Mục tiêu của giáo dục là sự trưởng thành nhân bản và Kitô hữu của người trẻ. Các công trình giáo dục của chúng ta – các nguyện xá và trường học ở bất kỳ trình tự và cấp độ nào – đôi khi có nguy cơ đánh mất chân trời cụ thể của chúng.
Truyền thống Salêdiêng luôn đặt trọng tâm vào nó, với mối quan tâm là phân biệt hành động giáo dục của chúng ta với những hành động được thực hiện bởi các cơ quan khác: Nhà nước, các trường tư thục, các trung tâm giáo dục và giải trí khác nhau. Đặc biệt, mỗi người Salêdiêng là một “người cha”, và do đó thể hiện mình trong chừng mực nhiệt thành mong muốn điều thiện tâm linh của những người trẻ – trẻ em, thanh thiếu niên, thanh niên – và không bằng lòng với việc chỉ giúp họ phát triển về văn hóa, thể thao, các giá trị nhân bản.
Đặc điểm thứ hai của phong cách giáo dục Salêdiêng là lòng thương mến, điều này chắc chắn không được hiểu chỉ theo nghĩa cảm tính. Thánh Giuse đã chăm sóc Chúa Giêsu, thánh nhân canh giữ Người như báu vật quý giá, thánh nhân đóng vai trò như một người cha, thánh Giuse truyền cho Đức Giêsu những di sản tinh thần của dân tộc, thánh nhân dạy cho Người những điều cần thiết cho cuộc sống trưởng thành. Nếu nghĩ về Thánh Phaolô, chúng ta khám phá ra rằng vị tông đồ không chỉ loan báo Tin Mừng, mà ngài còn dạy dỗ và khuyên nhủ. Trên hết, người tông đồ là một “người cha” hiến thân với lòng quảng đại và vị tha. Trong khảo luận ngắn gọn về Hệ thống Dự phòng, Don Bosco đề cập chính xác đến Thánh Phaolô: “Việc thực hành hệ thống này hoàn toàn dựa trên những lời của Thánh Phaolô: “Bác ái là nhân từ, kiên nhẫn: chờ đợi tất cả, chịu dựng tất cả” (x. Cr 13,4.7). Do đó, chỉ có Kitô hũu mới có thể áp dụng thành công Hệ Thống Dự Phòng.
Trong Lá thư gửi từ Rôma, Don Bosco than thở rằng trong Nguyện xá không còn sự tin tưởng giữa các cậu bé và các nhà giáo dục của các em. Trước câu hỏi: “Và những người trẻ của tôi chưa đủ yêu sao?” Một cựu sinh viên trả lời: “Điều tuyệt vời nhất còn thiếu: đó là những người trẻ không chỉ được yêu, mà còn nhận ra rằng mình được yêu … Không có thân tình thì không thể có tình mến, không có sự biểu hiện này thì không thể có sự tin tưởng”.
Lòng tốt của Don Bosco và của người Salêdiêng được tạo nên từ những cử chỉ cụ thể, đơn giản, hàng ngày, trong đó các cậu bé có thể nhận ra hình ảnh của Chúa Giêsu, “mục tử nhân lành, Đấng chinh phục bằng sự hiền lành và xả thân”. Salêdiêng là một người cha, một người anh và một người bạn, có khả năng truyền cảm hứng cho sự tương giao của tình bạn.
Francisco Moseto
Đồng Hành, SDB lược dịch