“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC DON BOSCO TRƯỚC NĂM 1975

Ở miền Nam trước năm 1975, các trường Công giáo đều theo chương trình của bộ Quốc gia Giáo dục và tuân theo quy chế Trung học Tư thục. Trong những cơ sở này có nơi do các nhà Dòng đảm nhận, còn gọi là trường Dòng. Hầu hết các trường này mời vài giáo sư trung học ở trường công vào dạy các môn khoa học. Còn các môn triết học, sinh ngữ và văn chương thường do các linh mục trong nhà dòng đảm nhiệm. Cuối bậc trung học, học sinh trường Dòng đi thi tú tài cùng với học sinh các trường công tư ngoài đời.

Vào năm 1969, anh Nguyễn Đức Nghĩa, một tín hữu Công giáo, bạn thân của tôi đang dạy trong Trường Don Bosco Thủ Đức. Vì gia cảnh khẩn cấp, anh phải về quê sinh sống ngay giữa năm học nên đến năn nỉ nhờ tôi dạy thế cho anh. Dù đang có nhiều giờ ở trường công và các trường tư, nhưng nể tình bạn, tôi nhận lời vào dạy cho đến cuối niên khóa.

Lúc bấy giờ, hằng năm, các chủ trường tư ở miền Nam đều hồi hộp chờ đợi kết quả công bố trong mỗi kỳ thi Tú tài. Trường nào có học sinh thi đậu với tỉ số đến 40% thì đã quảng cáo ầm ĩ hòng thu hút học sinh cho năm học sắp tới. Thế mà Trường Don Bosco thì không bao giờ nói đến tỉ số học sinh thi đậu vì chưa bao giờ có em nào thi rớt. Hiện tượng của Trường Don Bosco là hiện tượng khác thường của những năm trước 1975.

Tôi đã từng ngạc nhiên trước kết quả này, nhưng khi cộng tác với nhà Dòng trong việc giảng dậy, tôi mới thấy các em hoàn toàn xứng đáng với kết quả xuất sắc này. Do được tuyển chọn rất kỹ ngay từ khi được nhận vào lớp sáu của Trường, lại được sự chăm sóc rất chu đáo của nhà dòng nên đến cuối bậc trung học, học viên Trường Trung Học Don Bosco đều là những học sinh ưu tú.

Còn nhỏ mà học giỏi thì con đường tri thức trong tương lai cũng rộng mở. Tôi biết không ít học sinh Trường Don Bosco của tôi dạo đó, nay đã trở thành những linh mục, những giáo sư của nhiều trường đại học trên thế giới. Điều đó tạo nên niềm hãnh diện, niềm vui sướng trong tuổi già của tôi. Trong đời nhà giáo, không có gì hạnh phúc bằng khi thấy học trò mình đã vượt xa mình về khả năng, về kiến thức hay về tư cách làm người.

Trong những “ngày xưa” đó, học sinh Trường Don Bosco học giỏi mà chơi cũng không thua ai. Đội bóng đá của Don Bosco đoạt chức vô địch nhiều năm liên tiếp ở giải học sinh trung học. Tôi rất thích điều nầy vì lúc bé tôi mê đá banh hơn bất cứ trò chơi nào khác.

Học giỏi, đá banh giỏi, âm nhạc lại càng giỏi hơn. Dàn kèn của Don Bosco thì hay vô cùng. Dạo đó, nhiều cơ quan kể cả bộ tư lệnh quân đoàn, cũng có lúc đến nhờ dàn kèn của Don Bosco tham gia một số buổi lễ long trọng. Trong trường, mỗi lần, dàn kèn trổi lên thì tôi ngưng mọi sinh hoạt bên ngoài và bên trong, mở tung các cánh cửa tâm hồn để âm nhạc tuôn vào. Các học sinh ai cũng biết tôi rất mê dàn kèn của các em.

Tôi xin trở lại câu chuyện năm 1969, khi mới vào dậy ở Trường Don Bosco. Tôi là người ngoại đạo, vào Trường Dòng, dạy thế cho bạn tôi trong một lục cá nguyệt, tức là một học kỳ mà thôi. Thời gian thực là ngắn ngủi. Lúc đó, trường có sáu giáo sư trung học ở ngoài vào dạy các môn khoa học và sử địa. Các giáo sư, ngoại trừ tôi, đều là con chiên ngoan đạo.

Ngày cuối cùng của năm học, các thầy giáo ngồi lại với nhau, ăn bánh uống nước, nói chuyện phiếm. Một lát sau, linh mục hiệu trưởng lên bắt tay và trao cho mỗi người một phong thư. Tôi biết bên trong có món thù lao tháng chót và một bản đánh máy của nhà trường.

Tôi cũng biết thư gồm hai loại. Loại thứ nhất là thư cám ơn suông, không nói gì thêm, thì năm học sau đừng đến nữa. Loại thứ hai là thư cám ơn và hẹn tái ngộ thì năm học sau trở lại nhận thời dụng biểu và dạy tiếp. Tôi yên chí là mình được thư cám ơn suông vì hôm nay, tôi hết hạn “hợp đồng miễn cưỡng” với nhà trường. Xin nhắc lại, tôi đến đây dạy không phải do lời mời chính thức của nhà trường, mà chỉ tạm thời dạy thế cho bạn tôi đến hết năm học mà thôi. Nếu rời nơi đây thì về việc tiền bạc, tôi không phải lo lắng gì cả vì trong một vài năm gần đây, tôi đã từ chối bớt một số giờ trường tư bên ngoài.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy một nỗi buồn man mác khi phải từ giã ngôi trường nầy. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn hàng cây cao lay động trong gió sớm. Chúng đã trở thành quen thuộc và kể từ ngày mai, tôi sẽ không còn trông thấy nữa. Tôi nhìn qua chiếc cổng thâm nghiêm và cổ kính, nơi hằng ngày khi tôi bước qua thì đều có cảm giác đi từ cuộc đời trần tục để vào lĩnh địa của hiền hòa, chân thật và đạo đức. Tôi sắp xa nơi đây và chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên ngôi trường nầy dù tôi chỉ mới đến dạy chưa tròn một niên khóa.

Cha hiệu trưởng đã đưa phong thư cho tôi. Tôi cầm trong tay, định bụng về nhà đưa cho vợ tôi để cô ấy lấy tiền đi mua sắm. Năm giáo sư kia, trái lại, mở phong bì ra xem ngay. Hai lá thư cám ơn suông, ba lá thư hẹn tái ngộ. Ba người thì vui, hai người mặt thoáng buồn. Mọi người nhìn sang tôi và chờ đợi. Hiểu ý, tôi bóc phong bì ra. Tôi phải đọc lá thư đến hai lần. Đó là thư hẹn tái ngộ, nghĩa là, xin nhắc lại, trường mời sang năm đến dạy tiếp!

Nỗi mặc cảm người ngoại đạo của những ngày đầu mới đến đây, tưởng đã biến mất khi năm học kết thúc, bỗng dưng trở lại trong tôi với lá thư này. Sau khi anh em đứng dậy chia tay, tôi bước xuống cầu thang thì gặp cha hiệu trưởng từ văn phòng đi ra. Tôi chận lại và vào đề ngay:

– Thưa Cha, Cha có biết con là người ngoại đạo hay không?

Cha ngạc nhiên nhìn tôi, nhưng khi thấy tôi vẫn còn cầm phong thư trong tay, Cha chợt hiểu và mỉm cười trả lời:

– Không biết sao được. Thầy Nghĩa phải nói điều đó khi giới thiệu thầy vào đây chứ.

Nét mặt Cha bỗng nghiêm lại, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói một cách nghiêm trang:

– Tất cả mọi người đều là con chiên của Chúa, không riêng gì người có đạo. Thầy hãy an tâm, niên khóa tới trở lại với các em và cố gắng làm theo lời Chúa dạy: “Luôn luôn tận tâm với học sinh, tại đây và ở mọi nơi mà thầy đến dạy.”

Nói xong, cha siết chặt tay tôi và quay gót. Tôi đứng yên, nhìn theo tà áo đen chậm chạp di chuyển trong ánh nắng ban mai lung linh, tràn đầy thánh thiện. Tôi nghĩ thầm: “Phải rồi, tất cả mọi người đều là con chiên của Chúa. Có những con chiên ngoan đạo đã vào hàng ngũ chỉnh tề trong các thánh đường dưới chân tượng Chúa. Lại có những con chiên đang mải rong chơi ngoài đồng nội, quên cả giờ về cho Chúa điểm danh!”.

Theo lời khuyên của Cha, tôi hợp tác với Trường Dòng trong nhiều năm liên tiếp cho đến ngày 30/4/1975.

Ít lâu sau năm 1975, các trường tư thục lần lượt bị giải tán. Một buổi chiều Giáng sinh, có ba học sinh Don Bosco ghé thăm tôi sau khi vĩnh biệt ngôi Trường Dòng thân yêu của mình. Mỗi em mang theo một cây kèn. Các em chơi liền mấy bản thánh ca. Âm thanh tuyệt vời bao trùm lấy căn nhà lá vách đất nghèo nàn của tôi. Tôi đắm chìm trong niềm hoan lạc lạ kỳ. Tôi sững sờ nhìn qua khung cửa sổ. Trên bầu trời xanh lơ, có vài dải mây bàng bạc lững lờ trôi. Tôi bỗng hình dung đó là những cỗ xe trời, dùng để chở các Thiên thần đi mừng Chúa Hài đồng giáng thế.

Xong các bản nhạc thánh ca, các em từ giã, thầy trò đều rơm rớm nước mắt. Sau đó, các em lặng lẽ ôm nhạc cụ rời đi và tôi không gặp lại các em một lần nào nữa.

Võ Phá

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG