Mấy bữa trước tôi có nhận được trên máy điện toán lá thư của thầy Nghĩa, một giáo viên trung học. Bốn mươi năm trước, Nghĩa là học sinh ở lớp tôi hướng dẫn. Nghĩa rất ngoan, học giỏi nhất trong khối lớp. Đậu tú tài xong, Nghĩa thi vào trường Đại học Sư phạm. Nghĩa là một thầy giáo rất tận tâm, thỉnh thoảng đến thăm tôi và thường bày tỏ tâm sự của mình về tình hình giáo dục hiện tại. Nhận được lá thư của Nghĩa tôi vội đọc ngay. Nội dung lá thư thế này:
Thưa thầy,
Tuần rồi, sau khi đến thăm thầy, em có họp mặt với một số bạn bè cũ, đang theo những nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết các bạn đều có những nhận xét hết sức bi quan về sự suy đồi của nền đạo đức xã hội hiện nay và gần như đổ tội cho các người đang làm công tác giáo dục, trong đó hẳn nhiên là có em. Sau buổi họp mặt, em rất buồn phiền nên đêm rồi, không ngủ được, em quyết định bày tỏ tâm sự với thầy.
Nhớ ngày xưa, được học với thầy, nhiều đứa trong chúng em đã thực sự hiểu được thế nào là nét cao đẹp của đời sống đức độ. Thầy đẽ gieo vào đầu óc chúng em sự tin tưởng rằng chỉ có nền giáo dục mới gầy dựng được đời sống đức độ đó. Chúng em không bao giờ quên được những câu chuyện đời thường nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong quãng đời dạy học của thầy. Cảm động nhất là câu chuyện trong thời gian làm giám học, thầy bị người ta “dụ dỗ” tham gia vào đường dây làm chứng chỉ giả với món lợi kếch xù. Đi dạy trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, vật giá leo thang nên gia đình thầy phải sống trong cảnh thanh bần, do đó đề nghị trên đây làm cho lương tâm chức nghiệp của thầy bị lung lay. Với nỗi lòng xao xuyến, thầy đi một vòng quanh các lớp, nhìn vào thấy các học sinh với nết mặt vô cùng trong sáng đang chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Hình ảnh đơn sơ nhưng tuyệt đẹp đó đã kéo lương tâm nhà giáo trả lại cho thầy.
Những mẩu chuyện như thế đã làm cho em thực sự xúc động một cách sâu xa, dẫn đến sự quyết định hiến cả cuộc đời mình cho lý tưởng giáo dục. Trong những năm đầu, hàng ngày sống với những tâm hồn trong sáng thơ ngây, em được hưởng đầy đủ niềm vui tinh thần, những dần dần em cảm thấy buồn phiền về sự suy đồi của nền đạo đức xã hội và những lời phê phán gay gắt nền giáo dục hiện tại ở khắp nơi gậm nhấm nguồn vui nghề nghiệp của em.. Cao điểm là trong buổi họp mặt thường niên vừa qua của các bạn cùng lớp ngày xưa. Suốt trong buổi họp các bạn đua nhau bới móc những hư hỏng về đạo đức trong xã hội. Tham nhũng tràn làn khắp nơi, trong chính quyền, trong công sở, ngoài đường phố, vân vân.
Tin tức về nạn cướp giựt, hôi của gần như mỗi ngày đều diễn ra trong thành phố. Trong gia đình, cha mẹ không tính gầy dựng cuộc sống đạo đức cho con cái, mà chỉ bàn tính chuyện làm sao mai sau con cái chọn được nghề làm ra nhiều tiền. Trong bệnh viện, rất nhiều thầy thuốc đã đánh mất tính chất “từ mẫu” của mình để chạy theo lợi nhuận kể cả lợi nhuận bất chính. Tệ hại hơn cả là trong trường học, hầu hết thầy cô tìm cách mở lớp tại nhà để kiếm tiền. Nhiều người đã bán rẻ lương tâm giáo dục, trong trường thì dạy lôi thôi, học trò muốn hiểu bài đầy đủ thì phải đến nhà thầy cô để học thêm.
Tất cả những sự kiện trên đang tràn lan trên báo chí hàng ngày. Sau cùng các bạn kết luận rằng tệ nạn xã hội phát sinh từ sự suy đồi đạo đức cá nhân do nền giáo dục hiện tại gây nên. Hơn ai hết các giáo viên phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước lịch sử, trước tiền đồ tổ quốc.
Em ngồi lặng thinh nghe các bạn kết án tập thể các nhà giáo trong đó dĩ nhiên có em. Có chị Huệ còn nhắc lại ngày xưa em học giỏi nhất khối lớp và nếu em chọn một nghề khác thì chắc chắn hay hơn nghề giáo nhiều. Bây giờ, tóc em đã bắt đầu điểm sương, còn hai năm nữa em về hưu, nghĩa là em đã dành trọn cuộc đời mình cho công việc giáo dục vì muốn theo gương của thầy. Không lẽ em đã chọn nhầm nghề như lời chị Huệ phê phán hay sao?
Lá thư nầy có thể làm buồn lòng thầy, nhưng em nghĩ rằng không nói lên tâm sự với thầy thì còn biết nói với ai?
Kính chúc thầy luôn luôn khỏe mạnh.
Tôi đã ngẩn ngơ cả một ngày sau khi đọc lá thư của Nghĩa và cuối cùng quyết định cũng dùng thư để bày tỏ ý kiến của mình đối với vấn đề làm em và nhiều người có lương tâm khác chán nản lẫn buồn phiền.
Em Nghĩa,
Tôi đọc thư của em đến hai lần và rất thông cảm nỗi buồn của em. Những điều các bạn phê phán sự suy đồi của đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội là hoàn toàn đúng. Điều cay cực nhất là sự suy đồi đạo đức lại xảy ra với những người thậy thuốc và những nhà giáo, những người được cả nhân loại xem là biểu tượng của đạo đức.
Tuy nhiên, tôi cũng khuyên em chớ nên bi quan một cách thái quá. Đạo đức ngày nay quả thực có suy đồi nhưng trong hàng ngũ giáo dục vẫn có những người còn giữ được lương tâm chức nghiệp như em chẳng hạn. Tôi kể cho em nghe một câu chuyện hoàn toàn có thật vừa xảy ra cách nay vài hôm trong một tiệm sách ở Thủ Đức.
Có một em bé theo mẹ vào mua sách. Khi bà mẹ đang trả tiền thì em bé móc túi lấy ra tờ giấy bạc 50.000 đồng nhét vào khe của “thùng từ thiện”. Người nhân viên của nhà sách trông thấy, ngạc nhiên đến sửng sốt, vội đứng dậy bước đến hỏi:
– Em có biết giá trị của tờ giấy bạc mà em vừa cho vào thùng từ thiện hay không?
Em bé ngẩng lên nhìn cô nhân viên với đôi mắt thật trong sáng:
– Dạ biết, tờ năm mươi ngàn đồng.
– Em học lớp mấy? Ai cho em tờ giấy bạc này?
Em bé mỉm cười:
– Con học lớp bốn. Sáng nay nhà trường thưởng cho con tờ giấy bạc này vì con được đề cử đi thi sơ cấp cứu cho người bị thương ở cấp quận.
– Tại sao em không dùng số tiền nầy để mua sách mà cho vào thùng vậy?
– Mẹ con có mua sách cho con rồi cho nên con dùng số tiền nhà trường thưởng để giúp cho người nghèo mua gạo ăn.
– Ai dạy em như thế?
– Dạ, cô con dạy như thế và dặn phải biết thương người nghèo.
Nói xong em bé cầm tay mẹ ra về.
Rõ ràng, đó là thành quả của sự giáo dục mà đứa bé nhận được ở cô giáo trong một lớp học ở bậc tiểu học tại Việt Nam hiện nay. Tôi kể tiếp cho em nghe hiệu quả của giáo dục ở nước ngoài. Đây cũng là một chuyện có thật một trăm phần trăm do thầy tôi kể lại khi tôi còn ngồi trên ghế của trường Đại học Sư phạm Sài gòn.
Năm đó thầy được cử đi dự hội thảo về giáo dục tại Nhật Bản. Tại đây, thầy đã nhận được một bài học về giáo dục thật bất ngờ, không phải từ những vị tiến sĩ trong các cuộc thảo luận mà từ một đứa trẻ ngoài đường phố. Câu chuyện xảy ra thế nầy.
Một buổi chiều, hội thảo xong, thầy lững thững đi dạo phố, miệng phì phèo điếu thuốc. Hút xong, thầy thuận tay quăng cái tàn xuống vệ đường. Vừa lúc đó, có một đứa bé vừa đi ngược chiều ngang qua. Một hai giây sau, thầy thấy đứa bé đi nhanh qua mặt thầy, tay cầm cái tàn thuốc vứt vào thùng rác bên vệ đường ngay trước mặt thầy. Thầy sửng sốt nhìn đứa bé thấy nó thản nhiên bỏ đi. Rõ ràng nó không có ý chỉnh hay hạ nhục thầy mà vì thói quen thấy rác trên đường phố thì lượm vứt đi.
Chắc chắn em cũng đã đoán biết cái hành vi đầy tính đạo đức của đứa bé là do những bài học của thầy cô trong lớp học của bé. Xã hội Nhật Bản được nổi danh có đạo đức bậc nhất thế giới cũng là nhờ sự tận tâm của các thầy cô vậy.
Còn có biết bao nhiêu chuyện có tính giáo dục đã và đang diễn ra trong xã hội. Đạo đức của xã hội chính là do thành quả giáo dục của các thầy cô đứng lớp. Hiện nay, ai cũng có nhận xét đạo đức xã hội Việt Nam đang xuống dốc khá trầm trọng, trong khi đó các thầy phần lớn thiếu hăng hái vì không được đãi ngộ một cách xứng đáng với công sức của mình. Họ lại vấp phải sự khó khăn do làn sóng chạy theo lợi tức vật chất lấn át hẵn đạo lý. Nhưng xin các thầy cô đừng quá bi quan và chán nản, Hãy can đảm nhận trách nhiệm nặng nề của xã hội, luôn luôn tin rằng vai trò của thầy cô thì tuyệt đối cần thiết cho tương lai của cả dân tộc.
Tôi kết thúc lá thư nầy với lời khuyên em hãy vui vẻ, lạc quan và hài lòng với công lao mà em đã đóng góp cho nền giáo dục của đất nước trong mấy chục năm qua.
Võ Phá