“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

TÔI ĐÃ ĐI ĐẾN CÙNG

“Tôi đã đi đến cùng trong mọi quyết định”, đây là bài học tôi rút ra được từ cuộc đời của một con người có tên Gioan Bosco. Tôi nhận ra quyết định này không phải kết luận cuối đời của ngài, nhưng là một “nhân đức” được tập luyện qua từng chặng đường cuộc sống. Chính vì dám “đi đến cùng” mà ngài đã đạt đến sự viên mãn của đời người. Thiết tưởng, kinh nghiệm ấy cũng là bài học cho tôi và các bạn nếu muốn vươn đạt đến thành công.

Chặng đường thơ ấu

Dạo ấy, tôi còn nhỏ lắm. Dù chẳng phải là đứa trẻ vạm vỡ, thế nhưng khó ai có thể thay đổi ý muốn của tôi được một khi tôi đã quyết điều gì đó. Ngày ấy, cuộc sống bọn trẻ miền quê chúng tôi thật buồn tẻ, chẳng có gì vui thú ngoài những buổi đi bắt chim, tắm suối. Một lần đi chợ phiên trên tỉnh, tôi đã bị cuốn hút bởi gánh xiếc, ngay lập tức tôi tưởng tượng đến đám bạn chen chúc quanh sân khấu xiếc, và nhân vật biểu diễn những màn vui nhộn ấy chẳng ai khác chính tôi. Hình ảnh vui tươi, thỏa mãn trên khuôn mặt các bạn dù chỉ trong trí tưởng tượng cũng đủ kích thích thôi, thế là tôi quyết định sáng chế một trò tiêu khiển vui nhộn giữa các bạn.

Để có tiền xem xiếc, tôi đã chẳng bỏ qua phút nào để tranh thủ đan lồng chim nhờ mẹ bán lấy tiền mua vé. Tôi tìm đến gánh xiếc. Tôi len tới tận nơi, chăm chú nhìn không chớp mắt vào từng chi tiết khéo léo, lanh lợi tay chân của họ. Không một cử chỉ nào của họ lọt qua khỏi mắt tôi. Và thế là, về nhà, tôi cương quyết lập lại từng cử chỉ một cho đến thành thạo.

Tôi đu dây, nhào lộn, đi thăng bằng trên dây. Té lên té xuống, sứt đầu u trán, nhưng tôi không bỏ. Cho đến khi tôi hoàn thành nó. Từng ngày một, tôi chấp nhận hết thất bại này chồng sang thất bại khác để biến những lao nhọc ấy nên sự thành công. Kiên trì tập luyện, tôi đã thành thạo đến nỗi có thể vung vẩy đôi tay nhanh nhẹn để có thể ‘lấy trộm’ những đồ trước mắt mà chẳng ai nhận ra. Tôi học kiên trì với những gì đã khởi sự.

Chặng đường tuổi thiếu niên

Tôi được cắp sách đến trường khi tuổi đã lớn, nhưng đối với tôi, học là quan trọng hơn cả, vì chỉ học hành mới có thể đạt được ước muốn trở thành linh mục của mình. Tôi giành giựt từng phút để học sau những giờ học và làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Đã có lần tôi phải rơi nước mắt, co mình trong gầm cầu thang chật chội để học bài trong ánh nến leo lét lúc đêm về. Nhưng những khó khăn đó không ngăn cản tôi tìm đến với niềm vui sống. Tôi học chơi vĩ cầm đến độ dân chúng đã phải múa nhảy khi nghe tiếng vĩ cầm réo rắt của tôi. Giúp việc trong tiệm may cho tôi nghệ thuật may vá, tôi cũng trở nên tay cự phách trong nghệ thuật pha chế thức uống khi phục vụ trong quán rượu. Có gì không làm tôi trở nên phong phú khi hết mình cho lý tưởng?!

Tôi luôn nhắc mình về mục tiêu của đời sống tôi trong mỗi công việc. Mỗi sáng và mỗi tối, tôi đều tự hỏi tại sao tôi lại sống như thế, học những nghề như vậy, đọc những sách vở như thế. Tôi nghiệm ra rằng chỉ khi tôi dám đi tới cùng quyết định của mình, tôi mới có sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, hơn nữa, chính những thử thách ấy lại trở thành bệ phóng cho tôi bay lên cao hơn bầu trời mơ ước.

Chặng đường trưởng thành và trao ban

Sau khi làm linh mục, tôi quyết dâng hiến trọn đời tôi cho trẻ nghèo, dù khó khăn gấp bội trước đây. Tôi muốn làm việc cho những trẻ em luôn bị đe dọa bởi một xã hội chẳng xót thương gì chúng. Tôi đã xả thân vì các trẻ và chọn lựa ở giữa chúng để bảo vệ giáo dục các em, nhưng xã hội nào có khích lệ tôi, trái lại, tôi bị chèn ép mọi phía. Chọn những trẻ bụi đời này, tôi bị xua đuổi, tẩy chay rồi cấm đoán, có lúc tôi cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc. Bạn bè và ngay cả người thân khuyên tôi không nên phí đời như thế, mà hãy chọn những công việc nhàn nhã ở nhà xứ, hoặc trong một nhà nội trú mà thôi. Đối với tôi, đây quả là là một cám dỗ lớn để tôi không còn nhất quán với mục tiêu cuộc đời tôi đã đề ra. Tôi đã phải đấu tranh dữ dội. Nhưng cũng chính cảm giác đơn côi này trở thành lửa thử vàng, để tôi biết trung tín với lý tưởng và tôi hiểu rằng sự trung tín với lý tưởng dâng hiến của tôi không đến từ những cảm xúc song đến từ một chọn lựa của đức tin.

Sự dám đi đến cùng trong quyết định của tôi đem đến hoa trái là các đứa trẻ đã nhận ra tình yêu của tôi cho chúng, và tôi đã trở thành nhà cho chúng cư ngụ. Sự kiện xảy ra vào Chúa nhật đầu tháng Bảy năm 1846. Tôi bất tỉnh sau một ngày mệt nhọc giữa đám thanh thiếu niên nghèo. Ho, mất máu, đau phổi… gậm nhấm sức khỏe của tôi đến tàn tạ. Suốt tám ngày tôi đấu tranh giữa sống và chết, và cái chết dường như chiến thắng nếu không có một phép lạ đến từ những lời cầu nguyện của các bạn ‘nhí’ của tôi. Các em đã dám làm mọi hy sinh để khẩn cầu trời cao cho tôi không được chết.

Chúa nhật cuối tháng Bảy, khi tôi mới lê những bước đầu tiên hướng về nhà nguyện, các trẻ đã ào đến như tổ ong. Chúng hò la sung sướng. Những đứa khỏe hơn tự nguyện dùng cánh tay lực lưỡng của mình thành ngai tòa để công kênh tôi lên. Chúng rước tôi đi một vòng nhà, vừa khóc vừa hát. Chúng tôi vào nhà nguyện, tất cả cùng im lặng tạ ơn Chúa.

Chìm ngập trong tạ ơn, tôi đã chúng những lời này: “Cha mắc nợ các con cuộc đời này. Từ đây trở đi, cha sẽ dành cuộc đời này hoàn toàn cho các con mà thôi.” Và tôi đã trung tín đến cùng với nguyện ước này.

Làm người là một hành trình dài lâu, chúng ta đừng bao giờ hối tiếc vì đã làm những điều tốt. Hãy giáo dục những người trẻ không bao giờ thấy ân hận vì đã làm điều tốt cho những người chung quanh và hãy trung tín với những cam kết của mình. Nhất là, hãy dám đi đến cùng quyết định của mình, một khi đã suy xét cách thích đáng và đã chọn lựa.

Nhật Vỹ

 

Previous article
Next article

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG