Don Bosco có lòng tôn sùng đặc biệt đối với Đức Mẹ. Đồng thời ngài cũng quảng bá lòng tôn sùng này cho người khác, nhất là cho các học sinh và môn đệ của ngài. Chính Mẹ Magarita đã dạy Don Bosco về lòng tôn sùng Mẹ Maria: “Bosco, con yêu dấu của mẹ… Khi con chào đời, Mẹ đã dâng hiến con cho Mẹ Maria. Khi con bắt đầu đi học, mẹ đã khuyên con sùng kính Đức Mẹ. Giờ đây, mẹ xin con hãy phó thác toàn thân con cho Đức Mẹ. Và nếu con làm linh mục, con hãy giảng khuyên và truyền bá lòng sùng kính Mẹ Maria” (MO 89).
Để quảng bá lòng tôn sùng Mẹ Maria nơi các học sinh, Don Bosco đã tổ chức các tuần chín ngày để chuẩn bị mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm và Lễ Mẹ Phù Hộ. Trong các Tuần 9 ngày đó, thông thường ngài đề xuất các Hoa thiêng để thực hành.
Ngài cũng đã xin các học sinh của ngài viết thư cho Đức Mẹ. Học sinh Giuse Reano làm chứng như sau:
“Don Bosco luôn cỗ vũ lòng sùng kính Mẹ Maria: ngài khuyên dạy mỗi học sinh tùy ý chọn một hoa thiêng để thực hành, viết hoa thiêng đó trên giấy và đặt vào tay ngài. Một chiều nọ tay ngài đầy các tờ giấy đó. Ngài đọc nơi chung những tờ giấy hay nhất, chẳng hạn những tờ giấy của Rua, Vaschetti, Bonetti, Francesia, Cagliero, Bongiovanni, v.v.. Tôi còn nhớ tờ giấy của Rocchietti: ‘Lạy Mẹ yêu dấu, con cũng muốn thực hiện lời hứa; con biết rằng đối với con quả là khó, vì ý thức về sự mỏng giòn của con, nhưng nhờ Mẹ trợ giúp, con có thể, con hy vọng mình sẽ thực hiện được. Đây là ngũ quan của con và ba mươi ngày trong tháng, con xin dâng lên Mẹ. Hoặc con xin hứa với Mẹ là con sẽ hy sinh hằng ngày nơi một giác quan của con, đến độ mỗi năm ngày con sẽ lập lại việc hy sinh mỗi giác quan của con. Nhờ lập lại sáu lần, con sẽ kết thúc một tháng” (MB 5, 648).
Ngoài ra, ngài còn khuyên các học sinh của ngài viết thư về gia đình để kêu gọi các người thân có lòng tin tưởng vào Mẹ Phù Hộ. Ngài khuyên dạy như sau: “Trong tuần chín ngày này hoặc trong ngày Lễ Mẹ Phù Hộ, khi viết thư cho gia đình, các con hãy viết cho người thân rằng Don Bosco đoan chắc với họ, nếu có ơn thiêng nào cần phải xin, thì hãy xin Đức Mẹ với lời nguyện tắt: ‘Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu, cầu cho chúng con’. Họ sẽ được nhậm lời, tuy nhiên phải đọc với những điều kiện mà việc cầu nguyện cần phải có” … “Cha đã khuyên nhiều người và tất cả hay hầu như tất cả đã nói với cha rằng họ đã đạt được những kết quả tốt đẹp” (MB 13, 409.410-411).
Hơn nữa, Don Bosco còn cam đoan rằng: ”Các con yêu dấu, các con hãy nhớ rằng Đức Mẹ đã chuẩn bị nhiều ơn cần thiết cho mỗi người chúng ta, cho linh hồn chúng ta, cho thân xác chúng ta, cho cha mẹ chúng ta, cho thân nhân và bạn hữu chúng ta. Để ban những ơn đó, Ngài chờ đợi chúng ta cầu xin Ngài. Vì Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng và mau chóng ban cho những người cầu xin Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Ngài với lòng sùng kính như thế trong Tuần chín ngày này.”
“… Chúng ta hãy lợi dụng dịp tốt này là Tháng Đức Mẹ, là Tuần chín ngày kính Mẹ, là Lễ Mẹ, để phó thác cho Mẹ Phù Hộ. Ngài chuẩn bị nhiều ơn để ban cho những ước muốn của chúng ta! Ơn thiêng liêng, ơn vật chất, ơn sức khỏe, ơn học hành, cho Cha Mẹ chúng ta, cho cửa hàng của các ngài, cho việc đồng áng của các ngài” (MB13, 407-408).
Trong Lễ Mẹ Phù Hộ sắp tới, nếu Cha Mẹ và bạn hữu các con đến thăm các con, hoặc không đến thăm, các con hãy viết thư cho họ, hoặc gửi cho gia đình các con những lời nhắn nhủ của cha: – Don Bosco đảm bảo với các con rằng các con sẽ nhận được ơn thiêng liêng, nếu các con cầu xin Đức Mẹ với lời nguyện tắt : Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu, cầu cho chúng con. Và các con sẽ được nhậm lời. Các con hãy đọc lời kinh đó với những điều kiện cần thiết. Nếu các con không được nhậm lời, xin các con vui lòng viết cho Don Bosco về điều đó» (MB 13,410-411).
Don Bosco Việt Nam bắt đầu thực hiện truyền thống viết thư cho Mẹ Phù Hộ ngay từ những năm đầu tiên (1952). Trong thời kỳ ở Đệ Tử viện Don Bosco Thủ Đức (1959-1965), tôi đã tích cực tham gia vào việc viết thư này. Truyền thống được tiếp tục cho tới ngày nay tại các Cộng thể Đào luyện cũng như tại các Giáo xứ Don Bosco. Ngày Lễ Mẹ Phù Hộ đã trở thành Ngày Hội ở Cộng thể Don Bosco tại Việt Nam.
Lm. GB Nguyễn Văn Thêm, SDB