“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

LỜI KHUYÊN VỀ VIỆC ĐỌC KINH THÁNH CHO TRẺ TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Trẻ em rất thích nghe những câu chuyện và một số câu chuyện hay trong Thánh Kinh.

Như chúng ta đều biết, Kinh Thánh là một thư viện thực sự, gồm 73 cuốn; trong số đó có các thể loại như những câu chuyện lịch sử, các bài thơ, lời cầu nguyện, một số lá thư, v.v… Thật khó cho chúng ta để hướng dẫn trẻ cách hiểu Kinh Thánh, bởi vì một số cuốn sách trong bộ Kinh Thánh khá khó hiểu. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên bắt đầu bằng những câu chuyện với những nhân vật Kinh Thánh, có cốt chuyện đơn giản (với hình ảnh minh họa), dễ thu hút sự chú ý của trẻ, như câu chuyện về Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, v.v… Đừng cố diễn giải những câu chuyện hoặc giải thích dài dòng: đơn giản đọc truyện để các em làm quen với các câu chuyện kể về Dân Thiên Chúa.

📕 CHỈ ĐỌC TỪNG TẬP TRUYỆN MỘT

Tốt nhất là để trẻ đói hơn là để chúng quá no. Chúng ta không cần phải tuân theo một trình tự thời gian nghiêm ngặt; Kinh Thánh không đơn thuần là một cuốn sách lịch sử đơn giản. Nếu trẻ muốn nghe một phần mà chúng đã quen thuộc thay vì tiếp tục, chúng ta nên tôn trọng sự lựa chọn đó của trẻ: đây là cách để trẻ có thể hiểu Kinh Thánh theo tốc độ và khả năng nhận thức của chúng, có thể đọc đi đọc lại những đoạn tương tự.

📒 ĐỪNG BỎ QUÊN CÁC SÁCH TIN MỪNG

Chọn một vài đoạn từ cuộc đời của Chúa Giêsu để cho trẻ thấy rằng Chúa Giêsu đã là một con người giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Cũng nên đọc các câu chuyện ngụ ngôn cho trẻ. Đương nhiên sẽ có những khó khăn vì ý tưởng chính thoạt tiên không rõ ràng; tuy nhiên, những câu chuyện như Con chiên bị lạc và được tìm thấy, Đứa con hoang đàng và Người Mục Tử nhân lành, sẽ giúp trẻ hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.

Những phép lạ không phải lúc nào cũng dễ kể, vì chúng ta có nguy cơ khiến trẻ bị mê hoặc, bởi vì trẻ không thể hiểu hết về ý nghĩa của phép lại. Phép lạ là dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Nói cách khác, vấn đề quan trọng là tình yêu của Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, chứ không phải sự trình diễn về việc chữa bệnh cách kỳ diệu thế này hay thế nọ. Thiên Chúa không phải là một nhà ảo thuật. Thiên Chúa còn tuyệt vời hơn nhiều: Thiên Chúa là một người Cha, với mọi quyền năng trong tình yêu. Chúng ta nên tôn trọng văn bản gốc nhiều nhất bao nhiêu có thể, ngay cả khi nó có vẻ khó. Chúng ta cũng nên cố gắng thúc đẩy “việc lắng nghe từ bên trong”, điều này được thực hiện tốt nhất bằng cách tránh bất kỳ kiểu chú giải nào của riêng chúng ta. Hãy nhớ rằng, “Thiên Chúa mặc khải chính mình cho trẻ em trước cả các nhà hiền triết và những người uyên bác”: khi lắng nghe Lời Chúa, trẻ em thường khám phá ra những kho báu mà trước đây chúng ta chưa nhận thấy.

📗 HÃY ĐỌC VÀ SUY NGẪM KINH THÁNH TRƯỚC KHI ĐỌC CHO TRẺ

Nếu có thể, trước khi đọc một đoạn Kinh Thánh cho trẻ nghe, chúng ta nên bắt đầu bằng cách tự đọc đoạn Kinh Thánh đó trong văn bản gốc. Và sau đó suy gẫm để “thấu hiểu” đoạn văn đó trong lời cầu nguyện. Bởi vì Kinh Thánh là những lời sống động. Càng sống lời Chúa, chúng ta càng biết cách đọc Kinh Thánh một cách “sống động”, tức là như Lời Thiên Chúa hằng sống giữa chúng ta.

Sẽ không là vấn đề nếu chúng ta không hiểu mọi thứ; chúng ta không biết bất cứ điều gì hoặc hầu như không biết gì về bối cảnh mà một cuốn sách nhất định đã được viết hoặc cách giải thích học thuật mới nhất. Hai điểm quan trọng khi chúng ta đọc hoặc kể những câu chuyện trong Kinh Thánh cho con cái mình là, đối với chúng ta, đó là lời sống động; và chúng ta tiếp nhận nó trong “Truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội”. Nói cách khác, chúng ta nên cố gắng hiểu và giải thích nó, không phải theo cảm hứng của riêng chúng ta, nhưng theo những gì Giáo hội nói với chúng ta.

Chúng ta không đọc Kinh Thánh cho trẻ nghe chỉ đơn thuần là để giúp chúng “học hỏi” – thay vào đó, chúng ta muốn trẻ khám phá ra tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng. Mục tiêu không phải là khiến trẻ khám phá bản văn Kinh Thánh, mà là để chúng khám phá ra Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể đọc Kinh Thánh ngoài Giáo hội, và chúng ta không thể đọc Kinh Thánh một cách đúng đắn nếu không “sống lời Chúa” qua đời sống cầu nguyện, các bí tích, và tình yêu thực sự của Đức Kitô và anh chị em của chúng ta.

Christine Ponsard
Gia Thi, SDB chuyển ngữ

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG