“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Trực giác địa lý của Don Bosco và mối liên hệ của nó với thực tế ảo và kỹ thuật số

Chuyên mục:
“DON BOSCO: KỸ THUẬT SỐ VÀ THỰC TẾ ẢO”

Bài viết số 02:

“Trực giác địa lý của Don Bosco
và mối liên hệ của nó với thực tế ảo và kỹ thuật số.”

________________

Hôm nay, chúng tôi xuất bản bài viết thứ hai trong số mười bài viết của Cha Gildasio Mendes, Tổng Cố vấn Đặc trách Truyền thông Xã hội, dành để đào sâu chuyên đề “Don Bosco: Kỹ thuật số và thực tế ảo”. Trọng tâm cụ thể của tháng này liên quan đến “trực giác địa lý của Don Bosco và mối liên hệ của nó với thực tế ảo và kỹ thuật số”.

Vị trí!! Nó được định vị ở đâu? Chúng ta đến đó bằng cách nào?

Ngày nay tất cả chúng ta thường đặt ra những câu hỏi này. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với GPS và Google Maps hoặc các Ứng dụng như Weizer, Glympse và các ứng dụng khác để giúp chúng ta di chuyển ở hầu hết mọi nơi.

Điểm chung của các ứng dụng này là gì? Nó cho phép chúng ta chia sẻ nhanh chóng và dễ dàng các định vị GPS của chúng ta với bạn bè và những người đồng nghiệp.

Điều gì đằng sau thiết kế và logic kỹ thuật số và kết nối của tất cả các ứng dụng này? Thưa, khái niệm về địa lý. Cụ thể, cái gọi là hệ thống thông tin địa lý (GSI). GSI là một hệ thống cho phép chúng ta nắm bắt và phân tích dữ liệu không gian và địa lý. Chẳng hạn, bằng cách sử dụng các công cụ dựa trên máy tính, chúng ta có thể tìm kiếm, lưu trữ và chỉnh sửa dữ liệu không gian và phi không gian, tối ưu hóa và chia sẻ thông tin ở định dạng bản đồ.

Bài viết này không đi sâu vào các khái niệm phức tạp như vậy. Nhưng chúng ta có thể cho phép đưa ví dụ về công nghệ GPS này vào phần sau bài viết một cách đơn giản để liên kết nó với cách chúng ta có thể áp dụng những hiểu biết sâu sắc của Don Bosco vào việc truyền thông.

Hiện tại, chúng ta hãy tập trung toàn bộ sự chú ý vào từ ‘MAP – Bản Đồ’ này. Bản đồ liên quan đến địa lý! Đây là những gì chúng ta quan tâm nhất trong bài viết này.

Ý tưởng chính mà cha muốn nhấn mạnh, bằng cách lấy công nghệ GPS làm ví dụ, đó là vị trí địa lý ở đằng sau công nghệ kỹ thuật số, hệ thống và vệ tinh.

Hãy lấy ba từ này từ các khái niệm phức tạp: địa lý, bản đồ, dữ liệu không gian. Bản đồ cung cấp một cấu trúc để thiết kế và xây dựng hệ thống máy tính và phân tích dữ liệu. Địa lý thực sự quan trọng trong công nghệ kỹ thuật số và thực tế ảo!

Bây giờ chúng ta có thể hướng đến Don Bosco.

Ban đầu, để áp dụng các khái niệm về bản đồ và địa lý vào quan điểm của Don Bosco về việc truyền thông, chúng ta phải nêu ra hai câu hỏi cốt yếu: Don Bosco có quan tâm đến địa lý không? Và nếu như thế, địa lý đã ảnh hưởng gì đến sự hiểu biết của Don Bosco về việc truyền thông?

Ở một trong những đoạn của Hồi Ký Tiểu Sử của Don Bosco, người viết tiểu sử của ngài nói với chúng ta rằng:

“Khả năng về địa lý của Don Bosco đã giúp đảm bảo một vị trí tuyệt vời cho một cậu bé Nguyện xá tên là Marchisio. Vào tháng 7 năm 1863, Bộ Truyền thông đã xuất bản một bản đồ bưu chính mới của Ý, tám bản đồ về các Tỉnh của Ý, và một lịch trình nhận và chuyển thư do Marchisio kiên nhẫn vẽ ra trong vài năm. Don Bosco đã khuyên anh thực hiện dự án này và khuyến khích anh hoàn thành dự án. Marchisio thường đến Nguyện xá để làm việc dưới sự hướng dẫn của Don Bosco. Sau đó, anh được bổ nhiệm làm giám đốc bưu điện ở Rô-ma.” (MB VII, trang 274, ấn bản tiếng Anh). (Hồi ký của Don Bosco do E. Ceria và J.B. Lemoyne ghi lại).

Đáng ngạc nhiên là đoạn này tiết lộ cho chúng ta ba thông tin quan trọng về Don Bosco và mối quan tâm của ngài đối với địa lý: Thứ nhất, Don Bosco có một số kiến ​​thức về địa lý; thứ hai, ngài biết Marchisio, một chuyên gia vẽ bản đồ ở Tô-ri-nô; và thứ ba, Don Bosco hỗ trợ Marchisio trong việc vẽ bản đồ.

Về phần thông tin đầu tiên: Don Bosco có một số kiến ​​thức về địa lý. Ngài quan tâm đến nó. Chúng ta có thể theo dõi để biết thêm thông tin.

Theo Hồi ký Tiểu sử, một buổi chiều năm 1883, cha Philip Rinaldi bước vào văn phòng của Don Bosco ở Tô-ri-nô để trò chuyện thân mật và ngạc nhiên khi thấy Don Bosco với một quả địa cầu trên bàn làm việc và ánh mắt của ngài mất hút trong sự bao la xa xăm của các vị trí trên trái địa cầu, trong khi một tay ngài đang vuốt vùng bản đồ thuộc Brazil.

Cha Giulio Barberis, người đã viết ký sự về Don Bosco, đã làm chứng cho sự quan tâm của vị thánh đối với bản đồ.

“Tôi đã chụp hai bản đồ, một của Patagonia và một của Nam Mỹ. Don Bosco và tôi bắt đầu nghiên cứu địa lý của Patagonia một cách chi tiết. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các đặc điểm của nó, chẳng hạn như các vịnh, eo biển Magellan và hình dáng của các hòn đảo.” (ASC A001 – Cronichette – Barberis G., được trích dẫn bởi Lenti, Quyển 3, trang 226).

Don Bosco rất quan tâm đến địa lý! Rõ ràng là quan điểm về địa lý này được thúc đẩy trên hết bởi sự tập trung của ngài vào linh đạo, giáo dục, việc mở rộng Tu hội Salêdiêng và việc Truyền giáo. Do đó, mối quan tâm của ngài đối với địa lý và bản đồ phải được bao gồm trong toàn bộ bức tranh về sứ mệnh của ngài: “da mihi animas – caetere tolle!”

Tuy nhiên, với mục đích của bài viết này, chúng ta hãy tiếp tục xem xét ý tưởng này từ góc độ truyền thông. Chúng ta có thể nói rằng điều ẩn chứa sự quan tâm của ngài đối với địa lý chắc chắn là thứ mà chúng ta gọi là trí tưởng tượng không gian.

Khi chúng ta nói trí tưởng tượng không gian, ở đây chúng ta không chỉ đề cập đến các khía cạnh kỹ thuật của hình học địa lý, không chỉ là việc thiết kế bản đồ. Chúng ta đang nói nhiều hơn thế này. Chúng ta đang nói rằng điểm cơ bản để hiểu trí tưởng tượng địa lý của Don Bosco là nó vốn có trong trí thông minh nhận thức / tình cảm của ngài và một biểu hiện của sự sáng tạo và trí tưởng tượng bên trong của ngài.

Trí tưởng tượng không gian của Don Bosco bắt nguồn từ trí tưởng tượng sáng tạo của ngài, là sự thể hiện khát vọng, đức tin sâu sắc và linh đạo của ngài, tầm nhìn của ngài về việc thành lập Tu hội Salêdiêng và vươn ra các nước khác để truyền giáo.

Trí tưởng tượng không gian của Don Bosco được phát triển khi ngài lớn lên trong gia đình, qua việc học hành, niềm yêu thích nghệ thuật, cách nhìn của ngài như một nhà giáo dục, và thông qua cách thiết kế hệ thống giáo dục, cách mơ ước, khả năng lập kế hoạch và thực hiện nền tảng của Tu hội Salêdiêng và để chiếu nó trên quy mô toàn thế giới.

Một trong những nghiên cứu khoa học thích hợp nhất về trí tưởng tượng không gian đã được thực hiện bởi Philip J. Gersmehl và Carol A. Gersmehl (2007).

Trong bài báo đã xuất bản của họ có tựa đề “Tư duy không gian của trẻ nhỏ: Bằng chứng thuộc hệ thần kinh cho sự phát triển sớm và ‘khả năng có thể giáo dục’”, chúng ta có một mô tả mạch lạc về cái mà họ gọi là tám phương thức tư duy không gian riêng biệt.

Hai tác giả gợi ý về cơ bản chúng ta nên tìm hiểu qua tất cả những thứ được thiết kế theo địa lý (thiên nhiên, nhà cửa, công trình kiến ​​trúc, giao thông, nghệ thuật, vật thể, biểu tượng, nghi lễ…). Nói cách khác, chúng ta hiểu mọi thứ bằng mối quan hệ giữa các đối tượng, cách chúng được sắp đặt trong không gian, cách chúng ta sắp xếp chúng theo thứ tự và nhóm và cách chúng ta lập danh mục mọi thứ, thậm chí nhận thức bản thân và thấu hiểu mối tương quan của chúng ta với những người khác.

Việc phân tích về những giấc mơ của Don Bosco dưới góc độ của trí tưởng tượng không gian chứng tỏ rằng Don Bosco luôn đưa ra một cái nhìn không gian về những gì ngài mơ ước.

Don Bosco đã sử dụng những giấc mơ như một loại bách khoa toàn thư về truyền thông. Mỗi giấc mơ có một kịch bản thực sự, đa sắc, chuyển động, nhịp điệu, sự tương phản, chuyển động và thông điệp.

Những giấc mơ là văn phạm rõ ràng về trí tưởng tượng không gian của Don Bosco. Ngài truyền đạt thông qua những giấc mơ, hình ảnh, ẩn dụ và biểu tượng giấc mơ.

Mỗi câu chuyện về giấc mơ của ngài thể hiện một hình học mang tính giáo dục, cấu trúc cân đối của không gian giáo dục, địa chính trị của việc mở rộng Tu hội Salêdiêng, quan điểm không gian về các mối tương quan giáo dục. Công trình giáo dục của Don Bosco bộc lộ trí tưởng tượng của ngài với tư cách là nhà giáo dục và đấng sáng lập.

Trong một giấc mơ truyền giáo của mình, Don Bosco nói:

“Sau khi đi được một quãng đường rất dài, đoàn tàu dừng lại trước một thị trấn có kích thước đáng kể, có thể là ở Vĩ tuyến 47, nơi ngay từ đầu giấc mơ cha đã thấy một nút thắt lớn trên sợi dây. Không có ai ở nhà ga để gặp cha. Cha xuống tàu và ngay lập tức tìm thấy những người Salêdiêng. Cha nhìn thấy nhiều ngôi nhà có nhiều người ở, nhiều nhà thờ, trường học, nhiều nhà đừng chân cho trẻ em và người trẻ, thợ thủ công và người học việc, và một trường học dành cho nữ sinh dạy nhiều loại nữ công gia chánh. Những nhà truyền giáo của chúng ta đã chăm sóc cho cả người trẻ và người lớn”. (MB XVI, tr. 310)

Trong giấc mơ về mười bốn chiếc bàn (MB VI, 708-709, ấn bản tiếng Anh trang 410-411), Don Bosco nói:

“Cha nhìn thấy các học sinh của mình trong một khu vườn lộng lẫy nhất, ngồi ở mười bốn chiếc bàn dài được sắp xếp theo kiểu giảng đường ở ba tầng giống như dãy nhà khác nhau. Hầu hết các bàn trên cùng đều cao đến mức khó có thể nhìn thấy chúng.”

Trong giấc mơ này, về tỷ lệ hình học, Don Bosco đã định nghĩa viễn cảnh theo hệ mét và đối xứng. Ngài sử dụng toán học và hình học để mang lại cảm giác về kích thước cho những gì ngài sẽ tường thuật.

