Khi nói đến các anh hùng, ngay lập tức ta nghĩ đến những chiến binh, những người có chiến công hiển hách, nhưng ít ai nghĩ đến những con người đang tiêu hao không chỉ tuổi xuân, mà đôi khi cả mạng sống của mình, vì tương lai của người khác và của xã hội. Một trong những lớp anh hùng ấy là những nhà giáo dục.
Đời mãi nhắc tên họ
Trong ký ức nhân loại, cơn động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản dần phai đi để thay vào đó những lo toan trước các thiên tai khác. Thế nhưng, ít ai có thể quên cô giáo Motoko Onodera đã mất tích khi quay lại để tìm một học sinh trong đội bơi của cô đang bị kẹt lại trong cơn động đất. Tháng 5 năm 2012, cô giáo Zhang Lili, 29 tuổi, giáo viên trung học ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc cũng đã làm cả thế giới xúc động khi vì lao đến để xô hai em học sinh khỏi chiếc xe buýt mất thắng, mà đã bị cắt lìa hai chân. Rồi đầu năm 2013, tại trường Taft Union thuộc bang Los Angeles, thầy Ryan Heber đã không ngại đối mặt với tên sát thủ 16 tuổi để thuyết phục và tìm cách cứu 28 em nhỏ trước nòng súng.
Chắc chắn, trong đời thường, ta còn bắt gặp nhiều và rất nhiều những tấm gương anh hùng như thế, trong những hy sinh âm thầm để cống hiến cho đời những con người đẹp. Điều làm cho ta ngạc nhiên là vì cái gì mà họ lại can đảm đến độ dám tiêu hao và dâng hiến cả mạng sống như thế?
Dấu vết để lại
“Đoàn quân ra đi để lại những dấu chân, những con thuyền ra đi để lại những gợn sóng, tôi ra đi để lại tình yêu”. Dấu vết họ để lại chính là tình yêu, được khắc lên bởi cái tâm yêu thương.
Quả thật, trong khi các ngành nghề khác đòi hỏi nhiều ở kiến thức, chuyên môn, thì dậy học là một nghề đòi có một cái tâm tốt lành đặc biệt. Một con tim hết sức yêu mến con người, hết lòng tìm sự thiện, và tâm huyết cho sự phát triển, cho điều thiện hảo nơi người học trò.
Ngang qua quá trình truyền thụ và nghệ thuật giáo dục của thầy, học trò thâu nhận kiến thức, tiếp thu lối suy tư, cách làm việc, lao động, lối đối nhân xử thế, và nhất là học cách làm người. Đối tượng của giáo dục là con người, cho nên việc giáo dục, giảng dậy không chỉ là một nghề nghiệp, một dịch vụ, nhưng là một nghệ thuật, một thiên chức, vì sản phẩm tạo ra từ tay nhà giáo dục không là một đồ vật, mà là một con người.
Trong lăng kính này, thì tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo dục được sinh lại trên chính người được giáo dục. Tuy nhiên, dấu vết này chỉ ghi dấu ấn mà không lấy đi căn tính của người học trò. Ngược lại, chính người thầy, với cái tâm yêu thương, chăm chú khám phá ra “con sư tử” còn giấu ẩn trong lòng các em, để mà “lôi” nó ra, và làm cho “con sư tử” ấy rống lên những tiếng hùng dũng của một đời sống mãnh liệt và sung mãn.
Nhưng ta có biết, để có những con người dũng mãnh và đẹp đẽ như thế cho xã hội, nhà giáo dục đã phải tiêu hao thế nào không?
Nỗi trăn trở của hạt phấn
Ngày nay, thái độ đề cao bằng cấp, thành tích học tập đã làm cho cả học sinh, nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cùng chạy đua trên thao trường của huấn luyện tri thức, hiểu biết, mà không nhắm đến sự tăng trưởng chất người, chất lượng đời sống. Thế nên, biết bao tắc trách xảy ra. Lúc này, ta mới hiểu sâu hơn lý do mà cha ông nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Những người cầm phấn vẫn hàng ngày lên lớp, hạt phấn vẫn đều đặn “rơi trên bục giảng và vương trên tóc thầy”. Thế nhưng, có biết bao nỗi trăn trở pha lẫn bức xúc của nhà giáo trước thực tế giáo dục, trước tình hình đạo đức của học sinh.
Công tâm mà nói, không thiếu những thầy cô đã biến “thiên chức” nhà giáo thành phương tiện để kiếm tiền. Họ chạy sô, không quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức và tâm trạng của học sinh, hoặc sáng chế ra nhiều “dịch vụ” để có thêm nguồn thu. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều các nhà giáo canh cánh trong lòng thao thức làm thế nào để học trò được thực sự trở nên người hơn, tri thức hơn, đạo đức hơn và đóng góp tích cực hơn cho xã hội. Chính vì thế, mà họ trăn trở tìm những cách thức để chinh phục, lôi cuốn học sinh vào việc yêu thích học tập, hào hứng trong những sáng kiến vì thiện ích cộng đồng.
Nhiều giáo viên thực sự mang trong lòng mình viên “kim cương của chữ tâm giáo dục”. Họ không ngại khó, không thất đảm trước học sinh. Lối cư xử của họ là lối đi của kẻ tìm một con đường mới, với nguyện ước có thể giúp người được giáo dục từng bước trưởng thành, vượt qua những mỏng dòn của tâm lý tuổi niên thiếu và sự non nớt về kinh nghiệm sống, kỹ năng sống.
Vì giáo dục là chuyện của cõi lòng, nên chỉ ai có “cõi lòng” mới hy vọng thành công trong giáo dục. Don Bosco đã sống trong một thời đại không khác gì chúng ta hôm nay. Ngài đã chứng kiến từng lớp thiếu niên nghèo khổ gieo mình trong nhà tù, hay khốn khổ vì miếng cơm manh áo và những giành giật trong cuộc sống. Chính vì thế mà Don Bosco đã dâng hiến cả cuộc đời cho người trẻ. Ngài rong ruổi trên những con đường, vào trong xí nghiệp để can thiệp cho trẻ, và cuối cùng, Ngài trở thành nhà cho thanh thiếu niên cư ngụ.
“Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin cất đi” là châm ngôn bộc lộ cái tâm của Ngài. Don Bosco đã rất thành công trong việc chinh phục tâm hồn, Ngài nắm rõ nghệ thuật giáo dục hệ tại việc yêu thương và làm cho trẻ cảm thấy được yêu. Và khi trẻ cảm thấy được yêu thì nhà giáo dục mới có thể giáo dục em và làm cho tim em tràn tình thương như thế.
Sức sống nảy mầm từ con tim yêu thương
Trong góc hoang của khu công nghiệp thành phố có một cây hướng dương. Nó buồn rầu mơ tưởng đến trảng cỏ xanh với cánh bướm rập rờn. Hướng dương than thở: “Tôi ở đây thì có ích gì nhỉ?”. Bông hoa chỉ biết làm bạn với chim sẻ nhỏ bé.
Con chim sẻ lúc nào cũng há mỏ nhìn bông hoa yêu mến và tỏ lòng ngưỡng mộ, nó thầm thì: “Sao bạn đẹp thế. Bạn thật tuyệt vời!”. Bông hướng dương thẹn thùng: “Bạn cứ nhìn ra xung quanh mà xem, có nhiều thứ đẹp hơn tôi ấy chứ!”.
Chim sẻ nghiêng đầu nhìn quanh chăm chú, nhưng cuối cùng, nó lại hướng về phía hướng dương với vẻ trìu mến: “Bạn đẹp hơn mọi thứ trên đời!”. Với những lời yêu thương đó, Hướng dương can đảm lớn lên từng ngày, rực rỡ trên đống rác dơ dáy. Vòng cánh hoa mầu vàng ngày càng tươi tắn, sáng rực.
Ngày kia, hoa hướng dương mòn mỏi chờ đợi người bạn nhỏ sau nhiều ngày mà không thấy. Chỉ đến lúc hoàng hôn xuống, hướng dương mới nghe thấy tiếng rên rỉ nhỏ ở dưới chân mình. Nghiêng mình nhìn xuống, nó nhận ra chim sẻ nằm đó với vết thương trên mình.
“Này bạn thân yêu, xảy ra điều gì thế?”
“Cái lồng đã làm mình bị thương, mình không thể kiếm ăn mấy ngày rồi. Đã đến ngày tàn của mình rồi!”. Hoa hướng dương la lên: “Không được, bạn không thể chết được. Đợi mình một chút. Hoa hướng dương lắc mạnh mình một cái, cơn mưa những hạt hoa rơi trên mình chim sẻ. Nó nói: “Này người bạn thân mến, hãy ăn đi, nó sẽ đem lại cho bạn sức mạnh mới”. Ngày hôm sau, chim sẻ đã hồi phục, nó ngóc đầu lên nhìn hoa hướng dương. Nhưng nó đau đớn nhận ra hoa hướng dương không còn mầu vàng rực rỡ, mà thay vào đó, những chiếc lá vàng lủng lẳng, và những cánh hoa rơi rụng trên mặt đất.
Chim sẻ lặng lẽ: “Điều gì xảy ra với bạn thế, hỡi bông hoa xinh đẹp?”
Hướng dương trả lời: “Thời gian của mình đã kết thúc rồi, và mình ra đi trong niềm hạnh phúc. Trong thời gian dài mình đã sống trong buồn bã và cay đắng vì số phận, nhưng bạn đã đến, làm cho mình như được sinh lại ngay trong điều kiện khó khăn. Giờ đây mình hiểu rằng mình đã là quà tặng cho bạn, và mình xin dâng tặng sự sống của mình cho bạn. Cũng như bạn đã là quà tặng cho mình khi đã luôn động viên mình. Hãy ăn hết những hạt hoa của mình, nếu bạn muốn, nhưng nhớ để lại vài hạt. Một ngày nào đó chúng sẽ nảy mầm, và biết đâu mai này, tại chính nơi này sẽ mọc lên một luống hoa rực rỡ”.
Kết luận
Sự sống chỉ nảy mầm nơi có con tim yêu thương. Việc giáo dục chỉ đem lại sự sống thực nếu nhà giáo dục mang trong mình cái tâm tin yêu. Vâng, những hạt phấn vẫn rơi, nét đẹp cuộc sống vẫn tiếp tục được viết lên. Ước mong những hạt phấn rớt vào trang vở, lắng đọng thành lòng biết ơn nơi người trẻ, trước những dấu vết yêu thương của cái tâm nhà giáo dục.
Những trang vở cuộc đời vẫn mở. Em muốn viết tiếp bằng những dòng tình yêu con người.
Trích Chuyên đề Don Bosco 34