie (Đức Mẹ Ban Ơn), trước đó Don Bosco đã làm tuần cửu nhật kết thúc với quyết định trở thành linh mục.
Trong Hồi ký Nguyện xá, Don Bosco kể lại rằng mẹ của ngài đã nói với ngài những lời thật đáng nhớ như sau: “Khi con chào đời, mẹ đã tận hiến con cho Đức Trinh Nữ Maria; khi con bắt đầu đến trường, mẹ đã khuyên con hãy tôn sùng Mẹ của chúng ta; và bây giờ, Mẹ muốn nói với con rằng hãy phó thác hoàn toàn cho Đức Maria; hãy yêu mến những người bạn cùng trang lứa có lòng sùng kính Mẹ Maria; và nếu con trở thành một linh mục, hãy luôn rao giảng và cổ võ lòng sùng kính Đức Maria.”
Mẹ Maria luôn hiện diện trong cuộc đời của Don Bosco. Ngay từ đầu, khi viết về cuộc đời của Luigi Comollo vào năm 1844, và trong Giovane istruuito (Chàng trai trẻ được giáo dục tốt), viết vào năm 1847, ngài đã cổ vũ lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa bằng cách lần hạt Mân Côi, đọc ba kinh Kính Mừng và các việc thực hành phổ biến khác trong thời của ngài.
Theo lời khuyên của Đức Giáo hoàng Piô IX, khi Don Bosco bắt đầu viết Hồi ký Nguyện xá Thánh Phanxicô Salê từ năm 1873 đến 1876, ngài nhận thức rõ ràng rằng trong suốt cuộc đời mình, chính Thiên Chúa đã hướng dẫn ngài. Ngài nói điều này mà không do dự khi bắt đầu câu chuyện, và nói rõ: “Hồi ký này bây giờ có thể phục vụ cho mục đích gì? Nó sẽ là một biên bản giúp mọi người vượt qua những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai bằng cách học hỏi từ quá khứ. Nó sẽ giúp cho chúng ta biết rằng chính Thiên Chúa đã luôn hướng dẫn chúng ta thế nào”.
Don Bosco đã xác định phương tiện trợ giúp thiêng liêng một cách đặc biệt là Đức Maria, Mẹ của Người Lạ đã hứa với ngài trong một giấc mơ, khi mới 9 tuổi: “Ta sẽ cho con một Bà giáo. Dưới sự hướng dẫn của Bà, con sẽ trở nên khôn ngoan. Không có Bà, mọi sự khôn ngoan đều là ngu xuẩn.” […] Sau đó, Bà đặt tay lên đầu tôi và nói: ‘Rồi sau này con sẽ hiểu mọi chuyện.’”
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong các cuốn Hồi ký, Don Bosco đã chỉ ra ngày sinh của ngài là “ngày thánh hiến cho Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, ngày 15 tháng 8 năm 1815, chứ không phải ngày 16 như đã ghi trong sổ rửa tội. Cũng trong Hồi ký đó, ngài nhớ lại những ngày khác đánh dấu câu chuyện gợi lên các sự kiện về Đức Mẹ: cuộc gặp gỡ với Cha Calosso “vào Chúa Nhật thứ hai của tháng 10 khi cư dân Morialdo cử hành ngày lễ Tình Mẫu Tử của Đức Maria Chí Thánh” (1827); cuộc đối thoại với Bartolomeo Garelli “vào ngày lễ trọng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội” (1841); sự khởi đầu của Nguyện xá “vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình” và “vào ngày lễ Truyền tin” (1842); việc chuyển đến Nguyện xá mới “vào Chúa nhật thứ ba của tháng 10, dành riêng cho Tình mẫu tử của Đức Maria” (1844) và cuối cùng là “lối vào Ngôi nhà Pinardi vào Chủ nhật Phục sinh” (1846) vui vẻ.
Vào cuối đời, vào ngày 16 tháng 5 năm 1887, để hoàn thành công việc đầy vất vả là xây dựng Đền thờ Thánh Tâm ở Rôma, được Đức Giáo hoàng Lêô XIII giao phó cho ngài, vào ngày sau lễ cung hiến, Don Bosco đã cử hành Thánh lễ tại bàn thờ kính Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu. Để giải nghĩa cảm xúc mà ngài cảm nhận và điều đó đã khiến ngài nhiều lần phải gián đoạn trong thánh lễ, ngài đã tóm tắt kinh nghiệm ơn gọi trong suốt cuộc đời mình bằng một cụm từ đơn giản: “Mẹ đã làm mọi sự.”
Sự hiện diện của Mẹ Maria Vô Nhiễm đã đồng hành với Don Bosco trong những năm đầu tiên ở chủng viện Chieri (1835) và khi thụ phong linh mục (1841); từ việc cung hiến một bàn thờ trong nhà thờ nhỏ Thánh Phanxicô Salê (1852) đến việc đặt bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm khổng lồ trên mái vòm của nhà thờ lớn dâng kính Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu (1867).
Trong công cuộc của Don Bosco, tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu” đến muộn hơn, vào năm 1862, khi tin tức về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ ở Spoleto, khi đó là một phần của Lãnh thổ Giáo hoàng do Đức Piô IX cai trị, lan truyền ở Ý.
Trong Hồi Ký của Nguyện xá, Don Bosco không đề cập đến Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu, bởi vì những gì được thuật lại trong đó không vượt quá năm 1854. Khi đó, hai mươi năm sau, ngài đã hoàn thành việc xây dựng Đền Thờ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu ở Tôrinô (1868), ngài đã thành lập Hiệp hội những người sùng kính Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu (1869), hiện được gọi là Hiệp hội Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, thành lập Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu (1872) và đã xuất bản một số tác phẩm về những điều kỳ diệu được gán cho việc cầu xin Mẹ Maria Phù hộ các Giáo hữu.
Chắc chắn rằng trong số những xác tín không thể phủ nhận của Don Bosco phải kể đến sự hiện diện không thể thay thế của Mẹ Maria trong cuộc đời và trong sứ vụ giáo dục của ngài. Mặc dù một số kinh nghiệm trong cuộc đời của ngài bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của thời đại, nhưng rõ ràng là đối với ngài, lòng sùng kính Đức Maria dựa trên Tình mẫu tử thiêng liêng, dẫn đến một cuộc sống gương mẫu và đảm bảo sự bảo vệ liên tục của Giáo hội. Điều này được chứng tỏ qua kinh nghiệm của Don Bosco và qua việc thực hành Phép Lành Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu mà ngài đã thực hành cho đến cuối đời.
Lòng trung thành với Don Bosco đòi hỏi lòng sùng kính Đức Mẹ không bị giản lược thành chuyện dân gian đơn thuần. Đây cũng là sự xác tín của những người Salêdiêng đầu tiên và các Nữ tu Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu được cử đi truyền giáo đến Argentina, như đã được chứng minh ngày nay qua 73 nhà thờ dành riêng cho Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu – 40 giáo xứ và 33 nhà thờ công cộng, chưa kể nhiều nhà nguyện trong các trường học – được tìm thấy ngày nay ở đất nước này.
Cha Juan Picca, SDB
Gia Thi, SDB chuyển ngữ