Ngày thôi nôi cũng là ngày Nhí vô bệnh viện.
Nhí là tên gọi thân mật của cháu tôi, con chị Hai Linh, người gọi cha tôi là cậu. Ngay khi sinh ra, Nhí đã phải ở trong lồng kính mấy tháng trời rồi mới được về nhà, cô tôi đang mừng vì Nhí khỏe mạnh thì đùng một cái, phải chở Nhí vô bệnh viện ngay khi tiệc thôi nôi còn chưa được bắt đầu.
Bác sĩ chuẩn đoán cháu tôi bị thận, vì vài ngày trước thì bụng có dấu hiệu trương phình, cứ ngỡ không ăn tiêu như lại không phải. Chị Hai khóc hết nước mắt, mới còn nhỏ mà đã bị thận thì sẽ như thế nào đây? Cô tôi và anh Hai thì đứng ngồi không yên, cầu Trời khấn Phật sao cho con cháu mình tai qua nạn khỏi, vì từ nhỏ mà đã nay vô viện mai vô viện thì lớn lên yếu ớt biết làm sao…
Rồi Nhí được cho về, đem theo quá chừng thuốc uống và lời dặn của bác sĩ: không được cho ăn đồ mặn, và tuần sau tái khám. Không được ăn đồ mặn nghĩa là mọi thứ mắm muối đều phải cho nghỉ chơi với đồ ăn nấu cho Nhí hết. Cô tôi giãy nãy, vậy thì nhạt nhách sao nó ăn được, bác sĩ chỉ lắc đầu, cứ làm vậy đi, nếu không thì trước khi cho một giọt nước tương nước mắm hay hột muối vô đồ ăn, người nhà nên gọi xe cấp cứu trước là vừa. Cô và anh chị Hai bàng hoàng, bệnh gì mà lạ lùng đến như vậy? Thận thì cùng lắm là sỏi thận, mà con nít mới một tuổi sỏi thận kiểu gì? Nhưng bác sĩ đã dặn vậy, chỉ biết nghe và chờ tái khám thôi chứ biết làm gì hơn được.
Với đứa trẻ một tuổi, đang ăn dặm và phải ăn toàn đồ nhạt thì chẳng khác nào bắt con cá bỏ vô nước sôi để nguội. Nhí không ăn được, chỉ chực nhè ra. Chị Hai thương con, nói hay thôi mình nêm cho nó chút xíu nước mắm thôi, anh Hai ngăn, ráng tuần này đi, tuần sau tái khám coi có tiến triển chút nào không. Mọi người đành cùng nhau dụ Nhí ăn. Nhưng ăn thì ít, mà bụng càng ngày càng chướng ra, không hiểu nổi nguyên nhân.
Kết quả bác sĩ đưa ra là thận ứa nước, nên bụng mới trương phình lên như thế. Và lại là mớ thuốc, lại là thực đơn không có muối hay nước mắm, nước tương, hột muối. Mỗi bữa ăn trở nên cực hình và đẫm nước mắt với cả nhà chị Hai tôi lúc bấy giờ.
Rồi cứ ngày này qua tháng nọ, hết thuốc lại khám, khám xong lại thuốc mà kết quả không nhích được, cô tôi đem Nhí đi hết thảy các bệnh viện Nhi Đồng, rồi Đông Y Tây Y, thuốc nam thuốc bắc đầy đủ. Nhưng Nhí vẫn cứ vậy, vẫn không thể đi đứng, không thể chạy nhảy với các bụng quá khổ của mình, không thể mở to mắt vì hai bọng mắt ứ nước to đùng, không thể nằm sấp hay va chạm trước mặt vì cái rốn lồi lên như cái bong bóng chứa đầy nước to bằng ngón cái, và phải cố gắng lắm mới có thể nuốt hết bữa cơm có vẻ là sơn hào hải vị với thịt tôm cua cá đầy rẫy nhưng không có chút vị nào cùng với chén cơm trắng kia.
Năm bốn tuổi, Nhí vẫn mãi hoài như vậy. Cô tôi vẫn thuốc thang khắp nơi, hễ nghe ở đây có thầy ở kia có thầy là tới, chủ yếu muốn biết thực ra cháu mình bệnh gì mà không sao chữa hết được, bác sĩ cũng chỉ cho thuốc cầm cự qua ngày rồi cho về mà không sao lí giải nổi bệnh tình. Mỗi lần tới bữa cơm, nghe Nhí nói nhỏ xíu “Nội ơi cho con chút xíu nước mắm đi, chút xíu thôi hà, lạt quá…” là cô tôi quay mặt đi mà ứa nước mắt. Có lần, chị Hai đánh liều chấm miếng cá vào nước mắm, Nhí ăn ngon lành, ăn như chưa bao giờ được ăn ngon như thế, nhưng sau đó là lên cơn và cả nhà phải nháo nhào vô bệnh viện. Từ đó chị Hai sợ, không dám đả động tới việc cho con một chút “mặn” vào món ăn lần nào nữa.
Năm tuổi, Nhí vẫn chỉ có thể ngồi ở nhà, nhìn đám bạn cùng trang lứa ríu rít đi học đi chơi. Chị Hai cũng mua cặp đi học, mua vở, mua bút chì, bút màu cho Nhí. Nhí thèm đi học, thèm được chạy nhảy như chúng bạn. Cô tôi dỗ dành phải ăn hết cơm uống hết thuốc thì mới hết bệnh mới đi học được, Nhí ăn nhanh chóng, nhưng có vẻ niềm tin đó ngày càng phai nhạt, khi mà bạn vẫn đi học còn mình thì vẫn cứ ở nhà, chống hai tay ra sau lưng nhìn với vẻ thèm thuồng.
Anh Hai rầu rĩ, người gầy sọp. Tiền thuốc thang cho Nhí hết nhiều quá, chị Hai không thể đi làm, một mình anh gánh vác nên quá nặng nề. Cô tôi cũng phụ, nhưng còn anh út đang học nữa, nên số tiền cũng chẳng bao nhiêu. Vay mượn để chạy chữa mà hoài không hết, anh Hai có phần nản. Nhưng mỗi lần nhìn con cố nuốt cơm, cố uống những viên thuốc đến phát ngán kia, anh Hai lại cố gắng, lại dặn lòng phải làm sao để có thể kiếm tiền kiếm thầy chữa bệnh cho con hết hẳn.
Chị Hai dạy Nhí vẽ, vẽ đủ mọi thứ, Nhí thích thú với điều đó, dù là hơi khó khăn trong việc phải cúi xuống trang giấy ở mặt bàn, nhưng Nhí vẫn say sưa, vẽ và tô màu mọi thứ. Những bông hoa ngộ nghĩnh, những con chim dài ngoằng với đôi cánh trắng, những ngôi nhà san sát…tất cả được Nhí vẽ hết sức hồn nhiên. Chị Hai cũng mừng vì ít nhất con mình còn có niềm vui trong những tháng ngày bệnh tật, càng xót xa khi thấy con chẳng được như người ta, khỏe mạnh mà chạy nhảy tung tăng. Ngày sinh nhật Nhí, năm nào chị Hai cũng làm mâm cơm, nồi chè, rồi cúng, rồi cầu xin cho Nhí khỏe mạnh. Ai tới thăm cũng xót xa cho Nhí, còn nhỏ mà đã chịu đau đớn, người lớn có khi còn chịu không nổi, huống chi một đứa con nít phải sống với căn bệnh này đã bốn năm trời.
Nhí mất. Để lại trong lòng gia đình anh chị Hai và cô tôi một nỗi buồn vô hạn. Tôi bần thần, nhớ lại cái ngày về thăm Nhí, Nhí tíu tít và khó nhọc nói từng tiếng một “Cô Thảo, mai mốt con hết bệnh cô Thảo dẫn con lên nhà cô Thảo chơi nha”. Nhưng ngày đó đã mãi mãi không tới được. Nhí ra đi với cái bụng vẫn còn căng mọng nước, với cái rốn vẫn to như ngón tay cái, đôi mắt vẫn sưng húp. Đứa cháu bé bỏng của tôi!
Vậy đấy. Có những cuộc đời dừng lại mãi ở đó, với năm năm trên đời, cả ấu thơ chỉ biết đến bầu trời xám xịt của đớn đau và bệnh tật. Nhưng con luôn có ông bà, có cha mẹ, có các cô dì bên cạnh, con sẽ không cô đơn đâu, phải không?
Nhí?
Tùy Phong