“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Luôn say mến: Cha mẹ vẫn mặn nồng tình lứa đôi

Giả sử có một “Thập giới” dành cho các bậc phụ huynh thì có lẽ phải bắt đầu thế này: “Các ngươi phải hết lòng chăm sóc nhau nếu các ngươi muốn chăm sóc các con cái của mình. Bổn phận đầu tiên của người cha là phải yêu mến người mẹ của những đứa con, và ngược lại”.

Cha và mẹ cần phải luôn ghi nhớ rằng họ cũng là vợ, là chồng của nhau và tình yêu của họ cũng phải lớn lên cùng với con cái. Nếu mối tương quan hiệp thông giữa họ thật sống động và mãnh liệt thì mọi sự trong gia đình ấy đều tiến triển tốt đẹp, và lẽ tất nhiên, mọi vấn đề cũng được giải quyết.

Trong khi chú tâm vào việc dạy dỗ con cái, chúng ta thường quên lãng thực tế này, vì vậy, chúng ta hãy suy xét vài nhận xét đơn sơ liên quan đến đề tài này.

Những cực đối nghịch hút nhau. Khi đối diện với một thực tế hay một vấn đề, chúng ta thường có hai cách nhìn: Một theo nữ tính và một theo nam tính. Sự khác biệt này cần được làm rõ chứ không được bóp nghẹt. Làm thế nào để vai trò của cha và mẹ không trở thành vấn đề đối chọi nhau một cách dễ dàng, bởi có thể một trong hai người sẽ dễ buông xuôi vì cảm thấy mình bị loại trừ. Với sự khác biệt này mà người cha và người mẹ bổ xung lẫn cho nhau, hòa hợp với nhau và tạo nên một lối nhận biết vấn đề theo tính cách “gia đình”.

Đổi mới bản thân và thay đổi. Làm thế nào để đời sống vợ chồng đừng rơi vào thói quen hay đơn thuần chỉ giữ ở mức tối thiểu. Tăng trưởng có nghĩa là làm mới lại, là phá vỡ sự nhàm chán của cái thường ngày, là lắng nghe nhau và nhận ra những gì chuyển biến đang diễn ra trong từng giây phút. Đừng nói về người khác theo những gì họ đã là hoặc những gì đã định kiến về họ trong ký ức, nhưng hãy nói với họ như một người đang hiện diện lúc này, đang ở đây với bạn.

Người nam cần biết rằng người nữ phải gánh vác trọng trách nội trợ trong gia đình, do đó họ hiếm có thời gian dành riêng cho bản thân mình. Một bà mẹ viết: “Thật là tuyệt vời nếu có lúc nào đó người ta nhận ra rằng tôi vẫn là một con người, có những lúc chán nản, sa sút tinh thần, yếu đuối. Nói chung, tôi cũng chỉ là một con người như họ, sẵn sàng để yêu thương và phục vụ, rằng người ta có thể sử dụng tôi và coi tôi như một người bạn đồng hành của mọi người, chứ đừng coi tôi như một con bò sữa”.

Những tầng mây xám xịt của thói quen, của nhàm chán trong đời sống gia đình sẽ bị phá vỡ bởi những cánh thiệp chúc mừng, quà tặng, trong những tổ chức ngày lễ hoặc những dịp kỷ niệm.

Phá đổ bức tường bao bọc tâm hồn. Chuyện xưa kể lại rằng có hai ẩn sĩ sống trong hang động gần nhau trong sa mạc. Một trong hai vị tin rằng giờ đây mình đã gần đạt tới sự hoàn hảo. Ông không chịu được những thiếu sót dù là nhỏ nhặt và bình thường nhất của vị ẩn sĩ kia. Để cho vị ấy nhận ra ông ta còn xa sự thánh thiện biết bao, vị ẩn sĩ quyết định sẽ đặt một viên đá vào cửa hang mỗi khi vị kia phạm lỗi. Sau vài tháng, trước cửa hang hình thành một bức tường đá xám xịt che kín lối vào hang. Cũng thế, có những lúc chúng ta xây một bức tường thành bao quanh tâm hồn với những hòn đá nhỏ của sự oán thù, cố chấp, im lặng, hờn dỗi, những vấn đề chưa được giải quyết đang diễn ra trong đời sống thường ngày.

Việc bộc lộ những cảm xúc và tình cảm ra bên ngoài, việc nhạy bén trước nỗi đau của người khác, và việc biết chấp nhận những khiếm khuyết không thể tránh được của tha nhân, thật là những điều quan trọng. Người nữ cần sự biểu lộ những cảm xúc riêng, muốn được lắng nghe và bảo vệ. Còn người nam lại muốn được quý chuộng, được đánh giá cao về bản thân.

Hãy giữ cho cánh cửa tâm hồn luôn mở rộng. Cánh cửa của sự hiểu biết và hòa hợp bị đóng sập lại khi giữa hai người mất đi sự tin tưởng, tôn trọng, quý mến, suy xét, chấp nhận và thấu hiểu nhau. Mọi sự xảy ra khi bắt đầu có sự khiêu khích, xúc phạm, làm tổn thương nhau từ những chuyện vặt vãnh. Lúc ấy, tất cả những gì xem ra “dễ thương” đều trở thành dễ ghét.

Tình hình trở nên nặng nề hơn khi người chồng hay người vợ luôn luôn ở thế phòng thủ và luôn cảm thấy bị tấn công, trong khi mà người kia chỉ đơn thuần thông tri về điều gì đó.

Tình yêu, sự lãng mạn và lòng trung thành. Một gia đình chỉ trở nên tốt khi gia đình là trung tâmnó là hạt nhân tình cảm ổn định. Gia đình cần được hít thở với một tình yêu bền vững và cụ thể, bởi tình yêu này bơm vào cuộc sống niềm hy vọng mà đứa trẻ cần để sống còn trong thế giới này.

Người chồng và vợ cần phải định kỳ làm mới lại tình yêu thuở ban đầu của họ. Họ cần dành những thời khắc nhất định để làm tươi mới lại tình yêu bằng những cử chỉ lãng mạn như trao tặng hoa, quà, đến những biểu lộ cảm xúc trong đôi mắt khi chuyện trò thân mật.

Kẻ thù đích thực và nham hiểm của gia đình là sự lơ đãng. Thông thường, những vấn đề lớn không làm cho gia đình bị đổ vỡ hay chia lìa, nhưng chính là những lớp gỉ sét của tính lơ đãng. Trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm, người ta dám liều mất mạng sống mình để cứu sống anh ta/ hay cô ta, nhưng lại không dám cúi xuống nhặt chiếc vớ dơ đang nằm vương vãi dưới đất lên để làm vui lòng người kia.

Trong một xã hội “tạm bợ, tương đối, hên xui” ngày nay, để sống và tái xác nhận sự cam kết trung thành là điều cần thiết cho gia đình biết bao, tựa như nước cần cho hoa tươi thắm vậy.

Tìm được thế quân bình đúng đắn giữa phụ thuộc và tự lập. Gia đình không thể tổ chức như một loại doanh trại quân đội với vị chỉ huy và thuộc hạ, cũng không là một công ty với ông chủ và nhân viên cấp dưới. Trong gia đình cần đi tới một sự đồng tâm nhất trí thực sự, ngang qua việc thông tri tất cả, nhưng trên hết là sự lắng nghe vô giới hạn.

Yêu nhau và kết hôn với nhau có thể đẹp như một câu chuyện cổ tích… Nhưng chung sống với nhau thì không thế. Nó đòi người ta phải học hỏi, phải lao nhọc và hy sinh. Việc chung sống với nhau giống như học khiêu vũ, khi người này bước lên một bước thì người kia phải bước lùi một bước. Mỗi người lần lược các bước chân của mình theo nhịp điệu. Người ta chỉ có thể làm được điều đó nếu họ ôm chặt lấy nhau.

Cùng sống một sứ mệnh. Có lẽ bí mật lớn của đời sống đôi lứa nằm ở đây: Đó là hôn nhân là một giao ước nhằm đạt đến một mục đích cao cả hơn. Giữa hai vợ chồng không phân chia đẳng cấp, họ cùng nhau lấy quyết định. Tuy mỗi người trong họ có bổn phận và trách nhiệm khác nhau nhưng điều cần là cả hai cùng nhìn về một đích chung, vượt quá chân trời hạn hẹp của việc sống chung dưới một mái nhà, để giúp nhau cùng “Thăng tiến”.

Chúng ta hãy bày tỏ cử chỉ tình cảm thân mật và chân thành cho nhau.

Trích CHA MẸ & PHƯƠNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
CỦA DON BOSCO
Văn Chính & Ngọc Yến chuyển ngữ

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG