Khi nghĩ về giáo dục, chúng ta thường nhắc đến các nhà sư phạm, nhà tư tưởng và học giả vĩ đại từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chúng ta sẽ hiếm khi liên kết chủ đề thú vị này với bất kỳ vị thánh nào trong Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, với niềm vui thực sự, tôi xin giới thiệu với các bạn một chút tư liệu về chủ đề này: Thánh Gioan Bosco, thường được gọi là Don Bosco, một linh mục người Ý, sống vào thế kỷ 19, người sáng lập Tu hội Salêdiêng và được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1934.
Tại thành phố Tôrinô, nằm ở phía bắc nước Ý, Don Bosco phải đối mặt với một thách thức lớn: đào tạo và giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ, bị loại trừ và bóc lột bởi một xã hội cơ hội, giữa cuộc Cách mạng Công nghiệp, trong đó giáo dục hoàn toàn không hiển nhiên mà ngược lại, nó đã bị khuất phục bởi lao động rẻ mạt và những con số béo bở của những ông trùm giàu có, những ông chủ của các nhà máy với những ca làm việc liên miên và điều kiện làm việc bấp bênh.
Trong lời kêu gọi dạy dỗ của mình, vị linh mục nghèo có tầm vóc thấp bé nhưng với một trái tim khổng lồ đó đã hiểu rằng, cánh đồng truyền giáo của mình sẽ là chào đón những cậu bé bị thiệt thòi đó, mang đến cho chúng một ngôi nhà khang trang hơn, tràn đầy tình yêu thương, được đào tạo chuyên nghiệp và trên hết là một linh đạo được hướng dẫn bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Và đó là cách Don Bosco đã làm việc không mệt mỏi. Được thúc đẩy bởi phương châm: “Da mihi animas, cetera tolle”, có nghĩa là “Xin cho tôi linh hồn và mọi sự khác xin cứ lấy đi”, ngài đã dành cả cuộc đời mình cho việc cứu rỗi của những người trẻ, đặc biệt là những người nghèo và bị bỏ rơi.
Vị thánh của những người trẻ, danh hiệu được biết đến bởi nhiều người, đã khám phá nhiều lãnh vực khoa học tự nhiên và mục vụ, vượt xa thời đại của ngài, và là một người có tầm nhìn xa, ngài đã đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực giáo dục, phát triển những phương pháp rất hữu ích cho đến tận ngày nay. Don Bosco đã sáng kiến ra Hệ thống Giáo dục Dự phòng, trái ngược với bất kỳ kiểu khiển trách nào, và trên hết, dựa trên mối quan hệ, nơi nhà giáo dục coi học sinh như một người bạn, và ngài xem các em như một ân nhân, người khuyên nhủ và muốn giúp đỡ bạn tốt hơn.
Và trong bối cảnh bóc lột, gây hấn và rủi ro mà Don Bosco nhìn thấy những người trẻ của mình mỗi ngày, ngài nhận ra rằng cần phải làm một điều gì đó vì mục đích thông truyền giáo dục hợp pháp, để ngôn ngữ tình yêu được đặt lên hàng đầu. Nhà giáo dục yêu trẻ thôi chưa đủ; nghĩa là, những người trẻ được nhà giáo dục yêu thương thôi chưa đủ, họ phải biết rằng họ được yêu thương. Đây là một trong những trực giác tâm lý và sư phạm tuyệt vời nhất do Don Bosco tạo ra.
Và chính vì nhu cầu “những người trẻ biết rằng họ được yêu thương”, điều quan trọng nảy sinh là nhà giáo dục thể hiện tình yêu của mình, và điều này xảy ra, tất yếu, thông qua sự hiện diện. Và Don Bosco dạy rằng cách tốt nhất để biến điều này thành hiện thực là chia sẻ niềm vui với những người trẻ, tiếp xúc với họ, hiểu họ, cố gắng hòa hợp với cảm xúc của họ, không nghĩ về những kế hoạch tinh thần không thể hòa giải, nhưng để hiểu tình huống, nghi ngờ và nhu cầu của họ. Và để mối quan hệ giáo dục giữa nhà giáo dục và học sinh được khép lại, cần phải có sự thân thuộc, tin cậy, tình bạn thực sự, đặc biệt là trong sân, tức là trong sự tiếp xúc thân mật, từ chối mọi sự thờ ơ và lãnh đạm.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng điều này thực sự rất có thể áp dụng và hoạt động được, và chúng ta thậm chí còn nhận ra rằng, trong thời kỳ chúng ta đang sống, công nghệ có thể là sự trợ giúp thú vị như thế nào. Các trường học và trung tâm dạy nghề vẫn hoạt động hiệu quả, ngay cả trong những thách thức của đại dịch.
Môi trường kỹ thuật số giờ đây đã trở thành một phương thức giao tiếp và hiện hữu. Nó cũng khiến chúng ta thấy rằng mối quan hệ của con người là cần thiết như thế nào. Rằng bức tranh được phác họa như một công cụ ước lượng thôi là chưa đủ, mà thực sự cần phải gặp gỡ, ở bên nhau, học hỏi và dạy dỗ bằng cách chạm và nhìn, và từ đó chia sẻ, vui mừng, góp nhặt những giọt nước mắt và để chúng ta xúc động bởi sự cao cả của mối quan hệ và tình cảm, vì Don Bosco cũng dạy rằng “giáo dục là chuyện của trái tim”.
Sau đó, chúng ta được mời gọi bởi chính Don Bosco để trở thành những người đầu tiên mang bí tích hiện diện trong tâm hồn chúng ta. Cho dù dạy học từ xa hiện đang là một cách giải quyết hiệu quả, nhưng chúng ta không thể để những rủi ro có thể xảy ra khi quen với việc thiếu vắng các mối quan hệ, trong môi trường gia đình và cả môi trường học đường. Chúng ta hãy để những lời dạy của vị thánh này, rất phổ biến, soi sáng bước đi của chúng ta và đặc biệt là tương lai của các thế hệ mới.
Lạy Thánh Gioan Bosco, cầu nguyện cho chúng con!
Thulio Fonseca
Khai Sáng, SDB chuyển ngữ
Thulio Fonseca là một cựu sinh viên Salêdiêng và là nhà truyền giáo của Cộng đồng Canção Nova, hiện đang ở cơ quan truyền giáo ở Rôma, nước Ý.