“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

LUÔN HỘ TRỰC TRẺ EM

Ba thiếu niên tách khỏi các bạn, chúng tìm một chổ vắng và ngồi trên một cây gỗ lớn, xa cặp mắt của Don Bosco. Chúng bắt đầu nói những chuyện thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, Don Bosco đã đoán được điều chúng toan tính; bất chợt, Ngài lại gần và trìu mến bảo chúng: “Sao các con không đi chơi với các bạn? Tách rời ra, phân tán chúng con ra, chúng con là ba đứa trẻ tốt; kết bè lại, chúng con là ba đứa xấu”. Ba thiếu niên ấy đỏ mặt; chúng mỉm cười dưới cái nhìn âu yếm của Don Bosco và chạy đi chơi.

Đây là bài học giáo dục của Don Bosco: Trẻ em thích tìm chỗ khuất để làm điều không tốt, vì thế cần phải hộ trực các em để nâng đỡ và sửa lỗi cách thích hợp. Cha mẹ sẽ tránh được nhiều vấn đề, nếu họ biết nhận định rằng đứa con của họ chỉ là một đứa trẻ, nhất là ở tuổi thiếu niên; và đứa trẻ thì rất ưa lẩn tránh.

* Một nhà tâm lý danh tiếng đã viết: “Nhân cách của một trẻ em là kết quả của một sự tăng trưởng tiệm tiến. Chúng ngồi trước khi đứng, bập bẹ trước khi nói, nói không trước khi nói có, ích kỷ trước khi vị tha, lệ thuộc vào người khác trước khi biết lệ thuộc chính mình. Tất cả mọi khả năng của chúng đều lệ thuộc vào luật tăng trưởng, nhất là ở tuổi thiếu niên”.

Ngày 31 tháng 1 năm 1862, sau cơm trưa, Don Bosco đi dạo trong hành lang với một vài học sinh. Bỗng Ngài dừng lại, ra dấu gọi thầy Cagliêrô (sau này trở thành Hồng y) đến bên Ngài, rồi tách ra khỏi đám học sinh, Ngài nói nhỏ với thầy:

– Cha linh cảm thấy có ba đứa trẻ đang chơi bài: không biết chúng chơi ở đâu. Con hãy đi tìm ba em đó (và Ngài nêu rõ tên chúng); con sẽ thấy chúng đang chơi bài.

Cagliêrô đi lục soát khắp nơi nhưng không tìm được. Ba học sinh đó chui rúc ở hang hốc nào? Sau cùng thầy gặp được một em và hỏi:

– Em đi đâu nãy giờ? Thầy tìm em mãi!
– Dạ, em ở kia!
– Em làm gì ở đó?
– Thưa, em chơi.
– Với ai?
– Dạ, em chơi với hai đứa bạn.
– Các em chơi bài ăn tiền phải không?

Mặt đứa bé đỏ như gấc; em bối rối, nhưng rồi cũng thú nhận là đã đánh bài.

Thầy Cagliêrô đến nơi đã chỉ, nhưng không tìm thấy hai đứa kia. Chúng thấy thầy lại gần nên đã trốn mất. Sau đó, thầy gặp được chúng, chúng thú nhận là đã chơi bài ăn tiền. Khi nghe Caliêrô báo cáo lại, Don Bosco cho biết là đêm hôm trước, trong giấc mơ, Ngài đã thấy ba học sinh ấy chơi bài.


Đây là một bài giáo dục khác của Don Bosco: Trẻ em phải luôn được nhà giáo dục theo sát và hướng dẫn: tức là hộ trực sống với trẻ em, ở bên cạnh chúng, hướng dẫn, dạy dỗ, nâng đỡ chúng…

* Trước kia, các nhà sư phạm cho rằng con cái là tấm bảng trống, cha mẹ có thể vẽ lên đó điều gì tùy ý. Điều ấy thật sai lầm! Ngày nay người ta bắt đầu hiểu rằng trẻ em tựa như một nhạc cụ được lên dây từ hồi còn nhỏ, và bấy giờ chúng hoặc cha mẹ chúng sẽ tìm cách chơi bản nhạc được sáng tác với nhạc cụ đó.

* Ngay lúc từ sơ sinh, trẻ em không chỉ khác nhau về trọng lượng, vóc dáng, màu da, màu tóc, nhưng còn khác nhau về các phản ứng với môi trường và thế giới chung quanh nữa. Một số thì sinh động, số khác thì rù rờ; một số thì thất vọng, số khác thì bất chấp, và cha mẹ cho dù có nhiều thiện chí đến mấy, cũng không thể làm gì cho chúng được. Nhưng thực ra, họ có thể làm được một điều rất quan trọng và kỳ diệu: đó là theo dõi chúng, tìm cách hiểu chúng, yêu mến chúng và cầu nguyện rồi trao phó chúng cho Thiên Chúa. Don Bosco gọi cách thức này là “hộ trực”[1].

Một nhà giáo dục rất thông thái đã nói: “Đôi khi một đứa con chỉ có thể nên tốt nếu sống với các cha mẹ khác”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

_________
[1] Hộ trực: sống với trẻ, ở bên cạnh chúng, hướng dẫn, dạy dỗ, nâng đỡ chúng.

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG