“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Tiến trình trở thành Nhà lãnh đạo Mục vụ theo gương Thánh Giuse

Lãnh đạo mục vụ: một tiến trình…

Tìm một định nghĩa về lãnh đạo không khó! Có cả hàng trăm định nghĩa khác nhau. Nhưng có lẽ, định nghĩa của B. Bass được nhiều người ưng ý hơn: lãnh đạo là một tiến trình, trong đó một cá nhân gây ảnh hưởng trên những cá nhân đi theo họ để cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung.

Nhưng nếu chúng ta tìm một định nghĩa về lãnh đạo mục vụ thì chịu thua! Chưa thấy ai nói tới điều này một cách khoa học cả! Có thể nói, lãnh đạo mục vụ là một tiến trình được bao trùm bởi bối cảnh của cộng đoàn, trong đó, những thành viên đi theo người lãnh đạo có đời sống thánh thiện, và cùng họ xây dựng Nước Thiên Chúa. Định nghĩa như thế, chúng ta mới thấy được nơi thánh Giuse – một nhà lãnh đạo mục vụ tuyệt vời.

1- Nhà lãnh đạo không ngừng hoàn thiện bản thân

Có lẽ, nếu mở những trang thánh kinh viết về thánh nhân, chúng ta sẽ khó có thể tìm được những điều rõ ràng về thánh nhân như tư cách nhà lãnh đạo mục vụ – dù là phạm vi hẹp nhất – mục vụ lãnh đạo nơi gia đình Nazareth. Thế nhưng, nói như thế, không có nghĩa là không có!

Trước tiên, chúng ta đừng quên ngài chính hiệu “con nhà tông” – dòng dõi vua David mà! Nói theo các nhà lý thuyết về nét tính cách nhà lãnh đạo: “lãnh đạo là những con người được sinh ra”. Tự bản thân, họ đã có những tố chất của nhà lãnh đạo. Đây cũng là điều mà đã từ lâu, Việt nam cũng chịu ảnh hưởng trong học thuyết lãnh đạo của Tam giáo: “con vua thì lại làm vua…”. Theo lý thuyết này, nhà lãnh đạo chính là “quà tặng” của Thiên Chúa cho cộng đoàn.

Nhưng rõ ràng, trong trường hợp của Thánh nhân, chúng ta sẽ không thể giải thích theo nhãn giới này. Cần phải giải thích theo những cách nhìn mới hơn của lý thuyết hành vi kết hợp với thuyết Psychodynamic về con người lãnh đạo. “Lãnh đạo là những người được làm ra” nhưng không phải bằng mọi giá, nhưng dựa trên cơ sở nền tảng của cá nhân. Cơ sở này, không ai khác biết rõ hơn chính cá nhân đương sự. Những nhà chuyên môn chỉ góp phần giúp họ biết rõ mình; nhà chuyên môn không thể biết rõ về đương sự. Nơi những nhà lãnh đạo mục vụ, họ được hạnh phúc hơn khi được “chuyên gia” tuyệt vời, chính là Thiên Chúa, Đấng biết rõ về họ và chỉ cho họ con đườngđể thăng tiến. Vấn đề là họ có lắng nghe chỉ dẫn và cộng tác với “cố vấn diệu kỳ” này hay không!

Trong trường hợp của thánh nhân, điều nổi biệt nhất nơi chính con người ngài chính là khả năng thinh lặng lắng nghe. Thế nhưng điều đó chưa đủ! Lắng nghe chính là để thấu hiểu và cùng đồng hành. Mọi biến cố được Tin Mừng thuật lại về cuộc đời ngài đều làm nổi bật thái độ này của ngài. Chính trong thinh lặng của lắng nghe, ngài đã có thể dẫn dắt gia đình Nazareth hoàn thành sứ vụ rất đặc biệt của gia đình: trởnên một gia đình rất thánh qua việc mỗi thành viên hoàn tất sứ vụ được trao phó trong khung cảnh của gia đình. Đó là một nỗ lực không mệt mỏi, một nỗ lực nhiều khi tưởng chừng quá sức của mỗi thành viên.

Thánh nhân, qua tiến trình của tĩnh lặng, ngài là một con người biết rõ mình với những giới hạn. Chính thế, đã có lần, ngài đã dự tính chối từ, bỏ cuộc trước sứ vụ lớn lao: làm cha nuôi của Con-Chúa-Làm-Người. Nhưng, cũng chính trong tĩnh lặng đó, ngài cũng khám phá ra Ý định của Chúa nơi sứ vụ của ngài để cộng tác. Biết mình thôi chưa đủ! Đó vẫn chỉ là cái biết không trọn vẹn. Biết mình trong tiến trình biết Chúa mới trọn vẹn. Đó là con đường nên hoàn thiện của nhà lãnh đạo mục vụ! Bởi lẽ, sứ vụ lãnh đạo mục vụ được giao phó, nói cho cùng, cũng chỉ là thông phần sứ vụ “mục tử – lãnh đạo” của chính Thiên Chúa trên dân của Người.

