“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

TRẺ EM ĐANG NHÌN TA

Có một học sinh kể về Don Bosco rằng:

Don Bosco đúng là linh hồn của mọi cuộc chơi. Tôi có cảm tưởng Ngài có mặt khắp mọi nơi trong sân chơi. Chỗ nào cần là có Ngài ngay. Chỗ này, tụi nhỏ mới khởi sự cãi vã và đánh nhau thì đã thấy Don Bosco tiến lại, Ngài nhận ra ngay đứa đứng đầu cuộc ẩu đả, và khẽ bảo nó: “Con lại đằng kia chơi với nhóm ở cuối sân: nhóm đó cần một người. Cha thế chỗ của con”. Và Ngài bắt đầu chơi ki, ném bi hay chạy nhảy như một trẻ em giữa bao trẻ em. Rồi chỗ khác có một trẻ em đang gây sự với chúng bạn, Ngài đã vui vẻ gọi ngay em đó lại: “Con chơi thế chỗ của cha một lát; còn cha, cha sẽ thế chỗ của con”. Và cứ thế, những sự thay đổi thật tự nhiên.

Một cựu học sinh có tuổi kể lại: “Thật thích thú khi có Don Bosco ở với chúng tôi. Ngài không đặt nặng vấn đề lứa tuổi, quần áo, phong cách của chúng tôi. Chúng tôi ra sao, Ngài cũng gần gũi được. Tuy nhiên, Ngài lưu tâm hơn tới những đứa mặc quần áo xấu, những em thực sự khốn khổ. Còn với các em nhỏ, Ngài xử sự như một bà mẹ hiền”.

Trẻ em rất yêu mến Don Bosco, coi Ngài như người cha. Ít ai đã được trẻ em yêu mến đến thế. Và đây là bí quyết Ngài căn dặn các cộng sự viên: “Các con muốn được yêu mến ư? Các con hãy yêu mến trước đi”. Trẻ em yêu mến Don Bosco vì chúng thấy Ngài yêu mến chúng. Chúng thấy Ngài đầy lòng tốt với những người yếu đuối và ngu muội, luôn thương xót, ân cần chăm sóc và tận tình hành động cho họ: chúng thấy Ngài khoan dung, không thích trừng phạt, Ngài muốn bỏ qua lầm lỗi và dễ dàng tha thứ; chúng thấy Ngài ân cần chăm sóc các em ốm đau, bệnh tật, Ngài quan tâm tới cha mẹ chúng, tới những nhu cầu và đau khổ, tới những niềm vui và tiến bộ của chúng; chúng tìm thấy nơi Ngài một sự chăm sóc đầy tình mẫu tử, Ngài lo lắng bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng của gương mù, như người mẹ bảo vệ đứa bé sơ sinh khỏi sự khắt nghiệt của thời tiết; chúng thấy rõ trí tưởng tượng Ngài luôn bén nhạy, biết tìm cách làm cho cuộc sống thanh thiếu niên được vui tươi, được giáo hóa và tăng trưởng; chúng thấy Ngài đầy lòng hiền dịu, không la mắng; giữa những tình cảnh gay go khó xử nhất vẫn giữ được nụ cười, và biết sửa phạt bằng cái nhìn đánh động lòng người. Tắt một lời, trẻ em nhìn thấy nơi Don Bosco một điều rất bình thường mà rất linh thiêng: TÌNH YÊU. Trẻ em nhìn Don Bosco và cảm thấy mình được Don Bosco nhìn đến.


Từ thái độ trên của Don Bosco, ta có thể suy ra rằng: trẻ em lớn lên, sẽ thành người ra sao tùy nơi cách sống của cha mẹ và những nhà giáo dục, tùy nơi thái độ và cách họ yêu mến, tùy theo họ có biết chấp nhận em cả trong những điều khiến họ khó chịu hay không.

* Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng hình ảnh người cha ảnh hưởng rất sâu đậm trên cái nhìn của đứa con về Thiên Chúa. Nếu đứa trẻ chưa bao giờ được tha thứ, nó sẽ khó hình dung nổi rằng Thiên Chúa là Người Cha đầy yêu thương và tha thứ. Có một em bé khi nghe linh mục nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, đã thốt lên: “Con nghĩ làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ mọi lỗi lầm như thế được? Không đời nào đâu! Ngay ba con đó có bao giờ người tha một lầm lỗi nhỏ nào cho con đâu!”. Nếu mang ấn tượng về một người cha đầy sức mạnh và quyền lực, đứa trẻ sẽ dễ dàng hiểu sự siêu việt của Thiên Chúa, nhưng không thể hiểu được sự thân mật gần gũi của Ngài.

* Cha mẹ và nhà giáo dục phải tiên liệu được phản ứng tâm lý của trẻ em. Đôi khi cha mẹ có đức tin sâu xa nhưng con cái lại hết sức ác cảm với tôn giáo. Tại sao? Một trong những nguyên do là vì mỗi chiều Chúa nhật, cứ đến hai giờ là cha mẹ đi họp hoặc đi giúp người hàng xóm; mấy đứa nhỏ lủi thủi ở nhà, ghét cay ghét đắng cái thứ bổn phận tôn giáo đã cướp mất cha mẹ của chúng. Thế đó, người Kitô hữu không những phải làm việc tông đồ và bác ái, nhưng còn phải biết làm sao để không tổn hại đến các bổn phận trong gia đình.

Ở đây không có ý bàn về “ngôn” và “hành” của bậc phụ huynh và nhà giáo dục một cách qui mô và có hệ thống, nhưng chỉ nhằm lưu ý đến chính cách sống của các vị. Chính thái độ và cách sống của cha mẹ tạo nên bầu không khí của gia đình. Bậc cha mẹ phải kiểm điểm lại xem, phải sống thế nào để gia đình trở nên một tổ ấm thật sự, đầy thân mật, cảm thông và mở rộng hướng tới đời sống bên ngoài. Làm sao để gia đình là điểm xuất phát và cũng là nơi người ta thích về đoàn tụ. Để hội nhập vào đời sống của người lớn, trẻ em cần phải được chuẩn bị ở mọi mức độ, nhất là phải thấy được gương sáng nơi cha mẹ và các nhà giáo dục để noi theo, để đồng hóa.

Cần nhớ lời nhắc nhở chí lý của Don Bosco: “Trẻ em đang nhìn vào chúng ta”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG