“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

TỪ “TRIẾT HỌC” ĐẾN “HẬU TẬP VIỆN”: TĂNG TRƯỞNG TRONG CĂN TÍNH THÁNH HIẾN SALÊDIÊNG

Hội thảo về Hậu tập viện cho các Vùng Trung Bắc và Địa Trung Hải.

Ý tưởng về cuộc hội thảo học hỏi này có lẽ nảy sinh từ một bình luận của cha Pascual Chavez, ngay sau Tổng Tu Nghị vừa qua. Ngài chủ trương rằng sự thay đổi tên gọi – tiền tập viện, tập viện, hậu tập viên – thì không phải ngẫu nhiên. Hiến Luật mô tả hậu tập viện là tiếp nối nền đào luyện đã được bắt đầu ở tập viện. Chúng tôi có thể nói rằng lý do tại sao chúng tôi triệu tập một loạt những khóa hội thảo học tập trong các Vùng chính là để tán trợ sự thay đổi lối nói từ “triết học sang hậu tập viện” này.

Tại sao sự thay đổi này lại quan trọng đến thế? Bởi vì mục tiêu chính của TTN 27 là đào sâu chiều kích được thánh hiến của ơn gọi chúng ta, và bởi vì có một khuynh hướng là xao nhãng chính chiều kích này trong ơn gọi chúng ta. Sứ mệnh – hay đúng hơn, sứ mệnh bị giản lược là “làm việc cho giới trẻ” – có khuynh hướng chiếm đoạt sự ưu tiên. Nhưng “làm việc cho giới trẻ” thì không như nhau với sứ mệnh Salêdiêng. Cam kết cho sứ mệnh Salêdiêng đâu có giống với việc là một người Salêdiêng được thánh hiến. Tất cả điều này đòi phải được minh định. Theo một nghĩa, chúng là những câu hỏi có tính lý thuyết hay thần học. Thế nhưng, chúng tác động lối chúng ta sống và làm việc.

Trách vụ của tôi là đưa ra điều mà Huấn quyền Salêdiêng nói về hậu tập viện: Hiến Luật và Quy Chế; Dự phóng đời sống của người Salêdiêng Don Bosco; và Đào luyện các Salêdiêng Don Bosco (2016).

HL 114 nói như sau:

Liền sau việc tuyên khấn lần đầu là thời kỳ làm cho đời tu được trưởng thành. Thời kỳ này tiếp tục kinh nghiệm đào luyện của tập viện và chuẩn bị cho thời kỳ thực tập.

Việc đào sâu đời sống đức tin và tinh thần Don Bosco cùng với việc chuẩn bị thích đáng về triết lý, sư phạm và huấn giáo, trong sự trao đổi với nền văn hóa, hướng người hội viên trẻ tới việc kết hợp thuần nhất đức tin, nền văn hóa và cuộc sống.

Rồi QC 95 nói như sau:

Ngay sau thời tập viện, tất cả các hội viên phải tiếp tục, ít là hai năm, việc đào luyện của mình trong các cộng thể đào luyện, ưu tiên là học viện.

Trong giai đoạn này họ sẽ hoàn tất việc đào luyện tổng quát về triết học và sư phạm, cũng như dẫn nhập vào thần học; cũng có thể khởi sự học hoặc tiếp tục việc huấn luyện khoa học kỹ thuật hay nghề nghiệp, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn…

Hãy để tôi nêu bật ba khía cạnh: (1) Hậu tập viện tiếp tục kinh nghiệm đào luyện đã khởi sự ở tập viện; (2) hậu tập viện chuẩn bị cho thời tập vụ và (3) chiều kích tri thức của đào luyện hậu tập viện.

1. “Kinh nghiệm tập viện tiếp tục”

a. Hậu tập viện là giai đoạn làm chín muồi đời tu sĩ. Nó thiết thân với thời kỳ tuyên khấn tạm. Trong thời kỳ này hội viên “hoàn tất tiến trình trưởng thành nhắm tới việc khấn trọn, và trong tư cách người Salêdiêng giáo dân hay người Salêdiêng hướng tới chức linh mục, họ triển khai những khía cạnh khác nhau của ơn gọi mình.” (HL 113)

Nó là một thời kỳ tiếp tục kinh nghiệm đào luyện của tập viện (HL 114). HL 110 mô tả tập viện như khởi đầu kinh nghiệm tu sĩ Salêdiêng.

Vì thế, hậu tập viện có mục đích là đào sâu căn tính tu sĩ Salêdiêng – vốn là mục tiêu của TTN 27, như chúng ta có thể thấy từ những nhận xét được cha Chavez nêu ra, cả trong lá thư triệu tập lẫn bài nói chuyện khai mạc TTN 27 của mình. Ở đó ngài nêu lên 4 chứ không phải 3 lãnh vực chủ đề.

Chúng ta gợi nhắc rằng đối với chương 2 của FSDB (Ratio đào luyện Salêdiêng), căn tính Salêdiêng là cốt lõi của toàn bộ đào luyện: “Từ đó tiến trình đào luyện khởi sự và hằng quy chiếu về nó.” Thật thú vị rằng chương này bắt đầu bằng việc trích dẫn HL 196, khoản cuối cùng của Hiến Luật chúng ta – “Luật sống của chúng ta là Đức Giêsu Kitô… chúng ta khám phá Ngài hiện diện nơi Don Bosco” – và rồi Ratio tiếp tục nói:

Lời xác quyết này của Hiến Luật tóm kết ơn gọi của người Salêdiêng: đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô và cống hiến đời sống mình cho giới trẻ, như Don Bosco. Toàn thể đào luyện, ban đầu và liên tục, hệ tại ở việc đảm nhận và làm cho căn tính này nên thật sự nơi những con người và trong cộng thể (FSDB 25).

Như tài liệu Tặng phẩm ơn gọi Linh mục nói, hậu tập viện là một thời kỳ [đào tạo] tư cách môn đệ.

b. Hậu tập viện là một thời kỳ làm chín muồi đời tu sĩ được đặc trưng bởi sự hòa hợp đức tin, văn hóa và đời sống.

Làm thế nào thực hiện điều này? Qua việc đào sâu đời sống đức tin, được sống theo tinh thần Don Bosco, và với một sự chuẩn bị thích đáng về triết học, sư phạm và huấn giáo, trong đối thoại với văn hóa.

Ở đây có vài yếu tố phải nêu bật:

  • Đào sâu đời sống đức tin (đức tin: chân trời chủ trị)
  • Được sống theo tinh thần của Don Bosco
  • Một sự chuẩn bị tri thức trong “đối thoại với văn hóa”
  • Với một khía cạnh triết học, sư phạm và huấn giáo

Tất cả những khía cạnh này phải phù hợp với một sự hòa nhập tiệm tiến. Chúng ta ca ngợi nơi Don Bosco, khuôn mẫu của chúng ta, một sự hài hòa tuyệt diệu của bản tính và ân sủng (HL 21). Ơn thống nhất (HL 3) thật thiết thân với ơn gọi chúng ta.

2. “Chuẩn bị cho thực tập”

Hậu tập viện cũng phục vụ như một sự chuẩn bị cho thực tập – và nói chung, như “sự đào luyện vào tác vụ giới trẻ” (FSDB 410-411).

Ở đây Ratio đào luyện Salêdiêng không nói quá nhiều về việc thủ đắc những kỹ năng cho bằng một số thái độ mà ơn gọi chúng ta là nhà giáo dục – mục tử đòi hỏi.

– Trước hết qua sự hòa hợp đức tin, văn hóa và đời sống;

– Cũng bằng cách tham gia vào những hoạt động giáo dục mục vụ, được thực hiện bao có thể nơi các nhóm trong bối cảnh của những công cuộc Salêdiêng, hay trong những kinh nghiệm của công việc truyền giáo. Mục đích của những hoạt động này là:

  • Thủ đắc sự nhạy bén giáo dục và não trạng mục vụ
  • Trải nghiệm sứ mệnh Salêdiêng
  • Thực hành sự sinh động giới trẻ và hộ trực Salêdiêng
  • Học để làm việc như một nhóm (FSDB 411, 417)

– Bởi vì TTN 28, chúng tôi muốn thêm:

  • Học để làm việc với và dưới sự hướng dẫn của người đời và những thành viên của Gia đình Salêdiêng;
  • Học được não trạng lên kế hoạch; làm thế nào để phác thảo dự phóng giáo dục – mục vụ Salêdiêng trong cộng đoàn giáo dục – mục vụ.

Toàn bộ kinh nghiệm đào luyện của hậu tập viện chuẩn bị người Salêdiêng cho thời thực tập:

– Học hỏi, suy tư cộng thể (và cá nhân) và sự đồng hành thiêng liêng cá nhân làm cho họ có thể đọc lịch sử và văn hóa theo một Kitô hữu (FSDB 410). Một lần nữa ở đây chúng ta có năng động lực “của việc có được kinh nghiệm” và tầm quan trọng của sự đồng hành mục vụ.

– Theo phụ lục 1 của FSDB (Nội quy Tỉnh Dòng – phần đào luyện), Tỉnh Dòng phải:

  • “chỉ ra những tiêu chuẩn để soạn thảo lộ trình cho những hoạt động giáo dục mục vụ trong đào luyện ban đầu” (FSDB 568).
  • “Biệt loại hóa khung cảnh của những môn học trong hậu tập viện, khi chỉ ra cách riêng làm thế nào sự đặc trưng hóa về triết học và sư phạm Salêdiêng phải được đảm bảo, cách riêng khi họ tham dự một trung tâm không phải Salêdiêng” (FSDB 569).

– “Viễn cảnh mục vụ, viễn cảnh hội nhập văn hóa và truyền thông và những khía cạnh khác, phải tạo thành những chiều kích thường hằng của đào luyện tri thức cũng như chuyển dịch thành những nội dung hay khóa học biệt loại.” (FSDB 580)

3. Chiều kích tri thức

HL 114 nói về chuẩn bị tri thức mang đặc tính triết học, sư phạm và huấn giáo. QC 95 nói về một sự dẫn nhập vào thần học hơn là một sự chuẩn bị huấn giáo. Có không gian thích đáng trong giáo trình cho sư phạm và huấn giáo không? Tất cả các ứng sinh linh mục buộc phải học triết học, và ở đây chúng ta phải tuân theo những tiêu chuẩn của giáo hội; sư phạm và huấn giáo là tính biệt loại Salêdiêng. Người Salêdiêng sư huynh sẽ cần một nền văn hóa tổng quát và một sự chuẩn bị sư phạm và huấn giáo tốt đẹp. (FSDB 569): “Hãy quy định rằng phải có một giáo trình đào luyện nghiêm chỉnh cho Salêdiêng sư huynh, nhưng uyển chuyển và có thể thích ứng với bản chất của những trách vụ khác nhau và với những khả thể tính cụ thể của các ứng sinh, vốn để ý đến tính đa dạng của những khả thể để sống tính trần thế được thánh hiến trong Tu Hội.”

a. Mục đích mục vụ. “Sứ mệnh Salêdiêng định hướng và đặc trưng hóa đào luyện tri thức của mọi phần tử ở mọi cấp độ theo một cách độc đáo của riêng mình. Vì thế, sự tổ chức học hành hòa hợp với những đòi hỏi của tính nghiêm túc khoa học với chiều kích tu sĩ tông đồ của dự phóng đời sống chúng ta”. (QC 82 được trích dẫn trong FSDB 131). Triết học, thần học, sư phạm, các môn khoa học nhân văn là để phục vụ cho cuộc sống nhân loại và, tối hậu, phục vụ mầu nhiệm Đức Kitô (x. PL 773). Về điểm này, Veritatis gaudium thật phong phú, khởi từ văn kiện của Vatican II Optatam Totiuns 19: “Quan tâm mục vụ phải thấm nhập vào toàn bộ đào luyện các sinh viên.” (VG 2).

Đào luyện tri thức chuẩn bị cho sự phân định mục vụ: “Đào luyện tri thức làm ta có thể đối diện với những tình huống lịch sử, cách riêng với điều kiện của giới trẻ, được nhìn từ quan điểm giáo dục và mục vụ. Nó phẩm chất hóa cho sự phân định mục vụ, và làm cho chúng ta có thể hướng dẫn, dự phóng và tiến bước cách nhất quán với những mục tiêu của sứ mệnh. (FSDB 132). “Tự chính bản chất của mình, nó đòi hỏi một sự khai tâm vào phương pháp luận của hoạt động tông đồ. Một cách vắn gọn, nó có thể được chỉ ra bằng lối diễn đạt “suy tư về thực hành”, sự tương tác của lý thuyết và thực hành…” (FSDB 132). HL 98 nói về “chiếm được kinh nghiệm” như năng động lực trung tâm của kinh nghiệm đào luyện.

Huấn luyện tri thức đối với chúng ta không thể là một thao dợt thuần túy học vụ; nó cần phải chạm đến kinh nghiệm về con người và nhóm. Đào luyện tri thức nhắm đến việc đào sâu đời sống đức tin theo tinh thần Don Bosco – chắc chắn trong khía cạnh huấn giáo và thần học, nhưng khi nó cũng nhấn mạnh đến những môn học chẳng hạn như triết học và sư phạm, bởi vì những môn học này có mục đích đào luyện đối với chúng ta.

Theo FSDB chương 3.3, những chọn lựa vốn đặc trưng hóa đào luyện tri thức là: sự đặc sắc hóa Salêdiêng, sự tương tác giữa lý thuyết và thực hành, lối tiếp cận hữu cơ và bất khả phân, sự tiếp nối và hội nhập văn hóa. Những lãnh vực văn hóa được đề ra ở đây là: một văn hóa cơ bản vững vàng, thần học (để đào sâu đức tin), triết học (để có một nhãn quan nhất quán về con người, về thế giới và Thiên Chúa), những khoa học nhân văn và giáo dục, và Salêdiêng.

Cộng thể đào luyện phải chăm sóc đặc biệt đến lối tiếp cận Salêdiêng khi sinh viên của mình tham dự một trung tâm không phải Salêdiêng (FSDB 180).

Ngay cả khi chúng ta có trung tâm học vụ riêng, “tính Salêdiêng” không được giản lược vào các khóa học Salêdiêng được cung cấp trong trung tâm đó. FSDB 145 nói đến kế hoạch huấn luyện tổng quát và những liên hệ tốt đẹp trong trung tâm, trong cộng thể và giữa trung tâm và cộng thể, với sự tự quản thích đáng được đảm bảo cho trung tâm đó.

b. Hội nhập văn hóa. Chúng ta đừng quên khía cạnh hội nhập văn hóa, được FSDB (135-136) mạnh mẽ xác quyết và đòi hỏi, theo Pastores dabo vobis 55 và Vita consecrata 79-80 nhấn mạnh. Chúng ta có thể thêm ở đây Fides et ratio (1998), lá thư của cha Pascual Chavez (“hội nhập văn hóa của đoàn sủng Salêdiêng”, AGC 411– 2011) và Evangelii Gaudium 115-118.

“Sự chú tâm đến hội nhập văn hóa phải có mặt trong mọi chiều kích đào luyện. Thực thế, hội nhập văn hóa ảnh hưởng đến mối tương quan giữa con người đó, gốc rễ và sự đặc trưng văn hóa của người đó, và ơn gọi; nó liên quan đến sự nhập thể của đoàn sủng và sự hiện thực sứ mệnh giáo dục mục vụ trong những bối cảnh khác nhau.” (FSDB 135)

Dĩ nhiên, Ratio không đi vào chi tiết, nhưng đúng hơn nói về nền tảng thần học của sự hội nhâp văn hóa (mầu nhiệm nhập thể và khoa nhân học Kitô hữu) và về tính khả thể của một “sự đa nguyên lành mạnh” vốn không phải là việc đặt các yếu tố đó đứng cạnh nhau cũng không phải là chủ nghĩa chiết trung, song đúng hơn là “một tổng hợp độc đáo được hội nhập văn hóa.” (FSDB 136). Như Evangelii Gaudium nói, Kitô giáo không có tính chất “một văn hóa độc tôn” và “một cung giọng độc tôn”. “Mặc dù đúng là một số nền văn hóa thì liên kết chặt chẽ với việc rao giảng Tin mừng và phát triển tư duy Kitô hữu, thì sứ điệp được mặc khải không bị đồng nhất hóa với bất kỳ văn hóa nào và có một nội dung vượt văn hóa.” (EG 117).

Hội nhập văn hóa phải là tiêu chuẩn và khí cụ của mọi suy tư và phương pháp luận mục vụ. (FSDB 136)

Đoàn sủng Salêdiêng và linh đạo cũng phải được hội nhập văn hóa. Như HL 100 nói, “Có những cách sống khác nhau một ơn gọi Salêdiêng.” Thật đáng ghi nhớ ở đây rằng Kế hoạch Giáo dục Mục vụ (PEPs) là “sự trung gian lịch sử và khí cụ thực tiễn” để hội nhập văn hóa của đoàn sủng chúng ta. Nó được Cộng đoàn Giáo dục Mục vụ (CEP) phác thảo và thực thi trong mọi công cuộc Saêdiêng. (TTN24 5).

Khi nói về hội nhập văn hóa, chúng ta không được quên sự đổi mới văn hóa toàn cầu quan trọng ngày nay: sự cách mạng kỹ thuật số. Những kỹ thuật thông tin và truyền thông mới, thế hệ Internet, lục địa kỹ thuật số và đa phương tiện xã hội là đang thúc đẩy sự thay đổi văn hóa và nhân học. Cách thức chúng ta hiểu chính mình và liên hệ với kẻ khác, với thế giới và Thiên Chúa đang thay đổi; để suy nghĩ và học hỏi, để đạt được thông tin và để truyền thông, để sống không gian và thời gian. Có một dịch chuyển từ lời nói sang thế giới của hình ảnh. Cùng lúc có một sự tương đối hóa về thẩm quyền và luân lý, một sự dịch chuyển từ trục chiều dọc sang trục chiều ngang, ở đó tất cả ý kiến đều có giá trị và mọi người đều trở thành một tác giả và một quyền bính.

Tất cả điều này, trong một sự hòa nhập tiệm tiến của đức tin, văn hóa và cuộc sống vốn thật thiết thân với tiến trình làm chín muồi đời tu sĩ và đào sâu căn tính tu sĩ Salêdiêng.

4. Tóm kết …

a. Làm thế nào để kiện cường tiến trình làm chín muồi đời tu sĩ/ đào sâu căn tính thánh hiến Salêdiêng? Làm thế nào để đạt được sự hòa hợp tiệm tiến giữa đức tin, văn hóa và đời sống?

  • Một khí cụ tốt đẹp là dự phóng đào luyện địa phương (dự phóng cộng thể) cùng với dự phóng đời sống cá nhân.
  • Có đáng để soạn thảo – như một phần của dự phóng đào luyện địa phương – một phác họa (đường nét) của những huấn đức và những can thiệp khác – cách riêng, nhưng không chỉ, khi chúng ta đi tới những trung tâm không phải Salêdiêng hay không?
  • Chúng ta có thể lấy Hiến Luật làm cột xương sống của những dự phóng hơn là 4 chiều kích (thiêng liêng, nhân bản, tri thức, mục vụ) của Pastores dabo vobis, để cống hiến tính khả thị hơn cho căn tính được thánh hiến Salêdiêng hay không?
  • HL 98 nói về “kinh nghiệm những giá trị của ơn gọi Salêdiêng.” Sự đồng hành của kinh nghiệm thì cơ bản trong tiến trình đào sâu căn tính thánh hiến Salêdiêng – của kinh nghiệm cộng thể và những tương giao, của cầu nguyện; sự đồng hành thiêng liêng và đồng hành tri thức,…
  • Có sự đồng hành thiêng liêng cá nhân, nhưng cũng có đồng hành nhóm gồm những loại khác nhau, và sự đồng hành cộng thể.

b. Làm thế nào để kiện cường sự chuẩn bị cho tập vụ và cho tác vụ giới trẻ Salêdiêng?

  • Hãy đảm bảo chú ý hơn nữa đến sư phạm (Hệ thống Dự phòng), huấn giáo và các môn Salêdiêng trong chương trình học vấn/ kế hoạch đào luyện.
  • Sự đồng hành mục vụ: dấn thân vào các hoạt động mục vụ thì không đủ. Suy tư và học hỏi từ những kinh nghiệm này quả là quan trọng.
  • Những hoạt động mục vụ trong bối cảnh của Cộng đoàn Giáo dục Mục vụ tốt đẹp thì cực kỳ hữu ích.

c. Ta có thể nói gì về chiều kích đào luyện tri thức?

  • Hãy quân bình giữa triết học, sư phạm, huấn giáo
  • Hãy đảm bảo mục tiêu mục vụ của các môn học
  • Hãy cố gắng liên kết môn học triết học với kinh nghiệm đời sống
  • Chúng ta có thể nghĩ đến một sự đồng hành tri thức không?
  • “sự liên hợp” với Phân khoa triết học của UPS.

Valdocco, ngày 9-12 tháng 11 năm 2018
Cha Ivo Coelho, SDB
Tổng Cố vấn Đào luyện

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG