“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Tại sao người Công giáo kiêng ăn thịt vào thứ Sáu trong suốt Mùa Chay?

Các bạn trẻ thân mến,

Các bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao người Công giáo lại kiêng ăn thịt vào thứ Sáu trong Mùa Chay chưa? Nghe thì có vẻ hơi lạ, nhưng thực ra đằng sau đó là một câu chuyện ý nghĩa và đáng để chúng ta suy ngẫm đấy! Hãy cùng mình khám phá nhé!

Mùa Chay là gì?

Mùa Chay là khoảng thời gian 40 ngày trước lễ Phục Sinh (chính xác là kết thúc trước thánh lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh) – ngày kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại. Đây là lúc người Công giáo chuẩn bị tâm hồn bằng cách cầu nguyện, suy nghĩ về cuộc sống, và làm một vài điều “khó khó” để rèn bản thân, như kiểu thử thách bản thân vậy. Một trong những thử thách đó chính là kiêng ăn thịt vào thứ Sáu. Nhưng tại sao lại là thứ Sáu, và tại sao lại chỉ kiêng thịt mà vẫn được ăn cá?

Thứ Sáu có gì đặc biệt?

Thứ Sáu là ngày Chúa Giêsu chịu đau khổ và chết trên cây thánh giá để cứu nhân loại. Vì thế, từ thời xa xưa, người Công giáo đã xem đây là ngày để nhớ về sự hy sinh ấy. Kiêng thịt là một cách để chúng ta “đền tội” nho nhỏ, như kiểu hòa mình vào những gì Chúa đã trải qua. Nói đơn giản, giống như khi bạn thấy ai đó chịu khổ vì mình, bạn cũng muốn làm gì đó để đáp lại, đúng không?

Tại sao kiêng thịt mà không kiêng cá?

Ngày xưa, thịt (như thịt bò, gà, heo) thường là món “xịn”, chỉ xuất hiện trong các bữa tiệc lớn. Ăn thịt vào ngày tưởng nhớ Chúa chịu khổ thì hơi “sai sai”, nên người ta chọn kiêng để nhắc nhở bản thân về sự hy sinh. Còn cá? Cá không được xét là “thịt” theo cách hiểu cổ xưa, vì nó không phải động vật sống trên đất. Hơn nữa, cá thường đơn giản, không sang chảnh như thịt, nên vẫn “oke” để ăn.

Nhưng mà, đừng nghĩ kiêng thịt rồi thay bằng tôm hùm hay sushi cao cấp là được nha! Ý nghĩa thật sự là hy sinh một chút, chứ không phải “đổi món” cho oách hơn đâu.

Vậy làm thế để làm gì?

Kiêng thịt không chỉ là quy định, mà là cách để chúng ta tập sống khác đi một chút: từ bỏ cái mình thích, thử thách bản thân, và nghĩ nhiều hơn về những điều lớn lao. Chúa Giêsu từng nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Nghe hơi “nặng”, nhưng thực ra là một lời mời để mình mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.

Mùa Chay – 40 ngày thử thách kiểu Gen Z

40 ngày của Mùa Chay lấy cảm hứng từ những câu chuyện “epic – anh hùng ca” trong Kinh Thánh: 40 ngày mưa lũ của ông Nô-ê, 40 ngày ông Môsê lên núi, hay 40 ngày Chúa Giêsu nhịn đói trong sa mạc. Giống như một “challenge – thử thách” vậy, kiêng thịt hay làm việc tốt trong Mùa Chay là cách để mình rèn tâm hồn, sống có ý nghĩa hơn, chuẩn bị cho ngày lễ Phục Sinh thật “đỉnh”.

Không chỉ là kiêng thịt

Ngoài chuyện kiêng thịt, Mùa Chay còn khuyến khích tụi mình cầu nguyện, giúp đỡ người khác, hay thử “detox – cai nghiện” khỏi mạng xã hội một chút để tập trung vào bản thân. Ngày Thứ Tư Lễ Tro, khi linh mục xức tro lên trán và nói “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng,” là lời nhắc nhở tụi mình rằng cuộc sống không phải chỉ toàn “filter – các ứng làm đẹp” đẹp lung linh, mà còn cần thay đổi để tốt hơn.

Túm lại!

Kiêng thịt vào thứ Sáu trong Mùa Chay không chỉ là một truyền thống, mà là cách để tụi mình sống chậm lại, nghĩ về những hy sinh của Chúa Giêsu và tự hỏi: “Mình có thể làm gì để cuộc sống ý nghĩa hơn?” Dù chỉ là việc nhỏ như nhịn ăn thịt một ngày, nó cũng là một bước để gần hơn với niềm vui lớn lao của lễ Phục Sinh. Thử đi, biết đâu bạn sẽ thấy mình “level up – nâng cấp” trong cách sống đấy!

Các bạn nghĩ sao về chuyện này? Có ai muốn thử “challenge” Mùa Chay không? Comment cho mình biết nha!

Lm. Micae Rua Gia Thi, SDB
(Người Bạn Đồng Hành)

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG