PHẦN DẪN NHẬP
Trong suốt lịch sử của mình, dân Chúa luôn tìm được sức mạnh nơi Lời Chúa, và cả ngày nay nữa, cộng đoàn Kitô hữu cũng đang lớn lên nhờ lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa. Để tái thức tỉnh và nuôi dưỡng đức tin, thì điều cần thiết là “việc lắng nghe Lời Chúa phải trở thành một cuộc gặp gỡ trao ban sự sống. Cuộc gặp gỡ này đón nhận từ bản văn Kinh Thánh những Lời hằng sống, cũng là lời tra vấn, hướng dẫn và uốn nắn đời sống chúng ta”.[1]
Việc soạn thảo Lectio divina cho Tuần chín ngày chuẩn bị lễ thánh Gioan Bosco dựa trên Hoa thiêng 2024 và những suy niệm Tin Mừng của Don Bosco.[2]
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe và dễ dạy, để thực hành những hướng dẫn mà Lời Chúa ban cho con, cũng như biết đón nhận những lời khôn ngoan của những người có trách nhiệm hướng dẫn con đạt đến ơn cứu độ. Phán xét của Ngài thật công chính làm hoan lạc tâm hồn. Giới răn của Ngài rõ ràng, chiếu sáng tâm trí; lề luật của Ngài tinh tuyền, làm biến đổi tâm hồn. Với ơn trợ giúp của Chúa, xin cho con biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”.[3]
NGÀY THỨ NHẤT (Ngày 22 tháng 01)
“Cha đã có một giấc mơ.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Năm 2024, chúng ta kỷ niệm hai trăm năm giấc mơ mà cậu bé Gioan Bosco đã mơ vào năm 1824. Giấc mơ đó được dòng Don Bosco và Gia đình Salêdiêng biết đến như là “Giấc mơ chín tuổi”. Giấc mơ đã “quyết định toàn bộ lối sống và suy nghĩ của Don Bosco; và đặc biệt, cách cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người và trong lịch sử thế giới”.[4] Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa gọi trong cuộc sống.
2. Cầu nguyện
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc một bài hát về Chúa Thánh Thần, hoặc đọc lời nguyện sau:
Lạy Cha, chớ gì Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng chúng con trở thành tiếng nguyện cầu của chúng con. Xin Ngài hướng dẫn chúng con đối thoại cùng Cha, để khám phá sự phong phú của tình yêu Cha, và biến đổi đời sống chúng con bằng ân sủng Ngài. Xin Ngài giúp chúng con trở nên can đảm, kịp thời và trung thành trong việc thực thi sự thánh hiến thanh tẩy và tu trì, nhằm chu toàn sứ mệnh đặc biệt của chúng con, là phục vụ giới trẻ trong Giáo Hội và trên thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen).
3. Lời Chúa: Giêrêmia 1,4-10
Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.
Nhưng tôi thưa: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Đức Chúa phán với tôi: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.
Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng”.
4. Suy niệm
4.1. Lời Chúa tường thuật cho chúng ta câu chuyện ơn gọi và sứ mệnh của ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1,4-1). Vị ngôn sứ được gọi và tuyển chọn ngay từ lúc còn là bào thai trong lòng mẹ, để thi hành một sứ mệnh bao quát vượt ranh giới Israel.
Thiên Chúa tuyển chọn, “thánh hóa”, trao ban “lời” của Ngài và luôn hiện diện, “ở với” để phù trợ với vị ngôn sứ.
(Thinh lặng giây lát)
4.2. Don Bosco thuật lại cho chúng ta ơn gọi và sứ mệnh của ngài trong quyển Hồi ký Nguyện xá với câu chuyện “Giấc mơ chín tuổi”. “Vào khoảng chín tuổi, cha có một giấc mơ đã khắc ghi trong tâm trí suốt cuộc đời”.[5]
“Giấc mơ chín tuổi” không đơn thuần chỉ là hồng ân Thiên Chúa mặc khải, mà còn là một sứ mệnh thực sự, một nghĩa vụ nghiêm túc mà Thiên Chúa muốn Don Bosco phải tuân theo. Chúng ta có thể so sánh sứ mệnh của Don Bosco với điều mà ngôn sứ Giêrêmia trải nghiệm. Khi được kêu gọi, vị ngôn sứ thân thưa với Chúa: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” Đức Chúa phán: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi sấm ngôn của Đức Chúa”. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì – sấm ngôn của Đức Chúa – có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,6-8.19).
(Thinh lặng)
4.3. Sứ mệnh của Don Bosco là gì? Cha Giovanni Battista Lemoyne trong quyển thứ nhất Hồi ký tiểu sử Don Bosco nêu lên những đặc điểm của sứ mệnh Don Bosco bao gồm:
- Thành lập các dòng tu: Dòng Salêdiêng Don Bosco và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu;
- Cứu rỗi giới trẻ khắp thế giới với các Nguyện xá, lưu xá, trung tâm mồ côi, trường học, xưởng thợ, trung tâm hướng nghiệp;
- Đào tạo ơn gọi tu sĩ linh mục: chuẩn bị cho Giáo Hội những ơn gọi tốt nhất đến từ nhiều quốc gia và cung cấp ơn gọi cho các giáo phận;
- Thành lập các trường học công giáo, như một giải pháp đối phó với các giáo viên thiếu đạo đức vốn giảng dạy những điều sai lầm và tham nhũng;
- Xuất bản và quảng bá sách báo tốt với rất nhiều nhà in, phổ biến hàng triệu triệu cuốn sách thiêng liêng, đạo đức, lịch sử, những quyển sách cho giới bình dân, bảo vệ chân lý công giáo, những cuốn sách giáo khoa, Bản tin Salêdiêng với nhiều ngôn ngữ khác nhau, cho thấy công cuộc do bàn tay Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria;
- Thành lập Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (ADMA), Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng, là ân nhân của Don Bosco, luôn cầu nguyện và hỗ trợ mọi công việc của ngài, là mối dây liên kết giữa giám mục và giáo phận, giữa cha sở và giáo dân trong mọi công việc bác ái tinh thần hoặc vật chất;
- Gởi các nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng nhiều nơi trên thế giới: Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi;
- Bảo vệ Đức Giáo Hoàng trong những hoàn cảnh khác nhau.
Theo cha Lemoyne, đó là toàn bộ ý nghĩa của “giấc mơ chín tuổi”. Vì thế, chúng ta có thể nói về Don Bosco như sau: “Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước. Chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng.[6] Ta trao cho ngươi các vua, các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ” (Gr 1,10.18).
(Thinh lặng)
4.4. Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã khơi dậy Don Bosco, và ban cho ngài cõi lòng một người Cha và Thầy. Chúa đã dẫn dắt ngài thành lập Dòng Salêdiêng Don Bosco, xin cũng ban cho chúng con, là những người được kêu gọi tiếp tục cùng một sứ mệnh ấy, sức mạnh và niềm vui, để như Don Bosco, chúng con có thể hiến trọn vẹn cho Chúa và cho thanh thiếu niên.
5. Hành động
Nhớ lại giây phút tôi nhận ra Thiên Chúa gọi tôi.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ HAI (Ngày 23 tháng 1)
“Cha thấy mình ở gần nhà, trong một cái sân rất rộng.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, Don Bosco “thấy mình ở gần nhà, trong một cái sân rất rộng, nơi nhiều trẻ em quy tụ vui chơi”. Khung cảnh một “cái sân” rộng lớn báo hiệu môi trường làm việc phong phú của Don Bosco và con cái của ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và ban ơn trong cánh đồng mục vụ của chúng ta.
2. Cầu nguyện:
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Ga 11,45-52
Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.
4. Suy niệm
4.1. Sau sự kiện Ladarô sống lại, “Thượng Hội Đồng Do Thái được triệu tập và bàn luận tìm cách giết Đức Giêsu. Một người tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân”,[7] không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
4.2. Không gian của giấc mơ chín tuổi là một khoảng sân rộng gần nhà. Khung cảnh giấc mơ diễn ra trong “sân”, rộng lớn và quen thuộc (gần nhà), rất ý nghĩa và mang tính ngôn sứ, bởi vì, “sân Nguyện xá” sẽ trở thành nơi chốn đặc biệt và biểu tượng cho sứ mệnh của Don Bosco.
Sự kiện về viễn cảnh ơn gọi của Don Bosco không đến từ một nơi chốn linh thiêng hay một không gian trên trời, nhưng là môi trường nơi trẻ em sống và vui chơi, cho thấy rõ ràng rằng, sáng kiến của Thiên Chúa lấy thế giới của trẻ em làm nơi chốn gặp gỡ của Ngài với chúng. Vì thế, sân chơi nói lên sự gần gũi của ân sủng thiêng liêng đối với cảm thức của trẻ em: không cần phân biệt tuổi tác để đón nhận ân sủng. Mọi người đều có thể đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.[8]
4.3. Để cứu vớt giới trẻ, cần quy tụ họ. Trên “sân”, đám trẻ ngừng vui đùa, hết la hét và chửi thề, tất cả quy tụ bên người đàn ông đáng kính đang nói chuyện với Don Bosco. Việc “quy tụ” này là một trong những chủ đề thần học và sư phạm quan trọng trong khóe nhìn giáo dục của Don Bosco.
Vào năm 1854, trong phần giới thiệu Nội quy Nguyện xá thánh Phanxicô Salê ở Valdocco, Don Bosco bắt đầu bằng câu Tin Mừng này để xác định mục đích của Nguyện xá: “Ut filios Dei, qui erant dispersi, congregaret in unum – để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).[9]
“Những lời Tin Mừng giúp chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đã từ trời xuống trần gian, để quy tụ tất cả con cái của Thiên Chúa đang sống rải rác khắp nơi trên trái đất; đó là cho giới trẻ ngày nay. Những người trẻ này thực sự cần những tấm lòng nhân hậu chăm sóc, giáo dục và hướng dẫn họ đi trên con đường nhân đức, giúp họ tránh những điều xấu xa. Khó khăn hệ tại ở việc quy tụ họ, để có thể trò chuyện và giáo dục họ. Đây là sứ mệnh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Trong số các phương tiện để cứu vớt các thanh thiếu niên và giới trẻ bị bỏ rơi và thiếu giáo dục, có Nguyện xá chúng ta. Nguyện xá quy tụ giới trẻ và tổ chức những hình thức giải trí bình dân và chân thật, sau khi đã tham dự các cử hành phụng vụ và đạo đức”.[10]
4.4. “Don Bosco đã sống một kinh nghiệm mục vụ điển hình trong Nguyện xá đầu tiên của ngài. Nguyện xá này đối với thanh thiếu niên từng là mái nhà tiếp nhận, xứ đạo rao giảng Tin Mừng, ngôi trường dẫn vào cuộc sống và sân chơi, nơi bạn hữu gặp nhau trong niềm vui” (HL 40).
Nguyện xá của chúng ta là “nhà” Salêdiêng, “cộng đoàn” Salêdiêng; là nơi chốn, môi trường giáo dục và rao giảng Tin Mừng cho thanh thiếu niên và giới trẻ (x. QC 11); bao gồm nhà thờ, lớp giáo lý, trường học, xưởng thợ, lớp học, sân chơi, trường dạy nghề, trung tâm huấn nghệ, lưu xá, trung tâm trẻ, …
4.5. Lạy Chúa, Chúa quy tụ chúng con lại với nhau thành một gia đình duy nhất, xin giúp chúng con nhiệt tâm quy tụ giới trẻ và thanh thiếu niên để giúp họ gặp gỡ Chúa.
5. Hành động
Đâu là nơi chốn tôi quy tụ và giúp giới trẻ gặp gỡ Chúa?
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ BA (Ngày 24 tháng 01)
“Có nhiều trẻ em; đứa thì vui chơi, một số khác chửi thề.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, Don Bosco “thấy mình ở gần nhà, trong một cái sân rất rộng, nơi nhiều trẻ em quy tụ vui chơi. Đứa thì vui cười, những đứa khác vui chơi, một số khác chửi thề”. Sau này, Nguyện xá Valdocco đầy ấp thanh thiếu niên và giới trẻ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và của giới trẻ trong cuộc đời chúng ta.
2. Cầu nguyện:
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Mc 10,13-16.
Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
4. Suy niệm
4.1. Trong quyển Lịch sử cứu độ, Don Bosco nhấn mạnh “tình cảm đặc biệt” của Đức Giêsu đối với trẻ em: “Con Thiên Chúa đã trở thành con người để cứu vớt tất cả mọi người. Ngài biểu lộ những dấu hiệu của lòng nhân từ đặc biệt đối với trẻ em. Một số trẻ em đùa giỡn, nói chuyện xung quanh Đức Giêsu; các Tông Đồ cảm thấy ồn ào và muốn đuổi chúng đi. Đức Giêsu nói với các Tông Đồ rằng, đừng xua đuổi chúng, hãy để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Ngài gọi các trẻ em đến, và đặt tay chúc lành cho chúng”.[11]
4.2. Don Bosco khẳng định lòng thương mến của Thiên Chúa dành cho thanh thiếu niên trong quyển Người bạn của giới trẻ. Don Bosco cho thấy thái độ của Đức Giêsu đối với họ: “Ngài yêu thương đặc biệt trẻ em. Những gì chúng ta làm cho trẻ em là làm cho chính Ngài”.[12]
Đức Giêsu là “người bạn đích thực của trẻ em”.[13] “Có nhiều dấu hiệu của lòng thương mến đặc biệt mà Đức Giêsu dành cho giới trẻ! Ngài không ngần ngại nói rằng: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.[14]
4.3. Các thiếu niên đầy ắp trong “giấc mơ chín tuổi”. Họ có mặt từ đầu giấc mơ cho đến những hình ảnh cuối cùng. Sự hiện diện của họ đặc trưng bởi niềm vui và trò chơi, nhưng cũng có những hành động hỗn loạn và tiêu cực. Các thiếu niên trong giấc mơ là những thiếu niên hiện thực trong xã hội với những tính cách đặc trưng của chúng: vui chơi, đùa giỡn, đánh nhau, chửi thề.
Các thanh thiếu niên và giới trẻ là nhân vật chính của giấc mơ chín tuổi, và cho dẫu họ không cất tiếng nói một lời nào, nhưng mọi thứ đều xoay quanh họ. Hơn nữa, những nhân vật thần linh và chính Gioan Bosco đều hiện diện nhờ giới trẻ và vì giới trẻ. Do đó, toàn bộ giấc mơ chín tuổi là giới trẻ và dành cho họ: dành cho những bạn trẻ. Nếu chúng ta loại trừ những người trẻ ra khỏi giấc mơ này thì sẽ chẳng có ý nghĩa cho sứ mệnh của chúng ta.[15]
4.4. Chúng ta, những tu sĩ Salêdiêng Don Bosco, “là những người giống Chúa Giêsu Kitô, đến với những người nghèo, những người bé mọn, những người yếu kém và các trẻ em”.[16]
Điều quan trọng xảy ra trong giấc mơ và chính Don Bosco cũng như tất cả chúng ta, những người bước theo ngài, học được là khám phá ra rằng tiến trình biến đổi luôn luôn có thể thực hiện được. Đó là một tiến trình hoán cải và biến đổi từ những con sói thành những con chiên, và chúng ta có thể nói theo ngôn ngữ ngày nay, từ những con chiên thành một cộng đoàn giới trẻ tôn vinh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. [17]
4.5. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong cuộc sống trần thế, Chúa đã thể hiện tình yêu lớn lao đối với trẻ em. Chúa nói với các Tông Đồ: Hãy để trẻ em đến với Thầy! Chúa đã đón nhận trẻ em, chúc lành và nói rằng Nước Thiên Chúa là của những ai có tâm hồn thơ bé”.[18] Xin cho con biết yêu mến các thanh thiếu niên và giới trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ, và tìm cách quy tụ chúng đến với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
5. Hành động
Canh tân sự thánh hiến và phục vụ của tôi đối với giới trẻ nghèo.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ TƯ (Ngày 25 tháng 01)
“Bằng sự dịu hiền và đức ái, con sẽ chinh phục các bạn trẻ.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Đáp lại tiếng Chúa gọi trong sứ mệnh giữa thế giới, người Salêdiêng chúng ta xin cho mình được chính trái tim của Chúa Giêsu: yêu thương những kẻ bé nhỏ, nghèo hèn. Ơn gọi chúng ta ghi dấu bằng tình ưu ái dành cho giới trẻ nghèo khổ hơn. Chúng ta xin Thánh Thần uốn nắn cõi lòng của mình để nên hiền lành và mến thương, nét đặc trưng của người Salêdiêng (x. HL 3).
2. Cầu nguyện:
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: 1Cr 13,4-7
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. […] Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
4. Suy niệm
4.1. Đức mến (ágape) là một tình yêu quý trọng và phục vụ tha nhân, chứ không phải tình yêu đam mê và ích kỷ. Nguồn mạch đức mến là Thiên Chúa, Đấng đã đi bước trước vì yêu thương nhân loại (1 Ga 4,19), đã ban tặng Con Một Người để nhân loại trở thành con cái Thiên Chúa. Trong bài ca Đức Ái (1 Cr 13,1-13), thánh Phaolô nêu lên những đức tính và hoa trái của đức mến.
4.2. Trong giấc mơ chín tuổi, khi hòa mình giữa đám trẻ, ngăn cản chúng đánh nhau, chửi thề, Gioan Bosco dùng những cú đấm cú đá, nhưng người đàn ông đáng kính xuất hiện và nói với cậu: “Không phải bằng những cú đánh cú đá, mà bằng sự hiền hậu và đức ái, con sẽ chinh phục những bạn trẻ của con”.
Để những con vật hung dữ trở thành những con chiên, để biến đổi thanh thiếu niên, trước hết nhà giáo dục phải trở nên hiền hậu.
4.3. Sự hiền hậu là một đặc điểm của tinh thần Salêdiêng, kín múc từ Đức Giêsu, “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28).
Theo những gợi ý của thánh Phanxicô Salê, Don Bosco mong muốn các Salêdiêng sống “bác ái và hiền hậu”, vốn không phải là hai nhân đức, mà là bác ái được biểu hiện trong sự hiền hậu. Quả vậy, sự hiền hậu là bông hoa của lòng bác ái. Nếu như lòng khiêm nhường là đặc trưng cho con người chúng ta đối với Thiên Chúa, thì sự hiền hậu tóm tắt thái độ quan tâm chăm sóc của chúng ta đối với tha nhân. Quả vậy, “lòng khiêm nhường làm cho chúng ta trở nên hoàn hảo trong tương quan với Thiên Chúa, và lòng hiền hậu giúp chúng ta hoàn hảo trong tương quan đối với tha nhân”.[19]
4.4. Sự hiền hậu là “lòng thương mến” Salêdiêng. Don Bosco nhấn mạnh đến lòng thương mến trong Hệ thống Dự phòng, vốn hoàn toàn dựa trên những lời của thánh Phaolô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4.7). Đó là sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, sự khôn ngoan giúp cho người trở nên “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, chân thành” (Gc 3,17).
“Được Thiên Chúa, Đấng là trọn cả tình thương, sai đến với các thanh thiếu niên, người Salêdiêng sống cởi mở và đi bước trước và luôn tiếp đón với lòng nhân hậu, kính trọng và kiên nhẫn” (Hiến Luật 15).
4.5. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các thanh thiếu niên, đặc biệt những em nghèo khổ: đối tượng mà Thiên Chúa trao phó cho chúng ta, song nhiều lúc chúng ta lại lơ là, không quan tâm đến hạnh phúc đích thực và toàn diện của từng em một.
5. Hành động
Cầu nguyện cho thanh thiếu niên mà tôi đang phục vụ.
Sống hiền lành và tỏ ra dễ thương.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ NĂM (Ngày 26 tháng 01)
“Con phải biến nó trở thành khả thể, bằng đức vâng phục.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, người đàn ông đáng kính xuất hiện, trao cho Don Bosco một sứ mệnh, nói với ngài rằng, “chính vì những điều dường như là không thể đối với con, thì con phải biến nó trở thành khả thể, bằng đức vâng phục và tiếp thu kiến thức”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi cõi lòng chúng ta, giúp chúng ta trở nên dễ dạy với Ngài.
2. Cầu nguyện
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Mt 26, 36-42.
Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện”. Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn”. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha”.
4. Suy niệm
4.1. “Đức Giêsu đến núi Ôliu, bước vào một khu vườn tên là Ghếtsêmani. Ngài nói các Tông Đồ dừng lại, sau đó Ngài cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan đi xa hơn một chút để cầu nguyện. Chính tại nơi này, Đức Giêsu cảm thấy sức nặng của những đau khổ nơi bản tính con người của Ngài. Ngài cầu nguyện, buồn rầu đau đớn, và Ngài nói với các môn đệ: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”.[20]
Don Bosco đặc biệt lưu tâm đến thái độ sẵn sàng của Đức Giêsu trước thánh ý Chúa Cha. Điều này được bày tỏ trong lời cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.[21]
4.2. Với giấc mơ chín tuổi, Don Bosco phải vâng phục và dễ dạy với Chúa Thánh Thần. “Ngài sẽ phải học cách chiêm ngắm và khám phá tiến trình biến đổi, biết rằng hành trình, con đường mà ngài cùng bước với các thanh thiếu niên sẽ dẫn họ đến sự sống, và gặp gỡ với người đàn ông đáng kính trong giấc mơ chín tuổi và với người mẹ, nghĩa là đồng hành với giới trẻ và dẫn họ đến Chúa Giêsu và Mẹ Maria”.[22]
4.3. Chúng ta, các tu sĩ Salêdiêng Don Bosco, sống tinh thần vâng phục và kín múc sự dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần. Phong cách này phải trở thành “xác thịt và cuộc sống” trong mọi giai đoạn đào luyện ban đầu và đào luyện liên tục trong nhà Dòng. “Với việc tuyên khấn vâng phục, chúng ta dâng ý chí chúng ta cho Thiên Chúa và lặp lại đời sống vâng phục của Đức Kitô trong Hội Thánh và trong nhà Dòng, qua việc chu toàn sứ mệnh được trao phó cho chúng ta” (Hiến Luật 64).
4.4. Don Bosco khuyên dạy giới trẻ: “Nếu con bị đòi hỏi thực hiện một điều gì đó khó khăn và đau đớn, con hãy bắt chước Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự mình chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại, và vì vậy con sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì được trao cho con, cho dẫu điều đó có thể rất nặng nề và khó khăn”.[23] “Bề trên hướng dẫn, dìu dắt và khích lệ qua việc thận trọng sử dụng quyền bính của mình. Tất cả mọi hội viên cộng tác bằng một sự vâng phục thẳng thắn, mau lẹ, thi hành với ‘tâm hồn vui vẻ và lòng khiêm tốn” (Hiến Luật 65).
