“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

TÔI CÓ MỘT TUỔI THƠ HẠNH PHÚC

Tôi sinh vào một ngày gần cuối năm, tuổi con dê. Mẹ định khai sinh cho tôi sang năm sau luôn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi, để khai sinh đúng ngày đúng tháng. Sau ngày đầu tiên tôi bước vào thế giới này, cô hàng xóm cũng vào cùng nhà hộ sinh với mẹ, và sinh một tên con trai. Hai người nằm sát giường nhau, để rồi lớn lên, tôi có một thằng bạn thân và tự hào rằng chẳng mấy ai có tình bạn nào như thế.

Ngày sinh tôi là ngày rằm tháng mười một, tính theo lịch âm. Người ta hay nói “trai mùng một, gái ngày rằm”, những đứa trẻ sinh ra vào hai ngày này thường khó nuôi, khiến mọi người vất vả. Chẳng biết có phải thế thật hay không, theo như lời mọi người trong gia đình kể lại, ngay sau khi về nhà được mấy ngày, tôi đã…giở chứng. Tôi là con đầu lòng, lại là con gái nên cha đã kì công để nghĩ ra cái tên cho tôi. Và tên của tôi được đặt là “Xuyến”. Chẳng hiểu sao, tôi lại khóc. Khóc quá trời quá đất mà mẹ không sao dỗ cho nín được. Bà nội nói mẹ “quăng” tôi ra đường đi, để người khác lượm về nuôi thì hết khóc. Xót con còn đỏ hỏn, mẹ chẳng dám hó hé, vẫn kiên nhẫn dỗ tôi. Nhưng tôi vẫn khóc. Ngẫm lại thì tôi cũng chẳng hiểu sao mới có mấy ngày mà tôi “lì” đến vậy. Nội lại nói phải chữa mẹo thì tôi mới hết khóc. Mẹ đành nghe lời, đem cái chiếu nhỏ ra trải ngoài gốc cây, đặt tôi nằm đó, trong khi nội lên nhờ cô Dung hàng xóm xuống “lượm” tôi về. Cô Dung xuống, lượm tôi lên, xuýt xoa vài câu rồi đặt tên cho tôi là Thảo. Thu Thảo với hàm ý sau này có hiếu với cha với mẹ. Tôi… hết khóc. Cô đưa trả lại tôi cho mẹ, nói là nhờ nuôi giùm. Tôi ngoan ngoãn trở về với vòng tay của mẹ. Sau này, mỗi khi tôi không nghe lời nội, nội hay đuổi tôi “Về với má Dung đi, con của má Dung mà”, làm tôi sợ, tôi phải chỉnh đốn lại mình ngay lập tức.

Thôi nôi tôi, cha mẹ tôi tổ chức và mời mấy cô chú đến ăn mâm cơm cùng gia đình để mừng tôi một tuổi. Tôi nghe kể lại, ngày đó vui lắm, nội có bày ra một mâm những dụng cụ được cho là tượng trưng cho nghề nghiệp tương lai để tôi lựa chọn. Nào kéo, nào vở, nào bút, nắm xôi, cục đất… Ai cũng nghĩ là tôi sẽ chọn nắm xôi, vì hồi đó tôi khá tham ăn. Nhưng tôi lại chọn cuốn vở và cây bút, rồi le te ngoảnh về phía mẹ. Mọi người cười ầm, nói rằng sau này cuộc đời tôi sẽ theo nghiệp bút nghiên.

Sau thôi nôi ít lâu, mẹ tôi lại phải đi làm cùng cha để có thể lo toan cho cuộc sống, tôi được giao cho bà nội. Nội chăm bẵm tôi từng chút một. Không có sữa nhiều như bây giờ, nội nấu cơm rồi chắt nước cơm cho tôi uống. Tôi nghiện nước cơm cũng là vì thế, dòng nước đục đục thơm thơm ấy luôn có một sức hấp dẫn mơ hồ và khiến tôi nhớ về quãng thơ ấu vắng mẹ của mình. Trong nhà lại luôn đầy đủ trái cây và bánh kẹo, mùa nào tôi được ăn trái cây mùa đó, loại bánh nào mới ra cha cũng mua cho tôi ăn thử. Tôi sống sung sướng và no đủ, chẳng thiếu bất cứ thứ gì. Đồ chơi của tôi cũng luôn đầy ắp, nồi niêu xoong chảo búp bê… đủ loại. Vì thế, suốt ba năm tiếp theo của cuộc đời, tôi phần lớn ở nhà với nội, luôn miệng ăn uống và chơi với các loại đồ chơi đó. Tôi tròn trịa và béo ú, ai nhìn cũng muốn nhéo vào đôi má phúng phính kia.

Lên năm tuổi, tôi được cho đi học mẫu giáo. Thời đó, mẫu giáo chỉ học một buổi, từ bảy giờ tới mười một giờ sáng. Cha mẹ tôi lúc ấy đã chuyển sang trồng dưa leo ở gần nhà, sáng sáng phải chở dưa xuống chợ giao cho các mối. Và ngày nào cũng vậy, tôi dậy từ bốn giờ rưỡi sáng, đánh răng rửa mặt thay quần áo và đeo cặp, rồi ngồi vắt vẻo trên mấy bao dưa, mắt nhắm mắt mở nói chuyện với cha mẹ. Đến nhà bác ở gần trường, tôi được thả xuống, chui vô giường với chị và… ngủ tiếp, đến sáu giờ rưỡi sẽ được bác gọi dậy, hai chị em ăn sáng rồi đi học. Trưa bác sẽ đón về, rồi cha hoặc mẹ sẽ ra đón tôi, chiều về tôi chơi với đứa em được hai tuổi rưỡi cho tới tối. Cả năm mẫu giáo của tôi trải qua như thế. Tôi và chị họ rất hay cãi cọ và giận dỗi, vì chị tôi hoạt bát, có nhiều bạn gần nhà và cùng học chung trong lớp, trong khi tôi chỉ có mỗi Vũ – tên bạn sinh sau tôi một ngày. Mà hồi đó, con trai và con gái mà chơi chung sẽ bị bạn bè trêu ghẹo, nên tôi với Vũ ngó lơ nhau. Ở lớp, tôi toàn lủi thủi một mình vì nhát, trong khi chị tôi hết nói chuyện với đứa này lại quay sang chơi đồ hàng với đứa kia. Tôi tủi thân, về méc bác, hai chị em giận không nói chuyện, nhưng sau mấy phút lại làm hòa, ngày cả chục lần như vậy.

Cháu của người ông hàng xóm nhà tôi tên là Mạnh, mười tám tuổi. Những ngày nghỉ hè, anh hay xuống rủ tôi đi chơi. Nói là đi chơi, thực chất là tôi lẽo đẽo theo anh ra vườn, trong khi anh sạc cỏ hay cuốc đất, tôi sẽ quanh quẩn đâu đấy, nếu có dế, anh sẽ gọi tôi và chìa cho tôi xem, rồi kêu tôi bỏ vô cái lọ mà lúc nào anh cũng mang theo bên mình. Rảnh rỗi hơn thì hai anh em ra quán mua kem hoặc bánh rồi vừa ngồi vắt vẻo trong vườn vừa thưởng thức. Anh bạn thân thiết nhất của tôi lúc đó. Mãi đến những năm học lớp ba, anh về lại dưới miền tây lấy vợ, tôi mới thôi đi theo anh bắt giun bắt dế trong những ngày hè như thế.

Trước nhà tôi là khu vườn. Vườn khá rộng, tôi thường ra đó trèo leo và tưởng tượng đủ trò chơi một mình. Giữa vườn là một khoảng đất trống. Cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, thanh niên trong khu xóm tập trung lại và đá banh ở đó. Lâu lâu cha tôi cũng ra tham gia cùng mọi người những khi có đội nào bị thiếu. Tôi thường nhìn trái banh với vẻ thèm muốn, thế là cha mua cho tôi một trái banh nhựa, hai cha con đá qua đá lại. Những khi cha không có nhà, em tôi thì quá nhỏ để chụp banh, cha dạy tôi đá vào tường, trái banh bật ra lại đá tiếp. Và tôi lại chơi một mình với trò chơi đó, có lần đá phải cục đá bay mất móng chân, phải “treo giò” mất mấy tuần liền. Trong thời gian đó, cha lại bày tôi chơi bắn bi (vì tôi lại mè nheo khi thấy mấy anh hàng xóm bắn bi ì đùng mà tôi không thể bắn), chán bắn bi tôi lại quay sang đòi thả diều, cha lại cặm cụi làm diều rồi dắt tôi ra đồng cùng thả. Mẹ cằn nhằn vì cha toàn chiều theo mấy trò “con trai” đó của tôi, trong khi búp bê và đồ hàng tôi để nằm lăn lóc. Cha cười, con gái hay con trai thì đâu quan trọng, nó thích thì nó chơi thôi (có lẽ vì vậy mà tới giờ, tính tình tôi mang hơi hướng con trai khá là nhiều)

Ngày đầu tiên của năm lớp Một, con gái phải mặc váy. Mẹ tôi mua cho tôi cái váy rất đẹp, có cái nơ nho nhỏ xinh xinh nữa. Và theo mẹ, cái gì đẹp thì phải xoay ra đằng trước cho thiên hạ ngắm, nên hiển nhiên mẹ xoay cái nơ ra đằng trước cho tôi. Khi ra nhà bác để cùng chị học, bác tôi cười ầm, nói mẹ ở nhà hoài nên chẳng biết, váy này cái nơ phải xoay ra đằng sau. Bác giúp tôi mặc lại. Đó là một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên được. Mẹ bận làm, bận chăm sóc em nên những thứ mang tính “thời trang” mẹ chẳng bao giờ quan tâm hết được, một sai lầm nhỏ nhưng đã cho thấy mẹ đã vất vả vì chị em tôi đến mức nào. Nhà tôi xa trường, cha mẹ lại thay phiên đưa đón tôi, sau đó là đến chị họ dưới miền tây lên thay cha mẹ đưa tôi đi học. Cả năm lớp Một, tôi chẳng phải đi bộ ngày nào.

Trung thu năm đó, tôi được trường tặng một cái lồng đèn hình tàu thủy. Tôi thích lắm. Đâu phải lúc nào cũng có lồng đèn để mà chơi đâu, thế nên, dù em tôi có đòi cỡ nào, tôi vẫn nhất quyết không cho chạm vào, vì sợ rằng nó sẽ phá tanh tành con tàu mơ ước đó. Vì còn nhỏ quá, hơn nữa nhà lại xa nên tôi không tham gia rước đèn cùng mọi người dưới nhà thờ năm đó, tôi chỉ có thể đốt nến rồi tự rước đèn quanh nhà. Nhưng cũng đủ vui rồi, vì có mẹ dạy tôi bài hát trung thu, có cha ngân nga cùng tôi, có cả bánh trung thu ở trường phát mà tôi đã để dành. Một trung thu bình dị.

Tôi có thêm một đứa em nữa. Ngoài giờ học, tôi về nhà, học bài xong thì chơi với em và ru em ngủ. Những bài hát ru của tôi khi đó là thánh ca mẹ dạy, những bài hát thiếu nhi ở trường cô giáo tập. Sau đó thì tôi đọc truyện. Hồi đó, tôi mê mẩn những câu chuyện trong cuốn “Truyện đọc” trong mỗi bộ sách giáo khoa, mê đến nỗi năm nào mua sách, tôi đều xem xét cẩn thận và khi về nhà là lôi ngay cuốn truyện ra đọc trước. Sách “Truyện đọc” lúc đó chỉ là sách phụ, không có cũng chẳng sao nhưng năm nào tôi cũng nằng nặc đòi mẹ phải mua cho đủ bộ. Công chúa Bạch Tuyết, nàng Lọ Lem, Hoàng Tử Ếch…tôi thuộc nằm lòng, đến nỗi vào năm lớp Bốn, tôi được cô cử đi kể chuyện, và tôi đã kể trơn tru truyện “Bông hoa cúc trắng”.

Tôi vẫn học chung với chị họ tôi. Chẳng biết có phải do ngày thôi nôi đã chọn bút viết hay không, tôi học văn khá tốt, hầu như bài văn nào của tôi cũng được cô đọc trước lớp làm tôi hãnh diện. Sau đó là bài của chị tôi, hai chị em đều ganh đua xem bài ai được đọc, nếu lần đó chỉ có bài của một trong hai người, chúng tôi sẽ chiến tranh lạnh vài bữa, sau đó mới chịu làm hòa và tiếp tục ganh đua cho những bài sau. Cuối năm đó, gia đình chị tôi chuyển đi, tôi hết có người thân thiết cùng ganh đua những lần như thế.

