Kinh Mân Côi có lịch sử không đơn giản như chúng ta nghĩ, bởi nó liên quan đến hai Thánh Đa-minh khác nhau, các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và cũng như lòng sùng kính phổ biến đã tiến triển theo thời gian.
Người ta thường cho rằng, vào năm 1208, Thánh Đa-minh, Đấng sáng lập Dòng Đa-minh, đã nhận được thị kiến từ trời của Đức Maria, Mẹ đã hướng dẫn ngài truyền bá lòng sùng kính, mà ngày nay chúng ta gọi là Kinh Mân Côi. Kể từ đó, Thánh Đa-minh và Dòng Đa-minh của ngài gắn liền với việc phát minh ra Kinh Mân Côi và sự lan rộng của nó ra khắp Châu Âu.
Trên thực tế, các tài liệu lịch sử không thể xác nhận cũng không phủ nhận thị kiến của Thánh Đa-minh.
Điều đó có thể đúng, nhưng không có tài liệu nào từ đầu thế kỷ 13 chứng minh hoặc bác bỏ nó. Trái lại, những bằng chứng rõ nét hơn từ các nhân chứng để điều tra về cuộc đời của Thánh Đa-minh trong quá trình phong thánh cho ngài, mặc dù đã đề cập đến nhiều phép lạ và mặc khải của ngài, nhưng không nói gì về Kinh Mân Côi.
Có bằng chứng về một thị kiến mà Thánh Đa-minh đã nhận được từ Đức Maria, nhưng không có gì rõ ràng để có thể kết nối nó với việc phát minh ra Kinh Mân Côi.
Thật thú vị khi chúng ta biết rằng, có một Thánh Đa-minh khác, thường được nhắc đến liên quan đến sự phát triển của Kinh Mân Côi như chúng ta biết ngày nay.
Theo Bách khoa toàn thư Công giáo, Thánh Đa-minh này là một “tu sĩ Carthusian và nhà văn khổ hạnh, sinh ra ở Ba Lan, năm 1382“. Có bằng chứng giá trị cho thấy ngài đã thêm vào những sự sùng kính hiện có liên quan đến việc đếm những lời cầu nguyện và viết ra những suy niệm về cuộc đời của Đức Kitô.
Đối với 150 Kinh Kính Mừng mà trong những ngày đó đã tạo nên “Thánh ca về Đức Maria”, ngài đã có ý nghĩ thêm những suy niệm về cuộc đời của Chúa Kitô và Mẹ của Ngài. Vào thời thánh nhân, Ave Maria đã kết thúc với những lời, “Fructus ventris tui, Jesus”, thánh nhân kết nối vào mỗi câu để gợi nhớ nhắc về các mầu nhiệm… Cả thánh nhân và bạn của ngài là Adolf đều tìm cách phổ biến việc sử dụng hình thức cầu nguyện này trong Dòng Carthusian, cũng như trong cộng đoàn giáo dân. Vì những lý do này, một số tác giả cho rằng “Sách Thánh Thi” của thánh nhân là hình thức, hay một trong những hình thức nguyên thủy, mà từ đó Kinh Mân Côi được phát triển.
Trước cả hai Thánh Đa-minh, đã có nhiều thực hành khác nhau giữa các giáo dân về việc đếm 150 Kinh Lạy Cha hoặc Kinh Kính Mừng để tương ứng với 150 Thánh Vịnh mà các linh mục và tu sĩ sẽ đọc tụng trong Giờ kinh Thần vụ.
Bất kể vị thánh Đa-minh nào đã “phát minh ra” Kinh Mân Côi như chúng ta biết ngày nay, một điều chắc chắn là nhiều tu sĩ Đa-minh đã truyền bá lòng sùng kính này từ thế kỷ 15 và 16, và cho đến ngày nay vẫn là những người cổ vũ chính cho việc sùng kính trên khắp thế giới. Chẳng hạn như một Đức Giáo Hoàng thuộc Dòng tu Đa-minh, Thánh Pi-ô V, người đã cổ võ Kinh Mân Côi và thiết lập Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng vào năm 1571 (sau đó được đổi tên thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào năm 1573 bởi Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô XIII).
Kinh Mân Côi vẫn là một yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong đời sống đạo đức của Công giáo Rô-ma và là niềm yêu thích của nhiều người Công giáo trên khắp thế giới.
Philip Kosloski
Gia Thi chuyển ngữ