Một hôm, ông Carolô Tomatis gặp Don Bosco đang cầm trong tay một xấp giấy. Đó là bản thảo của cuốn sách mới “Lịch sử Hội Thánh”. Ông Tomatis tò mò hỏi Don Bosco:
– Thưa cha, cha làm thế nào khi phải bàn tới những điểm khó nói, các mặt tiêu cực của một nhân vật cũng là anh hùng dân tộc?
– Ở chỗ nào có thể nói tốt được, thì tôi nói – Don Bosco trả lời – Còn chỗ nào phải nói xấu, thì tôi im lặng.
– Như vậy, chúng ta sẽ đặt sự thật ở đâu? – Ông Tomatis tiếp tục hỏi.
Don Bosco đã đáp lại một cách tuyệt vời:
– Tôi không viết cho những người khôn ngoan và thông thái. Tôi viết cho dân chúng và cho thanh thiếu niên.
Điều ấy cắt nghĩa tại sao Don Bosco đã hiến mình thành người truyền bá không mỏi mệt những cuốn sách bình dân. Ngài nói: “Một cuốn sách tốt đi vào tận những ngôi nhà mà linh mục không thể tới được. Nó tự giới thiệu mà không xấu hổ; bị xao lãng, nó không lo lắng; được đọc, nó điềm tĩnh dạy sự thật. Khi tới giờ cô đơn hay buồn phiền hoặc cần giải trí, cuốn sách sẽ mở ra những trang giấy của mình và những cuộc hoán cải kỳ diệu của thánh Augustinô và Inhaxiô lại được tái diễn”.
Ngày nay trong tay các thanh thiếu niên, ngoài sách vở, còn có đủ mọi loại tạp chí. Chúng ta có thể liệt kê hàng chục, hàng trăm loại; và mỗi loại được phát hành hàng tuần, hàng tháng hay hàng quí, từ vài ngàn đến vài chục ngàn.
Vì thế, cần phải có cặp mắt luôn mở rộng để theo dõi những tạp chí mà con em chúng ta đang đọc.
Ngoài việc giáo dục tổng quát, chúng ta còn phải dạy dỗ và hướng dẫn chúng chọn sách báo và tạp chí để đọc.
* Tuyệt đối không bao giờ đặt vào tay trẻ em những “tạp chí đen”, đầy dẫy những tội ác và những điều kinh tởm hoặc những câu chuyện tình nhuốm mùi bạo lực và dâm ô thô bỉ. Hậu quả của các tạp chí đen nơi tâm hồn trẻ em thường rất tai hại. Muốn cho nhân cách đang phôi thai được phát triển hài hòa, các em cần có một cái nhìn thanh thản và tốt lành về thế giới, thế nhưng cái nhìn của chúng lại bị nhận chìm trong vũng lầy tội ác và sự trơ trẽn; sự tôn trọng thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần lại bị vùi dập dưới những cú đấm của sự tục hóa.
* Trẻ em thích đọc các sách viết về những cuộc phiêu lưu phi thường, về các con vật nhỏ bé, về những người khởi xướng cuộc phiêu lưu, chẳng hạn như những người lái xe đua rất nhanh, những phi hành gia bay vào không gian giữa các hành tinh, và những con người nhân hậu. Thông thường, việc đọc các loại sách báo ấy là một cuộc tiêu khiển vô hại.
* Trong số các tạp chí, trẻ em thích những tạp chí có nhiều chất khôi hài hơn. Sự khôi hài là một cách cắt nghĩa thuộc thời đại chúng ta. Chẳng hạn như những tạp chí kể về những điệp viên quốc tế, máy bay lên thẳng, những nhà bác học lạ kỳ, bà phù thủy bay với con người chổi. Tất cả những câu chuyện tưởng tượng và khôi hài đều có thể dẫn trẻ em vào cuộc sống.
* Thật sai lầm nếu người ta vơ đũa cả nắm đổ lỗi cho tất cả các tạp chí và nói rằng chúng làm hại trẻ em. Trẻ em không chấp nhận sự kết án triệt để và độc đoán ấy. Hỡi các bậc cha mẹ và nhà giáo, chính quí vị phải đọc trước. Nhờ đó quí vị sẽ biết được tạp chí nào có thể cống hiến những điều có giá trị quan trọng cho con em mình. Chính quí vị phải hướng dẫn con em mình trong việc đọc sách báo. Quí vị sẽ làm được một việc tốt đẹp nhất, nếu trong lãnh vực này, quí vị trở nên những em nhỏ với những em nhỏ, thiếu niên với những thiếu niên để giáo dục chúng ngăn cấm những sách báo, tạp chí có hại. Và với sở thích lành mạnh của mình, quí vị hãy hướng dẫn con em trong việc chọn lựa sách báo, tạp chí. Cha mẹ phải biết cùng đọc với con cái, cũng như cùng chơi, cùng xem bóng đá, cùng đi tham quan.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB