Gioan Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại Becchi, một vùng quê thuộc Castelnuovo d’Asti, Ý. Ngài là con thứ ba trong gia đình của ông Francesco Bosco và bà Margherita Occhiena. Cuộc sống của Gioan Bosco từ nhỏ đã gắn liền với những khó khăn khi cha ngài qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1817, để lại mẹ gánh vác trách nhiệm nuôi ba con trai: An-tôn, Giu-se và Gio-an.
Mặc dù cuộc sống gia đình vất vả, Gioan Bosco vẫn lớn lên trong tình yêu thương và sự giáo dục sâu sắc về đức tin từ người mẹ. Ngay từ nhỏ, ngài đã bộc lộ những phẩm chất đặc biệt, là một người bạn tốt, siêng năng và giàu lòng bác ái. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn và những bất đồng với người anh cùng cha khác mẹ về việc học hành đã khiến ngài phải đi làm thuê tại một trang trại từ năm 1828 đến 1829. Nhờ sự giúp đỡ của cha Gioan Calosso, Gioan Bosco đã được tiếp tục học hành, hoàn thành chương trình tiểu học tại Castelnuovo và trung học tại trường Hoàng gia ở Chieri.
Từ nhỏ, Gioan Bosco đã cảm nhận được một ơn gọi đặc biệt, tin rằng Chúa và Đức Mẹ Maria đã hướng dẫn và giúp đỡ ngài thực hiện một sứ mạng riêng. Giấc mơ lúc chín tuổi đã chỉ cho ngài biết về công việc và sứ mạng mà ngài sẽ thực hiện. Những năm tháng tuổi trẻ của ngài là sự chuẩn bị cho một ơn gọi đặc biệt, trở thành một nhà giáo dục và mục tử. Trong thời gian đi học ở Chieri, ngài đã thành lập “Hội Vui” để làm tông đồ cho bạn bè. Ngài luôn khao khát trở nên giống Chúa Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành, và điều này đã định hình nên sứ vụ linh mục của ngài: một dấu chỉ của Vị Mục Tử tốt lành dành cho giới trẻ và những người bình dân.
Năm 1835, ở tuổi 20, Gioan Bosco quyết định vào chủng viện giáo phận Chieri. Thời gian ở chủng viện không hề dễ dàng khi ngài phải đối diện với sự nghiêm khắc của kỷ luật và các khóa học thần học mang tính đạo đức cứng nhắc, vốn không phù hợp với tính cách tự do và sáng tạo của ngài. Dù vậy, ngài đã học hỏi và hấp thụ được những giá trị tốt đẹp như sự siêng năng, lòng đạo đức, sự thinh lặng, vâng phục và kỷ luật. Trong thời gian này, ngài đã gặp cha Giuseppe Cafasso, một người con của Castelnuovo và là cộng tác viên của cha Luigi Guala tại Học viện Mục vụ Thánh Phan-xi-cô Assisi. Cha Cafasso đã trở thành người thầy về thần học luân lý và thực hành mục vụ, cũng như là cha giải tội, linh hướng và cố vấn cho Don Bosco đến hết cuộc đời.
Tháng 6 năm 1841, Gio-an Bosco được thụ phong linh mục tại Tô-ri-nô. Sau khi trở về Becchi và Castelnuovo giúp xứ một thời gian, ngài trở lại Tô-ri-nô để hoàn thành chương trình đào tạo mục vụ. Tại đây, ngài được trang bị kiến thức và kinh nghiệm thực tế, đồng thời củng cố đời sống nội tâm. Cha Cafasso đã truyền đạt cho ngài những giá trị như lòng yêu mến Chúa, khao khát vâng theo ý Chúa, sẵn sàng phục vụ, tinh thần cầu nguyện, lòng nhân ái, đức khó nghèo và khiêm nhường. Bên cạnh đó, ngài còn được học cách chăm sóc mục vụ người khác, đặc biệt là những người nghèo khó và tội lỗi, cũng như lòng sùng kính Đức Mẹ Maria và lòng trung thành với Giáo hội.
Don Bosco cũng nhận thức rõ những thay đổi sâu sắc về chính trị, xã hội và văn hóa đang diễn ra. Phong trào cách mạng, chiến tranh và sự di cư từ nông thôn ra thành thị đã khiến cuộc sống của người nghèo thêm khó khăn. Thanh thiếu niên bị bỏ rơi, thiếu sự hướng dẫn về mặt đạo đức và nghề nghiệp. Trước thực trạng đó, Don Bosco quyết định dành hết tâm huyết để giáo dục và chăm sóc những người trẻ bị bỏ rơi.
Năm 1844, Don Bosco trở thành tuyên úy tại hai cơ sở từ thiện dành cho phụ nữ là “Nơi Nương Náu” và “Bệnh viện nhỏ Thánh Philomena”. Tại đây, ngài bắt đầu đón nhận những cậu bé mà ngài đã gặp ở Học viện Mục vụ. Ngài cùng các em vui chơi, hướng dẫn giáo lý và tổ chức các buổi cầu nguyện. Những buổi gặp gỡ này dần trở thành một hoạt động thường xuyên, và Don Bosco đã đặt tên cho nó là “Nguyện Xá Thánh Phan-xi-cô Sa-lê”.
Lấy cảm hứng từ các tông đồ khác, đặc biệt là Thánh Philip Neri và Thánh Charles Borromeo, Don Bosco đã phát triển “Nguyện Xá” thành một mô hình giáo dục đặc biệt, phù hợp với nhu cầu của các bạn trẻ. Ngài chọn Thánh Phan-xi-cô Sa-lê làm bổn mạng, một vị thánh nổi tiếng về lòng nhân ái và sự dịu dàng.
Nguyện Xá đã trải qua nhiều giai đoạn, từ những buổi gặp gỡ đơn giản đến việc thành lập các cơ sở giáo dục, nhà trọ và xưởng dạy nghề. Don Bosco đã mua đất và xây dựng một cơ sở lớn ở Valdocco, nơi đã trở thành trung tâm hoạt động của ngài. Ngài đã chọn khẩu hiệu “Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi”, thể hiện sự quyết tâm dấn thân trọn vẹn cho sứ mạng của mình.
Từ năm 1841, công việc của các nguyện xá ngày càng phát triển. Ngoài các lớp giáo lý, Don Bosco còn thành lập ký túc xá cho những thanh thiếu niên bị bỏ rơi, xưởng dạy nghề để giúp họ có một tương lai tươi sáng, và tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh. Năm 1852, ngài trở thành linh hướng của ba nguyện xá ở Valdocco, Porta Nuova và Vanchiglia. Số lượng các em tham gia ngày càng tăng, và Don Bosco đã xây dựng nhà thờ lớn kính Thánh Phan-xi-cô Sa-lê và sau đó là nhà thờ kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Trong những năm tiếp theo, Don Bosco tiếp tục mở rộng các cơ sở giáo dục và dạy nghề, thu hút hàng trăm thanh thiếu niên. Ngài đã viết nhiều cuốn sách hướng dẫn và giáo dục cho các em, và thành lập hội các Cộng tác viên Sa-lê-diêng.
Don Bosco không ngừng dấn thân vào những công việc khó khăn, không ngừng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội. Ngài là một linh mục có lòng nhiệt thành, một người con trung thành của Giáo hội, và là một tông đồ của Chúa Ki-tô. Ngài luôn coi trọng sự hài hòa giữa những phẩm chất con người và những ân sủng của đức tin. Ngài tin rằng cuộc đời của ngài phải là một sự kết hợp giữa hành động và chiêm niệm, giữa việc đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của lòng bác ái và được nuôi dưỡng bằng sức mạnh của cầu nguyện và Thánh Thể.
Năm 1859, Don Bosco chính thức thành lập Tu hội Thánh Phan-xi-xô Sa-lê, một hội dòng dành riêng cho việc giáo dục và chăm sóc giới trẻ. Sau đó, ngài cùng với Thánh Maria Mazzarello thành lập Hội Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để phục vụ các thiếu nữ. Với sự hỗ trợ của nhiều người, Don Bosco đã mở rộng các hoạt động của mình ra nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ La-tinh.
Don Bosco đã qua đời tại Valdocco vào ngày 31 tháng 1 năm 1888, sau một cuộc đời phục vụ không mệt mỏi cho giới trẻ. Ngài được Giáo hội phong thánh vào năm 1934 và trở thành một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất của mọi thời đại. Tinh thần của ngài vẫn còn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng ngàn người trên khắp thế giới ngày nay.
Lm. Micae Rua Gia Thi, SDB