“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

SỐNG MÃI

Ngài Tasso là tên của một lão chuột. Lão đã là một người bạn thực sự, lão luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến. Giờ đây lão đã quá già và biết rõ ngày từ giã cuộc đời của mình không còn xa nữa.

Chỉ có một điều làm lão băn khoăn, đó là nỗi đau mà những người bạn còn ở lại trên dương thế của lão phải gánh chịu. Một ngày nọ, Sói đưa cho muông thú rừng xanh một hung tin: Tasso đã qua đời. Tất cả thú vật trong rừng đều yêu mến Tasso và chúng buồn vô hạn. Cho nên, chúng càng hay gặp nhau để nói về thời gian, khi mà Tasso còn sống giữa chúng. Con chuột chũi biết làm những vòng hoa bằng giấy tuyệt đẹp. Nó kể lại rằng chính Tasso đã dậy nó phải làm thế nào.

Con cóc là một tay trượt băng cừ khôi. Và nó không bao giờ quên những bước trượt đầu tiên mà ngài Tasso dậy nó trên những mảng băng cứng.

Khi còn là con thú nhỏ, chó sói đã chẳng khi nào thắt nổi một nút cà-vạt cho ra hồn. May mắn, nó đã được ngài Tasso chỉ bảo.

Tasso cũng đã cho cô Thỏ công thức làm bánh gia truyền, và cô không ngừng kể về bài học nấu bếp đầu tiên với Tasso.

Mỗi con thú đều có hồi ức đặc biệt về ngài Tasso. Lão luôn dậy chúng một điều gì đó cho dù đơn sơ, để rồi bây giờ chúng phát triển và trở thành về chuyên viên, với tay nghề điêu luyện. Mọi con thú đều biết ơn những món quà tuyệt vời mà Tasso đã dùng để hiệp nhất chúng lại với nhau.

Rồi tuyết bắt đầu rơi khắp nơi, đem theo nỗi buồn của muông thú. Chúng thu mình trong hang, trong tổ chờ đông qua. Ngày nọ, ánh sáng rực rỡ của của mùa xuân tỏa chiếu trên cánh đồng cỏ xanh ngút ngàn, con chuột chũi đi ngang qua chỗ đã chôn táng Ngài Tasso, nó thầm thì chậm rãi “Cảm ơn Tasso”. Nó muốn nói lên lòng biết ơn đối với người bạn đáng nhớ vì món quà tuyệt vời. Nó nghĩ rằng Tasso nghe thấy tiếng lòng của nó. Và thực sự, Tasso đã nghe thấy tiếng thầm thì cảm ơn của chuột chũi.

Con người không bao giờ chết trong lòng người thương yêu họ, và hồi tưởng gần như là cách thức để làm cho người đã chết được sống mãi. Trong các tôn giáo đều có một khoảng thời gian được dành ra để tưởng nhớ những người đã khuất. Cụ thể, đối với các Phật tử có ngày Vu Lan và đối với người Công giáo có ngày 2.11, là Lễ cầu cho các linh hồn. Cách tưởng nhớ về những người đã đi qua trong cuộc đời này cũng rất đa dạng: một cuốn album với những hình ảnh của người đã chết khi còn trên dương thế để mở ra xem mỗi ngày hay khi thuận tiện; những thánh lễ độ vong, những buổi cầu nguyện cho người quá cố; những lần viếng nghĩa trang với hoa đặt trên mộ; và cách dễ nhất là nói về người thân yêu này.

Con người không muốn chết đi như một áng mây chiều lịm tắt, nhưng họ muốn sống mãi trên trần thế qua đàn con lũ cháu, qua những công trình bền vững với thời gian. Ca dao có câu “Trâu chết để da, người chết để tiếng”, chẳng thế mà khi làm bất cứ chuyện gì, các ông bà cụ luôn tìm cách ‘để đức’ cho con cháu; còn những người giầu có, quyền thế thì tìm mọi cách để ghi dấu ấn trường cửu lại cho đời sau, nhờ thế mới có những ‘Vạn lý trường thành’, những Kim tự tháp, có nghĩa trang nổi tiếng tại Genova-nước Ý… thậm chí có những hầm mộ gây chú ý bởi độ hoành tráng, hào nhoáng như dinh thự. Và để nhớ đến những con người vĩ đại, người ta thường lấy tên của họ mà đặt cho các con đường, quảng trường, hay xây những tượng đài để tưởng nhớ.

Nhưng không phải chỉ những ai nổi nang mới ghi lại dấu ấn cho đời, mà tất cả mọi người tùy theo mức độ đều để lại những kỷ niệm vui buồn trong lòng người thân yêu, nhưng hầu chắc những gì được tưởng nhớ đều đẹp hơn, nhiều hơn và khách quan hơn khi họ còn sống. Nỗi tưởng nhớ đến người đã khuất có thể trở thành rất mạnh, rất đỗi ngọt ngào đến độ có sức an ủi, làm giảm nhẹ những nỗi đau.

Nhớ lại hay tưởng nhớ đến những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta sẽ làm ta sống buông bỏ hơn với những sự vật tạm bợ trên trần thế. Tuy nhiên, sự buông bỏ ở đây không có nghĩa là xuôi tay, an phận thủ thường nhưng là chữ ‘buông’ tích cực: buông bỏ danh lợi thú, buông bỏ cái tôi để hòa mình vào dòng chảy lịch sử. Phát biểu của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng sống trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” không là đi tìm một danh phận, nhưng là thái độ tích cực sống ơn gọi làm người. Cái ‘danh gì với núi sông’ ấy chính là hành động trả nợ cho đời bằng những đóng góp xây dựng xã hội và phát triển con người, bởi trái đất này, quê hương yêu quý này đã đón nhận ta, nuôi sống và bảo vệ ta.

Tuy nhiên, một tưởng nhớ tích cực nhất ta có thể làm được trong mọi lúc là nhớ lại những gì ta nhận được từ thiên nhiên, từ những nghĩa cử đẹp trong cuộc sống, nhất là những can thiệp lớn nhỏ mà ta hay gọi là may mắn. Xâu chuỗi mọi sự, ta sẽ không phải đợi người tưởng nhớ, mà chính mình vui hưởng món quà sự sống, và mỗi ngày sống của ta sẽ là sự dấn thân không ngừng vì hạnh phúc nhân loại.

Speranza

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG