“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

THƯ LUÂN LƯU THÁNG 01/2022

Roma, ngày 01 tháng 01 năm 2022 – Lễ Mẹ Thiên Chúa

Kính chào quý cha Giám đốc Cộng thể và Trưởng Cộng đoàn, Anh em SDB Việt Nam & Mongolia, cùng toàn thể các thành viên Gia đình Salêdiêng Don Bosco Việt Nam thân mến.

Chúng ta bước vào Năm Mới 2022. Cầu chúc nhau một năm tràn đầy hạnh phúc và may mắn. Nguyện xin Bình an và Tình yêu của Đức Kitô tràn đầy trên mọi người.

Kính thưa quý cha, quý thầy và anh chị em trong Gia đình Salêdiêng,

Khởi sự năm mới này với tháng Giêng, với việc kính nhớ Cha Thánh Gioan Bosco, chúng ta hãy dành thời gian cầu nguyện và đào sâu linh đạo salêdiêng. Cuối tháng này, Gia đình Salêdiêng Việt Nam sẽ có cuộc họp mặt mừng Xuân Mới. Vào cuối năm này, chúng ta sẽ kỷ niệm bốn trăm năm ngày mất của một vị thánh vĩ đại (28.12.1622-28.12.2022), một thiên tài độc đáo về linh đạo trong trong Giáo hội: Thánh Phanxicô Salê, vị thánh từ đó chúng ta được mang tên “Salêdiêng” – Don Bosco.

Với tâm tình tạ ơn Chúa vì Ngài đã mến thương ban cho chúng ta những bậc thầy về đường trọn lành, trong lá thư luân lưu tháng này, con muốn chia sẻ với tất cả các anh em hội viên và các thành viên của Gia đình Salêdiêng Việt Nam vài suy tư, tóm kết từ những lời nhắn nhủ và tâm tình phụ tử của cha Bề trên Cả Angel Ferrnandez Artime qua Hoa Thiêng 2022 và những huấn dụ khác của ngài.

Hai dung mạo thánh thiện mời gọi chúng ta chiêm ngắm và tạ ơn Chúa

Linh đạo Salêdiêng được kiện cường và lớn mạnh, chịu được tác động của thời gian bởi được kết nối chặt chẽ với hai nhân vật độc đáo trong lịch sử của Giáo hội: Thánh Phanxicô Salê và Thánh Gioan Bosco. Chúng ta đang nói về “hai người khổng lồ nắm giữ  đặc sủng Salêdiêng”, vì cả hai đều là món quà tuyệt vời trong Giáo hội, và bởi vì Don Bosco đã có thể chuyển tải sức mạnh tinh thần của Thánh Phanxicô Salê thật riêng biệt vào việc giáo dục và phúc âm hóa hàng ngày cho con cái của mình và, nhờ Gia đình Salêdiêng,  giữ cho tinh thần ấy tồn tại, lan rộng trong Giáo hội và trong thế giới đến ngày nay.

Năm 1854, Don Giovanni Bosco, khi trao đổi với nhóm thanh niên mà ngài muốn cùng họ thành lập một Tu hội, đã nói: “Đức Mẹ muốn chúng ta thành lập một Tu hội. Cha đã quyết định rằng chúng ta sẽ được gọi là Salêdiêng. Chúng ta hãy đặt mình dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxicô Salê”. Và chỉ vài năm sau, vào năm 1859, Don Bosco đã thành lập Tu Hội Thánh Phanxicô Salê. Tu Hội Salêdiêng được sinh ra ở Turin, vào ngày 18 tháng 12 năm 1859, với mười bảy thành viên cùng người sáng lập, Don Bosco, và với tên ban đầu là Hiệp hội đạo đức của Thánh Thánh Phanxicô Salê. Hơn 160 năm qua, Tu Hội Thánh Phanxicô Salê chưa bao giờ ngừng phát triển và lan rộng ở năm châu lục, với một sức hút về đường hướng giáo dục rõ ràng đối với trẻ vị thành niên, thanh niên và những người thiệt thòi nhất và với tinh thần truyền giáo không giới hạn.

Kể từ ngày 18 tháng 12 năm 1859, Don Bosco đã cùng với một nhóm những người trẻ tuổi được lớn lên cùng ngài và được là “Salêdiêng” bắt đầu cuộc phiêu lưu trong Thần Khí Chúa, và kết quả sau này sẽ tạo ra cây đại thụ mà ngày nay được gọi là Gia đình Salêdiêng của Don Bosco. Gia đình này có nguồn gốc và được nuôi dưỡng từ linh đạo của thánh Phanxicô Salê, được nhận biết và thực hành với sự nhạy cảm của một người khổng lồ khác, Don Bosco.

Ngay từ cái nôi sinh ra, Thánh Phanxicô Salê và Thánh Gioan Bosco đã có nhiều điểm chung. Phanxicô Salê được sinh ra dưới bầu trời vùng Savoie, vùng đất được bao quanh với các thung lũng và những dòng suối phát sinh từ những đỉnh núi cao nhất của dãy Alpes. Chúng ta có thể không cần phải ngần ngại để nói rằng Gioan Bosco cũng là một người vùng Savoie.

Dù Gioan Bosco không được sinh ra trong một lâu đài như Phanxicô Salê, nhưng cả hai đều là món quà lớn cho các bà mẹ. Bà Françoise de Boisy, một người mẹ ngọt ngào với tâm hồn tràn đầy đức tin, mang thai đứa con đầu lòng khi còn rất trẻ. Trong khi chờ mong con của mình ra đời, lúc ở Annecy, trước Tấm khăn liệm thánh, di tích về cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa chí thánh, bà đã cảm động hứa rằng: đứa trẻ đó phải thuộc về Chúa Giêsu mãi mãi. Về phần Mẹ Margarita, một ngày nọ cũng đã nói với con trai của mình là Gioan Bosco: “Khi con có mặt trong thế giới này, mẹ đã dâng con cho Đức Trinh Nữ Maria”. Các bà mẹ Kitô giáo đã sinh ra các vị thánh; có thể trong một lâu đài, như Phanxicô Salê, hoặc cũng có thể trong một ngôi nhà thôn quê tồi tàn, như Gioan Bosco.

Người ta kể lại rằng câu nói đầu tiên mà Phanxicô Salê có thể biểu đạt hoàn chỉnh ý tưởng của mình đó là câu: “Thiên Chúa tốt lành và mẹ yêu dấu của tôi yêu thương tôi thật nhiều”. Chắc chắn Gioan Bosco cũng đã lập lại câu này. Quả vậy, Thiên Chúa tốt lành đã ghé mắt nhìn Phanxicô Salê và Gioan Bosco. Ngài đã ban cho họ những trái tim lớn.

Phanxicô Salê học ở Paris và Padova, trong các trường đại học nổi tiếng nhất trên thế giới. Gioan Bosco học dưới ánh nến trong góc cầu thang của một quán rượu. Nhưng Chúa Thánh thần không bị ngăn cản bởi những điều nhỏ nhặt của con người. Hai người được định sẵn để gặp nhau. Nước của các dòng suối Savoie, cũng như tinh thần của Phanxicô Salê sẽ dâng cao, sẽ chảy đến Turin và sau đó chảy tràn ra trên toàn thế giới.

Sau 400 năm, lời đề xuất về lối sống đạo đức Kitô giáo, phương pháp đồng hành thiêng liêng và tầm nhìn nhân văn về mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa của Thánh Phanxicô Salê vẫn còn sống động và hợp thời. Và Don Bosco, không giống bất cứ ai khác, đã biết cách “giải thích” linh đạo ấy.

Trong suốt năm nay, qua việc cử hành một số sự kiện nhân kỷ niệm 400 Thánh Phanxicô Salê chúng ta sẽ có thể tiếp cận dung mạo và con đường thiêng liêng của Thánh Phanxicô Salê, và cùng với ngài, chúng ta hiểu biết thêm về cuộc đời của Don Bosco.

Sống linh đạo Salêdiêng: cảm nhận tình yêu Thiên Chúa và để Ngài hành động

Như một điều nguyện ước cho năm mới 2022, chúng ta cùng đáp lại mời gọi của cha Bề trên Cả, là hãy chạy đến và thưởng thức “dòng nước tươi mát chảy từ một dòng sông lớn đậm nét nhân bản và thiêng liêng của linh đạo Salêdiêng”, từ Thánh Phanxicô Salê đến Don Bosco. Dòng sông này mang trong mình một sức mạnh mà chúng ta tìm thấy nơi những suy nghĩ đậm nét ‘Salêdiêng’ xuất phát từ chính trái tim của Thánh Phanxicô Salê, và cũng nhờ chính Don Bosco tạo ra trong cuộc sống của ngài với những người trẻ và dành cho người trẻ.

Đây là những nét đẹp của linh đạo Salêdiêng mà cha Bề trên Cả đề xuất mỗi người, mỗi thành viên Gia đình Salêdiêng đưa vào chương trình sống của mình trong năm:

  • Thiên Chúa, qua ân sủng của Ngài, không bao giờ hành động mà không có sự đồng ý của chúng ta. Ngài hành động mạnh mẽ, nhưng không bắt buộc hay thúc ép, mà tỏ lộ sức thu hút tâm hồn; Ngài không xâm phạm nhưng tôn trọng tự do của chúng ta.
  • Thiên Chúa, như Thánh Phanxicô Salê thích nói, thu hút chúng ta với chính sáng kiến tử tế của Ngài, đôi khi như một ơn gọi hoặc một lời kêu gọi thật đặc biệt, đôi khi như tiếng nói của một người bạn, như một nguồn cảm hứng hoặc một lời mời gọi chân tình, và đôi khi như một “sự chuẩn bị” bởi vì Thiên Chúa luôn luôn “đi bước trước”. Thiên Chúa không áp đặt chính mình cho con người: Ngài gõ cửa lòng chúng ta và chờ đợi chúng ta mở ra.
  • Thiên Chúa hiện diện và làm cho mình hiện diện nơi mọi con người trong những khoảnh khắc của cuộc đời họ theo cách mà chỉ có Thiên Chúa biết và chỉ do Thiên Chúa chọn và thực hiện.
  • Cả Thánh Phanxicô Salê và Don Bosco đều làm cho cuộc sống thường ngày trở thành nơi biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, được đón nhận và cũng được đáp lại. Các vị thánh của chúng ta muốn đưa mối tương quan của Thiên Chúa đến gần hơn với cuộc sống con người và đưa cuộc sống lại gần hơn nơi mối quan hệ với Thiên Chúa.

Về mối tương quan gần gũi này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói: “Tôi thích ngắm nhìn sự thánh thiện trong Dân Thiên Chúa kiên trì, nơi những cha mẹ âu yếm giúp cho con cái được lớn lên, nơi những người nam nữ lao lực để kiếm miếng bánh mang về nhà, nơi những bệnh nhân, nơi những nữ tu cao niên vẫn tươi cười. Chính trong sự kiên trì tiến tới mỗi ngày mà tôi nhận thấy sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu” (GE, 7). Đây thường là sự thánh thiện quen thuộc “bên cạnh nhà”, của những người sống gần chúng ta, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa; hoặc theo một cách diễn đạt khác, đó là “tầng lớp bình dân của sự thánh thiện”.

  • Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bởi vì chúng ta tốt lành, nhưng bởi vì Ngài là Đấng tốt lành. Việc làm theo thánh ý Chúa sẽ không đạt được với cảm giác “xứng đáng” hay “bất xứng”, nhưng với hy vọng vào lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa. Đây là điều tạo nên sự lạc quan Salêdiêng.
  • Thánh Phanxicô Salê đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng tình yêu. Ngài tâm niệm: “Lạy Chúa, con sẽ yêu Ngài, ít nhất là trong cuộc đời này, nếu con không được ban cho khả thể yêu Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu. Ít nhất, con sẽ yêu Chúa lúc này đây, Ôi Chúa ơi, con sẽ luôn hy vọng vào lòng thương xót của Ngài”.
  • Niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa không được đánh giá dựa trên cảm nhận về tình trạng cá nhân chúng ta, mà dựa trên việc thực hiện theo thánh ý của Thiên Chúa Cha. Đó là trục tâm linh của Thánh Phanxicô Salê và phải là điểm định hướng cho cả gia đình của con cái Don Bosco.
  • Hãy thực hiện một cuộc hành trình đi từ việc tìm kiếm “sự an ủi của Thiên Chúa” đến “Thiên Chúa của sự an ủi”, từ nhiệt tình chóng qua đến tình yêu đích thực. Làm tất cả mọi thứ vì tình yêu chứ không vì sợ hãi, bởi vì tất cả là lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải bận tâm về công đức của chúng ta khiến chúng ta phải yêu Ngài.
  • Đúng như Don Bosco muốn: Tình yêu dành cho Chúa Kitô dẫn chúng ta đến tình yêu dành cho những người trẻ – một đặc điểm của người Salêdiêng và cũng là một thách thức đối với lối sống bác ái của chúng ta trong gia đình Don Bosco ngày nay và luôn mãi. Bác ái cũng là thước đo lời cầu nguyện của chúng ta: tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa được thể hiện trong tình yêu của chúng ta đối với người bên cạnh mình.
  • Đây là “lời cầu nguyện đến từ cuộc sống”: Hãy thực hiện tất cả mọi hoạt động của chúng ta trong tình yêu và vì tình yêu của Thiên Chúa, sao cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành một lời cầu nguyện liên tục.
  • Thật là một điều tốt đẹp khi chúng ta có thể tìm được những khoảnh khắc để “rút lui vào cõi lòng của chính mình”, tránh xa sự hối hả và náo nhiệt của các hoạt động, và có một cuộc trò chuyện tâm tình “từ trái tim đến trái tim” với Thiên Chúa.
  • Nơi Đức Maria, chúng ta thấy những gì mà Thiên Chúa sẵn sàng thực hiện với tình yêu của Ngài, khi Ngài tìm thấy “cõi lòng xin vâng” của người thiếu nữ làng Nazareth. Biết cách làm trống rỗng chính mình, Mẹ nhận được sự trọn vẹn của Thiên Chúa. Với sự sẵn lòng của Mẹ, Thiên Chúa đã hoàn thành những điều tuyệt vời cho Mẹ.

Trên đây là những dòng suy tư tóm kết từ các chia sẻ của Cha Bề trên Cả mà con muốn gởi đến mọi người trong dịp khởi đầu năm mới 2022. Chương trình những ngày con ở Roma đã hoàn thành, con sẽ trở về Việt nam và hy vọng sẽ kịp để tham dự cuộc họp mặt mừng Xuân dành cho Gia đình Salêdiêng Việt Nam sắp tới.

Xin mọi người cầu nguyện cho con để chuyến trở về được mọi sự bình an và các cuộc gặp gỡ, trao đổi sẽ khích lệ tinh thần tông đồ cho mọi thành viên của Gia đình Salêdiêng Tỉnh dòng trong năm mới này.

Nguyện xin Thiên Chúa “tươi nét mặt nhìn đến mọi người”, và xin Ngài gìn giữ tất cả chúng ta trong bình an và hy vọng.

Con
Barnaba Lê An Phong, SDB
Giám Tỉnh

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG