Bạn trẻ thân mến,
Đã có ai đặt vấn đề cho bạn rằng: “Trong tình yêu phải có… tình dục? Nếu không có yếu tố ấy thì tình yêu và tình bạn khác nhau ở chỗ nào?”. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Trên trang thanhnien.vn số ra ngày 19/01/2018, tác giả Xuân Phương đã làm một cuộc khảo sát với câu hỏi ấy cho 10 bạn sinh viên cả nam lẫn nữ, kết quả mang lại như sau: 7/10 bạn ý kiến đồng ý cho rằng tình dục là một yếu tố cần thiết, là chất xúc tác để tình yêu bền vững (!?). Một bạn sinh viên nam trường ĐHKT Tp. HCM đã trả lời như sau: «Nhiều bạn bè của mình có quan niệm rằng: thích là “yêu”, “yêu là cho”, “chưa là kém”… Thế nên với mình, chuyện ấy là bình thường». Cũng theo Tuấn, người trẻ hiện nay, trong đó có bản thân Tuấn thường «quan niệm tình dục là điều kiện để tồn tại của tình yêu. Khi yêu mà không xảy ra chuyện tình dục thì mối quan hệ cần phải được xem xét lại, bởi có thể chưa tin tưởng nhau thật sự». Một bạn sinh viên nữ trường ĐH Ngân Hàng Tp. HCM trả lời như sau: «Thời hiện đại nên mọi thứ nên thoáng hơn. Thấy có nhiều người chỉ trích việc ‘yêu’ nhau quá sớm khi chưa cưới, nhưng mình không đồng tình quan điểm ấy. Bởi đã yêu nhau thật lòng, thì câu chuyện tình dục là… chuyện nhỏ. Mình không quan trọng là trước hay sau kết hôn». Về phần bạn, quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?
Về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), cho rằng tình dục là một yếu tố cần phải có trong tình yêu, đây là điểm để phân định tình yêu và tình bạn đơn thuần. Tuy nhiên, thông thường người ta hay đồng hóa giữa tình dục và quan hệ tình dục. Nhưng thật ra tình dục có rất nhiều mức độ với nhiều hành vi khác nhau. Dẫu vậy, ở mức độ nào đi nữa thì tình dục vẫn cần phải có trách nhiệm và sự tôn trọng nhất định giữa hai người yêu nhau. Vậy nên thật nguy hiểm khi xem “tình dục là chuyện nhỏ”.
Ông Duy nói: “Tình dục là thành phần không thể thiếu của tình yêu và nó là một thứ gia vị, một chất xúc tác để tình yêu bền chặt và thăng hoa. Tình dục phải có chỗ đứng nhất định của nó trong mỗi mối quan hệ đôi lứa. Thế nhưng một tình yêu đặt trên nền tảng chủ yếu là tình dục thì thật mong manh, và tình yêu ấy có thể tồn tại không lâu. Nghĩa là yêu để được tình dục, yêu chỉ vì muốn có được điều đó, thì chuyện chia tay có thể xảy ra. Và những người đang yêu, những cặp tình nhân, trước khi có ‘chuyện đó’, nên cần có trách nhiệm chứ không đơn thuần là giải tỏa nhu cầu sinh lý”.
Với câu trả lời của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy so sánh với kết quả của cuộc khảo sát, chúng ta nhận ra điều gì đang diễn ra trong lối sống và quan niệm về tình yêu và tình dục? Việc giáo dục về tình yêu cho người trẻ hôm nay có phải là một mối quan tâm cần thiết nhất trong con đường cùng đồng hành với các bạn hôm nay không? Cùng nhau tâm sự về điều nhạy cảm này nhé!
1. GIA ĐÌNH LÀ NHÂN TỐ NỀN TẢNG VÀ QUYẾT ĐỊNH TRONG GIÁO DỤC
Những ai đã từng làm cha làm mẹ đều phải chân nhận rằng việc nuôi dạy con cái là công việc khó khăn nhất, và đó là sự thật: một người mẹ và người cha phải đối mặt với tất cả các khía cạnh trong tính cách của đứa trẻ và phải giúp chúng làm quen và dần có được những mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Mỗi giai đoạn lịch sử nhân loại đều có phức tạp của nó, và trong mỗi giai đoạn lại xuất hiện nhiều chủ đề phức tạp hơn. Một trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất mà tôi muốn nêu lên hôm nay liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính, đặc biệt trong lứa tuổi vị thành niên.
Có vẻ như chúng ta đã quên mất 3 nhân tố quyết định cho việc hình thành nhân cách của một con người đó là: gia đình, trường học và xã hội. Ba nhân tố này có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, tác động qua lại cả từ hai khía cạnh tích cực và tiêu cực, trong đó nhân tố gia đình giữ vai trò nền tảng và quyết định. Bởi lẽ, gia đình là nơi nuôi dưỡng vật chất và tinh thần của trẻ từ khi lọt lòng mẹ đến khi các em đến nhà trẻ, mẫu giáo, học phổ thông rồi trung cấp, cao đẳng, đại học… và cả khi trưởng thành bước vào đời. Vậy mà không ít bậc làm cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ, hoặc không để ý đến điều này. Trong một số gia đình, bố mẹ thiếu gương mẫu, thậm chí đánh cãi nhau, làm những điều xấu. Nhiều ông bố bà mẹ buông lỏng quản lý, không quan tâm, gần gũi, thậm chí thường xuyên la mắng, đánh mắng con cái. Ngược lại, một số gia đình kinh tế khá giả lại quan tâm một cách thái quá, không chú ý đến tình cảm và suy nghĩ của các con, áp đặt lối sống, suy nghĩ của người lớn trong việc giáo dục con cái.
Ngày nay, ngày càng chúng ta càng khó tìm thấy những người trẻ được giáo dục giới tính tốt trong gia đình. Nhìn chung, những quan niệm về tình dục đầu tiên được người trẻ tiếp thu hấu hết và trước hết từ bởi các chương trình truyền hình, bạn bè, một số tạp chí, và sau đó trên đường phố, trường học, quảng cáo, Internet … “Mọi người ở một khía cạnh nào đó đều có thể tự giáo dục mình, cũng vậy trong kinh nghiệm của bản thân bạn về lĩnh vực tình dục cũng như tất cả mọi lĩnh vực khác của cuộc sống chẳng cần phải học bạn cũng có thể tự mình làm chủ bản thân đó thôi. Với tôi những lời trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học rõ ràng“, Maria và Raimondo Scotto khẳng định trong cuốn sách “Giáo dục tình yêu và tình cảm” (Educare all’amore e all’affettività), nội dung chính của cuốn sách này tác giả muốn làm sáng tỏ vấn đề và đưa ra gợi ý cho các bậc cha mẹ trong lĩnh vực giáo dục giới tính này.
Trong lĩnh vực tình dục, hiện nay dường như không còn giá trị đạo đức nữa, họ quan sát: “mọi sự đều hợp pháp là được; điều quan trọng hơn nữa là họ quan niệm tình dục hợp pháp được diễn ra giữa hai người bằng lòng, tự nguyện đến với nhau, không có ép buộc hay áp bức lẫn nhau là được“. Đối mặt với điều này, con đường phía trước bao gồm việc giúp những người trẻ trong việc “để cho bản thân chúng được hướng dẫn trong đời sống tình cảm của chúng bằng lý trí, bằng những giá trị nền tảng, nhưng đồng thời cũng không được phép dập tắt đi những thôi thúc của con tim”. Quả thật, đây là một việc không hề dễ dàng trong bối cảnh xã hội hiện nay, trong đó nói đến giáo dục giới tính là “một thách thức lớn, cũng bởi có quá nhiều vấn đề (môi trường, quan niệm, lối sống…) tác động vào một mặt nào đó, khiến cho công việc giáo dục con cái của những bậc làm cha làm mẹ có lúc tưởng chừng như không hiệu quả trên con cái của mình”.
Vấn đề không phải là áp đặt lên đứa trẻ những giá trị của chúng ta và chúng ta tin chắc là nó luôn luôn đúng, nhưng là chúng ta phải “tạo ra mảnh đất phù hợp để những giá trị đó có thể được sinh ra từ trái tim, từ nội tâm của nó”, “để thúc đẩy sự phát triển nơi một con người hoàn toàn tự chủ, tự do và có nhận thức, có khả năng kiểm soát được các động lực và mang lại ý nghĩa cho các hành vi tình dục một cách chính xác trên cơ sở các giá trị nội tại mà chúng thủ đắc được”.
Vì lý do này, giáo dục giới tính đi đôi với giáo dục toàn vẹn về con người, phù hợp với những gì tâm lý học đã khẳng định. Phong cách giáo dục phù hợp nhất để hỗ trợ cho tất cả những điều này là phong cách trong đó nhà giáo dục làm chứng bằng chính cuộc sống của mình những gì họ yêu cầu và cân nhắc một cách cẩn thận những quan điểm của đứa trẻ hoặc học sinh đang nhận thức.
2. CHA MẸ GIÁO DỤC BẰNG CHÍNH CUỘC SỐNG CỦA MÌNH
Nhà giáo dục và chứng nhân đều tiên, trên hết chính là những bậc làm cha mẹ, những người chịu trách nhiệm chính trong việc giáo dục con cái của họ, và do đó họ cũng chính là những nhà giáo dục giới tính cho con cái của mình. Tuy nhiên, thông thường, các bậc làm cha mẹ không được chuẩn bị hoặc có sự miễn cưỡng nhất định trong việc giải quyết các vấn đề tế nhị và phức tạp như vấn đề tình dục. Vì lý do này, khi chúng ta nói về một “tình trạng khẩn cấp về giáo dục” như hiện nay, chúng ta không chỉ đề cập đến các thế hệ mới, mà trước hết nhóm mà chúng ta phải đề cập là thế giới của những người trưởng thành.
Điều này không có nghĩa là cha mẹ phải là “những người đặc biệt” không bao giờ phạm sai lầm, mà là những bậc cha mẹ “luôn cố gắng sống theo những giá trị mà họ đề ra cho con cái, luôn bắt đầu lại mỗi khi chúng nhận ra mình đang mắc sai lầm”, ta cũng có thể nói rằng việc giáo dục các giá trị cho người trẻ trong gia đình chính là thông qua lời nói, qua hành vi của chính cha và mẹ.
3. CÁC KỸ NĂNG PHẢI ĐẠT ĐƯỢC TRONG GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
Giáo dục giới tính trước hết là giáo dục trẻ em có thái độ nhận định (tại sao phải làm và tại sao không được làm), biết đánh giá và lựa chọn giữa các phương án khác nhau do xã hội đề ra. Điều này giả định trước khả năng có thể từ bỏ sự thỏa mãn tức thời của động lực để phản ánh và hành động ngay cả khi phải tuân theo tiếng nói của lý trí hoặc của niềm tin sâu sắc nhất nơi bản thân chúng. Chúng ta cùng nghe tâm sự của một bạn sinh viên nữ: “Thời còn là sinh viên, tôi thấy nhiều bạn bè mình sống thử. Thấy vậy tôi ái ngại và rất giữ gìn. Nhưng cái gì đến cũng sẽ đến. Ra trường tôi đi làm và gặp anh, với tôi đó là tình yêu thấy được tương lai bởi lẽ hai bên gia đình biết và đồng thuận. Đến một hôm, sau những vuốt ve đằm thắm, tôi đã buông xuôi cho dục vọng tầm thường. May mà chưa bị dính bầu nhưng tôi biết mình đã nếm trái đắng, sự ngọt ngào chỉ là nhất thời, còn từ đó cảm giác lo âu, tự ghê tởm với chính mình là một quá trình làm tôi bị xáo trộn trong công việc cũng như cuộc sống. Đến lúc này tôi vẫn là tôi mâu thuẫn với chính mình, nó đeo đuổi tôi trong những giấc ngủ, không còn ngủ dài và sâu như trước nữa. Giá như…”. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh của bạn nữ trên, sẽ có bao nhiêu chữ giá như trong giấc ngủ không dài và sâu của bạn? Giữa lý trí và con tim bạn đánh giá và chọn lựa thế nào?
Về vấn đề này Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi của một sinh viên trẻ người Pháp đang tìm kiếm sự hướng dẫn cho cuộc sống của mình, Ngài đề nghị giải pháp hãy tin cậy vào những người có sự khôn ngoan, cho dù họ già hay trẻ. Đức Thánh Cha nói, “Người khôn ngoan là người mà họ không khiếp sợ bất cứ điều gì, nhưng biết làm thế nào để lắng nghe và có được quà tặng mà được Thiên Chúa ban cho, nghĩa là họ biết nói điều đúng ở vào một thời điểm thích hợp”. Đức Thánh Cha cảnh báo rằng khi những người trẻ không tìm được “con đường của sự phân định”, họ có nguy cơ tự đánh mất chính mình. Điều này có thể trở nên giống như người bị mắc một “khối ung thư” ở bên trong. Và điều này làm cho họ bị thất vọng và lấy mất đi nơi họ sự tự do của chính họ.
Điểm đến hướng tới mà bất kỳ kế hoạch giáo dục nào trong lĩnh vực giáo dục giới tính nên hướng đến đó là đức trinh khiết (sự trong sạch), một thuật ngữ “có vẻ là xa lạ, lỗi thời trong xã hội chúng ta và thường hay bị lãng quên” và thay vào đó có thể được định nghĩa là “khả năng sống tình dục trong chiều kích đây là một món quà của tình yêu” và trước hết trùng khớp với “một lối sống, tất cả đều được đánh dấu bởi tình yêu”, không nên nhầm lẫn với việc cấm đoán quan hệ tình dục.
Một bạn sinh viên tâm sự về vấn đề giữ mình trước hôn nhân như sau: “Tôi cũng là sinh viên, cũng yêu ở tuổi sinh viên nên tôi hiểu, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là không nên. Khi yêu, bạn và bạn trai bạn có thảo luận về vấn đề này thì bạn trai bạn có thể cho là bình thường, nhưng khi người con trai ấy lấy vợ thì vấn đề lại khác hoàn toàn. Tôi thấy hầu hết tất cả đàn ông người ta không hoặc khó chấp nhận người vợ của mình có quan hệ trước hôn nhân. Khi yêu không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra cũng như lòng dạ con người cũng dễ thay đổi, điểm đến cuối cùng của tình yêu là hôn nhân, vậy tôi khuyên các bạn hãy giữ những gì trinh trắng nhất, tinh khiết nhất. Đến giờ phút thiêng liêng, tôi nghĩ rằng khi ấy bạn là người hạnh phúc hơn ai hết. Vậy nên tôi khuyên các bạn hãy có gắng giữ mình, đừng để khi xảy ra rồi, khi tan vỡ mới thấy hối tiếc, hụt hẫng”.
Khi nói về đức khiết tịnh trong cuộc trò chuyện với giới trẻ thành Tôrinô ngày 22/06/2015, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng đó có thể là một từ “không phổ biến”, người trẻ không thích. Nhưng tình yêu là trong sạch, tình yêu là tôn trọng con người và không lợi dụng con người. “Và các con, những người trẻ, trong thế giới ăn chơi hưởng thụ này, trong thế giới mà điều duy nhất được chú ý là niềm vui, được hưởng một thời gian lạc thú, sống đời sống đẹp, cha nói với các con: hãy khiết tịnh, hãy trong sạch”.
Ngài nói thêm “tất cả chúng ta trải qua những giai đoạn cuộc đời khi mà thực hiện đức hạnh này rất khó khăn. Nhưng nó là bằng chứng của một tình yêu đích thực, một tình yêu biết cách trao ban sự sống, mà không tìm kiếm người khác để làm thú tiêu khiển cho riêng mình”. Một tình yêu trong sạch là một tình yêu trong đó thấy được đời sống của người khác như điều gì đó thiêng liêng, xác quyết, tôi tôn trọng bạn và tôi không muốn lợi dụng bạn.
Đức Thánh Cha thừa nhận rằng điều đó không phải là dễ dàng: “Tất cả chúng ta đều nhận thức được những khó khăn trong việc vượt thắng sự hạ thấp này, khái niệm lạc thú của tình yêu”. Ngài yêu cầu người trẻ nỗ lực để sống tình yêu khiết tịnh.
Đức Thánh Cha tiếp tục nói đến một khía cạnh khác của tình yêu: “hy sinh”. “Hãy nhìn vào tình yêu của các bậc cha mẹ, của rất nhiều người mẹ và người cha đi làm vào buổi sáng bị kiệt sức vì họ đã không ngủ do chăm sóc đứa con bị bệnh. Đó là tình yêu. Và đó là sự tôn trọng”. Ngài nhắc nhở tình yêu là phục vụ, và phục vụ tha nhân.
Bạn thân mến,
Đối mặt với một lĩnh vực phức tạp như vậy, hoàn toàn không có “hướng dẫn sử dụng” hoặc “công thức đạt được hạnh phúc cách dễ dàng” bởi vì nó là “lĩnh vực của cuộc sống”. Vì thế, mục tiêu về cơ bản của bài viết là “để các bạn có cơ hội học hỏi, thậm chí thông qua thất bại và sai lầm, sống và lựa chọn có trách nhiệm, và nhớ một điều không bao giờ được phép tầm thường hóa tình yêu”.
Giuse Nguyễn Xuân Quang, SDB