“Một con chó mập mạp lang thang từ phòng này sang phòng nọ. Cuối cùng, nó lọt vào một căn phòng với những bức tường ghép bằng những tấm gương. Giật mình, nó nhìn thấy bao vây chung quanh nó là những con chó to lớn. Giận dữ, nó nghiến răng gầm ghè. Tất nhiên mọi con chó trong gương cũng giận dữ không kém. Nhận ra mối đe doạ, con chó bắt đầu gầm gừ xoay tròn chung quanh mình để tự vệ trước sự tấn công của đàn chó. Nó dạng chân trước tường và sủa inh ỏi vào con chó đối diện. Đối thủ của nó cũng chẳng vừa, đáp trả lại nó cách hung hãn. Con chó bèn nhảy vào cắn xé, rồi sau ít phút chiến đấu, nó lăn ra ngất xỉu trên đất, mình đầy máu me”.
Xin dùng hình ảnh con chó trong câu chuyện để phản ánh về tình trạng bạo lực, những cuộc đâm chém không gớm tay đang diễn ra trong cuộc sống. Tôi đã từng đặt cho mình câu hỏi để lý giải về hiện tượng này. Nó đến từ đâu: bên ngoài hay bên trong con người? Sau cùng, tôi nghiệm thấy, sự nóng giận không phải là hiện tượng ‘nhập vào’ từ bên ngoài, nhưng khởi xuất từ bên trong, từ cái tâm bất an, từ cái “sân” mà đạo Phật nói đến. Chợt thấm thía lời hát của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Sống trên đời này cần có một tấm lòng”, đơn giản chỉ là để gió cuốn đi.
Tính sư phạm của lòng nhân ái
“Cần có một tấm lòng”, đó chính là sự nhân ái, điều mà không dễ tìm trong một thời đại đề cao tính hiệu quả, ngay lập tức và tốc độ. Lòng nhân ái tức là tấm lòng tốt lành, nó thúc đẩy ta làm mọi sự chỉ vì niềm vui và hạnh phúc của người khác. Lòng nhân ái đáp ứng nhu cầu ‘yêu và được yêu”, như nhà tâm lý người Mỹ Abraham Maslow đã đề ra trong “tháp nhu cầu” của con người. Tuy nhiên, lòng nhân ái chẳng là một đức tính tự nhiên, để chiếm hữu nó, người ta cần phải được rèn luyện, phải vất vả để học đòi.
Trong lịch sử giáo dục, cưỡng bức và thuyết phục là hai quan điểm nổi trội. Lối giáo dục cưỡng bức đem lại những hiệu quả tức thời là dễ dàng đưa người được giáo dục vào kỷ luật, nề nếp. Còn thuyết phục đòi nhiều thời gian và công sức hơn vì chạm đến tự do, lý trí, lòng muốn của người được giáo dục. Khi dùng phương pháp này, người ta không nắm chắc trong tay được cái hiệu quả trước mắt, nhưng chỉ đo được hiệu quả của nó trong thời gian, khi người được giáo dục dần thay đổi lối sống, với lối cư xử tích cực và nhân bản hơn. Như thế, khi chọn giáo dục bằng lòng nhân ái, nhà giáo dục dám đương đầu với nhiều thách đố của thành công.
Don Bosco là một nhà giáo dục thanh thiếu niên đầy kinh nghiệm, ngài đã hoàn toàn xác tín về sư phạm của lòng nhân ái trong giáo dục. Với Don Bosco, lòng nhân ái đã trở thành chương trình sống, là một ý tưởng có khả năng thống nhất tất cả mọi năng lực của lòng trí ngài, biến đổi ngài từ bên trong, để cho ngài toàn tâm toàn lực chỉ vì lợi ích của thanh thiếu niên. Lòng nhân ái là một trong ba yếu tố trong hệ thống giáo dục của Don Bosco gồm “lý trí – tôn giáo – tình thương mến”. Thực sự, những thanh thiếu niên ở với ngài đã từng tranh cãi nhau, và mỗi em đều cho rằng mình được Don Bosco thương mến nhất.
Áp dụng sư phạm lòng nhân ái
Phương pháp giáo dục của Don Bosco chỉ ra một vài định hướng trong việc giáo dục bằng lòng nhân ái.
Nhân ái trong hiện diện. Sự có mặt của nhà giáo dục với người trẻ không bao giờ là sự đe nẹt, theo dõi, hay ra lệnh. Nhưng đó là sự hiện diện của một người lớn, đồng hành và giúp em lớn lên trong hành trình làm người. Sự kiên nhẫn, nâng đỡ, khích lệ và mong muốn điều tốt là những đặc nét nổi bật của nhà giáo dục. Hãy coi đối thoại như là một công cụ ưu tiên cho việc huấn luyện. Ngang qua đối thoại, nhà giáo dục dễ dàng cho người trẻ thấy lý do mà họ đòi hỏi các em, họ sẽ lắng nghe và đón nhận những phản hồi của các em, tôn trọng ‘thời gian trưởng thành’ của các em, để rồi cùng đạt đến một sự thoả thuận.
Tin vào tính bản thiện và không bao giờ thất vọng. Don Bosco nói ‘một quả táo dầu bị thối vẫn còn những hạt mầm, và có khả năng cho một cây mới’. Đây là bí quyết khiến ngài thành công. Một đứa trẻ dù thế nào đi nữa thì Don Bosco luôn tìm thấy nơi em một điểm tốt, để từ “mầm sự thiện” này, ngài giúp em phát triển, tự tin vào bản thân và đây cũng là ngưỡng cửa để ngài đi và tương quan với em.
Don Bosco có thất bại trong giáo dục bao giờ không? Thiết tưởng không uổng phí khi đặt ra câu hỏi này. Trong quá trình giáo dục, đôi lần Don Bosco đã phải sa thải vài em, với lý do sâu xa là bởi em không có thiện ý, và nhất là sự hiện diện của em đem lại ảnh hưởng xấu trên rất nhiều em khác, nên việc tách em ra là do tính sư phạm. Nhưng Don Bosco đã không quẳng em ra đường, mà ngài tìm cho em một nơi khác không phải là tập thể học sinh, và vẫn có những quan tâm dành cho em, theo cách riêng của ngài.
Uớc muốn điều thiện. Khi gặp một đứa trẻ, Don Bosco thăm hỏi em về gia cảnh, điều khó khăn em gặp, điều em ưa thích và quan tâm. Kết thúc câu chuyện, ngài luôn hỏi em: “Cho cha biết, Cha có thể làm gì tốt cho con đây?”. Câu hỏi này không là một đắc nhân tâm, xã giao, nhưng thực sự là ý chí mong muốn điều tốt của ngài cho các em. Cho nên, câu hỏi này không chỉ được hỏi một lần. Don Bosco thường xuyên hỏi các em, và có hẳn một kế hoạch giáo dục trên từng em. Cụ thể, ngài luôn mang theo mình cuốn sổ, trong đó ghi chép đặc điểm, mức độ trưởng thành, điểm yếu, điểm mạnh và những gì cần lưu ý để giúp em phát triển. Giữa ngài với thiếu niên đó luôn có một đích điểm trong tương lai để tiến tới.
Yêu trẻ và cho chúng cảm nhận được yêu thương. Rất nhiều cha mẹ yêu con cái, nhưng con cái lại không cảm nhận rằng chúng được yêu. Đây thực là một nghịch lý, mà lý do đơn giản dễ hiểu đó là cha mẹ mới chỉ yêu trẻ theo cách của mình, chứ không phải theo như các em cần. Để các em nhận ra mình được yêu, đòi hỏi cha mẹ phải có sự hiểu biết con cái, có một tương quan gần gũi thân thiện và sự tôn trọng đối với các em. Lối biểu hiện của tình yêu là sự thuyết phục.
Thuyết phục diễn tả tính sư phạm của lòng nhân ái, vì nó tôn trọng nhân vị, nhịp độ tăng trưởng, sự tự do của các em. Tuy nhiên, ta cần lưu ý rằng thuyết phục người trẻ không có nghĩa là dẫn dụ, nhào nắn các em theo như ý mình, để rồi làm một điều gì đó đi ngược lại lòng muốn của các em, hoặc triệt tiêu khả năng quyết định nơi các em. Sức mạnh của sự thuyết phục là ở việc đối thoại dựa trên lý trí chứ không là sự lôi kéo ảnh hưởng tình cảm, hay do mối ràng buộc bởi kinh tế, vật chất.
Chọn lựa sự thiện. Vẫn biết “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng cuộc sống với nhiều phức tạp hôm nay đã làm vơi đi lòng tin giữa con người với nhau, và vào sự thiện. Giả như có hành động đẹp nào xẩy ra thì bên cạnh những lời khâm phục sẽ luôn có những bình phẩm như “một chiêu PR mới”, hoặc “lưu manh giả danh từ thiện” hay những bình luận ác ý khác.
Trở lại câu chuyện “con chó” bên trên, chúng ta hình dung: Giả sử sau khi bị ngất, con chó tỉnh dậy, nó nằm đó hiền lành vẫy đuôi. Tức khắc những con chó chung quanh cũng thay đổi thái độ. Vậy thì những phản ứng bạo lực chẳng qua chỉ là sự phản ánh tâm trạng bất an nơi đáy sâu của tâm hồn con người, được diễn dịch bằng thái độ nghi ngờ, dễ cắt nghĩa xấu, bi quan, tranh giành quyền lợi bản thân. Cho nên, giúp người trẻ sống lòng nhân ái chính là giúp họ có “tâm an”, bằng cách đứng về phía sự thiện và chọn sự thiện.
Tư tưởng hướng thượng và lối nhìn sự kiện, con người theo hướng tích cực của nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng rất lớn trên lối hành xử của trẻ. Nhà giáo dục cũng nên cho trẻ biết rằng trong tâm hồn chúng luôn có một cuộc chiến giữa con sói trắng và con sói đen. Con sói chiến thắng tất nhiên là con đang được trẻ nuôi dưỡng trong lòng. Do đó, hãy luôn giúp người trẻ biết nuôi dưỡng tâm tình yêu mến sự thiện, muốn làm điều tốt, dám chấp nhận sự thiệt thòi hy sinh.
Biết thương cảm và vươn lên khi vấp ngã. Lối sống tranh thủ, giành giật và lý thuyết ‘chiến thắng dành cho kẻ mạnh’ đang làm xói mòn lòng nhân. Nhà giáo dục sẽ hướng dẫn người trẻ chọn hành động thế nào trước hiện trạng mọi người ào vào ‘hôi của’ kẻ bị nạn? Họ chọn “like” hay “không like” trước một bình luận tiêu cực của cộng đồng mạng về một con người? Sự non nớt về kinh nghiệm và nhận thức nơi người trẻ rất cần một sự hướng dẫn đúng đắn từ phía người lớn. Hãy giúp người trẻ sống tính ‘bản thiện’, giúp họ ý thức về sự bất toàn trong hành trình làm người để biết thương cảm đối với tha nhân và cũng có nghị lực đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
Chậm giận và giầu tình thương. Đây là nhân đức chỉ có nơi người ‘từ tâm’ và là thách đố lớn trong xã hội hiện tại. Bây giờ ra đường ‘rất hên xui’. Một cái va quẹt, một lời cự nự, một ánh nhìn tự nhiên có thể bị coi là ‘nhìn đểu’… và thế là, có thể ta không còn được bước chân về đến nhà! Để giúp người trẻ có tâm tình “chậm giận và giầu tình thương”, nhà giáo dục nên chú tâm luyện các em làm chủ cảm xúc, chậm nói, kịp suy. Đặc biệt nhận ra tha nhân là quà tặng, là những con người giúp mình thành toàn, đang cùng mình đi trong cuộc đời chứ đừng bao giờ coi “tha nhân như địa ngục” (Jean-Paul Sartre), như người giành giật mảnh hạnh phúc của mình. Bài tập cần thiết là giúp trẻ “nghĩ hay, nói tốt, làm lành”.
Kết luận
“Sống trên đời cần có một tấm lòng”. Lòng nhân ái luôn là vũ khí hạ gục đối phương. Thực sự, một cử chỉ tế nhị và thông cảm, một ánh nhìn thấu hiểu và đồng cảm, khả năng đặt mình vào quan điểm của người trẻ, của gia đình, của các bạn đồng trang, chắc chắn sẽ làm cho con tim họ mở ra, những cứng cỏi sẽ tan chảy, những bức tường sẽ sụp xuống và con người không còn ngại bày tỏ ra điều mình là, điều mình cần lắng nghe, điều mình mơ ước và cả nhu cầu được đồng hành.
Cho nên, để giáo dục trẻ hữu hiệu, nhà giáo dục đừng quên áp dụng sư phạm của lòng nhân ái. “Hãy đặt trên môi nụ cười và gieo vào con tim lòng nhân ái”.
Ngọc Yến, FMA