Trong một lần phát biểu, một nhà lãnh đạo cấp cao trong ngành giáo dục đã tuyên bố rằng trong nhiệm kỳ của mình, giáo viên sẽ sống được bằng lương.
Tại một trường học X, thầy giáo tuyên bố nếu học sinh lớp cuối cấp của trường tốt nghiệp 100%, thầy sẽ tổ chức cho cả khối lớp đi chơi.
Ở một gia đình nọ, người bố gọi con trai và nói: “Con hãy cố gắng, nếu cuối năm con đạt học sinh giỏi con muốn gì bố cũng sẽ mua cho”.
Một thời gian sau…
Vị cán bộ cấp cao trong ngành giáo dục trên đây được chuyển vào vị trí lãnh đạo Nhà Nước khác cao hơn, nhưng… đời sống người công tác trong ngành giáo dục vẫn “y như cũ”, vẫn chạy vạy dạy kèm, dạy thêm hoặc phải lăn lộn với nghề khác thì mới nuôi sống nổi gia đình.
Năm học vừa qua, học sinh trường X đậu tốt nghiệp 100%, học sinh nhắc lại lời hứa của thầy. Vị hiệu trưởng nọ cười thân thiện với câu nói lòa xòa: “Ồ, các em thông cảm, cuối năm nhà trường hết kinh phí nên kế hoạch không thể thực hiện được. Thầy xin lỗi! Năm sau thầy sẽ để dành kinh phí thực hiện. Cố gắng các em nhé!”
Trong nhà kia có tiếng hét của một đứa trẻ giọng đầy phẫn nộ: “ Bố nói dối! Bố nói dối! Bố đã hứa là con học giỏi, muốn gì bố cũng mua. Vậy mà bây giờ bố lại nói máy tính làm con mê “game”, nên bố không mua. Bố nói dối!”.
Chữ Tín trong cuộc sống
Trong cuộc sống thực tế, có đầy rẫy những lời hứa và những lần thất hứa, tuy nhiên, về mức độ thì nó hoàn toàn khác với việc có những việc làm được và không làm được. Việc làm chỉ là để đánh giá về tài năng, nhưng lời hứa thì hậu quả của nó không chỉ là việc không làm một lời đã nói, nhưng nó lấy mất một điều rất quan trọng trong mối tương quan giữa người với người, đó là niềm tin.
Trong môi trường giáo dục, tôi nghĩ hai chữ “uy tín” là điều quan trọng hàng đầu cần quan tâm. Tại sao thế? Bởi chính uy tín của nhà giáo dục làm cho những điều dậy dỗ của họ trở nên đáng tin, và các học sinh cũng như con cái của họ mới nhất nhất noi theo. Tuy nhiên, đây là điều khó cho thầy cô, và với các bậc phụ huynh thì lại càng khó hơn, vì họ phải luôn sống với con cái, nên nhất cử nhất động đều được con cái ‘săm soi’.
Theo thiển ý tôi, trong tư cách là nhà giáo dục, các nhà giáo cần lưu tâm đến lề lối giáo dục của mình. “Thầy phải ra thầy”, tức là có tư cách mẫu mực trong lời nói, hành động, lối ứng xử, chứ không chỉ là chuyện có kiến thức mà thôi. Sở dĩ thế vì trẻ nên người nhờ qua lối sống, lời dạy của thầy cô. Trẻ thường đặt niềm tin vào người thầy, người cô vốn là người dẫn đường chỉ lối. Những sự kiện đăng tải trên báo chí: nào là “thầy tát trò”, “trò đánh lại thày” như đã xảy ra tại trường Trung học Phổ Thông Nguyễn Huệ (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) làm tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ “tín” trong mối tương quan rất đáng kính trọng này.
Hứa thì bằng lời, nhưng nó trở thành uy tín nhờ hành động, nhờ cách sống và lối đối nhân xử thế. Bài học của thầy không đơn giản là bài thuyết giảng thao thao trên lớp. Hãy cho trẻ nhìn thấy tất cả chuẩn mực đạo đức thông qua lối sống, giao tiếp, tâm tình của thầy trong cuộc đời. Trẻ phải nhìn thấy bài học sống động ánh lên từ nhân cách và lối sống của thầy.
Điều này cũng hoàn toàn đúng với các bậc phụ huynh. Họ cần quan tâm đến việc giữ uy tín với con cái, dù biết không luôn dễ dàng. Nhưng chính vì không dễ nên họ cần phải kiên nhẫn và kiên quyết thực hiện. Trong nhiều tâm sự của trẻ, bạn thân tôi thấy tựu trung các lời phàn nàn nằm ở chỗ: Ba mẹ cứ hứa suông thôi! Và điều này làm cho các trẻ bất dễ rơi vào sự bất mãn.
Các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi hứa hẹn. Nếu vì lý do gì đó không thể hoàn thành, hãy thẳng thắn chia sẻ với con cái để có sự cảm thông và thấu hiểu. Ngoài ra, cần có sự nhất quán trong lời nói và hành động. Có thể trẻ không hiểu hết những gì ba mẹ làm nên hay bất bình giữa cái nghe và thấy. Tất nhiên cha mẹ sẽ không thể giải thích hết được những khuất tất, thế nhưng nỗ lực sống những điều mình chỉ dậy cho con cái là điều các trẻ có thể đọc và cảm nhận được. Nguyên nỗ lực ấy, theo tôi đã là một bài học rồi!
“Lời nói thì lung lay, gương lành lôi cuốn”. Tôi ước mong mình biết góp phần xây dựng niềm tin nơi con người, đặc biệt nơi các học sinh bằng cách trở nên đáng tin mỗi ngày.
Xuân Mai