“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

LỢI NHUẬN HAY TỰ DO?

Bị lôi kéo bởi nhu cầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia đang áp đặt việc cắt giảm mạnh các nghiên cứu nhân văn và nghệ thuật, nhằm ủng hộ cho các kỹ năng về kỹ thuật và kiến thức khoa học thực hành. Có một xu hướng bỏ qua việc chăm sóc các kĩ năng thiết yếu khi đào tạo những công dân có trách nhiệm. Martha C. Nussbaum – triết gia người Mỹ nói: nếu xu hướng này tiếp tục – nhiều xã hội sẽ bị tước đi các kháng thể cần thiết để phòng chống sự thoái hóa độc tài và càng gia tăng bất bình đẳng.


Những thay đổi lớn đang được thực hiện trong giảng dạy của một xã hội dân chủ, rất ít khi được phản ánh. Mục đích đạt tới lợi nhuận để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19 gây ra, các quốc gia và hệ thống trường học đặt vào hàng thứ yếu những kiến thức thiết yếu nhằm duy trì sự tồn tại của nền dân chủ. Vào thời điểm mà các quốc gia phải thực hiện việc cắt giảm để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thì các ngành nhân văn và nghệ thuật được các chính trị gia xem là không thiết yếu, chúng đang biến mất khỏi chương trình giảng dạy, khỏi tâm trí và trái tim của các bậc cha mẹ và con cái.

Động lực vì lợi nhuận khiến tầng lớp chính trị nghĩ rằng khoa học và công nghệ có tầm quan trọng chính yếu đối với tương lai của đất nước họ. Chắc chắn vấn đề không phải là từ bỏ việc nâng cao thành tựu của khoa học công nghệ trong các lĩnh vực này, nhưng lo ngại rằng các tài năng có tầm quan trọng không kém có nguy cơ bị mất đi trong vòng xoáy của cạnh tranh, đó là những khả năng quan trọng đối với sức khỏe của bất kỳ nền dân chủ nào và đối với việc tạo ra một nền văn hóa thế giới và một mẫu hình khỏe mạnh của người công dân toàn cầu có thể giải quyết cách thành thạo những vấn đề cấp bách nhất trên hành tinh. Đây là những khả năng gắn liền với các ngành nhân văn và nghệ thuật: khả năng suy nghĩ chín chắn, khả năng ra khỏi biên cương các mối quan hệ cục bộ để nhìn nhận các vấn đề với tư cách là người công dân của thế giới, để nhìn với ánh nhìn thông cảm về hoàn cảnh của người khác.

Tư duy phản biện

Những người ủng hộ cho việc phát triển dựa trên sự gia tăng GDP (Gross domestic product – tổng sản phẩm quốc nội) tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại sức khỏe, giáo dục, giảm đi sự bất bình đẳng xã hội. Luận điểm mà trong nhiều trường hợp không chứng minh được là đúng. Tạo ra sự gia tăng kinh tế không có nghĩa là làm ra nền dân chủ, hay có một dân số lành mạnh, có việc làm, được giáo dục, cũng không phải là tạo ra những cơ hội để có được một cuộc sống tốt đẹp trong tầm tay của mọi tầng lớp xã hội. Sự phát triển dựa trên GDP mang quan điểm giáo dục vì mục đích lợi nhuận.

Thuốc giải độc cho mô hình này là tư duy phản biện. Quyền tự do suy tư của sinh viên sẽ gặp nguy hiểm khi điều mà người ta theo đuổi là một nhóm công nhân ngoan ngoãn và được đào tạo chuyên nghiệp, có thể thực hiện các dự án theo nhóm, tập trung vào đầu tư nước ngoài và phát triển công nghệ. Người ta đã xác minh rằng trong thế giới giáo dục hướng tới tăng trưởng kinh tế họ cắt giảm các chương trình về nghệ thuật và các môn học về nhân văn, thay vào đó là các môn kỹ thuật.

Điều quan trọng là cần ghi nhớ rằng một trong những đóng góp của nghệ thuật đối với cuộc sống của con người là duy trì nguồn cảm xúc và trí tưởng tượng, nghĩa là khả năng hiểu biết chính mình và người khác. Nghệ thuật đòi hỏi trí tưởng tượng vượt ra khỏi ranh giới của cái hiện có, để nhìn thực tế theo một cách thức mới.

Thay thế sự phát triển dựa trên GDP bằng sự phát triển con người. Trong mô hình này, điều thực sự quan trọng đó là những cơ hội hoặc khả năng mà mỗi người có trong các lĩnh vực cơ bản như cuộc sống, sức khỏe, sự toàn vẹn thể chất, giáo dục, sự tự do và tham gia chính trị. Mô hình phát triển này thừa nhận mọi cá nhân đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm, cần được tôn trọng và bảo vệ bởi luật pháp và thể chế. Nếu một quốc gia muốn thúc đẩy một nền dân chủ mang tính nhân văn và nhạy cảm đối với tha nhân thì quốc gia đó được mời gọi đáp ứng cho mỗi cá nhân những cơ hội thích hợp để sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc và trau dồi các khả năng cần thiết ngang qua giáo dục.

Các kỹ năng để trở thành một công dân toàn cầu

Đâu là những kỹ năng có thể được trau dồi nhờ một nền giáo dục tốt, để có đủ tư cách trở thành một công dân toàn cầu. Tư duy phản biện là điều cần thiết cho một công dân tốt, đặc biệt là trong xã hội phải đối mặt với sự hiện diện của những con người khác nhau về sắc tộc, tầng lớp xã hội và tôn giáo.

Sẽ có cơ hội cho việc đối thoại giữa các thế giới văn hóa khác nhau nếu như các công dân trẻ có thể tiếp xúc với quan điểm của những người khác và cùng nhau đưa ra quyết định chung. Điều này có thể xảy ra với điều kiện họ cần học biết tự vấn bản thân, học suy nghĩ lại cách nghiêm túc về những gì họ nói và học để kiểm tra tính logic của chính mình và tưởng tượng ra các giải pháp thay thế khả thi.

Các sinh viên được dạy để tư duy phản biện, cùng lúc họ học được thái độ mới đối với những người mà họ không đồng ý, bắt đầu xem những người này như những người đối thoại và là những người có lý do để ủng hộ cho một quan điểm khác. Thông qua việc tái tạo khi tranh luận với những người khác, ta có thể hiểu rõ hơn nguồn gốc phát sinh sự khác biệt. Rõ ràng, người này đã góp phần nhân bản hóa người kia, giúp nhau nhận ra tính hợp lý, cho phép chia sẻ những suy nghĩ. Đảm nhận trách nhiệm về những lí luận của chính bạn và trao đổi ý kiến với người khác trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau về tính hợp lý của mỗi bên là điều cần thiết khi đối diện với những khác biệt, trong bối cảnh đất nước và thế giới ngày càng gia tăng sự phân cực bởi những xung đột sắc tộc và tôn giáo.

Cùng với tư duy phản biện, cần có khả năng nhìn nhận bản thân như thành viên của một quốc gia không đồng nhất và là thành viên của thế giới, kết hợp với sự hiểu biết về lịch sử và đặc điểm của các nhóm khác nhau cùng sống trong đó. Vì mục đích này, ngay từ khi còn nhỏ, học sinh cần phải phát triển một tương quan khác về thế giới, để các em dần dần hiểu được rằng một mặt, sự khác biệt khiến đối thoại giữa các nhóm và quốc gia trở nên khó khăn và mặt khác chúng là nhu cầu, là vấn đề và sự quan tâm chung.

Sự hiểu biết này về thế giới sẽ thúc đẩy sự phát triển của con người chỉ khi nó được thấm nhuần tư duy phản biện về sự bất bình đẳng của quyền lực và cơ hội, tư tưởng này cũng sẽ định hướng cho cả việc giảng dạy về lịch sử. Như thế, các truyền thống và các tôn giáo sẽ được giảng dạy bằng một sự lưu tâm đặc biệt, dẫn đến việc thúc đẩy sự tôn trọng đối với mỗi con người, xem tất cả các công dân trên thế giới đều bình đẳng và xứng đáng với các điều kiện kinh tế và xã hội. Tất cả các công dân trẻ trên thế giới được kêu gọi cống hiến để đào sâu một truyền thống xa lạ với họ nhằm suy tư và học hiểu rằng sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc và giới tính có liên quan đến các cơ hội sống khác nhau. Bên cạnh đó, mọi người đều được mời gọi để biết thành thạo về một ngoại ngữ: nhận thức về thực tế rằng có nhiều cách thức nhìn về thế giới và rằng mỗi bản dịch là một cách diễn giải, có thể đưa ra một bài học quan trọng về sự khiêm tốn trong văn hóa.

Cảm nhận với người khác

Trí tưởng tượng tường thuật là khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, để trở thành một người biết đọc cách thông minh câu chuyện của họ, hiểu được cảm xúc và mong muốn của họ. Trau dồi sự hiểu biết là một yếu tố then chốt, bởi vì trí tưởng tượng đạo đức, luôn bị đe dọa bởi nỗi sợ hãi và lòng ái kỷ, sẽ trở nên ngây ngô nếu không thường xuyên trau dồi, vun trồng việc phát triển sự hiểu biết và quan tâm đến người khác. Học cách để nhìn con người như một con người chứ không phải là một đồ vật, không phải là một sự tiếp thu tự động: cần phải thúc đẩy một nền giáo dục vun trồng khả năng đồng cảm và chấp nhận với ý thức rằng không bao giờ có thể nắm bắt được toàn bộ thế giới nội tâm của người khác. Đây là khả năng hỗ trợ tư duy phản biện và do đó, được thúc đẩy bởi các ngành nhân văn và nghệ thuật. Chính những nghiên cứu này cho phép các nhà giáo dục vun trồng ánh nhìn nội tâm của sinh viên. Giáo dục nghệ thuật được gắn liền với việc giáo dục người công dân của thế giới, vì các tác phẩm nghệ thuật thường là một phương tiện vô giá để bắt đầu hiểu về những thành tựu và đau khổ của một nền văn hóa khác so với nền văn hóa của họ.

Cuộc đụng độ giữa các nền văn minh ngay từ đầu đã là cuộc đụng độ trong tâm hồn con người giữa lòng tham, sự ích kỷ, tình yêu và sự tôn trọng. Một nền giáo dục tốt có nhiệm vụ chống lại các thế lực đem lại bạo lực và phi nhân bản, thúc đẩy nền văn hóa của sự tôn trọng và bình đẳng.

Cần phải nhớ rằng khoa học nhân văn và nghệ thuật làm cho thế giới đáng sống, giáo dục con người để biết nhìn những người khác cách bình đẳng, giáo dục các quốc gia vượt ra khỏi nỗi sợ hãi và nghi ngờ, để phát triển một cuộc đối thoại được sinh động bởi lý trí và sự cảm thông.

Mara Borsi, FMA
mara@fmails.it
DMA số 01/2021



Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG