Người Kitô hữu sống trong các cuộc gặp gỡ, mà đỉnh cao và trọn vẹn nơi cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa nếu như chúng ta bước vào tình yêu huyền nhiệm của Người.
Đầu tiên, chúng ta được mời gọi bước vào cuộc gặp gỡ với chính Thiên Chúa. Chúng ta được gia nhập Hội Thánh nhờ bí tích Rửa tội khi mới bước vào trong cuộc đời, được trở nên con cái Thiên Chúa mà chung hưởng phần gia nghiệp Nước Trời. Trong thư gửi tín hữu Côlôsê, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng: “Bất luận làm gì, hãy tận tâm mà làm, như làm cho Chúa, không phải làm cho người ta, vì biết biết rằng anh chị em sẽ nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa cơ nghiệp làm phần thưởng” (Cl 3, 23). Chúng ta được mời gọi và nhận ra tiếng gọi của Chúa để gặp gỡ và sống trong sự gặp gỡ Thiên Chúa, lúc ấy chúng ta sẽ làm mọi sự trong Thiên Chúa và sống trọn vẹn cho Người. Hay nói một cách khác, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta sống triệt để cho Thiên Chúa, và phải coi đó như một ưu tiên hàng đầu trong sự chọn lựa của chúng ta. Cụ thể như trong thư gửi tín hữu Galát, ngài cũng nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô, với thánh nhân, tột đỉnh của tình yêu này là cái chết của Đức Kitô trên thập giá làm hy tế đền tội cho chúng ta. Đây cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta để bước vào tình yêu đặc biệt ấy trong Đức Kitô. Với tôi, đó quả là một lời mời gọi hết sức đặc biệt và cao quý, bởi lẽ, không có một thứ tình yêu nào cao trọng hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
Chính Chúa Giêsu cũng trở nên một tấm gương sáng trong sự gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Trước mỗi biến cố, Chúa Giêsu đều đi gặp gỡ Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Trước khi Chúa Giêsu tuyển chọn nhóm mười hai, Ngài cũng thức suốt đêm mà cầu nguyện, rồi trước lúc bị trao nộp, Ngài cũng vào vườn cây dầu mà cầu nguyện, và trước giờ sau hết, Ngài cũng đã thân thưa cùng Chúa Cha và phó linh hòn trong tay Chúa Cha. Chúng ta dựa vào đâu để có thể đảm bảo hạnh phúc đích thhực nếu như chúng ta không biết bám víu vào Thiên Chúa, Đấng cội nguồn của tình yêu.
Ngoài ra, chúng ta cũng được mời gọi bước vào các cuộc gặp gỡ nơi gương nhân đức của các thánh. Tôi nhắc đến thánh trẻ Đaminh Saviô với sự trưởng thành trong mọi mặt. Ngay từ nhỏ, ngài luôn là mẫu gương trung thành với Chúa trong từng việc làm, từ việc thực thi các nhân đức cho tới lối đường nên thánh là chu toàn bổn phận trong niềm vui. Tuy chỉ ở tuổi một đứa trẻ, nhưng đời sống của ngài lại trưởng thành tuyệt đối, đến nỗi chúng ta khó có thể tìm được một lời than phiền nào về ngài. Bằng chứng là Saviô đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 12 tháng 6 năm 1954, trở thành người không tử đạo trẻ nhất được phong thánh trong Giáo hội Công giáo lúc bấy giờ. Chúng ta cũng nhìn đến gương các thánh tử đạo, các ngài đã anh dũng dùng chính mạng sống mình làm chứng cho Thiên Chúa. Máu của các ngài đã chảy ra và làm nguồn dinh dưỡng cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta. Ngay trên quê hương đất nước chúng ta, chẳng phải cũng có tới 118 vị tử đạo đã trở nên thánh, và cũng có không ít những bậc tổ tiên đã hy sinh mạng sống vì Thiên Chúa hay sao? Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên thánh, và đức thánh cha Phanxicô cũng đã kêu gọi: “Tất cả đều được mời gọi để nên thánh, và chỉ có người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân loại. Rất nhiều người đã bước theo con đường này, trước chúng ta, để trở nên những người anh dũng cho Phúc âm, và Cha muốn gọi mời tất cả các bạn hãy biết trông nhờ vào sự thông công, chuyển cầu của các vị đó, qua lời cầu nguyện”.
Chúng ta cũng được mời gọi để di vào cuộc gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta phải bước vào thực tế, vì chính trong thực tế chúng ta mới nhìn ra con người và hình dáng của Đức Kitô. Mẹ Têrếa Calcutta cũng là một vị thánh trong thời đại chúng ta, mẹ đã đi vào giữa lòng xã hội, tới những nơi xa xôi và thiếu vắng tình thương; và mẹ đã thực sự gặp gỡ khôn mặt Đức Kitô và nghe tiếng Ngài đang nói: “Ta khát”. Chúng ta cũng đang sống giữa lòng xã hội hôm nay, nhưng chúng ta có dám bước ra và đặt chân tới những vùng đất được coi là ngoại biên, đó mới thực sự là vấn đề. Hay nói cáh khác, chúng ta có chạm tới lòng trắc ẩn của Thiên Chúa khi chúng ta gặp gỡ tha nhân, đặc biệt những người nghèo khổ nhất. Chính Chúa Giêsu đã động lòng thương và chữa lành cho người què đi được, cho người điếc được nghe, cho người câm nói được và cho kẻ chết sống lại; họ đều là những người bị xa lánh trong thời đại đó và họ là những người đáng thương nhất. Ngay cả người phụ nữ ngoại tình, Chúa cũng thương xót và biến đổi để trở nên một vị thánh. Hay nơi mẫu gương của người Samari nhân hậu cúi xuống mà quan tâm người bên đường bị nạn. Tất cả đều có thể trở thành bài họ và tấm gương để chúng ta noi theo.
Đối diện với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải gặp gỡ chính bản thân mình. Chúng ta dễ dàng tuyên xưng đức tin nơi môi miệng, nhưng liệu rằng đức tin ấy có thực sự bén rễ sâu trong Thiên Chúa, đối với tôi, đức tin của chúng ta chỉ thực sự bén rễ và bám chặt vào Thiên Chúa khi chúng ta thực sự có niềm vui. Niềm vui trong hân hoan vì thực sự gặp gỡ Đức Kitô và niềm vui sẽ được thể hiện trong sự phục vụ và loan báo niềm vui cho mọi người. Chúng ta phải tìm kiếm để gặp được Đức Kitô trong chính bản thân mình, vì tôi tin chắc rằng nếu chúng ta gặp gỡ Ngài, chúng ta mới có thể làm chứng cách sống động và cụ thể nhất về tình yêu Đức Kitô. Mở đầu tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến những con người gặp được Đức Kitô, họ là những người ngập tràn niềm vui trong tâm hồn, và họ là những con người không bị loại trừ. “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.” Tất cả chúng ta cũng được mời gọi để gặp gỡ Đức Kitô, nếu chúng ta không tự loại trừ mình ra khỏi lời mời gọi của Ngài.
Lưu Hành, SDB