4.5. Chúng ta cùng cầu nguyện như Don Bosco dạy chúng ta:
Lạy Chúa Giêsu Kitô, khi tâm hồn con khô khan và bất mãn, không muốn vác thập giá với Chúa, xin cho con bắt chước Ngài trong vườn Ghếtsêmani, sấp mình và cầu nguyện cùng với Chúa Cha, đón nhận chén đắng và thân thưa: Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.[24]
5. Hành động
Thường xuyên lặp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ SÁU (Ngày 27 tháng 01)
“Ta sẽ ban cho con một bà giáo.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, người đàn ông đáng kính nói với Don Bosco, “Ta sẽ trao cho con một bà giáo, dưới sự hướng dẫn của bà, con có thể trở nên khôn ngoan”. Cùng với Đức Maria trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cuộc đời chúng ta.
2. Cầu nguyện:
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Ga 19, 25-27
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
4. Suy niệm
4.1. Theo Don Bosco, “Chúa Giêsu Kitô đã chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta biết nhường nào. Ngài vẫn mong ước biểu hiện tình yêu dành cho chúng ta. Trên thánh giá, Đức Giêsu hướng ánh mắt hấp hối về thân mẫu của mình, kho tàng duy nhất của Ngài còn sót lại trên trái đất. Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Ngài nói với môn đệ Gioan: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”.[25]
“Đức Maria chấp nhận trở thành mẹ của chúng ta, không chỉ với tước hiệu, nhưng với trọn vẹn nhiệm vụ và bổn phận của một người mẹ, trước hết là bảo vệ và giúp đỡ con cái của mình”.[26] “Vì thế, chúng ta có quyền cậy nhờ đến sự trợ giúp của Mẹ Maria. Năng quyền này được thánh hiến bởi những lời Chúa Giêsu Kitô và được bảo đảm bởi tình mẫu tử dịu hiền của Mẹ Maria”.[27]
4.2. Don Bosco mang trong tâm hồn tình yêu đối với Đức Maria. “Mẹ Maria chỉ cho Don Bosco cánh đồng làm việc của ngài giữa giới trẻ và liên lỉ hướng dẫn và nâng đỡ ngài, nhất là trong việc sáng lập Dòng chúng ta” (Hiến Luật 8).
“Ta sẽ trao cho con một bà giáo, dưới sự hướng dẫn của bà, con có thể trở nên khôn ngoan”. Có một sự tương quan tuyệt vời giữa Don Bosco và Mẹ Maria: Mẹ mãi mãi là “Mẹ của Don Bosco” và Don Bosco là “Vị Thánh của Đức Maria”, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Cách khiêm tốn, Don Bosco nhìn nhận rằng, “không phải cha là tác giả của những công trình tuyệt diệu mà các con nhìn thấy. Tác giả chính là Thiên Chúa; là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã tỏ mình cho vị linh mục nghèo hèn này. Chính Mẹ Maria đã thực hiện tất cả”.
Chúng ta hãy bắt chước Don Bosco và giống như ngài, chúng ta sẽ làm cho các thanh thiếu niên nam nữ, giới trẻ và mọi người yêu mến Đức Maria, bởi vì “Đức Maria là tất cả đối với Don Bosco; và người Salêdiêng muốn có được tinh thần của Đấng sáng lập phải noi gương ngài trong việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria”. [28]
4.3. Với lòng yêu mến con thảo, chúng ta đến với Mẹ Maria, là bà giáo và người hướng dẫn, sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để trở nên người đem niềm vui thánh thiện đến cho người khác. Chúng ta cầu xin ơn này cho từng người chúng ta, cho các tu sĩ Salêdiêng Don Bosco, và cho các thanh thiếu niên, cho các nhóm trẻ mà Chúa trao phó cho chúng ta, để cùng với họ, chúng ta sống và làm việc vì danh Chúa và phần rỗi các linh hồn.
5. Hành động
Năng đọc lời nguyện tắt: Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, cầu cho chúng con.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ BẢY (Ngày 28 tháng 01)
“Con hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, người nữ uy nghi nói với Don Bocso: “Đây là cánh đồng của con, là nơi con phải làm việc. Hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ, kiên cường. Những gì con thấy giờ đây đang xảy ra với những con vật này, con cũng sẽ phải làm như vậy cho các con của Ta”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa và giúp chúng ta dễ dạy với Ngài.
2. Cầu nguyện
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Mt 11, 28-30
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
4. Suy niệm
4.1. Theo Don Bosco, “sự hiền lành và khiêm nhường giống như anh chị em, đoàn kết và hiệp nhất với nhau. Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta sống hai đức tính này: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. “Thiên Chúa yêu thích tâm hồn khiêm nhường và sự hiền hậu trong lời nói cũng như hành động”. “Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mời gọi tất cả chúng ta bước theo Ngài, bắt chước Ngài hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”.[29]
Don Bosco sống khiêm nhường. Nay cả khi đã tiến thân trên con đường học vấn để trở thành một linh mục, Don Bosco luôn luôn ấp ủ trong lòng ký ức về thời thơ ấu nghèo khó và khiêm tốn của mình. Ký ức ấy đã giúp ngài mở rộng cõi lòng dành cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, tương tự như gia đình của ngài; họ là những người phải lao nhọc để kiếm miếng cơm manh áo.[30] Don Bosco xa lánh danh vọng, khước từ những địa vị cao trọng trong Giáo Hội, không bị ràng buộc bởi sự nghèo khổ hay giàu sang. Dường như ngài có một niềm xác tín sâu xa về sự tầm thường nhỏ bé của mình. Cha Lemoyne nhớ lại rằng: “Mọi người đều cảm phục sự đơn sơ chân thành và khiêm tốn của Don Bosco”.[31]
4.2. Don Bosco cho rằng, “thiên đàng không được tạo ra cho những ai chỉ ngồi trên chiếc ghế bành”, nghĩa là những người hưởng thụ. “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Vì thế, chúng ta phải mạnh mẽ và “can đảm để đến đó”.[32]
Sức mạnh của Don Bosco thể hiện ở khối lượng công việc và mục vụ khổng lồ của ngài: trên sân chơi, giờ giải trí, dạy học, dạy giáo lý, Thánh Lễ, giải tội, gặp gỡ các thanh thiếu niên và mọi người, hướng dẫn thiêng liêng, viết sách, xuất bản các tác phẩm. Sau cơn bệnh năm 1846, Don Bosco trở lại Nguyện xá làm việc y như vậy và trong suốt 27 năm, ngài không cần đến bác sĩ hay thuốc men.[33]
Sự mạnh mẽ gắn liền với lòng dũng cảm, giúp rèn luyện tính kiên trì và trau dồi tính kiên nhẫn. Chính hoàn cảnh khó khăn của gia đình đã làm cho Don Bosco trở nên rất con người và cần được giúp đỡ, nhưng cũng rất mạnh mẽ và nhiệt tâm. Ý chí mạnh mẽ, tính cách, khí chất, sự dũng cảm và quyết tâm của Don Bosco, đã biến giấc mơ thành hiện thực.[34]
4.3. Sự phục vụ thanh thiếu niên và giới trẻ thúc đẩy Don Bosco khai phá và đảm nhận các công cuộc. Ngài thực hiện chúng với sự cương quyết, kiên trì và nhạy bén của một tâm hồn quảng đại giữa biết bao khó khăn và mỏi mệt.
Sự kiên cường, khả năng phục hồi, là khả năng không để mình bị nản lòng, không để cánh tay buông xuôi như một dấu hiệu cho thấy mình bất lực và không thể làm gì được.[35] Điều này muốn nói đến sức đề kháng thể chất và sức mạnh tinh thần để sống sứ mệnh Salêdiêng. Có những khoảnh khắc khi xuất hiện những cám dỗ khiến chúng ta có thể chùn bước, hoặc muốn từ bỏ vì kiệt sức hoặc vì không thuận lợi. Việc thức đêm để hộ trực các học sinh, việc hộ trực thanh thiếu niên, việc dấn thân hết mình cho đến tận đêm khuya, hay việc chuẩn bị cho những ngày lễ, tất cả là một cuộc chiến về thể chất và tinh thần.
Chúng ta được mời gọi tận hiến và phục vụ thanh thiếu niên cho đến hơi thở cuối cùng và làm việc không mệt mỏi vì ơn cứu rỗi giới trẻ.
4.4. “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa”.
5. Hành động
Sống khiêm tốn, coi người khác trọng hơn mình.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ TÁM (Ngày 29 tháng 01)
“Âu yếm cầm tay và nói: “Con hãy nhìn xem!”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, thấy Don Bosco lúng túng trong các câu hỏi và trả lời, người nữ quý phái ra hiệu cho ngài tiến lại gần, “âu yếm cầm tay” ngài và nói: “Con hãy nhìn xem!”. Chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của việc đồng hành, giúp chúng ta đồng hành với giới trẻ, tay trong tay, gặp gỡ Chúa Giêsu.
2. Cầu nguyện:
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Lc 24,13-35
Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. […].
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
4. Suy niệm
4.1. Vào buổi chiều ngày phục sinh, “Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus. Ngài đi với họ như một lữ khách. Khi nghe cuộc trò chuyện buồn của họ, Ngài hỏi họ đang nói về ai, và tại sao họ lại đau khổ như vậy”.[36] “Đức Giêsu đặt ra cho họ một số câu hỏi và thấy rằng họ không hiểu rõ. Vì thế, Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Ngài cho hai ông thấy những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh”.[37]
Đức Giêsu đồng hành với các môn đệ trên đường Emmaus, nhưng có thể nói rằng các môn đệ cũng đồng hành với Ngài. “Một Kitô hữu tốt phải sánh bước và đồng hành với Đức Giêsu. Chúng ta hãy bắt chước hai môn đệ trên đường Emmaus, cùng đi với Đức Giêsu, trò chuyện với Ngài, chú tâm lắng nghe và vui thích với những lời Ngài nói, mặc dù họ không nhận ra Ngài”.[38]
4.2. Don Bosco trải qua kinh nghiệm đồng hành và hướng dẫn bởi người khác. Đầu tiên là người mẹ của mình, mẹ Magherita, và những người khác bao gồm cha Gioan Calosso, đặc biệt là cha Giuse Cafasso.
Từ những kinh nghiệm thiêng liêng này, Don Bosco đồng hành, hướng dẫn các thanh thiếu niên và giới trẻ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của vị linh mục trẻ Don Bosco và cậu bé Bartôlômêô Garelli mang dáng dấp của cuộc gặp gỡ giữa cha Calosso và cậu bé Gioan Bosco. Thông qua việc gặp gỡ cách cá vị hàng ngày thấm đượm niềm tin và nhiệt tâm tông đồ của Don Bosco, các thanh thiếu niên được đào luyện cẩn thận về đời sống thiêng liêng.
Don Bosco tỏ lộ một tâm hồn nhân ái chăm sóc thanh thiếu niên xa quê lên thành phố Tôrinô sinh sống, đồng hành với họ trong cuộc sống, giúp cho họ tìm việc làm, quy tụ họ trong những ngày lễ, giúp họ sống lương thiện và tiếp cận với đời sống tôn giáo. Ngài mở Nguyện xá đón nhận những người trẻ thuộc tầng lớp lao động, sống tinh thần gia đình trong bầu khí vui tươi, giúp họ sống hạnh phúc và thoải mái trong Nguyện xá, cảm thấy mình được yêu thương, chuẩn bị cho các thanh thiếu niên bước vào cuộc đời và giúp cho họ nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Môi trường giáo dục tại Valdocco rất độc đáo và hữu hiệu, bởi vì nơi đó có Don Bosco luôn quan tâm, hiện diện, yêu thương và quan tâm tới từng người; động viên và khích lệ người trẻ đến với bí tích Giải Tội và gặp gỡ Thiên Chúa.[39]
4.3. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho các cộng đoàn chúng ta và mỗi tu sĩ Salêdiêng biết kiến tạo những khung cảnh thiêng liêng cho giới trẻ, mở ra những hoạt động thiêng liêng chẳng hạn như những giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể, tĩnh tâm, học hỏi Lời Chúa, những cuộc gặp gỡ đối thoại và hướng dẫn thiêng liêng. Như thế, chúng ta có thể giúp người trẻ “gặp gỡ Đấng Phục Sinh” để giúp họ tìm thánh ý Chúa trong cuộc đời của họ, “giúp họ khám phá ra rằng nơi Đức Kitô và trong Tin Mừng của Ngài, ý nghĩa tột đỉnh của đời mình” và niềm vui cho cuộc sống.[40]
5. Hành động
Cầu nguyện cho ơn gọi, đặc biệt cho các anh em Tập Sinh của chúng ta.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
NGÀY THỨ CHÍN (Ngày 30 tháng 01)
“Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả.”
o 0 o
1. Dẫn nhập
Trong giấc mơ chín tuổi, Don Bosco bật khóc và cầu xin người nữ uy nghi giải thích mọi chuyện, bởi vì ngài không hiểu những gì đang xảy ra có nghĩa là gì. Người nữ đặt tay lên đầu Don Bosco và nói: “Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”. Nhận thức tính mỏng giòn và yếu đuối của mình, chúng ta cùng nài xin Chúa Thánh Thần giúp sức.
2. Cầu nguyện
Hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần …” (hoặc như ngày 1).
3. Lời Chúa: Lc 1,26-38
Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến […] gặp một trinh nữ […] tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”. […]. Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. […] Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
4. Suy niệm
4.1. Đức Maria bối rối trước những lời truyền tin của Sứ Thần Gabriel, bởi lẽ xét theo chiều kích nhân loại, một trinh nữ thụ thai và trao cho thế giới Con Thiên Chúa làm người là điều không thể.
Nhưng, “để chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa, tổng lãnh thiên thần Gabriel nói: Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Do những lời thánh thiêng này, nữ tì khiêm hạ Maria chỉ biết thốt lên: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi. Mầu nhiệm của những mầu nhiệm đã được thực hiện. Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vì ơn cứu độ loài người”.[41]
4.2. Sự lo lắng và sợ hãi của Gioan Bosco nảy sinh từ việc cảm thấy sứ mệnh được trao phó cho ngài là quá lớn, là “điều không thể” đối với con người.
Người đàn ông đáng kính trong giấc mơ, Đấng Phục Sinh, yêu cầu Gioan Bosco biến điều “không thể” thành “có thể”. Ngài nói với cậu: “Chính vì những điều dường như là không thể đối với con, thì con phải biến nó trở thành khả thể, bằng đức vâng phục”. Truyền cho Gioan Bosco một điều không thể, người đàn ông đáng kính biết rằng, “tính không thể” là nơi Chúa Cha hoạt động với Chúa Thánh Thần trong sự vâng phục của Chúa Con.[42]
4.3. Don Bosco đã rơi nước mắt và bật khóc trước bàn thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu trong Đền thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Rôma vài ngày sau khi Đền thờ này được cung hiến.
Trong giây phút đó, Don Bosco đã nhìn thấy và nghe thấy giọng nói của mẹ Margherita, những lời nhận xét của các anh và bà nội về giấc mơ, thậm chí họ còn tranh luận về giấc mơ đó. Sáu mươi hai năm sau, Don Bosco đã hiểu mọi chuyện, đúng như bà giáo trong giấc mơ đã tiên báo cho ngài: “Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”.
“Không dưới 15 lần trong Thánh Lễ, Don Bosco đã dừng lại, xúc động mạnh, nghẹn ngào và rơi nước mắt. Cha Viglietti, người giúp Don Bosco dâng Thánh Lễ, thỉnh thoảng phải nhắc nhớ Don Bosco để ngài có thể tiếp tục.
Khi được hỏi về nguyên nhân gì khiến cho ngài xúc động đến thế, Don Bosco trả lời: “Cha đã thấy trước mắt cảnh tượng sống động khi cha lên chín hay mười tuổi và mơ về nhà Dòng chúng ta. Cha thực sự đã nhìn thấy và nghe thấy mẹ và các anh bàn luận về giấc mơ”.
Trong giấc mơ, Đức Maria nói với Don Bosco: ‘Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả’. Giờ đây, sáu mươi hai năm làm việc vất vả, hy sinh và chiến đấu không ngừng đã trôi qua kể từ ngày đó, trong Đền thờ Thánh Tâm ở Rôma, một tia sáng bất ngờ mặc khải cho Don Bosco vinh quang của sứ mệnh đã được tiên báo một cách mầu nhiệm ngay từ thuở đầu của cuộc đời ngài”.[43]
4.4. “Lạy Mẹ Maria, mẹ của ơn gọi chúng con.
Với Mẹ, chúng con muốn bước theo Chúa Kitô,
Những mệt mỏi không làm chúng con nản bước,
Những khó khăn không làm chúng con mất can đảm,
Những nỗi buồn không ngăn được niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hãy là Mẹ của tất cả chúng con,
Hãy chiếu sáng hành trình của chúng con,
Hãy làm cho hành trình ơn gọi chúng con đầy niềm vui,
Để chúng con gặp thấy Con của Mẹ trên Thiên Đàng. Amen”
(Gioan Phaolo II, 13.5.1991).
5. Hành động
Tạ ơn Chúa vì hồng ân thánh hiến Salêdiêng Don Bosco; cầu nguyện cho Tỉnh dòng.
6. Kết thúc
Kinh tận hiến cho Mẹ Phù Hộ
Đà Lạt, ngày 15 tháng 01 năm 2024
Lm. FX. Phạm Đình Phước SDB
_________________
[1] Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (NMI), 39.
[2] X. Morand Wirth SDB, Don Bosco và Tin Mừng Mátthêu, Biên dịch Lm. FX. Phạm Đình Phước SDB, UPS, Roma 2020; Don Bosco và Tin Mừng Máccô, UPS, Roma 2021; Don Bosco và Tin Mừng Luca, UPS, Roma 2022; Don Bosco và Tin Mừng Gioan, UPS, Roma 2022.
[3] Giovanni Bosco, La figlia cristiana provveduta, Tipografia salesiana, Torino 18834, 91-92.
[4] Pietro Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica. 1. Vita e opere, LAS, Roma 1979, 31.
[5] Gioan Bosco, Hồi ký Nguyện xá, biên dịch Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB, Học viện Rinaldi, Sài Gòn 2013, 15.
[6] Những từ thành trì, cột sắt, tường đồng gợi lên hình ảnh trong Mt 16,18 về Phêrô và Giáo Hội.
[7] Giovanni Bosco, Storia sacra per uso delle scuole utile ad ogni stato di persone arricchita di analoghe incisioni, Tipografia Speirani e Ferrèro, Torino 1847, 187.
[8] X. Andrea Bozzolo, Il sogno dei nove anni. Questioni ermeneutiche e lettura teologica, in Andrea Bozzolo (ed.), I sogni di Don Bosco. Esperienza spirituale e sapienza educativa, LAS, Roma 2017, 209-268, 253.
[9] X. Giovanni Bosco, Introduzione al Piano di Regolamento per l’Oratorio maschile di S. Francesco di Sales in Torino nella regione Valdocco, in Pietro Braido (ed.), Don Bosco educatore, 108-111.
[10] Pietro Braido (ed.), Don Bosco educatore, 109-110.
[11] Giovanni Bosco, Storia sacra … , 173.
[12] Giovanni Bosco, Il giovane provveduto per la pratica de’ Suoi Doveri degli esercizi di cristiana pietà, Tipografia Paravia e Compagnia, Torino 1847, 11.
[13] Giovanni Bosco, Storia sacra … , 187610, 164.
[14] Giovanni Bosco, La figlia cristiana provveduta …, 9.
[15] X. Ángel Fernandez Artime, Hoa thiêng 2024, 32.
[16] Giovanni Bosco, La chiave del paradiso in mano al cattolico che pratica i doveri di buon cristiano, Tipografia Paravia e Compagnia, Torino 1856, 20-21.
[17] X. Ángel Fernandez Artime, Hoa thiêng 2024, 33.
[18] Giovanni Bosco, Il cattolico provveduto per le pratiche di pietà, Tipografia dell’oratorio di san Francesco di Sales, Torino 1868, 596-597.
[19] Francesco di Sales, Introduzione alla vita devota, III, 8.
[20] Giovanni Bosco, Storia sacra …, 192.
[21] Giovanni Bosco, Storia sacra …, 192.
[22] Ángel Fernandez Artime, Hoa thiêng 2024, 39.
[23] Giovanni Bosco (ed.), Avvisi alle figlie cristiane del venerabile monsignor Strambi, 14.
[24] X. Giovanni Bosco, Il cattolico provveduto …, 26.
[25] Giovanni Bosco, Maraviglie della Madre di Dio invocata sotto il titolo di Maria Ausiliatrice, Tipografia dell’oratorio di san Francesco di Sales, Torino 1868, 38.
[26] Giovanni Bosco, Maria Ausiliatrice col racconto di alcune grazie ottenute nel primo settennio dalla consacrazione della chiesa a Lei dedicata in Torino, Tipografia dell’oratorio di san Francesco di Sales, Torino 1875, 8.
[27] Giovanni Bosco, Maraviglie della Madre di Dio invocata sotto il titolo di Maria Ausiliatrice, 41.
[28] Renato Zigiotti, Tenaci, audaci e amorevoli. Lettere circolari ai salesiani di don Renato Ziggiotti, 264.
[29] Giovanni Bosco, Il cristiano guidato alla virtù ed alla civiltà secondo lo spirito di san Vincenzo de’ Paoli, Tipografia Paravia e Compagnia, Torino 1848, 23.27.90.
[30] X. Peter Gonzales, Phương pháp giáo dục của Don Bosco, chuyển ngữ Gioan Nguyễn Mai Đăng Khoa SDB, Học Viện Don Bosco, Đà Lạt 2018, 24-25.
[31] MB V, 583.
[32] Giovanni Bosco, Maniera facile per imparare la storia sacra ad uso del popolo cristiano, Tipografia Paravia e Compagnia, Torino 1855, 49.
[33] X. Gioan Bosco, Hồi ký Nguyện xá, 227.
[34] X. Ángel Fernandez Artime, Hoa thiêng 2024, 34.
[35] X. Ángel Fernandez Artime, Hoa thiêng 2024, 34.
[36] Giovanni Bosco, Storia sacra … , 202-203.
[37] Giovanni Bosco, Il cattolico istruito nella sua religione. Trattenimenti di un padre di famiglia co’ suoi figliuoli secondo i bisogni del tempo, Tipografia da Paolo de-Agostini, Torino 1853, II, 34.
[38] Giovanni Bosco, Nove giorni consacrati all’augusta madre del Salvatore sotto al titolo di Maria Ausiliatrice, Tipografia dell’oratorio di san Francesco di Sales, Torino 1870, 76.
[39] X. Aldo Giraudo, Phaolô Albera. Một dung mạo thiêng liêng, Biên dịch: FX. Phạm Đình Phước SDB, UPS, Roma 2021, 22.
[40] X. Hiến Luật Salêdiêng Don Bosco, 34.36.
[41] Giovanni Bosco, Vita di San Giuseppe sposo di Maria SS., padre putativo di Gesù Cristo, Tipografia dell’oratorio di san Francesco di Sales, Torino 1867, 30.
[42] X. Andrea Bozzolo, Il sogno dei nove anni, 258.
[43] MB XVIII, 341.