Với chúng ta,được trao phó một sứ vụ, đặc biệt sứ vụ lãnh đạo mục vụ trong cộng đoàn, nhiều lúc chúng ta cũng dễ dàng bị cám dỗ: mình được Chúa tuyển chọn, mình là “quà tặng”của Chúa cho cộng đoàn. Chúng ta quên mất, “quà tặng” này vẫn chưa hoàn hảo trong chính thân phận của chúng ta. Cần phải cộng tác với Chúa để làm cho quà tặng này trở thành tuyệt hảo. Đàng khác, cơn cám dỗ cộng đoàn là của mình vẫn có nguy cơ đeo bám những nhà lãnh đạo mục vụ ở mọi thời. Quên rằng, cộng đoàn là dân của Chúa, nhà lãnh đạo mục vụ cũng sẽ quên rằng mình cần phải luôn cần phải lắng nghe tiếng của nhà lãnh đạo đích thực của cộng đoàn mà chính mình cũng chỉ là một thành viên trong đó. Chính Người là mẫu cho mọi lãnh đạo mục vụ theo đuổi nhưthánh Giuse đã lắng nghe và làm theo.

2- Nhà lãnh đạo mục vụ: “Ad Gentes”

Nhà lãnh đạo mục vụ có sứ vụ đi đến với muôn dân. Không có dân sẽ không có nhà lãnh đạo mục vụ.Chúa Giêsu, nhà lãnh đạo mục vụ tối cao của dân Thiên Chúa cũng đã thực hiện hành trình này. Công cuộc Ad Gentes của nhà lãnh đạo mục vụ chính là tiếp nhận và phục vụ những anh chị em họ gặp gỡ. Nói theo ngôn ngữ của lãnh đạo, họ “gây ảnh hưởng” để anh chị em đi theo họ và cùng với họ “hoàn thành mục tiêu chung” là xây dựng Nước Chúa.

Để làm được công việc này, bên cạnh việc nhà lãnh đạo phải làm hoàn thiện bản thân mình, họcòn cần phải hiểu biết về môi trường họ đến và anh chị em họ sẽ gặp gỡ. Theo các lý thuyết về lãnh đạo, khi lãnh đạo hiểu rõ môi trường, bối cảnh và con người, họ sẽ có những kiểu lãnh đạo tương ứng để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Trong trường hợp của thánh nhân, ngài không thực hiện công cuộc Ad Gentes theo nghĩa rộng, nhưng thực hiện nó ngay trong khung cảnh của gia đình Nazareth. Với ngài, đó là việc đón tiếp mẹ Maria và cùng với mẹ Maria đón tiếp con trẻ Giêsu để yêu thương và phục vụ Người. Thánh nhân biết rõ Maria là ai, con trẻ Giêsu là ai để có “kiểu lãnh đạo” đúng mực và hiệu quả nhất nơi cộng đoàn Nazareth xưa.

Có thể nói, nếu như lúc sinh thời, thánh nhân chỉ thực thi vai trò của nhà lãnh đạo nơi giađình, thì ngày nay, vai trò đó của ngài đã và đang tiếp tục mở rộng theo đúng nghĩa của nó. Ngài đã trở thành “hấp lực” với không ít người trên thế giới này. Họ đến với Ngài, đi theo ngài và cùng ngài đi theo Chúa Giêsu. Họ đã cảm thấy bị ngài “lôi cuốn”; bởi họ đã cảm được tấm lòng mở rộng đón tiếp của ngài và sựyêu thương phục vụ với tấm lòng người cha của ngài. Mỗi người đến với ngài sẽ cảm nhận được thái độ đón tiếp và phục vụ rất riêng tư. Nói theo từ ngữ lãnh đạo là với một kiểu lãnh đạo rất phù hợp với cá nhân họ.

Với chúng ta hôm nay, trong tư cách nhà lãnh đạo mục vụ, nhiều khi chúng ta đã quá vội vàng hành động. Vẫn biết rằng sứ vụ Ad Gentes của chúng ta luôn là một đòi hỏi khẩn thiết tự bản chất. Nhưng nó sẽ không thể sinh hoa trái nếu chúng ta không dành thời gian để mở rộng lòng tìm hiểu để tiếp đón và phục vụ đúng cách nhất, phù hợp nhất với từng mỗi anh chị em được giao phó cho chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã từng có được kinh nghiệm về sự chuyển đổi từ trạng thái hồ hởi đón tiếp chúng ta chuyển qua thái độ hờ hững với chúng ta. Lý do chính là ở chỗ này! Anh chị em luôn rộng lòng đón tiếp chúng ta. Nhưng chính bởi cách chọn lựa kiểu lãnh đạo, kiểu tiếp đón và phục vụ không phù hợp của chúng ta đã dẫn đến tình trạng xa rời cộng đoàn của anh chị em mình.

Thánh Giuse đã và đang trở thành mẫu của lời mời gọi chúng ta suy gẫm cho sứ vụ Ad Gentes trong tư cách nhà lãnh đạo mục vụ của chúng ta. Hãy cùng bắt đầu lại cho tiến trình này! “Đừng ngại đón Maria về nhà” để yêu thương, để phục vụ và để cùng hoàn thành sứ vụ của chúng ta. Anh chị em được giao phó cho chúng ta hôm nayđang là những Maria và Giêsu cần đến tấm lòng lãnh đạo Giuse của chúng ta.

3- Nhà lãnh đạo: xây dựng Nước Chúa

Vai trò lãnh đạo được trao phó cho một người nào đó là để họ cùng với những thành viên hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức. Nhà lãnh đạo mục vụ cũng thế, một cá nhân được tuyển chọn đóng vai trò lãnh đạo cộng đoàn chính là để họ cùng với cộng đoàn xây dựng Nước Thiên Chúa nơi chính cộng đoàn của họ.

Theo lý thuyết Path-Goal, một nhà lãnh đạo hiểu rõ mục tiêu được giao phó họ sẽ có những kiểu lãnh đạo phù hợp để hoàn thành mục tiêu này. Việc hiểu rõ mục tiêu cũng liên quan đến một việc rất quan trọng trong lãnh đạo đó là tầm nhìn, hay nói cách khác, khả năng chiến lược của nhà lãnh đạo. Không định hướng được tầm nhìn, nhà lãnhđạo khó có thể hoàn thành mục tiêu chung.

Nhà lãnh đạo mục vụ cũng không thể làm khác hơn! Thoạt đọc tin mừng, chúng ta dễ có cảm giác Thánh Giuse chỉ biết làm theo Ý Chúa. Nhưng nếu phân định cách công bằng, chúng ta mới thấy được tầm nhìn lãnh đạo của ngài. Một sự kiện rõ ràng nhất là việc đưa con trẻ và mẹ Người về Nazareth (Mt 2, 19). Ngay cả việc ngài giải quyết việc mau lẹkhi không tìm ra nhà trọ, việc sống ở đất khách Aicập nhiều năm…cũng cho phép chúng ta suy đoán về khả năng này của ngài. Chính khả năng xây dựng tầm nhìn cho sứ vụ mà thánh nhân đã hoàn tất được cách trọn vẹn.

Đàng khác, việc xây dựng tầm nhìn để hoàn thành sứ vụ còn tùy thuộc mối tương giao liên đới trách nhiệm; nói khác đi, chính là hoạt động của nhóm lãnh đạo. Mô hình lãnh đạo từ trên xuống không còn thích hợp. Các nhà lãnh đạo hiện đại nghiệm thấy hiệu quả của mô hình lãnh đạo tham gia và chia sẻ trách nhiệm có hiệu quả cao hơn nhiều so với mô hình cũ. Mô hình lãnh đạo mục vụ hiện nay cũng chỉ đạt hiệu quả cao khi sử dụng mô hình mới này.

Tuy nhiên, với thánh Giuse, ngay từ xưa, ngài đã áp dụng mô hình mới này nơi gia đình Nazareth. Đọc các bản văn, chúng ta dường như có cảm giác ngài là vị thánh “lù đù”. Chúng ta lầm to! Biến cố tìm trẻ Giêsu nơi Đền thờ, cho phép chúng ta đọc ra khả năng chia sẻ sứ vụ, hay nói cách khác, sự tham gia lãnh đạo trong cộng đoàn Nazareth xưa: Ngài để mẹ Maria tham gia phần sứ vụ lãnh đạo cũng ngài.

Với chúng ta ngày nay, lãnh đạo mục vụ có nhiều điều kiện, nhiều ưu thế hơn thời của thánh nhân; nhưng chúng ta thường bỏ lỡ nhiều cơ hội vì chúng ta thiếu một tầm nhìn, thiếu sự chia sẻ với anh chị em, thiếu… nhiều nhiều thứ!

Lên đường…

Đọc lại đôi nét về thánh nhân như mẫu của nhà lãnh đạo mục vụ để những nhà lãnh đạo mục vụ hôm nay có dịp tái khám phá hành trình lãnh đạo của mình. Hy vọng và tin tưởng rằng, những gợi mở nơi cuộc hành trình lãnh đạo mục vụ của thánh nhân giúp chúng ta mở ra một nhãn giới mới cho hành trình sứ vụ của mỗi người hôm nay. Nguyện cầu thánh nhân luôn nâng đỡ những bước chân của những nhà lãnh đạo mục vụ thời hiện đại hôm nay.

Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ
(Nguồn: toitocuaanhemviduckito.wordpress.com)

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG