“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

NHÂN VỊ VỚI NHÀ GIÁO DỤC

Thời ấy xa rồi nhưng tôi còn nhớ rõ. Trong những năm đảng Cần lao Nhân vị đang cầm quyền và hoạt động mạnh tại miền Nam, báo chí và dư luận thường đề cập đến vấn đề “nhân vị”. Người ta rất lo ngại khi bị kết án xúc phạm đến nhân vị của người khác.

Dạo đó tôi đang học tại Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm cuối cùng, lớp tôi học môn tâm lý học với vị một giáo sư dạy giỏi và được sinh viên yêu mến. Thầy vui tính, thích gần gũi với sinh viên.  Dù đã khá lớn tuổi nhưng phần lớn các giờ chơi thầy không về phòng giáo sư để nghỉ ngơi mà tiếp tục ở lại lớp bàn luận chuyện đời với sinh viên chúng tôi.

Một hôm, có chị sinh viên hỏi thầy:

– Thưa thầy, thầy đã vào đảng Cần lao Nhân vị chưa?

Sau một giây ngạc nhiên ban đầu, thầy  phì cười, trả lời với giọng khôi hài:

– Chị hỏi làm chi vậy, muốn tôi giới thiệu vào đảng phải không ?

– Thưa thầy, con không có ý định vào đảng của tổng thống đâu, nhưng hôm qua con có tranh luận khá sôi nổi với ông chú của con về ý nghĩa của từ “nhân vị”. Theo con, “nhân vị” chính là con người; xúc phạm nhân vị là xúc phạm con người. Ông chú không đồng ý, lại nói quanh co về nhân vị theo các sách mà chú đã đọc làm cho con không hiểu gì cả. Vậy theo thầy, nhân vị có phải là con người hay không?

Thầy gật đầu trả lời:

– Thông thường, nhân vị có thể hiểu là con người như ý kiến của chị. Nhưng nghiên cứu một cách sâu xa hơn theo triết học thì hai từ “con người” và “nhân vị” không hoàn toàn là nhất thể. Con người là một sinh vật sinh ra giữa muôn triệu loài sinh vật khác nhưng có một chỗ đứng hơn hẳn tất cả các loài sinh vật khác, nhờ có một vị thế vô cùng cao quý được gọi vắn tắt là nhân vị.

– Vị thế cao quý đó có phải là do con người được Trời phú cho trí thông minh phải không thầy?

– Đúng, trí thông minh tạo nên tri thức giúp con người có vị thế tối thượng trong sinh giới. Nhưng tri thức không phải là yếu tố duy nhất của nhân vị, còn các bản chất khác cùng góp phần tạo nên nhân vị.

– Bản chất gì đó thầy?

– Có hai bản chất quan trọng kế tiếp góp phần cấu tạo nên nhân vị; đó là đạo đức và tâm linh. Đạo đức giúp con người sống chung với nhau một cách hòa hợp trong xã hội, còn tâm linh giúp con người nhận thức được sự hiện hữu của Thượng Đế để hướng đến sự hoàn thiện trong tâm hồn và trong cuộc sống của mình.

– Vậy thì tóm lại, nhân vị chính là tri thức, đạo đức và tâm linh của con người phải không thầy?

Thầy lắc đầu:

– Đó chỉ là ba tính chất căn bản của nhân vị. Nhân vị còn bao gồm một phạm vi rộng rãi hơn của cuộc sống như quyền được tồn tại. Trong xã hội văn minh, nhân vị cũng bao gồm quyền được hưởng tự do dân chủ và quyền được chọn lựa chế độ chính trị mà mình ưa thích.

– Nghe thầy trình bày, em cảm thấy nhân vị thực là phức tạp. Em bỗng nghĩ rằng đứa bé mới chào đời chỉ là một sinh vật hết sức hồn nhiên mà nhu cầu của cuộc sống chỉ là cái vú mẹ mà thôi. Tuy được luật pháp công nhận là một con người, nhưng đứa bé thực sự có nhân vị hay không?

 Thầy cười:

– Câu hỏi của chị hay lắm. Theo tôi, đứa bé mới ra đời hẳn nhiên là một con người với đầy đủ các yếu tố quý báu của một nhân vị. Nếu không có những yếu tố ban đầu đó thì làm sao khi lớn lên hình thành nhân vị được. Tuy nhiên, nơi đứa bé, nhân vị còn đang ở trạng thái mộc mạc thô sơ, chưa thể nhận diện rõ rệt là một nhân vị như ở người lớn. Ai ra đời cũng được Thượng Đế ưu ái ban tặng cho cái nhân vị ở trạng thái mộc mạc thô sơ đó, vì con người là sản phẩm đắc ý nhất của Thượng Đế. Nhân vị nơi đứa bé phải được xem là viên ngọc quý giá thô sơ cần có một thời gian mài dũa cẩn thận để trở nên toàn thiện, toàn mỹ.

Thầy quay sang nhìn tất cả chúng tôi và hỏi:

– Các anh chị có biết Thượng Đế giao nhiệm vụ mài dũa những viên ngọc thô sơ đó cho ai không?

Chúng tôi đứng ngây người chưa biết trả lời thế nào thì thầy nói tiếp:

– Thầy cô giáo chính là những người được Thượng Đế phó thác nhiệm vụ quan trọng là mài dũa những viên ngọc quý giá của Ngài.

Chị sinh viên lộ vẻ phấn khởi:

– Thế thì chúng con sắp thành thợ mài ngọc cả rồi. Còn thầy là người được Thượng đế giao cho nhiệm vụ đào tạo thợ mài ngọc, phải không thầy?

Thầy cười:

– Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi rất yêu nghề sư phạm này, có lẽ do ảnh hưởng của một bài ca dao mà ngày xưa mẹ tôi thường hát để ru tôi, rồi sau đó cho các em tôi đi vào giấc ngủ êm đềm:

Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,

Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.

Con người ta có khác gì,

Học hành biếng nhác ngu si hư đời.

Thôi đến giờ học rồi, các anh chị vào lớp đi…

Chúng tôi cùng cúi đầu cung kính chào tạm biệt thầy. Suốt mấy ngày sau đó, trí óc tôi không rời được ý nghĩ về trách nhiệm nặng nề của mình đối với việc hoàn thiện nhân vị của những đứa học trò tương lai của tôi.

Võ Phá

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG