“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

THIÊN CHÚA LUÔN LÀ MỘT NGƯỜI CHA TỐT LÀNH VÀ CHÚA GIÊSU LÀ NGƯỜI BẠN TRUNG TÍN

Nhớ về thời thơ ấu

Ôn lại dĩ vãng, cha vẫn nhớ mình luôn sống chan hòa với các bạn: “Sống giữa các bạn, cha luôn được chúng thương mến và nể phục… Về phần cha, cha luôn cố làm những điều tốt bất cứ khi nào có thể, và chẳng bao giờ làm điều gì hại ai. Vì thế, các bạn rất thương cha… Dầu có vóc dáng nhỏ con, nhưng cha có sự can đảm và nghị lực khiến những đứa bạn lớn hơn phải nể phục.” Cha luôn làm theo lời của người mẹ: “Khi chọn bạn, con phải chọn với kinh nghiệm chứ không bằng tình cảm”. Đây là bài học cha thường dùng tới để hướng dẫn các học sinh của cha. Cha nói với chúng: “Các con nên chọn những người bạn mà các con thấy là tốt lành. Hãy chọn những bạn tốt, và ngay cả với những bạn tốt, các con chỉ nên noi theo những điều tốt của họ, chứ đừng làm theo những khuyết điểm của họ, vì ai trong chúng ta cũng có khuyết điểm cả.”

Trong 10 năm theo học tại Chieri, lúc đầu là học sinh rồi sau là một chủng sinh, cha đều có những người bạn thật tuyệt vời. Cha cùng với họ cầu nguyện, học hành nghiêm túc, cùng nhau vui chơi và sống theo những lý tưởng tốt lành.

Tình Bạn là điều cần thiết cho việc giáo dục

Với cha, tình bạn là một điều nghiêm túc chứ không chỉ là một điều tự nhiên trong tiến trình phát triển của lứa tuổi. Khi cha chịu chức linh mục, cha thường tìm cách tiếp cận với nhiều bạn trẻ phải sống xa gia đình và kiếm sống trong thành phố Tô-ri-nô. Trong công việc này, cha có kinh nghiệm: hoặc là cha chinh phục được các bạn trẻ này với lòng nhân từ và sự dịu hiền, hoặc là cha mất họ mãi mãi. Và đó cũng là một bước tiến, một sự khám phá mới của cha.

Tới đây, một câu chuyện chợt đến trong tâm trí cha. Lúc đó, cha chưa biết người bạn trẻ đó tên gì. Cậu ta vào phòng áo của nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Át-si-di vào một buổi sáng thứ tư ngày 08.12.1841 để tránh cái giá rét bên ngoài. Thoạt đầu, cha chẳng để ý đến cậu ta, nhưng khi ông từ phòng áo dùng cây lau bụi đánh đuổi cậu ta, cha mới buột miệng nói với ông ta: “Đây là bạn nhỏ của tôi mà!”. Sau này, cha vẫn dùng câu nói này khi tiếp xúc với các bạn trẻ.

Cha hay lập đi lập lại lời này với các học sinh của cha: “Hãy biến mọi người mà các con gặp, trở thành những người bạn.” Và cả câu này nữa: “Khi các con chinh phục được một kẻ thù và biến người ấy thành bạn hữu, thì đó là một ngày thật tốt lành.”

  1. Đức Giêsu, một Người Bạn trung tín

Để trở thành một linh mục, cha đã phải chịu biết bao hy sinh và luôn khiêm tốn. Tự trong thâm tâm, cha vẫn luôn ước muốn hiến trọn cuộc đời mình cho các người trẻ. Cha không muốn mình chỉ là một người làm từ thiện để chăm sóc các bạn trẻ vô gia cư hoặc bị bỏ rơi như thường thấy nơi một số nhà từ thiện khác. Không. Cha là một linh mục yêu mến Thiên Chúa đến độ muốn Người được cả những bạn trẻ biết đến và yêu mến. Tình yêu mà cha dành cho các bạn trẻ là sự diễn đạt tình yêu mà cha có đối với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là người hướng đạo của cha, và cha cần dẫn đưa các bạn trẻ đến với Người qua các hoạt động mục vụ của cha. Vì thế, cha không ngần ngại tìm đến với chúng ngoài đường phố, nơi các quán rượu, thăm viếng chúng tại nơi chúng làm việc hay tại các nhà tù nữa.

Khi còn ở tuổi niên thiếu, cha đã bắt đầu xây dựng tình bạn nghĩa thiết với Đức Giê-su, và cha đã có trải nghiệm thật tuyệt vời và hoàn toàn mới lạ mà các sách tu đức của thời đó khó có thể diễn tả hết được. Thực vậy, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thuyết Jansenist lúc ấy, người ta nhìn Thiên Chúa như một vị thẩm phán hơn là một người cha. Do đó, chẳng dễ gì để xem cuộc sống ki-tô hữu như là một sự đáp trả tình yêu giữa những người bạn với nhau. Ba năm theo học tại học viện mục vụ đã cho cha thấy sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha học biết để trở thành linh mục với những hiểu biết rõ ràng và với một tâm hồn rộng mở để tin tưởng vào tha nhân cũng như tín thác vào lòng thương xót của một Thiên Chúa tình yêu.

Các bạn trẻ đến với cha để kết bạn thì hầu hết là những đứa mồ côi. Chúng cần khám phá ra Thiên Chúa là một người bạn trung thành, một Đấng mà chúng phải tín thác không do dự. Khi giải tội cho chúng, cha biết được một bí mật: Đức Giê-su là một người bạn luôn đảm bảo cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, cha luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Cha chỉ cần nói những lời sau đây là đủ để khơi lên nơi chúng ước muốn thuộc về Thiên Chúa, làm cho chúng hy vọng và có được niềm vui vì biết mình được yêu: “Khi giải tội, linh mục là một người bạn. Ngài chỉ muốn giúp ích cho linh hồn của các con. Ngài là một bác sĩ để chữa trị tâm hồn của các con. Ngài là một vị thẩm phán, không phải để kết án, nhưng để tha thứ cho các con và làm cho các con được tự do.” Cha cũng thường nói với các tu sĩ Sa-lê-diêng: “Đừng tạo khó khăn cho các hối nhân trong việc giải tội qua thái độ thiếu kiên nhẫn hay la rầy họ”.

  1. Đón nhận Giêsu trong cuộc sống

Cha quan niệm cuộc sống ki-tô hữu là một cuộc sống khổ chế liên tục. Do đó, không chỉ đón nhận sự tha thứ qua Bí tích Hòa giải, nhưng còn cần đến một thức ăn đặc biệt được ban qua việc Hiệp lễ. Cha không ép buộc nhưng khuyên các bạn trẻ siêng năng lãnh nhận bí tích này: “Một số người cho rằng muốn hiệp lễ thường xuyên, thì bạn phải là một vị thánh. Điều này không đúng. Hiệp lễ được dành cho bất kỳ ai muốn trở thành vị thánh. Phương dược và dược liệu được dành cho các bệnh nhân, còn đồ ăn thì dành cho những người yếu. Cha xác tín rằng mọi người đều cần Hiệp lễ: kẻ tốt sẽ tiếp tục sống tốt, còn kẻ xấu thì cần được biến đổi nên tốt”.

Cha không muốn các học sinh đến với người bạn Giê-su trong Bí tích Thánh Thể chỉ như một thói quen, cho dẫu đó cũng là một thói quen tốt. Việc hiệp lễ đòi hỏi sự dấn thân và kiên trì trong cuộc sống. Cha biết các bạn trẻ đều quảng đại và hy sinh, và kinh nghiệm nơi cha cho thấy điều này đúng. Vì thế, cha không ngần ngại đòi hỏi chúng: “Việc hiệp lễ sẽ như thế nào nếu chẳng mang lại sự thăng tiến nào trong cuộc sống của các con?”

Năm 1855, cha cố thuyết phục ngài Bộ trưởng Rattazzi để ông cho phép cha đưa các tù nhân trẻ ở Generala đi dạo chơi mà chẳng cần tới cảnh sát để giám sát. Ban chiều khi chúng trở về nhà tù, chẳng có ai trốn cả. Ông Bộ trưởng rất ngạc nhiên và xin cha cho biết đâu là bí mật. Cha nói với ông ta: “Chính phủ chỉ biết ra lệnh và trừng phạt, còn chúng tôi biết cách để nói vào tâm hồn của các bạn trẻ. Những lời chúng tôi nói là Lời của Thiên Chúa.”

Cha cũng khuyên các tu sĩ Sa-lê-diêng “hãy giúp các bạn trẻ biết yêu mến Đức Giê-su”. Đây chẳng phải là cách ăn nói quen dùng của cha vào lúc ấy, đặc biệt lại phát ra từ miệng của một linh mục. Cha thường nói về Đức Giê-su như một người bạn và cha cũng nói với các học sinh: “Người bạn này làm bao chuyện tốt lành cho các con. Hãy lắng nghe cha nói về Đức Giê-su. Các con nên thường xuyên lãnh nhận Ngài, nhưng phải lãnh nhận cho tử tế. Hãy giữ Ngài trong tâm hồn mình và năng thăm viếng người bạn này của các con. Ngài thật tốt lành quá đỗi và chẳng bao giờ bỏ rơi các con.”

Cha cũng thường chất vấn các bạn trẻ: “Sao các con lại chẳng ưa thích bao nhiêu những chuyện đạo đức tâm linh? Sở dĩ như thế là vì các con chưa thực sự yêu mến Đức Giê-su”.

Sưu tầm

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG