“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

TAI NẠN, GIÁ BAO NHIÊU?

Ánh vàng yếu ớt của những tia nắng buổi chiều chỉ còn lấp ló sau đám mây lười biếng trôi lãng đãng. Tiếng chim ríu rít kéo nhau về nghỉ đêm trên cái cây lớn phía trước nhà gợi lên tình gia đình ấm áp. Mặc dù cảnh tượng này diễn ra nhiều lần rồi, nhưng chiều hôm nay tiếng chim lao xao gọi nhau chợt khuấy động mạnh tâm trí nó. Nó nhớ tới tiếng của lao xao của cả nhà chiều hôm ấy, nó nhớ đến tiếng khóc thảm thiết của mẹ, tiếng thở dài của ba. Tuy nhiên, những tiếng ấy không còn là lời thất vọng buồn chán, mà nó nghe được trong đó âm thanh tình yêu.

Được sinh ra trong một gia đình khá giả, nó chẳng bao giờ phải lo toan bất cứ điều gì ngoại trừ việc học hành. Nó mang trong lòng tự mãn lúc nào không biết, và cho rằng nó được hưởng những điều này là dĩ nhiên. Nó kiêu căng bất trị ngay từ hồi còn là học sinh tiểu học. Chẳng ai không biết đến “công tử Minh Danh” với những thành tích đáng nể trong trường học. Giờ đây, là học sinh cấp 3, nó vẫn thế. Thầy cô gọi nó là “ngựa chứng trong sân trường”. Biết bao “đồng chí” của nó đã phải chuyển trường, chẳng hiểu sao nó vẫn trụ lại. Có phải thanh thế của gia đình chăng?

“Thích thì chiều” là châm ngôn sống của nó. “Thích” được xem như tiêu chuẩn hành động, chọn lựa. Tuổi mười bẩy “bẻ gẫy sừng trâu” khiến nó thấy mình vô hạn trong cuộc sống. Cái gì thích nó đều làm được: quán bar, nhậu, đua xe, bỏ học, chặn đường đánh vài đứa ‘nhìn thấy ghét’, bỏ nhà ra khách sạn ở… Mà có lẽ chính vì thế mà bạn bè nể vì, con gái mê tít. Ai mà không nể tính ‘đàn anh’ rộng tay chi của nó! Trong lớp học, nó chúa ghét ông thầy bà cô nào hay lên mặt đạo đức. “Các em phải kỷ luật!” là câu nó kỵ nhất. Hừ! Bọn nó đâu là con nít! Gò bó trong luật lệ bị nó xem như ủy mị, là thiếu bản lãnh, là yếu bóng vía. Lắm lúc nó tự hỏi: Sao mình không nghỉ học quách đi nhỉ? Mà nghỉ học rồi thì nó đi đâu? Cái xã hội mà nó đã vài lần thử bước chân vào không dễ tìm ra kẻ biết nể vì. Ai tung hô nó? Ai nể nang nó? … Có lẽ trong môi trường học đường nó mới có đất dụng võ, giương oai. “Một chút thư sinh, một chút anh hùng” mới lạ lạ!

Nó nhớ tiếng đánh thức của mẹ mỗi sáng gọi nó đi học. Lăn lộn mãi mới dậy được. Sửa soạn vài thứ, nó vội vã đeo ba lô đến trường, miệng lầm bầm vì những nhắc nhở dai dẳng của mẹ. Ngồi trên chiếc xe máy, nó chạy hết ga đến trường. Thế mà vẫn bị trễ. Thầy giám thị vẫn đang ca bài ca con cá như thường lệ dưới cờ. Nó lạnh lùng bước vào trường chẳng như một kẻ tội phạm, nhưng như cách biểu lộ người có cá tính.

“Mời trò Minh Danh lên văn phòng!” – tiếng loa vọng rõ tên của nó. Sao? Lên văn phòng à? Nó chợt thấy cục tức ứ lên. Nó tưởng tượng ra bạn bè đang dõi nhìn theo nó. Bọn con gái đang nhìn nó cười cười chế giễu. Mẹ kiếp! Cái gì cũng lên văn phòng. Lên thì lên, ông sợ gì!

Nó nghênh ngang quặt trái, đổi chiều đi. Bước về phía văn phòng.

Đứng trước cửa văn phòng. Tiếng loa vẫn dõng dạc vang lên lời nhắc nhở. Càng nghe nó càng thấy ghét. Bạn bè nó đang đứng đầy ngoài sân cờ, còn nó – đại ca – lại bị gọi lên văn phòng như một thằng con nít. À, đi học trễ… hình phạt… Nó cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm! Học mà làm gì? Có phải học là con đường duy nhất? Mình có thể bị coi thường chỉ vì ‘phải học’ không?

Tự nhiên trong lòng nó rộn lên tiếng phản kháng: Ông không cần học. Ông đếch cần học… Máu anh hùng nổi lên làm mặt nó đỏ tía. Nó quay phắt người, ra cổng. Nó đến bãi xe bên ngoài, lấy ‘con xế’ phân khối lớn ra về.

Tức quá, nóng quá, nó kéo ga hết cỡ, rồi lạng lách điệu nghệ. Những cơn gió rít qua tai, luồn vào từng kẽ tóc. Nó mỉm cười khoái chí vì đã loại bỏ được nhưng cơn gió lại đằng sau, giống như định chế cuộc đời và nhất là những quy định khắt khe của ngôi trường mà nó đang theo học. Nó thấy mình bay trong gió, tự do như chim giữa bầu trời xanh. Nó ngửa mặt lên trời hứng gió, hứng tự do… Bỗng “rầm…” một cái. Nó không biết cái gì đã xảy ra.

Nó tỉnh dậy 2 ngày sau đó trong bệnh viện, trên chiếc giường trắng tinh cùng với cái chân được băng bó một màu trắng xóa. Bên cạnh giường, mẹ nó đang ngủ gục, khuôn mặt mệt mỏi, hốc hác. Sau cùng, nó cũng được biết toàn bộ sự việc, đó là trong lúc cao hứng, nó không để ý đến ngã tư. Do xe chạy với tốc độ cao, nó đã tông vào đứa trẻ chạy xe đạp sang đường. Cả hai đều bất tỉnh. Theo cảnh sát giao thông, lỗi hoàn toàn do nó.

Ba mẹ và người thân đã khóc hết nước mắt khi nhận nó ở bệnh viện. May mà nó chỉ bị gẫy chân, còn em bé kia không chết nhưng nguy cơ tàn phế cao. Em bị đập đầu xuống đường, bây giờ vừa mới tỉnh lại, đang chờ theo dõi.

Tai nạn. Nó và đám bạn hay nói ‘tai nạn’ để khỏa lấp cho những hành động vô trách nhiệm của mình. Trường hợp của nó quả là ‘tai nạn’ vì đó là điều bất ngờ xẩy đến. Nhưng nó có hoàn toàn vô tội không? Có phải chẳng may nó chạy nhanh hôm nay thôi, hay là luôn ‘yêu tốc độ’ mà chẳng may hôm nay nó mới bị nạn không? Cho dù đây chỉ là một tai nạn thôi, thì hậu quả nó chịu quá lớn: Một cái chân gẫy. Ba mẹ nó mặc dù có tiền, nhưng có đủ đền bù cho gia đình đứa trẻ? Nếu nó chết thì sao? Nếu nó tàn phế cả đời thì sao? Nhưng tại sao ba mẹ nó chẳng mắng ầm lên, la hét lên cho nó thấy mình đáng ghét, thấy mình tội lỗi. Ngược lại, ba mẹ chỉ im lặng, buồn buồn và nét mặt không ngơi lo lắng.

Nó ước gì mọi sự trở lại như trước. Chắc hẳn nó sẽ khác, sẽ ứng xử khác. Nó nhớ lại nhiều lần thầy chủ nhiệm răn đe, dạy dỗ nhưng nó ương bướng trả lời cách sỗ sàng: “Tôi trách nhiệm về tương lai của mình. Thày khỏi lo”. Có lúc nó biểu lộ chính kiến: “Tôi thích thế!”. Mặc dù phát biểu cứng cỏi như thế, nhưng đôi lúc lòng nó chùng xuống và tự hỏi: Không biết nó có đúng không nhỉ?

Không thay đổi được nữa. Nó đã từng chán nản, ân hận. Nhưng chiều nay, tiếng chim hót gọi bầy ban chiều cho nó nghiệm ra một sự thật lớn hơn tiêu chuẩn “thích thì chiều” của nó. Quả thật, người ta có thể làm được mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều được làm. Bởi chung quanh ta còn có người khác, còn có tình thương, còn có trách nhiệm.

Nhưng gió vẫn thổi và những chú chim vẫn dang đôi cánh giữa bầu trời bao la rộng lớn. Nó nhớ câu: “Nếu đời gieo cho ta những hạt đắng, hãy biết dùng khôn ngoan để làm sinh ra những trái ngọt”. Thời gian tĩnh dưỡng này chẳng là quý báu để nó ươm những trái ngọt sao?

Nhìn xuống đôi chân không còn cảm giác, nghĩ đến khuôn mặt hốc hác của ba, những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, và cả khuôn mặt đứa trẻ vẫn còn nằm bất động trong bệnh viện, nó cảm thấy ân hận vì những gì đã làm. Từ nay, cuộc đời nó đã chuyển sang một trang khác, hoàn toàn khác. Có thể nó không còn được chạy nhảy trên đôi chân của mình nữa, nhưng trong tâm trí nó có một điều gì đó vừa được khai mở, tự do và mạnh mẽ như những tia nắng cuối ngày đang cố len lỏi qua những đám mây để chiếu sáng cho khoảng ngày còn lại.

Phạm Huy

 

Previous article
Next article

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG