“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

NGƯỜI TRẺ VÀ TỰ DO

1Khởi đi từ Tin mừng của một Thiên Chúa chỉ muốn con người tự do đáp trả lời mời gọi của Ngài, Kitô giáo có thể nói như thế đã cấy trồng vào giữa lòng nhân loại hạt mầm tự do mà nó sẽ nảy nở cho đến mức sung mãn, khi con người được hoàn toàn tự do trong Thiên Chúa, khi Vương quốc tự do ngự đến.

Ngày nay, thế giới tuổi trẻ ca ngợi tự do. Họ muốn tự do. Nhưng làm thế nào để được tự do đích thực? Làm thế nào tăng trưởng tự do? Những điều đó họ lại không biết. Như thế, có một ý nghĩa đúng đắn về tự do quả là cần thiết.

Đức Thánh Cha Phanxicô cống hiến cho tuổi trẻ chúng ta một vài suy tư.

Trước hết, ngài khẳng định: Đức Giêsu là con người tự do hoàn hảo. “Ngài lắng nghe trong cõi lòng mình tiếng Chúa Cha và làm theo đó. Trong cuộc đời trần thế, Đức Giêsu không phải là “kẻ bị điều khiển từ xa”. Ngài hiểu rõ Thiên Chúa chỉ muốn con người được tự do. Ngài không bao giờ áp đặt. Từ khuôn mẫu này, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau cho các bạn trẻ: “Đức Giêsu không muốn những người Kitô hữu ích kỷ, đi theo cái tôi của riêng mình và không nói chuyện với Thiên Chúa; ngài cũng không muốn những người Kitô hữu yếu nhược, không có ý chí: những người Kitô hữu ‘bị điều khiển từ xa’, không có khả năng sáng tạo, không tìm cách liên kết với ý muốn của người khác, và không tự do”.  Cách thức Đức Giêsu hành động cho thấy rõ điều này. “Ngài nói cho các môn đệ, trao cho họ phải đi trước vào các làng mạc chuẩn bị việc ngài đến, nhưng không được áp đặt. Nếu họ không tiếp nhận, hãy rời khỏi nơi đó. Chúa Giêsu không bao giờ áp đặt. Ngài khiêm nhường, và chỉ đưa ra lời mời: ‘Nếu bạn muốn, hãy tới’. Sự khiêm nhường của ngài là đây: Ngài luôn mời gọi chúng ta chứ không áp đặt.”

Chính vì thế, Ngài mời gọi chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của lương tâm, song với một lời cảnh báo rõ ràng: “Chúng ta phải lắng nghe lương tâm ngày một hơn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận: điều này không muốn nói là chúng ta phải đi theo cái tôi của mình, làm bất kỳ cái gì mình thích, bất kỳ cái gì hợp với ta, bất kỳ cái gì làm ta vui thích. Đó không phải là lương tâm”. Phải hơn, “Lương tâm là chính không gian nội tâm nơi đó chúng ta có thể lắng nghe và nghe được chân lý, sự thiện, tiếng nói của Thiên Chúa. Nó là nơi chốn nội tâm ta giao tiếp với ngài, Đấng nói với cõi lòng chúng ta và giúp ta phân định, hiểu được lối đường ta phải theo và một khi đã quyết định, thì tiến tới, luôn trung thành”.

Cũng chính từ đây, câu hỏi đến “ta tìm được một lương tâm đích thực ở đâu?”. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rõ ràng: “Nó phải được tìm thấy trong cuộc đối thoại nội tâm với Thiên Chúa trong lương tâm. Nếu một Kitô hữu không biết nói chuyện với Thiên Chúa như thế nào, họ không biết lắng nghe Thiên Chúa như  thế nào trong lương tâm, thì họ không tự do”. Rốt cục, họ chỉ lấy tự do làm bức bình phong che đậy cái tôi giả tạo của họ.

Và Đức Thánh Cha Phanxicô nói cho các bạn trẻ như sau: “Tự do có nghĩa là biết làm sao phản tỉnh về điều chúng ta làm, biết lượng giá nó ra sao và biết đâu là những thái độ làm chúng ta lớn lên. Tự do có nghĩa là luôn chọn điều tốt… Tự do luôn chọn điều tốt thật là thách đố, nhưng nó sẽ làm các con thành những người có một bộ xương sống mạnh khỏe, là người biết làm thế nào để đối diện với cuộc sống, và sống như những người can đảm và kiên nhẫn”.

Vậy, các bạn trẻ thân mến,

Các bạn yêu thích tự do, nhưng phải là một tự do đi liền với trách nhiệm: trách nhiệm bản thân, trách nhiệm với người khác, trách nhiệm trước sự thiện… Bằng không, tự do của các bạn sẽ trở thành cơn chướng.

Văn Am, SDB

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG