Thường mỗi khi nhìn tấm hình có mình, thử hỏi ai sẽ là người tôi muốn tìm và muốn nhìn đầu tiên? Nghĩ đến mình, tìm mình, lo cho mình trước… là điều rất tự nhiên mà ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về điều này.
DÀNH PHẦN HƠN
Khi Gioan Bosco còn nhỏ, vào một ngày tiết trời nóng nực, Gioan Bosco và anh Giuse từ vườn nho trở về, cả hai đều rất khát. Mẹ Ma-ga-ri-ta ra giếng, kéo lên một xô nước mát lạnh, dùng cái muỗng lớn bằng gỗ, múc nước và mẹ đưa cho Giuse uống trước. Gioan Bosco nhăn mặt, khó chịu, ghen tức vì mẹ đưa nước cho Giuse trước. Sau khi Giuse uống xong, mẹ chìa muỗng nước cho Gioan, nhưng cậu ra dấu không thèm. Mẹ Ma-ga-ri-ta chẳng nói gì, bà xách xô nước vào bếp và đóng cửa lại. Lát sau, Gioan bước vào, xin lỗi mẹ và mẹ đã vui vẻ tặng cho cậu một muỗng nước đầy ắp.
Gioan Bosco dù là em, nhưng lại muốn mình được ưu tiên và khi không được thì phụng phịu, giận dỗi. Nhưng câu chuyện được kết thúc tốt đẹp vì Gioan Bosco đã biết nghĩ lại, biết xin lỗi và học được bài học: cần nghĩ đến người khác.
SỨC MẠNH CỦA VŨ LỰC
Vào độ tuổi thanh niên, Gioan Bosco kết bạn với Luy Comollo, cậu mảnh khảnh, xanh xao, ốm yếu. Một hôm, Luy Comollo bị hai người bạn học giáng hai cú tát vào mặt. Luy không phản ứng, nhưng Gioan Bosco thì nóng bừng bừng, và đã kể lại cảm xúc ấy của mình trong cuốn hồi ký: “Lúc ấy, tôi mất hết lý trí và chỉ còn biết đến vũ lực, tôi túm lấy vai của một trong hai thằng, vì ở gần đó tôi không tìm thấy một cái ghế hay cây gậy nào. Tôi dùng thằng bé làm gậy và bắt đầu đập những thằng lưu manh. Bốn tên gục ngã xuống đất, những tên khác rên rỉ chạy thoát”.
Với sự can thiệp rất “anh hùng” và ngoạn mục, Gioan Bosco tưởng rằng bạn Luy sẽ hài lòng, nhưng cậu ôn tồn nói: “Sức mạnh của anh làm tôi khiếp sợ. Chúa ban sức mạnh cho anh đâu phải để đánh đập bạn bè. Ngài muốn chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho hết mọi người”.
Lời nói này của Luy Comollo đã làm Gioan Bosco suy nghĩ và đã giúp Gioan học được bài học của một tình yêu dịu dàng, nhân ái, tha thứ có sức chạm đến tận cõi lòng, thay vì sức mạnh của cơ bắp và vũ lực chỉ làm cho người khác khiếp sợ.
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU DỊU DÀNG
Gioan Bosco tự bẩm sinh chẳng dễ nhường nhịn, hiền lành chút nào. Trái lại, qua giấc mơ 9 tuổi cũng như qua hai câu chuyện kể trên cho ta thấy Gioan Bosco đã muốn dành phần hơn cho mình. Một mặt, Gioan nhạy bén và nhiệt thành trước điều thiện, mặt khác Gioan bộc lộ bản tính nóng nảy, dễ nổi xung và đã giải quyết vấn đề bằng vũ lực.
Thế nhưng với ơn Chúa và sự rèn luyện bản thân, Gioan Bosco đã trở thành một linh mục nhân lành, dịu dàng. Với tình yêu trong sáng, kiên nhẫn, bao dung, dịu dàng, ngài đã chinh phục và giáo dục được biết bao đứa bé ương ngạnh, bất hảo, khó trị và chúng đã trở thành những người lương thiện, những vị thánh trẻ. Khởi đi từ ngày dâng thánh lễ mở tay, chương trình sống và bí quyết giáo dục của ngài đó là: “Sự dịu dàng và lòng hiền từ của thánh Phanxicô Salê sẽ hướng dẫn tôi trong mọi sự”.
THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC
Xã hội và nhất là người trẻ rất cần những mẫu gương với cách cư xử dịu dàng, nhân ái, lịch sự, thay cho thái độ dửng dưng, cách ứng xử cứng cỏi, bạo lực, ích kỷ mà hàng ngày chúng ta chứng kiến, nghe hoặc đọc những tin tức buồn, những bi kịch gây xung đột, đổ vỡ, chiến tranh, chết chóc ngay cả trong gia đình, nơi thôn làng, học đường, trong nước và ngoài nước. Cần lắm những con tim biết sống cho người khác, bớt nghĩ về mình, biết nhường phần tốt, phần hơn cho tha nhân. Cần lắm dưỡng khí của tình thương trong gia đình, của tình người trong các mối tương quan.
Có người dí dỏm, ví thiên đàng và hỏa ngục như trong một bữa ăn với thức ăn như nhau nhưng khác nhau ở chỗ: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn. Vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai được ăn, chẳng ai được no, hết giờ ăn, đói vẫn hoàn đói. Vì vậy, họ bực dọc, trở nên căm thù nhau.
Chẳng dễ chút nào để bớt ích kỷ, chọn phần khó nhọc về mình, nhường phần nhẹ nhàng cho người. Cam go biết mấy để yêu người như yêu bản thân và cao hơn là yêu cả kẻ thù, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình cho người khác. Thật khó, nhưng đó mới là tình yêu đích thực, hấp dẫn, có sức biển đổi lòng người, làm cho mình và cho người khác cảm nếm được hạnh phúc thực sự.
Ngọc Tâm, FMA