“Chúa Giêsu Kitô, nhà giáo dục của chúng ta. Ngài đã trở nên gương mẫu cho chúng ta trong đời sống hằng ngày và giáo dục những ai sống với Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy hình thành trong đời sống phong cách của Đấng Cứu Độ. Vì chúng ta là con cái của một người Cha tốt lành và là những thụ tạo được giáo dục tốt” (Huấn dụ quyển I, 98, 1.3 – Thánh Clement thành Alexandria)
Phong cách của Chúa Giêsu được trao phó cho các môn đệ để họ tiếp tục làm chứng cho Ngài trong đời sống của Giáo Hội và nơi các cộng đoàn giáo dục. Như những nhà giáo dục nam nữ, chúng ta được chất vấn để cống hiến những lý lẽ cho cuộc sống và cho niềm hy vọng đối với các thế hệ mới.
Chúng ta đang sống trong một thời đại được đánh dấu bởi nhiều trở ngại cho việc truyền đạt đức tin. Đối với nhiều người đương thời, đức tin không còn đáng lưu tâm, họ lãnh đạm với việc kiếm tìm Thiên Chúa ngay cả nơi những tín hữu. Có những người xưng mình là Kitô hữu, nhưng thực tế, những biểu lộ đức tin của họ lại yếu ớt, ngắn ngủi, không có khả năng và sức mạnh để thay đổi đời sống, suy nghĩ, tâm tư tình cảm và hành động. Ngày càng nhiều Kitô hữu bị coi là thiểu số trong một xã hội đa tôn giáo, với nhiều hình thức đạo đức và biểu hiện tâm linh mà không hề liên quan đến Thiên Chúa.
Sư phạm của Chúa Giêsu
Trong việc giáo dục đức tin, mỗi cộng đoàn giáo dục được kêu gọi để đối chiếu với khoa sư phạm của Thiên Chúa, một phương pháp mà từ đó mỗi tiến trình giáo dục Kitô giáo sẽ được khởi sự. Trong thư gửi các gia đình, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha đã hướng dẫn chúng ta cách trọn vẹn khoa sư phạm thần linh. Nơi mầu nhiệm nhập thể, Người đã tỏ lộ cho chúng ta sự thật và chiều kích toàn vẹn ơn gọi làm người. Và vì vậy, Người cũng biểu lộ ý nghĩa đích thực của việc giáo dục con người.
Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta dược mời gọi để lưu tâm đến việc giáo dục bên trong hay bên ngoài môi trường gia đình cần được đưa vào ‘chiều kích cứu độ’ của khoa sư phạm thần linh. Trong đó, nó hướng tới con người, hướng tới các gia đình. Đỉnh cao của chiều kích cứu độ chúng ta tìm thấy nơi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu.
Từ “con tim” của sự cứu độ, chúng ta sẽ bắt đầu mọi quá trình giáo dục Kitô giáo cùng lúc với giáo dục nhân bản (n.16).
Việc đối chiếu với khoa sư phạm của Thiên Chúa định hướng cho mọi hành động giáo dục nơi các cộng đoàn giáo dục. Mục đích của giáo dục Kitô giáo là làm cho một người có thể gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa, giúp họ tập trung vào mối quan hệ với Thiên Chúa và để cho mình được Ngài hướng dẫn.
Giáo dục đức tin tìm được điểm tham chiếu – trong đó Chúa Giêsu đã trở nên bạn đồng hành với hai môn đệ trên đường từ Gerusalem đến Emmaus, Ngài chú tâm đến những thắc mắc và giải đáp cho những vấn nạn của họ. Ngày nay cũng thế, những người trẻ đang mong chờ có một ai đó trở thành bạn đồng hành của họ trong cuộc sống, trên con đường Emmaus của cuộc đời họ – biểu tượng của một tinh thần lắng nghe và đồng hành.
Chú ý đến từng cá nhân là một đặc điểm quan trọng trong khoa sư phạm của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi Thiên Chúa giáo dục dân Israel và chính Chúa Giêsu trong cuộc gặp gỡ với con người, Ngài luôn luôn bắt đầu từ hoàn cảnh cụ thể của họ và với sự tiệm tiến, Ngài khuyến khích và cổ vũ để dẫn dắt họ làm một điều gì đó tốt hơn và cho họ sống một đời sống dồi dào hơn.
Đối với những người mà Ngài gặp gỡ, hoặc những người tìm kiếm Ngài, Chúa Giêsu đề xuất cho họ một hành trình tiệm tiến. Hãy thử nghĩ về hành trình mà Chúa Giêsu đã đề nghị với nhóm mười hai Tông Đồ, cách riêng với Phêrô. Từ những ngư dân chưa hiểu biết gì đến việc nhận ra Đấng Cứu Độ nơi một Đấng Messiah chịu đau khổ đến mức chấp nhận thập giá và Phục sinh.
Hành trình mà Chúa Giêsu đề xuất được đặt trong một kế hoạch tiệm tiến. Thiên Chúa không giáo dục cách “mơ hồ” hành động giáo dục của Ngài là tập trung, có mục đích, và mục đích cuối cùng là làm cho chúng ta trở nên” thánh” để ca ngợi và tôn vinh ân sủng của Ngài … để qui tụ mọi sự trên trời cũng như dưới đất ” về với Đức Kitô, và làm cho chúng ta “được dự phần vào bản tính Thiên Chúa “.
Sự tiệm tiến trong giáo dục không nhất thiết phải có một sự tiến triển liên tục không đứt quãng hay thụt lùi. Tiến trình hoán cải không thể diễn ra liên tục nếu không sự nhìn lại, nhận biết tình trạng tồn đọng hay trở lại với những bước khởi đầu trong quá khứ.
Trong kinh nghiệm của các tông đồ, chúng ta nhận thấy sự lao nhọc của tiến trình này, nhất là trong việc họ đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để theo Ngài. Đây là hành trình biến đổi đòi hỏi một bước nhảy vọt về phẩm chất.
Sự khả tín và ân cần:
Enzo Bianchi, đấng sáng lập và là tu viện trưởng của đan viện Bose đã khẳng định rằng trước tiên Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy một điều cần thiết: người khởi xướng đức tin cho người khác trước hết phải là người đáng tin. Sự tin nhiệm của dân chúng nơi Đức Giêsu nảy sinh từ sự tin tưởng của họ vào mối liên kết giữa những điều Chúa Giêsu suy nghĩ, nói năng, sống và hành động. Đó không chỉ là những lời nói suông, nó không phải là một phương pháp hay chiến lược mục vụ để khơi dậy đức tin: đó là nhân tính của Ngài được ghi dấu bởi sự sung mãn của ân sủng và sự thật – theo Tin Mừng thứ tư (Cf. Ga 1:14).
Ân sủng và sự thật đã nói lên tính chân thực và nhất quán nơi Chúa Giêsu, không có một khoảng cách nào giữa những xác tín của Ngài và những gì Ngài đã nói và đã làm. Gặp gỡ Đức Giêsu, mọi người đều cảm nhận không có một sự mâu thuẫn nào giữa lời nói và hành vi, cảm xúc và thái độ. Chính từ sự toàn vẹn này đã làm nên quyền bính của ngài khiến người nghe phải thốt lên với sự ngỡ ngàng: “Điều gì thế này? Giáo lý thì mới mẻ, người giảng dạy thì có uy quyền” (Mc 1,27) và họ còn nhận ra Ngài giảng dạy không giống như các Pharisiêu (Mc 1,22) là những người chỉ giảng dạy như một nghề nghiệp hay như một người có năng lực và kỹ thuật trình bày.
Nếu những người nam hay người nữ lắng nghe Đức Giês cảm thấy được thuyết phục là do chứng tá, chứ không phải do lời nói. Cũng có thể nói rằng Đức Giêsu có khả năng làm chứng bằng hành động ngay cả khi Ngài không nói lời nào; để giải thích diều này, chúng ta nhớ đến một ngạn ngữ truyền thống của các tổ phụ trong sa mạc, “chỉ cần nhìn thấy là đủ”.
Trong sư phạm, việc giáo dục đức tin, nhà giáo dục trước tiên phải là một người đáng tin cậy. Tất nhiên, đối với chúng ta, không thể nào đạt được sự nhất quán trong đời sống như Đức Giêsu, nơi Người dung nhan Thiên Chúa được tỏ lộ; nhưng chúng ta có trở nên đáng tin hay không tùy thuộc vào sự nhất quán của chúng ta. Sự khả tín của chúng ta có tính quyết định đối với việc giáo dục và loan truyền đức tin. Nếu thực sự đức tin của chúng ta mong manh, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, nơi Ngài chúng ta tìm thấy một “đức tin trọn hảo” (theo Thánh Inhaxiô thành Antiôkia.)
Việc đào tạo các lãnh đạo cộng đồng đáng tin cậy
Từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, mục vụ Bác ái xã hội của Ecuador đã xúc tiến một chương trình đào tạo lấy cảm hứng từ triết lý phát triển con người toàn diện. Kế hoạch nhằm thúc đẩy một mô hình đào tạo và hành động, bắt đầu từ các cơ sở tôn giáo và xã hội, đổi mới và làm phong phú khả năng đồng hành hiệu quả với những cộng đồng bên lề khi giúp thay đổi điều kiện sống của họ, thông qua việc đạt tới quyền chăm sóc gia đình và nâng cao sức khỏe; thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh tế để tăng nguồn thu nhập; tạo điều kiện cho các hiệp hội và công dân hoạt động, thông qua mạng lưới cấp quốc gia và địa phương, ở mức độ pháp lý của Giáo hội.
Dự án nhằm trang bị cho các nhà lãnh đạo cộng đồng, chủ yếu là người trẻ và phụ nữ những phương tiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cộng đồng và đào tạo những kỹ năng chuyên biệt để cải thiện việc quản lý sản xuất, tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Sự can thiệp liên quan đến nhiều lãnh vực nhưng tập trung chủ yếu vào những trường hợp bị tổn thương đặc biệt dưới nhiều hình thức như: dân cư sống ở các vùng nông thôn với tỷ lệ đói nghèo rất cao là một trong những nguyên nhân chính của sự loại trừ, bất bình đẳng, những tổn thương cá nhân và xã hội.
Dự án nhằm hoàn thành nơi các trường công hướng tới sự phát triển con người toàn diện. ‘Chúng tôi sẽ thúc đẩy việc đào tạo như một yếu tố phát triển, qua đó chúng tôi cổ võ sự tham gia vào các khóa chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau: từ các nhóm nghề thủ công đến việc sử dụng vật liệu tái chế, cấu trúc sinh học trong nông nghiệp, từ lĩnh vực xã hội và giáo dục đến quyền được chăm sóc, và trao quyền cho các nữ doanh nhân. Để tăng cường hoạt động trường lớp, các văn phòng kinh tế xã hội và kinh tế liên đới sẽ được thiết lập để phổ biến rộng rãi các kỹ năng và phát triển năng lực của những người được hưởng lợi nhằm tác động cụ thể đến sự phát triển và tăng trưởng của cộng đồng.
Việc thực hiện những can thiệp diễn ra bằng cách lôi cuốn sự tham gia dựa trên tư cách thành viên cộng đồng và sự tham gia tích cực của người được hưởng lợi một cách trực tiếp, hay gián tiếp trong khả năng của họ: tất cả các tác nhân tham gia vào việc tạo ra quyền sở hữu (tài sản) cho địa phương. Cách tiếp cận này là một yếu tố quan trọng của nền dân chủ địa phương đảm bảo hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển.
Mara Borsi, FMA (DMA 01/2018)
Sơ. Maria Thêm, FMA chuyển ngữ