Bạn thân mến,
Khi ngồi suy nghĩ về cuộc đời, có bao giờ bạn thấy chán nản vì cuộc đời mình chỉ là những chuỗi ngày của những bất hạnh, những chuyện rủi ro, không may mắn? Nếu cuộc sống là thế, liệu bạn có đành để mất đi niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa và vào con người?
Những Thử thách của Giu-se & Dự định của Thiên Chúa
Sách Sáng Thế ký đã kể lại cho chúng ta về cuộc đời của Giu-se, một cuộc đời được đan dệt bởi bao điều bất hạnh nối tiếp nhau. Ngay từ tuổi niên thiếu, khi người cha Gia-cóp yêu quý Giu-se hơn các anh em khác, cậu đã bị các anh ghen tị và tìm cách hãm hại. Thế rồi trong một lần đi thăm các anh đang chăn súc vật ở Đô-than và mang lương thực đến cho họ, cậu đã bị các anh toan tính hãm hại và đổ tội cho thú dữ ăn thịt, nhưng nhờ người anh Rưu-vên, cậu chỉ bị các anh bán làm nô lệ cho một đoàn thương gia trên đường xuống miền đất Ai cập đang đi ngang qua đó. (St 37)
Tiếp đến, trong thời gian làm nô lệ bên Ai Cập và phục vụ cho quan thái giám Pô-ti-pha, cậu đã được bà vợ của ông để mắt tới và quyến rũ phạm tội. Vì không chiều theo sự quyến rũ xúc phạm đến Thiên Chúa, bà đã vu cáo tội cho Giu-se khiến cậu bị tống vào ngục tù nơi giam giữ các tù nhân của nhà vua.(St 39, 11-20).
Tuy thế, Thánh kinh vẫn xác quyết một điều: “Bấy giờ Giu-se bị cầm tù, nhưng có Đức Chúa ở với ông” (St 39, 21). “Vì Đức Chúa ở với Giu-se, nên cậu làm việc gì cũng thành công” (St 39, 23).
Tuy bị giam giữ nhiều năm trong ngục tù một cách bất công, Giu-se vẫn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Thế rồi dự định tốt lành của Thiên Chúa đã đến lúc hiện thực: vua Pha-ra-on có một giấc mơ liên quan đến vận mệnh sống còn của đất nước được Thiên Chúa tỏ lộ cho, tuy nhiên không một ai trong vương quốc có thể giải thích được. Giu-se đã được tiến cử để giải thích giấc mơ này.
Khi được dẫn đến trước mặt vua Pha-ra-on, Giu-se không ngần ngại khẳng định: “Không phải tôi, mà là Thiên Chúa sẽ cho câu trả lời đem lại bình an cho Pha-ra-on” (St 41, 16). Nghe Giu-se giải thích giấc mơ, Pha-ra-on nhận biết Giu-se là “một người có Thần Khí Thiên Chúa” (St 41, 38), nên đã cắt đặt ông là tể tướng triều đình, chỉ dưới vua Pha-ra-on mà thôi. Chuyện Kinh Thánh không chỉ dừng lại ở việc Thiên Chúa muốn cứu dân Ai cập thoát khỏi nạn đói xảy ra trong 7 năm liên tiếp, nhưng còn tiếp tục đề cập đến chuyện riêng của dòng tộc Gia-cóp, các anh em của Giu-se và của chính Giuse.
Giuse đã gặp lại chính những người anh đã hãm hại mình, nhưng vì Giu-se là “người có Thần Khí Thiên Chúa”, nên ông không bao giờ nghĩ tới chuyện trả thù các anh, ngược lại, ông nhận ra rằng: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây (Ai cập): chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gởi tôi đi trước anh em.” (St 45,5).
Chúng ta là “những người có Thần Khí”?
Bạn thân mến, nếu như ngày nay khi đánh giá về những sự kiện lịch sử đã qua, các sử gia cần có một thời gian dài sau đó để hiểu ra được ý nghĩa của những sự việc xảy ra trước đó trong dòng lịch sử, thì liệu những người ki-tô hữu có cần một thời gian dài như thế để có thể hiểu ra ý nghĩa của những biến cố, những sự việc, trong ánh sáng Thiên Chúa, để rồi từ đó mới chấp nhận và thực thi điều Thiên Chúa muốn? Thế thì quá muộn, và điều này cũng không cần thiết, vì họ phải là “những người có Thần Khí”.
Vậy đâu là dấu hiệu của “một người có Thần Khí”?
Câu chuyện của Giu-se gợi ý cho chúng ta thấy:
Đó là một người luôn đặt niềm tin tưởng, cậy trông vào Thiên Chúa, dẫu cuộc đời của họ ngập tràn những nỗi bất hạnh trái với ý muốn tự nhiên của họ.
Đó là một con người có lòng kính sợ Thiên Chúa, luôn đứng về phía sự Thiện, tránh xa sự Ác.
Đó là một con người luôn rộng mở trước Thiên Chúa, luôn muốn tìm ra ý muốn của Người được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của họ. Kim chỉ nam cho những hành động và lối sống của họ không phải là những toan tính tự nhiên của bản thân, nhưng là chính điều Thiên Chúa muốn.
“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa” (T. Âu-tinh).
Ngọc Yến