Sống “đẹp” và sống “có ích” là điều mà con người thường cho là cao thượng, quan trọng và mong muốn sống như thế, nhưng không hẳn ai cũng tìm cách để thể hiện lối sống đó trong cuộc sống của mình.
Tất nhiên lối sống đó vẫn có quy luật phải theo, có một cái giá nào đó phải trả. Chẳng phải để có một mùa bội thu thì hạt lúa phải chịu mục nát đi (x. Ga 12,24). Tương tự như thế, cây nến chỉ tỏa chiếu ánh sáng ra xung quanh khi nó chấp nhận để cho mình bị tan chảy và hao mòn. Cuộc đời của con người cũng chỉ thực sự hạnh phúc khi biết cho đi, biết cống hiến bản thân cho người khác, tức là biết sống đẹp và có ích cho đời.
Chuyện kể rằng,
Có hai cây bút chì được người bán hàng xếp cạnh nhau trong một hộp đựng bút trong nhà sách. Cây bút chì Màu tỏ ra kiêu kỳ hơn cây bút chì Đen đang đứng bên cạnh. Biết thân phận mình, bút chì Đen chỉ thinh lặng và mong chờ có ai đó để ý đến mình. Nó tự nhủ rằng, “mình sẽ cống hiến tất cả những gì mình có cho người chủ mới.” Còn bút chì Màu thì tự cho mình là cây bút chì đẹp nhất trên đời.
Ngày kia, một người họa sĩ vào cửa hàng tìm mua bút chì. Ông lần lựa mãi, cuối cùng ông bị thu hút bởi nước sơn tuyệt đẹp của cây bút chì màu. Bút chì Màu đắc ý lắm. Người họa sĩ định chỉ mua một cây mà thôi. Bỗng dưng, bút chì Đen, lấy hết can đảm lên tiếng: “Ông họa sĩ ơi, xin hãy đem tôi về! Tôi hứa sẽ giúp ông vẽ những tác phẩm đẹp nhất.” Bút chì Màu bĩu môi mỉa mai bút chì Đen. Tuy nhiên, người họa sĩ lại động lòng với lời nài xin ấy. Thế là ông quyết định mua cả hai cây bút chì.
Về đến nhà, người họa sĩ định sẽ dùng cây bút chì màu trước, vì ông thấy nó thật hấp dẫn. Nhưng bút chì Màu không chịu. Nó nài xin ông đừng làm hư vẻ đẹp của nó. Bút chì Màu nói: “Chỗ của tôi là ở trên kệ sách, chỗ nào cao nhất ấy, dễ được nhìn thấy nhất.” Cùng lúc đó, bút chì Đen lên tiếng: “Ông họa sĩ ơi, hãy dùng tôi nè!” Thế là người họa sĩ chiều lòng hai cây bút chì.
Cây bút chì màu được đặt vào một chỗ trang trọng trên kệ sách trong phòng khách. Bút chì Màu tỏ ra rất thích chỗ ấy, vì nghĩ rằng nó xứng đáng với vẻ đẹp của mình. Còn bút chì Đen, ngày này qua ngày khác để cho người họa sĩ mài tấm thân mình trên những tờ giấy. Nhưng có ai ngờ, người họa sĩ cảm thấy rất hứng thú khi cầm cây bút chì đen trong tay. Từ đó, từng tuyệt tác được thay phiên nhau ra đời và đem lại danh tiếng cho người họa sĩ.
Thế rồi cũng đến ngày bút chì Đen chỉ còn có mỗi một mẩu ngắn ngủn, thật khó có thể cầm để vẽ. Bút chì Đen có vẻ buồn, và nói với người họa sĩ: “Tôi đã hết giá trị sử dụng rồi, ông hãy vứt tôi vào trong sọt rác đi.” Nhưng ngược lại, người họa sĩ nói với bút chì Đen: “Không! Nhờ có ngươi, ta mới vẽ được nhiều bức họa tuyệt đẹp, qua đó nhiều người được thưởng thức những tác phẩm ý nghĩa. Ta sẽ đặt người vào nơi đáng trân trọng nhất để mỗi khi nhìn thấy ngươi, cho dù lúc này không thể dùng ngươi để vẽ nữa, những ta sẽ có nhiều cảm hứng để vẽ những tác phẩm khác.”
Nằm trên kệ sang trọng, bút chì Màu nghe hết câu chuyện. Lúc này, nó cảm thấy đời nó thật buồn tẻ, đơn độc và vô ích. Nó đẹp thật nhưng lại chẳng đem lại lợi ích gì cho đời. Thời gian qua, lớp sơn trên bút chì màu cũng bạc đi, và lớp gỗ bao bọc cũng bắt đầu mục và tự rơi ra thảnh từng mảnh nhỏ. Trong khi đó, bút chì Đen, dù chỉ còn một mẫu ngắn, nhưng nó cảm thấy cuộc đời này thật ý nghĩa!
Rồi người họa sĩ, một cách trân trọng, cầm bút chì Đen thế vào chỗ bút chì Màu và cầm cây bút chì bạc màu quăng vào sọt rác.
Phải chăng, sống giữa một xã hội với trào lưu hưởng thụ hôm nay, dường như con người ngày càng cảm thấy khó khăn hơn để cho đi. Ai cũng muốn giành cho mình một vị trí tốt nhất, đôi khi bất chấp vị trí đó có thực sự phù hợp với mình hay không, chỉ cần nó đem lại nhiều danh vọng và tiền tài. Cái “Tôi có” bỗng dưng quan trọng hơn cái “Tôi là”. Sắc đẹp, vị trí xã hội, nhà cao cửa rộng, bằng cấp, xe hơi, điện thoại đắt tiền… dần trở thành những tiêu chí để đánh giá con người, để phân biệt cao thấp. Sự chọn lựa khôn ngoan đơn giản là sống trọn vẹn với cái “Tôi là” và quảng đại cống hiến những cái “Tôi có”. Sống có ích và sống hạnh phúc là như vậy, như bút chì Đen!
Cosma Đặng