Chúng con thân mến,
Cha viết cho chúng con chỉ vài giờ sau khi trao Thánh giá cho các Nhà truyền giáo, trong đó có 10 Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA) và 25 tu sĩ Salêdiêng Don Bosco (SDB), họ được sai đi trong Cuộc xuất phát Truyền giáo lần thứ 149 này. Đây là con số được tính kể từ lần xuất phát đầu tiên do chính Don Bosco chuẩn bị vào ngày 11 tháng 11 năm 1875. Trong dịp đó, 10 Nhà truyền giáo Salêdiêng đầu tiên được sai đi đến đất nước Argentina: 6 linh mục trẻ và 4 Sư huynh Salêdiêng. Những người đầu tiên đó được dõi theo bằng lời cầu nguyện bởi khoảng 11.000 SDB và 2.500 FMA, 2.000 FMA người Ý đã rời khỏi Châu âu để đi khắp nơi trên thế giới.
Đây là một sự thật diệu kỳ khiến cha phải nói rằng, Tin mừng vẫn còn hiện hữu, có thể được hiểu và loan truyền.
Trong khi trao Thánh giá truyền giáo, cha nhận thấy trong ánh mắt của những người nam nữ trẻ này có cùng một ánh sáng: suy tư từ những lời mà họ nói ra: “Tôi muốn sống những lời Thánh vịnh 105, Thiên Chúa đã gọi Môsê và Aaron, những người mang trái tim của Thiên Chúa. Cuộc đời tôi cũng là một tiếng gọi, không phải là chọn lựa”. Thái độ bình thản và quyết định của họ giúp chúng ta sống lại ơn gọi cá nhân của mình theo một cách thức nào đó.
Đây là tiếng gọi không chỉ liên quan đến các tu sĩ thánh hiến Salêdiêng nhưng dành cho tất cả các thành viên của gia đình Salêdiêng bởi vì, với cách này hay cách khác, tất cả chúng ta đều được gọi để trở thành những tông đồ truyền giáo cho người trẻ và những người nghèo khổ nhất trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, từ những vẻ đẹp, sự đáng yêu đến cả sự đau khổ.
Trên thực tế, các Kitô hữu không có một sứ mệnh, họ là một sứ mệnh. Tất cả Kitô hữu đều được mời gọi để sống Mầu nhiệm Nhập thể; tức là làm cho Thiên Chúa hiện diện sống động nơi thân xác hữu hình và mầu nhiệm của cộng thể.
Họ ở trong sứ mệnh với con người của Chúa Giêsu, và bất cứ ai đón nhận họ đều đem đến sự quý mến dành cho Thiên Chúa: “Thầy bảo thật anh em: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,16-20).
Trong Fioretti của Thánh Phanxicô, có một câu chuyện làm cha say mê. Một ngày nọ, khi rời tu viện, Thánh Phanxicô gặp Thầy Leo. Thầy là một người giản dị và tốt lành, Phanxicô rất quý mến Thầy. Trong lúc gặp Thầy, ngài nói, “Thầy Leo, đến đây, hãy đi rao giảng”.
Thầy Leo đáp, “Thưa cha, cha biết rằng con không được học hành nhiều. Làm thế nào con có thể rao giảng cho mọi người?”
Nhưng khi Thánh Phanxicô cố nài nỉ, Thầy Leo đã đồng ý ra đi. Họ đi khắp thành phố, cầu nguyện thầm lặng cho tất cả những ai đang làm việc trong các cửa hành và khu vườn. Họ mỉn cười với đứa trẻ, đặc biệt những người nghèo nhất. Họ trao đổi với những người cao niên. Họ chăm sóc bệnh nhân. Họ giúp một phụ nữ mang theo một thùng nước đầy.
Sau khi đi qua toàn bộ thành phố nhiều lần, Thánh Phanxicô nói: “Thầy Leo, đã đến lúc trở về Tu viện rồi”.
“Còn sự rao giảng của chúng ta?”
Thánh nhân mỉn cười trả lời: “Chúng ta đã làm điều đó rồi, chúng ta đã làm điều đó rồi”.
Lời giảng dạy tốt nhất luôn là một điều gì đó được thực hiện từ trong máu thịt của mình. Chúa Giêsu so sánh các Kitô hữu với muối: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).
Thánh Phaolô so sánh các Kitô hữu với hương thơm: “Hãy là hương thơm của Đức Kitô” (2Cr 2,14-15). Bất cứ ai là hương thơm không cần phải nói ra cho mọi người: hương thơm sẽ tự nói lên.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện hiện hữu trong sự kiên nhẫn của dân Chúa: nơi những bậc cha mẹ nuôi dưỡng con cái mình với tình yêu bao la, nơi những người nam người nữ làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình của họ, những tín hữu lớn tuổi không bao giờ làm mất nụ cười của mình. Trong sự kiên trì hàng ngày, tôi thấy sự thánh thiện của các chiến binh của Giáo Hội. Thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy trong những người hàng xóm bên cạnh, những người sống giữa chúng ta, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa” (Niềm vui và Hoan hỉ,7).
Những Nhà truyền giáo kiên cường và can đảm của những con người nhỏ bé
Như chúng ta đã nói, từ Đền Thờ của Mẹ chúng ta, Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, nhiều Nhà truyền giáo đã lên đường để đến với nhiều nơi khác nhau trên thế giới: 149 lần trong thời gian 143 năm.
Sau cuộc xuất phát truyền giáo đầu tiên vào năm 1875, Don Bosco gửi một hội viên khác vào năm 1876, và một hội viên nữa vào năm 1877 cùng những nữ tu đầu tiên của Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, với phước lành của mẹ Mazzarello. Đây là những nữ tu trẻ, từ 17 đến 25 tuổi. Trong cuộc đời của Don Bosco, các cuộc xuất phát đã được thực hiện vào các năm 1878, 1881, 1883, 1885, 1886, 1887 và 1888. Vào thời điểm diễn ra cái chết của Don Bosco, 149 người Salêdiêng và 50 nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ đã được sai đi vào cánh đồng truyền giáo và đã có mặt tại Argentina, Uruguay, Brazil, Chile và Ecuador.
Họ như là những người lính đầy dũng cảm của gia đình Salêdiêng chúng ta. Không được gửi đi “để làm” và “để làm” và chỉ “để làm”, nhưng để mang đến đó một tinh thần, để mở rộng vòng tay của Don Bosco, lòng nhân từ dịu dàng của Mẹ Mazzarello, và sự gan dạ của một người sống với niềm đam mê vì Tin mừng.
Những gì cha nói với các Nhà truyền giáo vừa qua, bây giờ cha cũng muốn nói với tất cả chúng con: “Chúng ta ước mong rằng, đức ái mục tử là tâm điểm thực sự của việc hiện hữu và hành động của chúng ta; Đức Kitô của Tin mừng, được yêu và được tiếp nối bởi Don Bosco và các thánh Salêdiêng của chúng ta, thật sự là trung tâm của con người chúng con; chúng con hãy sống với sự khiêm nhường và sức mạnh của cảm thức với lòng tri ân Giáo hội, sự ưu tiên dành cho Giới trẻ, và lòng nhân từ, đó là nét đặc thù của Hệ thống Dự phòng của chúng ta, với tinh thần gia đình, làm việc không mệt mỏi, và tiết độ. Hãy luôn luôn kết hợp với Thiên Chúa, lạc quan, vui vẻ, sáng tạo và linh hoạt, và không bao giờ quên rằng sự trìu mến của Cha Trên Trời đang chờ chúng ta ở đó, chúng ta sẽ không vào Nước Trời một mình, nhưng đi cùng với rất nhiều người mà chúng ta trao hiến cuộc sống của mình cho họ”.
Chúng ta được kêu gọi để làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới, với phong thái Salêdiêng một cách rõ nét: khởi đi từ đầu, từ những người nhỏ nhất.
Giáo sư Fernando Silva, Giám đốc Bệnh viện Nhi ở Managua, đã kể lại một trải nghiệm thật cảm động. Vào một đêm Giáng sinh, ông làm việc trễ hơn mọi hôm. Người ta đã có thể nghe thấy tiếng nổ của pháo hoa và nhìn thấy những tia sáng của pháo hoa thắp sáng trên bầu trời trong khi đó Fernando quyết định trở về nhà, nơi mà những người thân của ông đang chờ đợi ông tại bữa tiệc Giáng sinh.
Trong khi ông đang thực hiện kiểm tra lần cuối cùng để đảm bảo tất cả đã được trật tự, đột nhiên ông nghe thấy tiếng của những bước chân nhẹ nhàng phía sau ông – bước đi nhẹ nhàng như bông. Ông quay lại và thấy một trong những bệnh nhân nhỏ bé đi theo ông.
Trong ánh sáng mờ ảo đó, ông nhận ra một em bé. Em là một đứa trẻ không có ai chăm sóc.
Fernando nhận ra khuôn mặt mang dấu ấn của cái chết và đôi mắt đang cầu mong sự tha thứ, hoặc, thỉnh cầu sự chấp thuận.
Fernando đã đến gần em, và đứa bé ôm lấy ông bằng đôi tay của em: “Nói với ai đó”, em nói thì thầm. “Nói với ai đó, cháu đang ở đây”.
Trong một cuộc triển lãm ảnh của trẻ em đường phố ở Lima, bên dưới một trong những bức ảnh có chú thích: “Họ biết tôi tồn tại, nhưng họ không thấy tôi”. Tôi là một vấn đề xã hội, một số liệu thống kê, nhưng họ không thấy tôi.
Chúng ta là những người Salêdiêng, và bất cứ nơi nào chúng ta tìm thấy mình, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của người bị lãng quên, vô hình. Chúng ta được gọi trở nên những Nhà truyền giáo kiên cường và can đảm cho những người nhỏ bé và nghèo khổ nhất. Chúng ta được mời gọi quỳ xuống để rửa chân của người khác, giống như Chúa và vị Tôn sư của chúng ta đã làm.
Chỉ những ai hạ mình mới có thể lắng nghe, trên hết, lắng nghe những người nhỏ bé. Họ có điều gì đó để nói và một cuộc sống để chia sẻ.
Chúng con rất thân mến, chúng con sẽ gặp nhiều người thiện chí ở bất cứ nơi nào, một số người không nghĩ về cách chúng ta làm, những người có tầm nhìn của thế giới khác, và những người sống và thực hành theo các tôn giáo khác. Nhưng nếu họ là người tốt và làm tốt, họ sẽ ngưỡng mộ vẻ đẹp và tìm kiếm sự thật. Ngoài ra, chúng con cũng sẽ nhận được nhiều đau khổ do bất công, bất bình đẳng và bạo lực, với những người có quyền lực – cho dù đó là chính trị, xã hội hay kinh tế.
Nhưng chúng con phải luôn ở gần những người nghèo nhất, những người bị đe dọa và hèn mọn nhất.
Về vấn đề này, cha muốn nhắc lại một trong những “vật kỷ niệm” mà chính Don Bosco muốn trao cho những Nhà truyền giáo trong cuộc xuất phát đầu tiên, 143 năm trước, khi chiếc tàu hơi nước Savoy rời bến cảng: “Hãy chăm sóc bệnh nhân, trẻ em, người già và những người nghèo, chúng con sẽ nhận được phước lành của Thiên Chúa và thiện chí của con người”. Và trên một tấm thiệp gửi cho Cha John Cagliero, Don Bosco viết: “Hãy làm những gì con có thể: Thiên Chúa sẽ làm những gì chúng ta không thể. Hãy phó thác tất cả mọi sự cho Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu, và con sẽ thấy phép lạ là gì”.
Ángel Fernández Artime, SDB
Bề Trên Cả
Gia Thi, SDB chuyển ngữ