Một chị khác của tôi dưới miền tây chuyển lên sống cạnh nhà tôi, năm đó chị lên lớp Sáu, và tôi thì lớp Bốn. Vì học cấp Hai nên chị có khá là nhiều sách, và thế là, sẵn máu mê đọc truyện, tôi luôn tót sang nhà chị, ngấu nghiến mấy cuốn văn học từ Việt Nam cho tới nước ngoài. Tới giờ, tôi vẫn nhớ “Cái tết của mèo con”, “Ngày công đầu tiên của cu Tí”, “Thời thơ ấu”…những tác phẩm mà chương trình cải cách sau này đều không có. Hết sách văn học, tôi lại quay sang đọc truyện tranh. Hồi đó “Nữ hoàng Ai Cập” là truyện gắn mác 15+, nhưng tôi lén đọc tuốt, sau đó là “Cô bé chăm chỉ”, “Vũ khúc thiên nga”, sau đó nữa là “Conan”. Tất nhiên, tôi chỉ dám đọc lén và đa phần đọc bên nhà chị, cha tôi mà thấy mấy cuốn đó thể nào tôi cũng no đòn, vì với cha, tranh truyện là vô bổ và có khả năng làm xao nhãng việc học của tôi. Tôi chỉ đem về nhà sách ở thư viện, và tôi nhớ hoài cuốn sách đầu tiên mượn về “Cái nồi mất quai” kể về một ông lão với mấy đứa trẻ hàng xóm nghịch ngợm quanh nhà. Thú vui ngày đó của tôi là thế, tôi chẳng có nhiều bạn bè, và hầu như ngoài Vũ, tôi chẳng có mối quan tâm nào hết ngoài sách vở. Đọc chán chê những bộ truyện, và trong lúc chờ những cuốn tiếp theo được chị tôi mua về, tôi nghĩ ra trò chơi khác: diễn kịch. “Cô bé chăm chỉ” là bộ truyện nói về kịch nghệ, và hầu hết các tác phẩm kịch kinh điển trên thế giới đều được nhắc đến và tóm tắt nội dung đầy đủ, thế là tôi bắt chước Machi, lúc thì là Helen, lấy khăn của mẹ bịt kín hết mắt mũi rồi đi lòng vòng trong nhà, làm đồ đạc loạn hết cả lên, lúc lại thành người sói Jean suốt ngày chỉ gầm gừ với lăn lê bò toài dưới đất, lúc lại thành yêu tinh Puck nghịch ngợm leo trèo khắp nơi…. Nói chung, ngoài giờ học, ngoài việc giúp cha mẹ những việc lặt vặt, tôi dành mọi quan tâm vào tranh truyện và tự chơi như thế, đôi lúc cũng rủ em tôi gia nhập nhưng phải giải thích phiền phức quá nên tôi đành thôi.

– – –

Tôi đã có một ấu thơ như thế, trong trẻo và dịu mát. Không nhiều bạn bè, không nhiều thú vui như hiện tại, nhưng tôi có cha luôn chiều theo mọi ý thích và cùng tôi chơi đùa, có mẹ dạy tôi hát và có những cuốn sách đọc lén làm thế giới của tôi phong phú và thú vị. Đến bây giờ, hai đứa em út của tôi, tôi vẫn luôn muốn đem đến cho chúng những tháng ngày như thế. Tôi kể chuyện cho chúng nghe, dạy chúng những bài hát thiếu nhi, mua truyện cổ tích cho chúng đọc, và giả làm ông già Noel tặng quà cho chúng mỗi dịp Giáng Sinh về. Tôi không muốn ấu thơ của chúng quanh quẩn với bài học và công nghệ, về đến nhà là lao đầu vào tivi xem những chương trình không phù hợp hay suốt ngày lẩm nhẩm những bài hát yêu đương này nọ.

Trẻ con là phải được chạy nhảy, khám phá thế giới, chơi đùa cùng bạn bè và mơ mộng về những miền cổ tích, tôi mãi mãi không muốn những đứa trẻ của tôi mất đi niềm vui đó, dù thế giới có tân tiến đến đâu, hiện đại đến đâu…

Tùy Phong

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG