“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Để sản sinh, chúng ta phải là nhân chứng khả tín của sự sống được trao ban. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Giới trẻ cần chứng nhân chứ không cần thầy dạy?” Điều quan trọng là kể cho người trẻ những câu chuyện cuộc đời của những chứng nhân trẻ, những người biết cách chạm vào trái tim và tâm trí.
“Để anh em có thể kể lại và khắc ghi trong kí ức” (Xh 10,2). Cuộc sống trở thành câu chuyện. Đây là chủ đề của Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 54, năm 2020. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, di sản của ký ức đặc biệt quý giá, không thể có tương lai mà không bén rễ sâu trong lịch sử đã được sống. Có những câu chuyện về cuộc đời thực của những người nổi tiếng hay không được biết đến nhưng cuộc sống của họ đã trở nên tươi sáng bởi những chọn lựa ngược dòng. Những người dám chống lại chế độ độc tài, những thế lực chính trị áp bức, dòng chảy văn hóa thống trị. Họ đã chia sẻ lòng can đảm để sản sinh tình yêu, niềm tin mà họ đã làm chứng bằng cuộc sống của họ.
Ngọt ngào và dũng cảm
Sophie Scholl sinh ngày 9 tháng 5 năm 1921 tại Forchtenberg ở Đức, cha cô là thị trưởng đã qua đời tại Monaco di Baviera vào ngày 22 tháng 2 năm 1943. Là người con thứ tư trong 6 người con, cô sống một tuổi thơ yên bình, tiếp xúc với thiên nhiên; việc chiêm ngắm thiên nhiên sẽ theo cô trong suốt cuộc đời đấu tranh cho các giá trị phổ quát. Gia đình hiệp nhất, với niềm tin đơn thành theo hệ phái Tin lành, có tri thức, hoạt động dân sự, bảo vệ thế giới của cảm xúc, của tự do tư tưởng và chia sẻ các giá trị đạo đức. Sophie và anh trai Hans từ khi còn nhỏ đã học cách hành động theo ý thức và trí thông minh. Lịch sử của họ là một câu chuyện về sự phục hồi của một khả năng nhận thức, của sự biến đổi và lòng hy sinh vì một lý do chính đáng. Người ta có thể sai nhưng người ta luôn có thể sửa chữa những gãy đổ. Bạn có thể làm điều đúng, luôn luôn có một sự lựa chọn. Ngay cả khi nó dẫn đến cái chết.
Sophie là người có suy nghĩ, thích khiêu vũ và đọc sách tốt. Cô có tính cách vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ. Sophie bị thu hút bởi thiên nhiên, nghệ thuật, văn hóa, và cả thần học, là môn học làm cho cô cảm thấy được hấp dẫn. Cơn khát khao sự thật khiến cô phải đương đầu với những người đối thoại vĩ đại trong quá khứ về các vấn đề hiện sinh: Platon, Socrate, Agustino, Pascal, Dostoevskij, chủ yếu là những người theo chủ nghĩa cá nhân tại Pháp và Đức. Việc nhận ra sự ác không cản ngăn cô suy ngẫm về cái đẹp: “Mặc cho hận thù, mọi thứ vẫn rất tốt đẹp”. Cô viết trong Nhật ký: “Tất cả những điều này tồn tại ngay cả khi con người giữa mọi thụ tạo vẫn cư xử vô nhân đạo … Tất cả là một ân huệ lớn lao”. Một ngày nọ, cô mô tả với một người bạn những ấn tượng mà cô nhận được khi nghe bản “Trout Quintet” của F. Schubert: “Đây không phải là mầu nhiệm sao, không phải mọi thứ đều rất đẹp ư? Mặc cho hận thù, nó vẫn tiếp tục như vậy. Trong sự thích thú với cái đẹp, một yếu tố không xác định đã được đưa vào, một điềm báo của Tạo Hóa rằng mọi tạo vật vô tội đều chúc tụng vẻ đẹp của Ngài. Vì lý do này, chỉ có con người mới thực sự tàn nhẫn, bởi vì chỉ có họ mới có thể tự tách mình ra khỏi lời ca ngợi này. Và giờ đây, người ta có thể nghĩ rằng con người làm như vậy và phủ lên bài hát này bằng âm thanh của đại bác, những lời nguyền rủa và báng bổ. Nhưng những bài hát ca ngợi vẫn chiếm ưu thế … và tôi muốn
làm mọi thứ có thể để liên kết bản thân với chiến thắng của những bài hát đó».
Suy nghĩ và tự do
Giống như những người trẻ khác, Hans và Sophie đấu tranh cho tự do văn hóa. Anh em nhà Scholl tin chắc rằng đấu tranh cho các giá trị Kitô giáo và nhân quyền thì quan trọng hơn cả mạng sống của họ. Họ không sẵn sàng thỏa hiệp, mặc dù biết rằng họ có nguy cơ bị gạt ra bên lề và bị bắt bớ. «Tôi cảm thấy muốn khóc khi những người đàn ông độc ác lại có vị thế chính trị lớn mạnh như thế, họ lừa dối người khác chỉ để trục lợi. Tôi không mong muốn điều gì khác ngoài việc được sống trên một hòn đảo như Robinson Crusoe. Đôi lúc, tôi bị cám dỗ coi nhân loại này như một căn bệnh ngoài da của trái đất … Tôi thấy những người đàn ông trước mặt quá to lớn đến nỗi họ còn tệ hơn cả những con thú. Tuy nhiên rốt cục chỉ là vấn đề giữ vững, kháng cự giữa một đám đông không có xu hướng nào khác hơn là lợi ích của chính họ. Có lẽ chỉ có một người đã cố gắng đi hết con đường, nhắm thẳng đến Thiên Chúa».
Bông hồng Trắng
Tại Monaco, Hans đã thành lập nhóm Bông hồng Trắng. Lấy cảm hứng từ các nguyên tắc Kitô giáo về tình huynh đệ và sự công bằng, họ tin vào cuộc sống. Họ được sinh động bởi sự khích lệ của một đức tin mạnh hơn hận thù, đàn áp và chết chóc. Một đức tin thúc đẩy họ chịu trách nhiệm về mọi lời nói và việc làm, để đánh thức lương tâm của dân tộc mà họ thuộc về. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Vị linh mục tuyên úy nhà tù, người mà trong những giờ phút cuối cùng đã giúp đỡ họ với lòng thương cảm sâu sắc, đã nói lên điều đó khi họ đã chết.
Sau cùng, Sophie cũng đăng ký vào trường đại học, cô gia nhập nhóm bạn. Các thanh thiếu niên của Bông Hồng Trắng triển khai một chiến lược đấu tranh cho tự do tư tưởng, với vũ khí là những ngôn từ. Họ viết những tờ rơi và phân phát chúng. Họ mua một cái máy quay rô-nê-o, máy đánh chữ, giấy, phong bì, tem và bắt đầu gửi đi những bản tin, với hàng trăm bản sao, được gửi đến các địa chỉ được chọn ngẫu nhiên từ danh bạ điện thoại. Những người khác để các tờ rơi này ở những nơi công cộng: trạm xe buýt, rạp chiếu phim, xe điện (vào ban đêm), cabin điện thoại, tại Stuttgart, Cologne, Vienna, Freiburg, Hamburg và Berlin.
Sophie, Hans và người bạn Probst bị buộc tội và xét xử. Trong cuộc thẩm vấn, Sophie đã nhận toàn bộ trách nhiệm. “Luật lệ thì thay đổi, nhưng lương tâm vẫn còn. Tôi tin rằng tôi đã làm điều tốt nhất cho dân tộc của tôi và cho tất cả mọi người. Tôi không hối tiếc bất cứ điều gì và tôi chấp nhận cái chết!”.
Vào cuối phiên tòa, Sophie tiếp tục tin rằng mình đang sinh hoa trái dù phải chết: “Mặt trời vẫn chiếu sáng”, “Gió có những giấc mơ của chúng ta”. Đêm trước khi hành quyết, cô có một giấc mơ: cô đang mang một đứa bé đi Rửa tội, khi cảm thấy mình bị chìm, nhưng đứa bé đã được cứu trong khi cô rơi xuống vực thẳm. “Đứa bé tượng trưng cho lý tưởng của chúng tôi … chúng sẽ chiến thắng sau khi chúng tôi chết.”
“Chỉ có con người nghĩ mình thực sự tự do”, đó là giáo huấn của câu chuyện cuộc sống về lòng can đảm dám thay đổi, sự can đảm của đức tin, một lời mời gọi bước theo những điều tốt đẹp ngay bên trong chúng ta, bằng cách diễn tả ra bên ngoài ngay cả khi phải trải qua một hành trình không dễ dàng, không để người khác quyết định, để có thể can đảm vượt qua những gì được cổ võ là đúng, khi trái tim không cảm thấy điều đó.
Trái tim mềm mại, tinh thần mạnh mẽ và tự do tư tưởng là những phẩm chất làm cho một người thực sự tự do. Tuy nhiên, chúng thường bị che khuất và người ta thường bất lực chứng kiến những cuộc chiến không cần thiết, những đau khổ vô lý … Do đó, việc làm mới lại mục đích những lời của Sophie, giúp soi sáng tâm trí, và hôm nay, chiếu sáng những nẻo đường để dạy cho biết giá trị của nền văn hóa và của những điều Thiện.
Để không bị lạc hướng, bạn cần phải hít thở sự thật của những câu chuyện đã được biên tập lại, những câu chuyện giúp tìm ra gốc rễ và sức mạnh để cùng nhau tiến lên, bởi vì ngay cả khi bất công và đau khổ được kể lại, bạn vẫn có thể “học cách rời khỏi không gian để chuộc lỗi, bằng cách nhận ra giữa chúng sự năng động của sự thiện và dành chỗ cho điều đó. Thật an ủi khi biết rằng, sự khôn ngoan của cuộc sống dạy chúng ta, một câu chuyện ‘tốt’ có thể vượt qua ranh giới của không gian và thời gian. Hàng thế kỷ sau, nó vẫn còn hợp thời, bởi vì nó nuôi dưỡng sự sống” (trích ĐTC Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 54 năm 2020).
Sophie Scholl
Giulia Paola Di Nicola – Attilio Danese
danesedinicola@prospettivapersona.it
www.cgfmanet.org (DMA, số 3-2020)