Như thể đang vẽ ra một ‘bản thiết kế kỹ thuật cho giấc mơ’, Don Bosco mô tả các không gian chiều theo các thuật ngữ đo được: hình bán nguyệt, cách đặt các bàn được chia thành ba cấp bậc thang, theo cách mà viễn cảnh – được vẽ bằng các hình dạng hình học – là hợp lý, mạch lạc. Từ môi trường hình học logic này đưa ra thông điệp giáo dục. Thông thường, thiết kế hình học mà chủ đề truyền cảm hứng sẽ trở thành thông điệp. Nó không cần lời nói bởi vì hình học của giấc mơ nói lên tính nhất quán về cấu trúc của nó; bởi vì tính thẩm mỹ của toàn bộ hình học này là thông điệp giáo dục.

Don Bosco chưa bao giờ đến và ở Châu Mỹ, nhưng ngài đã ghi nhớ bản đồ địa lý của Patagonia. Ngài đã đọc, nghiên cứu, vẽ và mơ về những nơi mà ngài muốn gửi các phái đoàn phát truyền giáo đến. Trong một giấc mơ của mình, Ngài nói:

“Về phía tây, cha thấy những ngọn núi rất cao, và ở phía đông có biển… Các dấu hiệu được đánh số trên sợi dây, mỗi điểm tương ứng chính xác với độ vĩ độ, là những dấu hiệu cho phép cha ghi nhớ trong vài năm về các địa phương kế tiếp mà cha đã đến thăm khi cha đi du lịch trong phần hai của cùng một giấc mơ này.” (MB XVI, tr. 307)

Tầm nhìn địa lý của Don Bosco trong những giấc mơ của ngài luôn luôn cho thấy những môi trường rộng lớn, mở rộng, có chiều sâu và bao la. Don Bosco đọc thực tế qua bản đồ. Ngài lập bản đồ thực tại, nơi chốn, con người, thiên nhiên và văn hóa.

Theo Sambrook R. & Zurick D, trong văn bản “Trí tưởng tượng địa lý” (2010), các nguồn thông tin không gian từ thế giới bên ngoài được đồng hóa và hài hòa từ kiến ​​thức bên trong bẩm sinh mà chúng ta có về định hướng và địa điểm dựa trên kinh nghiệm cá nhân của chúng ta.

“Ý thức của chúng ta về nơi chốn bao gồm ý thức về bản thân, các kết nối cảm xúc và trí tuệ cũng như các quá trình nhận thức – tình cảm được thúc đẩy bởi trí tưởng tượng không gian và các quyết định liên quan đến chúng. Chúng tuyên bố rằng hành vi trong không gian của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta nhận thức về bản thân và quan niệm các địa điểm cũng như các mối quan hệ địa lý của chúng.” (Trang 477)

Trong giấc mơ về Brazilia, thủ đô của Brazil, Don Bosco mô tả: “Giữa các vĩ tuyến 15 và 20 có một lối vào vào khá dài và rộng bắt đầu từ điểm mà một cái hồ được hình thành… Cuộc hành trình tiếp tục, dọc theo Cordillera, về phía nam; cũng như mô tả về các vùng của Prato, Pampas và Patagonia, đến Punta Arenas và eo biển Magellan.” (E. Ceria, MEMORIE BIOGRAFICHE DI S. GIOVANNI BOSCO, VI. XVI, Societá Editrice Internazionale – Torino, 1935)

Giấc mơ rất nổi tiếng và được thảo luận trong các nghiên cứu về giấc mơ của Don Bosco, cung cấp cho chúng ta bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ về trí thông minh không gian của ngài: Giấc mơ rõ ràng là một sự hình dung địa lý không gian. Don Bosco đã đạt đến điểm thiết lập các vĩ tuyến 15 và 20 là nơi mà một thành phố vĩ đại sẽ được xây dựng.

Điều cơ bản để phân tích những giấc mơ này, từ quan điểm của trí tưởng tượng không gian, là áp dụng những nền tảng cơ bản mà chúng ta đã đặt ra trong nghiên cứu này.

Đối với vai trò của bản đồ trong trí tưởng tượng của con người, Sambrook R. & Zurick D. nói rằng: “Bản đồ có vai trò công nghệ cơ bản trong các tổ chức của chúng ta và điều hướng trong không gian.” (Trang 4)

Các tác giả gợi ý rằng thông qua trí thông minh không gian, chúng ta có động lực bên trong để mở rộng tầm nhìn về tăng trưởng, kiến ​​thức thế giới, ý nghĩ của thành tựu, mở rộng, cho dù trong các vấn đề chính trị, kinh tế hay tôn giáo.

Điều này có nghĩa là thông qua trí tưởng tượng địa lý của chúng tôi, chúng ta phân tích không gian của các mối quan hệ trong gia đình, khu phố, trường học, quận huyện, cộng đồng, xã hội nói chung.

Không giống như khái niệm trừu tượng về ý tưởng, trí tưởng tượng không gian là một cái gì đó có thật, một trí tưởng tượng thực tế lấy khái niệm về các mối quan hệ xã hội và con người và chính trị từ địa lý.

Qua sự phát triển trí tưởng tượng địa lý của mình, Don Bosco đã đúc kết và áp dụng tầm nhìn cộng đoàn giáo dục mục vụ của mình một cách sáng tạo và thực tế. Tầm nhìn địa lý của Don Bosco là một phần của việc thiết kế tư duy của ngài, bản chất của kế hoạch của ngài, cấu ​​trúc của các mục tiêu của ngài, việc hiện thực hóa các ước mơ của ngài.

Từ quan điểm này, chúng ta có thể nói rằng quan điểm địa lý của Don Bosco cung cấp cho ngài một ngôn ngữ hình ảnh, được thiết kế sẵn sàng để thực thi. Quan điểm địa lý của Don Bosco giúp ngài không bị lạc giữa cách ngài nghĩ và những gì ngài làm, giữa những gì ngài suy tư và những gì ngài thực hiện. Quan điểm địa lý của Don Bosco mang lại cho ngài một sự sáng tạo, cởi mở, linh hoạt và hội nhập vào thực tiễn, với sự sáng suốt trong việc truyền giáo.

Quan điểm địa lý này được thể hiện qua cách ngài nhận thức và phác thảo Hệ thống Dự phòng, xây dựng môi trường, thiết lập các nội quy, tạo không gian giáo dục trong các Nguyện xá. Nó được thể hiện thông qua các mối quan hệ trong không gian giáo dục, kế hoạch và hoạt động về những ngôi nhà mới, cách ngài phát triển một kế hoạch đào tạo cho những người trẻ, quảng bá báo chí lành mạnh, thiết lập một khung cảnh nghệ thuật phụng vụ trong môi trường giáo dục.

Do đó, Don Bosco là một người thực tế! Với linh đạo sâu sắc và tình yêu đối với sứ mệnh cho người trẻ, ngài được thôi thúc với niềm đam mê và sự sáng tạo để đảm bảo rằng những gì ngài có trong tâm trí và trái tim của mình trở thành hiện thực. Ngài biết cách thiết kế hệ thống giáo dục và truyền thông của mình với đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu.

Như chúng ta đã thấy lúc đầu, công nghệ GPS, bản đồ, thế giới kỹ thuật số và thế giới ảo đều liên quan rất nhiều đến khung địa lý, và việc điều hướng Internet và phương tiện truyền thông xã hội phụ thuộc rất nhiều vào trí tưởng tượng không gian của chúng ta.

Khi Don Bosco, với đức tin sâu sắc, nhìn vào bản đồ thế giới, trí tưởng tượng về địa lý đã giúp ngài suy nghĩ về cả những gì mang tính địa phương lẫn toàn cầu. Ngài nghĩ về bản đồ toàn thế giới, thấy trước truyền thông như là mạng lưới, bản đồ, quan hệ con người, một phong trào lớn mọi người đến với nhau để truyền giáo và giáo dục giới trẻ.

Don Bosco mang đến cho chúng ta một tầm nhìn toàn diện, mang tính giáo dục và sáng tạo về truyền thông trong thực tế ảo và kỹ thuật số.

Tổng Cố vấn Đặc trách Truyền thông Xã hội
Gia Thi, SDB chuyển ngữ

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG