“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

Linh đạo Truyền thông của Thánh Phanxicô Salê: “Làm tất cả vì tình yêu”

1- Giới thiệu

Có 3 lý do để tôi lựa chọn và trình bày về linh đạo truyền thông của thánh Phanxicô Salê. Thứ nhất, thánh Phanxicô Salê được biết đến như là Đấng bảo trợ cho các nhà báo, và theo truyền thống kể từ sau năm 1986, ngày lễ thánh Phanxicô Salê hằng năm trở thành ngày được các Giáo hoàng chọn để công bố sứ điệp của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội. Thứ hai, năm 2022 là năm kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của vị thánh vùng Savoie. Đó là một cơ hội quý giá để chuyển dịch sức mạnh thiêng liêng của thánh Phanxicô Salê thành giáo dục và loan báo Tin mừng cho thời đại hôm nay. Thứ ba, đây là cơ hội để tôi đào sâu hơn linh đạo truyền thông của Đấng bảo trợ của Tu hội Salêdiêng, vốn được đâm rễ và luôn kín múc từ linh đạo của vị thánh này.

Có thể nói, thánh Phanxicô Salê được xem như một người khổng lồ trong lịch sử phát triển nền linh đạo Kitô giáo. Ngài thực sự là món quà lớn lao dành cho Giáo hội và cho những người loan báo Tin mừng trong những thế kỷ đã qua. Con đường thiêng liêng của ngài đã truyền cảm hứng cho rất nhiều vị thánh, các tín hữu và những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Một khối lượng đồ sộ về các tác phẩm linh đạo như là gia sản quý giá cho việc thăng tiến đời sống thiêng liêng và sứ mệnh loan báo Tin mừng. Xuyên suốt trong những tác phẩm này, chúng ta nhận ra một nền linh đạo của tình yêu. Nó được phổ quát như một qui luật cho những người muốn hiểu biết và đào sâu con đường thiêng liêng của ngài ngang qua cách giao tiếp của ngài với người khác: “Hãy làm mọi sự vì tình yêu; đừng làm gì vì ép buộc.”[1]

2- Bối cảnh tạo nên một Nhà truyền thông đam mê Loan báo Tin mừng

2.1. Thời thơ ấu

Thánh Phanxicô Salê được sinh ra dưới bầu trời vùng Savoie vốn bao quanh những thung lũng với những dòng suối ngang dọc chảy qua, phát xuất từ những đỉnh cao nhất của dãy núi Alps. Ngài sinh ngày 21 tháng 08 năm 1567, tại lâu đài Sales, gần Thorens, thuộc Công quốc Savoy. Vào thời gian đó, Công quốc bao gồm một phần hiện nay thuộc nước Pháp và một phần khác nằm ở nước Ý, với thủ đô là Tôrinô. Khoảng năm 1700, Công quốc trở thành một Vương quốc. Năm 1860, với Hiệp ước Tôrinô, một phần của Vương quốc Savoy được chuyển giao cho Pháp, đó là nơi Thánh Phanxicô Salê được sinh ra.

Gia đình Salê được hình thành từ năm 1365, khi ông nội của Phanxicô, Jordão de Sales, thuộc hạ của lãnh chúa phong kiến João de Compey, nam tước xứ Thorens, ra đời. Lãnh chúa của ông, mắc nợ các cuộc chiến, đã khiến ông trở thành phó chúa của Thorens. Ông cố của Phanxicô, Cristóvão, nhận được danh hiệu “Senhor de Sales” vào năm 1538, và ông nội của Phanxicô, João, tiếp tục với danh hiệu này. Ông có hai người con trai là Louis và Francisco, cha của thánh Phanxicô Salê.

2.2. Ơn gọi

Thánh Phanxicô Salê là con cả trong gia đình có 12 anh chị em ruột. Ngài bị sinh non, và đó là lý do tại sao sau này, ngài nói rằng, ngài được sinh ra “trước thời đại của mình, bởi vì ngài quá vội vàng để bắt đầu yêu thương và ngợi khen Thiên Chúa.” Bà Phanxicô De Boisy còn rất trẻ khi mang thai đứa con trai đầu tiên, và tại Annecy, trước chiếc Khăn Liệm Thánh vốn nói cho bà về cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa, bà đã cảm động sâu xa; bà thực hiện một lời hứa: đứa trẻ này sẽ mãi mãi thuộc về Đức Giêsu.

Năm sáu tuổi, ngài được gửi đi học, vì cha của ngài đã có kế hoạch phong cho ngài trở thành một lãnh chúa, theo cách thức của thời đó, để làm giàu cho gia đình. Sau khi hoàn thành chương trình học tiểu học tại quê hương, ngài đến Paris vào năm 1578, nơi ngài theo học ở trường của Dòng Tên Clermont, cho đến năm 1588. Đây là thời gian hình thành nên con người Kitô hữu và một con người kiên cường, dựa trên những giá trị của thời kỳ Phục hưng và chủ nghĩa nhân bản. Tuy nhiên, năm 19 tuổi, những tranh luận thần học của thời đại đã gây rối loạn cho tâm trí của Phanxicô. Ngài rơi vào một tình trạng đen tối của tâm hồn. Bị khủng hoảng một cách ghê gớm, ngài sống trong đau khổ suốt nửa năm vì yên trí mình đã bị luận phạt xuống hỏa ngục đời đời. Cơn thử thách đột nhiên tan biến sau khi đọc kinh “Xin hãy nhớ” trước tượng Đức Mẹ trong nhà thờ thánh Stêphanô. Kể từ đó, ngài có một nhãn quan rất trong sáng và lạc quan hơn về cuộc sống.

Paris đã trở thành một nơi nguy hiểm, vì các cuộc chiến tôn giáo vào thời điểm đó, cha của ngài đã chuyển đến Padua, nơi ngài tốt nghiệp Luật Dân sự và Luật Giáo hội vào năm 1591. Ngài trở lại vùng đất của mình, nhận danh hiệu Thượng nghị sĩ và Luật sư của Nghị viện Savoy, và ngài đã ở Chambery. Nhưng mong muốn của ngài là trở thành một linh mục để phục vụ Giáo hội. Ngài đã phải chịu đựng rất nhiều vì ngài không muốn mẫu thuẫn với cha mình, người đã cho ngài nhiều cơ hội để học hành. Papasogli, một nhà văn đã nói rằng, “trong lịch sử, đó là một trong những ơn gọi có một cuộc chiến rất lớn, không chỉ bên ngoài, mà trên hết, trong sự bí mật của con người.”

Vào thời điểm đó, sau giám mục, trong một giáo phận, quyền cao nhất là vị Đại diện Tư pháp của Nhà thờ Chính tòa. Sau khi vị này qua đời, Phanxicô Salê được bổ nhiệm vào vị trí này. Điều này khiến cha của ngài dễ dàng chấp nhận hơn, vì nếu Phanxicô không thể giữ một chức vụ cao trên thế giới, ngài sẽ giữ một chức vụ trong Giáo hội, làm niềm vinh dự cho gia đình. Do đó, Phanxicô đã trở thành vị Đại diện tư pháp của Giáo phận Geneva vào năm 1893.

2.3. Nhà truyền giáo

Công tước xứ Savoy yêu cầu Giám mục Geneva cử những nhà truyền giáo đến một vùng thuộc công quốc của ông, Chablais, gần Hồ Geneva, nơi có nhiều người theo chủ thuyết Calvin. Vì nhiệm vụ này rất khó và nguy hiểm đến tính mạng nên không ai nhận lời. Giám mục quay sang hỏi Phanxicô, và Phanxicô đã đồng ý. Không bao lâu, Phanxicô, cùng người anh họ, Luís de Sales, đã đến Chablais. Trong gần ba năm hào hùng, Phanxicô đã cố gắng truyền giáo trên toàn lãnh thổ, cải đạo được khoảng 25.000 người. Kết thúc sứ vụ này, ngài được đề nghị làm Giám mục Geneva. Ngài miễn cưỡng chấp nhận. Vào tháng 9 năm 1597, ngài nhận được các văn bản từ Vatican, phong ngài trở thành giám mục phụ tá, với quyền kế vị giám mục Geneva.

Cần lưu ý rằng, các giám mục của Geneva cư trú tại Annecy, một thành phố gần với Geneva, từ năm 1539, đã trở thành một thành phố của nhóm Cải cách, được gọi là “thành Rôma của Tin lành” vào thời điểm đó. Giám mục và các giáo sĩ của ngài đã bị trục xuất, và John Calvin thành lập “Chủ thuyết Calvin”, vào năm 1541. Giáo phận Geneva rất lớn và bao gồm các lãnh thổ trong Công quốc Savoy và Vương quốc Pháp. Đây thực sự là một bối cảnh rất phức tạp đối với các giám mục.

2.4. Nhà sư phạm, nhà văn và người linh hướng

Phanxicô Salê đảm nhận chức giám mục vào năm 1602. Ngày từ đầu, ngài đã quan tâm đến việc cải cách hàng giáo phẩm của giáo phận cùng với việc cải cách đời tu. Ngài đã áp dụng những cải cách của Công đồng Trentô trong giáo phận. Ngài là một nhà sư phạm tài ba, ngài đã thực hiện công việc mục vụ trong giáo phận (có khoảng 400 giáo xứ). Năm 1610, cùng với nữ nam tước Santa Joana Francisca de Chantal, ngài thành lập một hình thức đời sống tu trì mới, và vào năm 1618, trở thành một Dòng tu chính thức, bởi vì ý tưởng về kiểu sống tu trì mới này, kết hợp cầu nguyện với hoạt động, đã không được chấp nhận vào thời điểm đó.

Phanxicô cũng là một nhà văn lớn và một nhà linh hướng. Trong số các tác phẩm của ngài, chúng ta chú ý đến tác phẩm Dẫn vào đời sống sùng đạo (Philoteia) và Luận về tình yêu Thiên Chúa (Theotimus). Ngoài ra, 2.100 bức thư của ngài được viết suốt cuộc đời mục tử của ngài.[2]

Phanxicô Salê qua đời tại Lyons, ngày 28 tháng 12 năm 1622, và được chôn cất tại Annecy, ngày 24 tháng 01 năm 1623. Ngài được Giáo hoàng Alexander VII tuyên phong chân phước và ngày 28 tháng 12 năm 1661; và được phong hiển thánh vào ngày 19 tháng 04 năm 1665. Năm 1877, ngài được công bố là Tiến sĩ Giáo hội, và sau đó, vào ngày 25 tháng 01 năm 1933, Đức Giáo hoàng Piô XI đã tuyên bố ngài là “đấng bảo trợ thiêng liêng của tất cả các tác giả Công giáo.”

3- Linh đạo xuất phát từ những trải nghiệm trong tình yêu

Chúng ta đã từng có cơ hội để xem xét về thuật ngữ linh đạo và ý nghĩa của nó. Thuật ngữ “linh đạo” đề cập đến cả “kinh nghiệm sống” và “những môn học thuật”. Nói khác đi, linh đạo được xem xét trong khía cạnh lý thuyết, khi nó được xem như là một môn khoa học, nhưng nếu chúng ta muốn hiểu nó trong cách thế nó được áp dụng trong thực tiễn, như là một lối sống, thì chúng ta có thể nói rằng linh đạo không là gì khác ngoài việc đem những nguyên tắc và phương thế trọn lành Kitô giáo ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày (xem. Mt 5, 48).

Nói một cách chắc chắn rằng, các nguyên tắc đều mang tính cách tổng quát, được áp đặt, không thể bị bàn cãi. Chúng đến trực tiếp từ Tin mừng, dưới hình thức những điều răn cốt lõi của Đức Giêsu, giới luật yêu thương. Con người được tạo dựng để yêu mến Thiên Chúa và người thân cận trong Thiên Chúa. Đó là mục đích duy nhất của mọi thứ trọn lành Kitô giáo. Theo Thánh Phaolô, “khi người ta nói rằng con người đã được tạo dựng vì vinh danh Thiên Chúa, hay để ngợi khen Thiên Chúa, thì quả thật người ta nói cùng một điều dưới một hình thức khác: đó là tình yêu của chúng ta, chỉ mình nó mới có thể dâng cho Thiên Chúa vinh quang và lời ngợi khen Người mong chờ nơi ta.” Sự trọn lành Kitô giáo, vì thế, luôn là một tiến trình dần dần hoàn thiện trong cuộc sống của từng mỗi người thông qua con đường của tình yêu.

Người ta nói rằng câu đầu tiên đầy đủ mà thánh Phanxicô được dạy phải đặt cùng nhau là: “Thiên Chúa tốt lành và mẹ tôi, các ngài yêu tôi tha thiết.”[3] Một trong những cám dỗ mãnh liệt vào tuổi thanh xuân đã làm cho thánh Phanxicô Salê sợ là không có hạnh phúc yêu mến Thiên Chúa đời đời. Điều đó đã khiến cho sức khỏe của Ngài tàn kiệt và bắt Ngài phải đem mạng sống ra mà trả giá. Sau này, tình yêu Ngài đã thường xuyên đẩy Ngài đối diện với cái chết để làm vinh danh Thiên Chúa. Ngài chú ý hết sức làm sao gạt ra khỏi lòng mình mọi thứ tình cảm mà không có Thiên Chúa làm đối tượng duy nhất. Một ngày nọ, người ta nghe ngài thốt lên: “Nếu cha biết trong lòng cha có một sợi tơ nào đó không phải là của Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, thì cha vứt bỏ nó ngay lập tức.”[4] Và vì thế, ngài luôn khát vọng tình yêu trong sạch không hề bị ngắt quãng: “Cha thà ra hư không còn hơn là không phải trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa.” Ngài viết cho một người: “Lòng cha tràn ngập một sự ước ao bao la là được sát tế mãi mãi cho tình yêu tinh tuyền của Đấng Cứu Thế.”

Khi chiêm ngắm về tình yêu của Đức Giêsu trên thập giá, thánh Phanxicô Salê đã diễn tả bằng những lời xuất phát từ chính trái tim của Ngài rằng: “Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế thần thiêng, giang tay trên thập giá để chết vì yêu mến chúng ta. Ôi bằng tinh thần ta lại không lao mình vào Ngài để chết trên thập giá với Ngài, Đấng vốn yêu thương ta đã khát khao cho được chết đi hay sao! Tôi sẽ giữ Ngài lại và sẽ không bao giờ từ bỏ ngài, tôi sẽ chết với Ngài và được thiêu đốt trong những ngọn lửa tình yêu của Ngài cùng một ngọn lửa đó sẽ làm tiêu hao Đấng tạo hóa thần linh này và thụ tạo yếu ớt của Ngài. Tôi sẽ viết số người và chết trên ngực Ngài. Dầu sống, dầu chết cũng không bao giờ tách lìa tôi khỏi Ngài.”[5]

Khi có thể, thánh Phanxicô Salê thường đắm chìm trong Đấng mà ngài hằng kín múc sự sống; qua kinh nghiệm, ngài gìn giữ đời sống nội tâm của mình, ngài tranh thủ với hết mọi cơ hội, nuôi dưỡng mình với những của ngon ngọt từ lời thần linh để củng cố mình nơi Thiên Chúa. Thường xuyên ngài ưa thích rút lui khỏi những gì gây cản trở hầu cầu nguyện nhiều hơn và xét mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Việc cầu nguyện của ngài luôn là một việc thân tình, thực hành bằng nhiều tình yêu hăng nồng, hơn là bằng những suy nghĩ kéo dài. Thiên Chúa truyền thông chính ngài cho đầy tớ của Người một cách thân tình và thấu suốt, tràn ngập con người của thánh Phanxicô Salê bằng ánh sáng của mình, làm cho ngài thấy và cảm nghiệm được Người hiền dịu biết bao đối với những ai tìm kiếm Ngài.

Vì thế, sáng kiến của thánh Phanxicô không là gì khác ngoài việc đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, dấn thân và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mục tử của ngài. “Không gì ngoài Thiên Chúa, vinh quang của Người, gắn bó vào thánh ý của Thiên Chúa.”[6] Ngọn lửa đam mê các linh hồn xâm chiếm ngài liên lỉ, chiếm đoạt ngài hoàn toàn, không gây tổn hại cho sự tự do nội tâm. Ngài yêu mến bạn hữu và người thân của mình cách sâu xa, êm ái, thần thiêng, bởi vì trái tim ngài đã được thần hóa; ngài chúc phúc cho họ, lo lắng đến công việc của họ, ngay cả những công việc vật chất, nhưng không hề bị chúng giam hãm, cầm buộc. Đến nỗi, nơi thánh Phanxicô Salê, đức ái đã chiếm đoạt tất cả. Ngài được tạo dựng cho đức ái và việc nô dịch này làm ngài trở nên cao sang. Đối với thánh Phanxicô Salê, khi một lý do nào cao cả hơn lời gọi mời, thì với sự đơn sơ đức ái, Ngài sẽ rũ bỏ tất cả, chỉ còn vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.

4- Linh đạo tình yêu: “Không làm gì vì miễn cưỡng, hãy làm tất cả với tình yêu.” (thánh Phanxicô Salê)

Điều phân biệt thánh Phanxicô Salê với nhiều vị thánh khác, có lẽ, chính là một nền linh đạo đậm chất chủ nghĩa nhân văn. Nền linh đạo của ngài có thể được áp dụng, biết đến và chấp nhận trong những bối cảnh đa biệt nhất. Chúng ta có thể tìm thấy những nét đặc trưng trong linh đạo tình yêu của thánh Phanxicô Salê ngang qua việc khám phá những điều cơ bản sau đây:

4.1. “Không làm gì vì ép buộc”: Tự do là quà tặng của Thiên Chúa

Đây là một nền linh đạo nại đến những nguồn lực khác thay vì ép buộc. “Không làm gì vì ép buộc” là một đề xuất đẹp đẽ, một lời mời để biến nó thành một sự trao ban quý giá chính đời sống cá vị của mình. Cuộc đời mục vụ của thánh Phanxicô Salê được hướng dẫn bởi chính đức ái và sự dịu hiền, đặc biệt khi tương giao với dân chúng trong việc chăm sóc mục vụ của ngài. Điều này ảnh hưởng đến rất nhiều tín hữu và đặc biệt những người luôn tỏ ra chống đối ngài.

Kinh nghiệm của Phanxicô Salê cho chúng ta thấy rằng, khi các sự việc bị áp đặt, không có lý, không có cái “vì sao”, chỉ đơn giản do áp đặt và ép buộc, chúng sẽ không thể dài lâu; hoặc chúng chỉ tồn tại khi mệnh lệnh còn. Thiên Chúa sẽ không hoạt động theo cách thức này, và dĩ nhiên, nó cũng không phải là con đường của người Kitô hữu. Như một Giám mục thời công đồng Trentô và như một người cổ võ phong trào Công giáo đối lại Phái Cải cách khơi dậy trong cuộc chiến chống lại đức tin nguội lạnh, ngài chọn con đường của cõi lòng chứ không phải con đường của ép buộc. Và mọi sự Phanxicô Salê thực hành là chiêm niệm và sống thái độ của Thiên Chúa. Do đó, ngài viết cho người con thiêng liêng của mình rằng: “Như một người cha tốt lành cầm tay con, người ca sẽ thích ứng những bước đi của mình với bước đi của con, người cha ấy hạnh phúc khi không bước nhanh hơn con.”[7]

Đối với những người theo thuyết nhân bản như Phanxicô Salê, tự do là yếu tố quý giá nhất của con người. Thực tại Nhập thể là lý lẽ cao cả nhất để khẳng định phẩm giá này. Có thể nói, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng chúng ta giống Ngài và theo hình ảnh Ngài, nhưng trong Đức Kitô, chính Thiên Chúa “làm cho chính mình giống chúng ta và theo hình ảnh chúng ta.”[8] Sự vĩ đại này của con người, giá trị của con người như một cá vị, được biểu lộ trong sự tự do vốn làm cho con người thành có trách nhiệm. Đối với Phanxicô Salê, tự do là phần quan trọng nhất của nhân vị bởi vì nó chính là sự sống của cõi lòng. Nó có nhiều giá trị và phẩm giá đến nỗi chính Thiên Chúa, Đấng ban nó cho chúng ta, không đòi hỏi nó bằng vũ lực. Thiên Chúa “không bao giờ ép buộc bất kỳ ai để phục vụ Người và Người sẽ không bao giờ làm như thế.”[9]

Sự can thiệp và ơn sủng của Thiên Chúa không bao giờ xảy ra mà không có sự đồng thuận của chúng ta. Ngài tác động mạnh mẽ, nhưng không bao giờ bó buộc hay ép buộc, trái lại, lôi cuốn cõi lòng, mà không hề xâm phạm, nhưng từ chính tình yêu đối với sự tự do chúng ta. Sự tự do mà Thiên Chúa ban cho từng người luôn được tôn trọng. Như Phanxicô Salê thường nói, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta tới chính Ngài qua sáng kiến dịu hiền của Ngài, đôi khi như một ơn gọi và tiếng gọi, đôi lúc như tiếng của một người bạn, như một sự khởi hứng hay mời mọc và có khi lại như một “sự ngăn ngừa”, bởi vì Ngài luôn tiên liệu. Thiên Chúa không bao giờ áp đặt: Ngài gõ cửa chúng ta và chờ đợi chúng ta mở cửa.[10]

Do đó, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người, và đồng thời, ngài cũng muốn chúng ta tốt lành; Người ban cho chúng ta quá nhiều dấu chỉ về tình yêu của Người. Hẳn nhiên, có lẽ dấu chỉ đầu tiên của những dấu chỉ này là Người tôn trọng vô điều kiện sự tự do của chúng ta. Tình yêu sẽ tan biến nếu nó tìm cách áp đặt hay đòi hỏi và sự mãnh liệt nằm ở đây. Với điều này, thánh Phanxicô Salê trình bày hình ảnh tích cực về một Thiên Chúa yêu thương; Người cống hiến tình bạn của Người, ban phát những điều tốt lành, và để cho chúng ta tự do đáp lại qua sự thông giao với Người.[11]

4.2. Thiên Chúa hiện diện trong cõi lòng con người

Nói “không làm gì vì ép buộc” không chỉ là một chiến lược hay phương pháp, nhưng trên hết, đó là sự xác tín về sự tin tưởng và đức tin sâu xa vào con người mà Phanxicô Salê đã trình bày trong linh đạo của ngài. Con người luôn cảm nhận cần Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa, luôn hướng về Thiên Chúa và điều đó luôn được ghi khắc trong hữu thể con người.[12] Nơi Phanxicô Salê, khao khát tự nhiên để nhìn xem Thiên Chúa được biến đổi thành niềm xác tín rằng, Thiên Chúa hiện diện và làm cho mình hiện diện nơi từng người trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của họ mà chỉ mình Thiên Chúa chọn và theo cách thức mà chỉ mình Thiên Chúa biết. (Cf. Gaudium et spes, 22)

Thánh Phanxicô Salê luôn mở ra với sự tác động của Thiên Chúa trong việc phục vụ con người theo tinh thần tự do, vốn được biểu hiện cụ thể trong cuộc sống của Ngài trong sự lạc quan, sự tích cực, niềm tin vào bản tính con người, và vào những giá trị tình bạn và sự tìm kiếm thực sự đến sự hạnh phúc. Thiên Chúa luôn muốn tạo nên một tình bạn đích thực và thân mật với chúng ta. Do đó, thánh Phanxicô Salê muốn Thiên Chúa được yêu mến hơn là kính sợ, và nếu sự kính sợ Thiên Chúa phải là cách thức mà chúng ta bước trên con đường thánh thiện, nó sẽ không phải là vì sợ một hình phạt khủng khiếp, nhưng là niềm kính sợ được kết hiệp chặt chẽ với sự tin tưởng vào Thiên Chúa tốt lành.

Do đó, điều cốt lõi ở đây theo linh đạo của thánh Phanxicô Salê là không bao giờ gieo trồng sự bi quan, tiêu cực hay sợ hãi, nhưng đó là sự hiện diện của Thiên Chúa, niềm ước ao gặp gỡ Thiên Chúa, ước muốn nên bạn hữu với Người và ước ao được trở về với Người. Theo thánh Phanxicô Salê, Thiên Chúa không phải là người canh gác dẹp yên những vi phạm lề luật, hoặc như một Thiên Chúa xa cách và dửng dưng, nhưng Người chính là một vị Thiên Chúa quan tâm đến các thụ tạo và hạnh phúc của chúng, luôn luôn tôn trọng sự tự do của chúng và cam kết hướng dẫn chúng với sự mạnh mẽ nhưng dịu dàng.[13]

Đối với Thánh Phanxicô Salê, chỉ mình sự thiện hảo tối cao mới có thể làm cõi lòng con người mãn nguyện trọn vẹn. Sự thiện hảo tối cao này chính là Thiên Chúa mà cõi lòng con người hướng tới một cách tự nhiên. Thánh Phanxicô Salê đã nhận ra rằng, “hạnh phúc thực tiễn” hệ tại ở việc sở hữu khôn ngoan, sự lương thiện, sự thiện hảo và thú vui, nhưng “hạnh phúc cốt yếu” của con người có thể tìm được nơi Thiên Chúa mà thôi. Những khuynh hướng tự nhiên hướng tới Thiên Chúa, không thể được thành tựu do bởi chúng ta, bởi vì nó là món quà của Thiên Chúa; Ngài luôn là người sáng kiến. Trong linh đạo của mình, Phanxicô Salê cho chúng ta niềm xác tín rằng, dù chúng ta hướng về hạnh phúc, thì Thiên Chúa cam kết ban nó cho chúng ta bởi vì đây là điều Ngài muốn.[14]

4.3. Sự sống trong Thiên Chúa

Phanxicô Salê có khả năng trình bày đời sống thiêng liêng như một điều sẵn có cho mọi người. Hạn từ tuyệt hảo ngài sử dụng để nói về đời sống Kitô hữu trong Thiên Chúa là từ “sự sùng mộ”, như diễn đạt về tình yêu đối với Thiên Chúa, với một cách thức không mang tính loại trừ và đóng kín.[15]

Phanxicô Salê không thấy đối kháng gì trong việc muốn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa đang khi sống cuộc đời mình cách sung mãn trong thế giới. Nếu lòng sùng mộ là tình yêu Thiên Chúa trước bất kỳ điều gì khác, thì nó cũng là tình yêu đối với người thân cận, và sự sùng mộ này phải được mọi người thực thi trong bất kỳ tình huống nhân sinh nào. Không nhất thiết phải rút lui khỏi thế giới, đi vào trong sa mạc hay đi vào tu viện để sống một đời sống Kitô hữu chân chính.

Trong cuốn Dẫn vào đời sống sùng mộ, chính ngài ngỏ lời tới bất kỳ ai, khi sử dụng một danh xưng thi vị ‘Philothea’, có nghĩa là người muốn yêu Thiên Chúa; ngài vẽ ra một lối sống đời Kitô hữu giữa thế giới, cho thấy rằng nhất thiết phải dùng đôi cánh của chúng ta để bay bổng tới những đỉnh cao của cầu nguyện, đang khi cùng lúc sử dụng đôi chân mình để hành trình cùng với những người khác trong cuộc đối thoại thánh thiện và bằng hữu.[16]

Thiên Chúa có một kế hoạch hữu vị đối với từng người đến trong thế giới này; một kế hoạch hạnh phúc và sự hiện thực trọn vẹn ý Thiên Chúa đối với từng thụ tạo của Người. Ngài làm cho cuộc sống hằng ngày thành một sự diễn đạt tình yêu Thiên Chúa vốn được nhận và cũng được đáp trả lại. Ngài muốn mang mối tương quan với Thiên Chúa gần hơn với cuộc sống và cuộc sống gần hơn với mối tương quan với Thiên Chúa.

Phanxicô Salê qui hướng đời mục vụ của mình để chu toàn một sứ mệnh được trao cho ngài. Chính việc ngài tham dự vào tình yêu Thiên Chúa dẫn ngài chia sẻ vào sứ mệnh cứu độ của Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành. Khởi sự với kinh nghiệm cá nhân của mình về Thiên Chúa Tình Yêu, ngài cảm thấy rằng tình yêu nồng cháy này, hay nhiệt khí yêu thương, được chuyển dịch thành niềm vui vì tội nhân hoán cải và buồn thảm vì sự cứng lòng của những người chống lại lời mời gọi này.

Phanxicô Salê cũng đề xuất cho việc hằng ngày thực hành các nhân đức, nhưng những nhân đức vốn thích ứng với điều kiện và tình trạng của mình, chứ không phải của kẻ khác. Khi Thiên Chúa sáng tạo thế giới Người ra lệnh mỗi cây mang trái theo loại của nó: và như vậy Người đòi hỏi các Kitô hữu – những cây sống động của Hội Thánh của Người – phải phát sinh hoa trái của lòng sùng mộ, mỗi người theo loại và ơn gọi của riêng mình.

4.4. Dịu hiền và dễ mến trong cách sống với mọi người

Phanxicô Salê được mọi người biết đến trên hết vì ngài thật hiền dịu và tốt lành. Ngài đã từng viết rằng: “Tôi yêu mến cách riêng ba nhân đức nhỏ bé này: trái tim hiền lành, tinh thần nghèo khó và đời sống giản đơn. Và cũng vậy, những thao dợt đòi hỏi hơn: thăm viếng người bệnh, phục vụ người nghèo, an ủi kẻ sầu khổ và những người giống như thế, nhưng mọi sự không có chút nào bạo lực, mà là trong sự tự do chân thật.”[17]

Phanxicô Salê đề xuất noi gương Đức Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng như một khuôn mẫu để bắt chước và chúng ta có thể nói rằng sự hiền dịu là nhân đức đặc trưng của ngài. Tuy nhiên, “sự hiền dịu của ngài hoàn toàn khác với tính lịch thiệp nhân tạo vốn hệ tại ở việc có được những kiểu cách bóng bẩy và trong việc tỏ ra một sự nhã nhặn thuần tuý mang tính quy ước. Nó cũng khác với sự lãnh đạm vốn không thể bị khuấy động bởi bất kỳ sức mạnh nào và cũng khác với tính nhút nhát vốn không dám trở thành phẫn nộ, ngay cả khi sự phẫn nộ được đòi hỏi ở một người. Nhân đức này tăng trưởng trong lòng Phanxicô Salê như một hiệu quả tốt đẹp của tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa. Nó được nuôi dưỡng bởi tinh thần cảm thương và dịu dàng; với sự ngọt ngào nó đã làm dịu đi tính trang nghiêm tự nhiên trong các hành xử của ngài; nó làm dịu đi giọng nói lẫn cách cư xử mà ngài chiếm được cái nhìn cảm mến của mọi người mà ngài gặp gỡ.”[18]

Đối với Phanxicô Salê, những phẩm tính như sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chính là sự trợ giúp duy nhất mà ngài có trong sứ vụ của ngài ở miền Chablais; nơi đây, như một nhà truyền giáo, ngài thực thi một tác vụ mục tử diệu kỳ và là một khuôn mẫu cho phong thái tông đồ ngày nay. Theo một cách thức rất khác biệt với những nhà truyền giáo khác, vốn làm cho mình bị sợ hãi, Phanxicô Salê thu hút nhiều ruồi bằng một thìa mật ong thông thường hơn là bằng một thùng đầy dấm.[19]

Phanxicô Salê lôi kéo dân chúng đến với mình qua sự tử tế của ngài. Ngài đã học từ Đức Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11, 25-30). Cõi lòng này của Đức Giêsu có ý nghĩa sâu xa đối với Phanxicô Salê. Tình yêu Thiên Chúa, đã trở nên xác phàm, tìm thấy nơi trái tim nhân loại của Đức Giêsu sự diễn đạt tình yêu hùng hồn nhất. Khởi từ sự tự do mà nhờ đó Thiên Chúa tạo dựng nhân loại, qua sự hiền lành, sự tốt lành và tình mến như cách Thiên Chúa đối xử với con cái mình, chúng ta đạt tới lõi tuỷ của linh đạo của Phanxicô Salê, mà cũng là khuôn mẫu của hữu thể và đời sống chúng ta: tình yêu.

Nơi Phanxicô Salê, khả năng yêu thương và dễ mến này, sự trao hiến chính mình này, đến từ đâu? Hẳn nhiên, từ sự chắc chắn thâm sâu ngài đạt được sau khi vượt qua hai cuộc khủng hoảng mãnh liệt; chúng làm ngài cảm nhận mình bất xứng với tình yêu Thiên Chúa. Nơi Phanxicô Salê, sự thanh luyện một niềm hy vọng được sinh ra; nó khiến tin tưởng không phải vào công trạng của mình, nhưng vào chính Thiên Chúa tốt lành và rất mực xót thương. Phanxicô Salê chuyển động theo hướng của “tình yêu tinh ròng”, một tình yêu vốn yêu mến Thiên Chúa vì chính Ngài. Thiên Chúa không yêu chúng ta bởi vì chúng ta tốt lành, nhưng bởi vì Ngài tốt lành, và chúng ta không yêu Thiên Chúa bởi vì chúng ta muốn được một điều gì đó tốt lành từ Ngài, nhưng bởi vì chính Ngài là sự thiện cao cả nhất. Chúng ta không đạt đến sự chu toàn ý Thiên Chúa qua những tình cảm “về sự bất xứng”, nhưng qua hy vọng vào lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa. Viễn cảnh này dẫn chúng ta mạnh mẽ chống lại bất kỳ ý tưởng nào trình bày Thiên Chúa là Đấng phi lý và báo thù, và thay vào đó, chấp nhận Thiên Chúa được Đức Giêsu mặc khải – một Thiên Chúa là chính niềm thương xót và tình yêu – và chiêm ngắm cõi lòng của thánh Phanxicô Salê nới rộng ra sao khi ngài tri nhận Thiên Chúa yêu thương vô biên. Vì thế, khi ngài nói cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa, ngài nói từ chính kinh nghiệm của mình. Đây là câu chuyện của chính ngài. Vì vậy, với tình yêu, thánh Phanxicô Salê đáp lại tình yêu Thiên Chúa.[20]

Niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa không dựa trên việc cảm thấy mình tốt lành, nhưng trên việc thi hành thánh ý Chúa Cha, là cốt lõi trong linh đạo của Phanxicô Salê. Phanxicô Salê diễn đạt điều này cách chói ngời bằng cách ám chỉ tới nhu cầu phải chuyển từ sự an ủi của Thiên Chúa đến chính Thiên Chúa của mọi niềm ủi an, từ nhiệt tình tới tình yêu chân thật, khi vẫn trung thành giữa những thử thách; chuyển từ việc phải lòng trong tình yêu tới tình yêu chân thật đối với những người khác. Một tình yêu tinh tuyền, vô vị lợi không tìm gì cho chính mình, ly thoát khỏi bản ngã. Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả được cứu độ, chỉ cho chúng ta rằng tình yêu hoàn hảo đuổi xa sợ hãi. Hãy làm mọi sự vì yêu mến, không làm gì vì sợ hãi, bởi vì chính lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải công trạng chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu mến.

4.5. Tình yêu vô điều kiện và không bị ép buộc

Sự thánh thiện thì dành cho mọi người. Đó là yếu tố cốt yếu trong đề xuất thiêng liêng của thánh Phanxicô Salê, dựa trên tình yêu Thiên Chúa, cho mỗi người và tất cả mọi người. Chính trong sự sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, tình yêu này có một khuôn mẫu vững chắc để bắt chước và đi theo. Cùng với sự hiền lành và khiêm nhường, theo gương Đức Kitô trong Vườn cây Dầu, sự bắt ý riêng của chúng ta luỵ phục chính là đỉnh cao của tình yêu tinh tuyền. Yêu mến là một hành vi của ý chí, một hành vi của sự từ bỏ mà trong đó ta chọn ý Thiên Chúa muốn.

Phanxicô Salê nhắc đến cõi lòng hơn 300 lần trong cuốn Luận về Tình Yêu Thiên Chúa. Là một người theo thuyết nhân bản Kitô giáo, ngài tiếp tục nói đến con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa; và nơi con người, ngài tìm thấy “sự hoàn hảo của vũ trụ”: “Con người là sự hoàn hảo của vũ trụ; tinh thần là sự hoàn hảo của con người; tình yêu là sự hoàn hảo của tinh thần; và đức ái là sự hoàn hảo của tình yêu. Do đó, tình yêu Thiên Chúa là cùng đích, là sự hoàn hảo và sự tuyệt hảo của vũ trụ. Hỡi Theotimus, sự vĩ đại và sự tối thượng của lệnh truyền yêu mến Thiên Chúa hệ tại ở đây, và Đấng Cứu thế gọi là điều răn thứ nhất và lớn nhất.”[21]

4.6. “Mọi sự vì tình yêu”

Một yếu tố chạy xuyên suốt trong linh đạo của thánh Phanxicô Salê là giá trị lớn lao dành cho cầu nguyện. Chúng ta có thể quy chiếu đến một vài hình thức diễn tả lòng sùng mộ như sùng kính Thánh Tâm, thái độ tin tưởng nền tảng phó thác trong bàn tay của Chúa Quan Phòng, ý thức có một “cung thánh nội tâm” trong chúng ta, tình bạn với Thiên Chúa mà chúng ta phải vun trồng, và Thiên Chúa tốt lành vốn không bao giờ khước từ giúp đỡ những ai đã làm tất cả những gì họ có thể và trung thành trong những điều bé nhỏ.[22]

Chúng ta có thể nhận ra trong tất cả điều này là sự nhiệt tình mục vụ của thánh Phanxicô Salê, sự kiên nhẫn của ngài với mọi người, sự hiền dịu, tính lạc quan, sự mạnh mẽ cũng như ngài ước ao thông truyền Tin mừng cho mọi người. Tất cả điều này là kết quả của mối tương giao tình bạn sâu xa, đơn giản và hằng ngày của ngài với Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện của ngài là câu chuyện tình yêu cá vị của ngài với Thiên Chúa, của sự tiến bộ của ngài và thao luyện ngài làm để tránh cho mối tương giao của ngài với cái Tâm của tâm hồn ngài, trung tâm của đời ngài, khỏi trở nên lạnh nhạt.

Đối với Phanxicô Salê, cầu nguyện như sự thông giao với Thiên Chúa là cái tâm của nhân vị vốn đối thoại với cõi lòng của Chúa. Nó là hình thức cầu nguyện của khoa linh đạo nhập thể. Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của cõi lòng con người, nhưng là “bạn của cõi lòng con người”. Cầu nguyện cho phép chúng ta tìm thấy cõi lòng của Thiên Chúa và làm cho cõi lòng chúng ta đồng hình dạng với cõi lòng Ngài. Thánh Phanxicô Salê sống việc cầu nguyện như cuộc đối thoại của cõi lòng trong đó Thiên Chúa đi bước đầu.

Đó là yêu mến thánh ý Thiên Chúa, là đem thánh ý Chúa ra thực hành, và tìm được trong cầu nguyện sự hỗ trợ tốt nhất để hoàn thành ý Chúa. Chìa khoá cho linh đạo này là chúng ta quay về cầu nguyện để ở với Đấng mà chúng ta biết Ngài yêu mến chúng ta, như người môn đệ được yêu thương để làm cho nhịp đập của trái tim chúng ta trùng khớp với nhịp đập của Thầy, để chiêm niệm bởi vì cầu nguyện không phải suy tư nhưng là yêu mến nhiều; và để an nghỉ trong Ngài, như một cách để hồi phục và tìm thấy sức mạnh hầu tiếp tục yêu mến.

Đức ái là thước đo của cầu nguyện chúng ta, bởi vì tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa được biểu lộ trong tình yêu của chúng ta dành cho người lân cận. Đây là cầu nguyện của cuộc đời; nó rất quan trọng đối với thánh Phanxicô Salê. Nó hệ tại ở việc làm tất cả những hoạt động của chúng ta trong tình yêu và vì tình yêu Thiên Chúa, hầu toàn bộ đời sống chúng ta trở thành một lời cầu nguyện liên lỷ. Những người làm các việc bác ái, thăm kẻ ốm đau, dành giờ để lắng nghe người khác, chào đón những người thiếu thốn… họ đang cầu nguyện. Những nhiệm vụ và công việc không được ngăn cản sự kết hiệp với Thiên Chúa, và bất kỳ ai thực thi hình thức cầu nguyện này không liều rơi vào việc lãng quên Thiên Chúa. Khi hai người yêu nhau – Phanxicô Salê kết luận – họ luôn nghĩ về nhau.

5- Những bài học được rút ra từ linh đạo tình yêu của Thánh Phanxicô Salê

Thánh Phanxicô Salê là một nhân vật lịch sử; với thời gian qua đi, ngài ngày càng nổi bật và ảnh hưởng, nhờ vào sự rắc gieo phong phú những trực giác, kinh nghiệm và những xác tín thiêng liêng của ngài. Ngày nay, những đề xuất cho đời sống Kitô hữu, phương pháp đồng hành thiêng liêng và nhãn quan nhân học của ngài về mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa vẫn còn lôi cuốn nhiều người. Chính bởi điều đó, tôi tìm thấy nơi thánh Phanxicô Salê một linh đạo truyền thông cho chính mình dựa trên những suy tư của ngài.

  • Tôn trọng sự tự do của người khác

Dấn thân và cam kết trở thành một nhà truyền thông luôn là một đặc ân đến từ Thiên Chúa. Đó là một sự lựa chọn đầy tự do và không có gì vì ép buộc. Tinh thần đó của Phanxicô Salê như là sự hướng dẫn để giúp chúng ta đảm nhận mà với nó chúng ta thực thi một sứ mệnh, một nhiệm vụ hoặc một sự phục vụ người khác. Điều này sẽ nâng đỡ và giúp chúng ta hòa hợp với chính quyết định của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta và làm cho chúng ta được tự do.

Trong sứ vụ loan báo Tin mừng, chúng ta nên chọn lựa con đường của cõi lòng bằng cách đón nhận và đồng hành với những đối tượng mục vụ của chúng ta. Tất cả những việc mục vụ, ước muốn cứu các linh hồn, phải được thực thi không chút cưỡng ép, không áp đặt, và dám chấp nhận những đề xuất của những người khác vì hạnh phúc của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta luôn tôn trọng sự tự do của người khác. Việc loan báo Tin mừng không thể hoàn thành sứ mệnh của nó nếu sự tự do không được tôn trọng. “Ở đâu tự do của cá nhân không được tôn trọng, Thiên Chúa vắng bóng.”

Điều này cũng soi sáng về sự săn sóc và tôn trọng sự tự do tôn giáo của mỗi người. Chúng ta cần xác tín rằng có một sự hiện diện bằng hữu giữa những người không Công giáo, một sự hiện diện mà chúng ta hiểu như một hình thức loan báo Tin mừng qua chứng tá, có một sự hiện diện mà đôi khi phải là lặng lẽ, thinh lặng, kính trọng, sẽ là giá trị hoàn toàn vì nó không chỉ dựa trên nguyên lý bất bạo động nhưng, quan trọng hơn, trên một sự tôn trọng sâu xa sự tự do của con người.

  • Nhận ra Thiên Chúa nơi người khác trong sứ vụ loan báo Tin mừng

Điều đầu tiên chúng ta nên làm là cố gắng nhìn nhận rằng mọi người mang nơi sâu thẳm khát vọng về Thiên Chúa. Việc nhìn nhận Thiên Chúa hiện diện nơi người khác phải được diễn tả cụ thể trong thái độ thiêng liêng và cuộc sống của chúng ta ngang qua việc tác động của Thiên Chúa. Điều đó khiến chúng ta luôn phục vụ người khác theo tinh thần tự do cùng với sự lạc quan, tích cực, niềm tin vào bản tính con người, và vào những giá trị của tình bạn và hạnh phúc đích thực.

Thái độ tích cực trong việc nhận ra Thiên Chúa nơi người khác khiến chúng ta phục vụ họ với thái độ yêu mến hơn là khinh thường hoặc sợ hãi. Khám phá hình ảnh Thiên Chúa nơi người khác luôn đem đến cho chúng thái độ lạc quan, tích cực, bởi nơi họ, chúng ta luôn có khát vọng được gặp Thiên Chúa và ước muốn trở nên bạn hữu với Người. Thời đại chúng ta rất cần niềm xác tín mạnh mẽ này: “Không có thửa đất nào cằn cỗi đến nỗi sự cần mẫn của người nông phu không thể làm nó sinh hoa kết trái.”[23] Vì thế, sự kiên nhẫn trước sự bất toàn của anh chị em của mình luôn là kết quả của việc bắt chước sự kiên nhẫn mà Thiên Chúa đã có với chúng ta.

  • Hiệp nhất trong Thiên Chúa

Cuộc sống của người Kitô hữu được sinh hoa trái khi con người được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Sự phong phú này làm cho con người có khả năng liên kết với người khác trong cùng những giá trị đến từ Thiên Chúa ngang qua những kinh nghiệm độc đáo của họ. Kinh nghiệm thiêng liêng là một ưu điểm nổi bật nơi con người dù họ thuộc về bất kỳ tôn giáo nào. Nét nổi bật ở đây vẫn là niềm khát khao để diễn tả niềm tin cậy của các tín hữu đối với Thiên Chúa được xuất phát từ cõi lòng của họ. Chính vì thế mà Công đồng Vatican II xác quyết rằng: tất cả mọi tín hữu, các Kitô hữu thuộc mọi điều kiện và bậc sống, được kiện cường bởi rất nhiều phương thế mạnh mẽ của ơn cứu độ, mỗi người theo cách của riêng mình, được chính Chúa Cha gọi tới sự thánh thiện hoàn hảo vì Ngài là Đấng hoàn thiện (x. Lumen Gentium, 11).

Điều này mở ra cho chúng ta cơ hội thực sự để biến cuộc sống của mình thành một sự diễn tả tình yêu của Thiên Chúa vốn được nhận và cũng được đáp trả lại. Điều ưu tiên trong sứ vụ truyền thông là mang mối tương quan với Thiên Chúa đến gần hơn với cuộc sống và cuộc sống gần hơn với mối tương quan với Thiên Chúa. Chính trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, chúng ta trở nên thánh thiện. Đây chính là đề xuất về “sự thánh thiện ngay bên nhà” hoặc “nhóm trung lưu của sự thánh thiện” mà Đức Phanxicô đã đề xuất.[24]

Vì thế, một nhà truyền giáo ngày nay phải là những chuyên viên trong việc thực thi trách nhiệm quan trọng này là đồng hành với người khác khi họ tìm kiếm ơn gọi và sự thánh thiện của họ. Đây là một điều khẩn cấp hơn bao giờ hết. Và như thế, chúng ta sẽ chạm đến một yếu tố cơ bản trong linh đạo của Phanxicô Salê là hiện diện và lắng nghe, chính xác là để giúp tất cả những người đến với chúng ta, những người tiếp cận chúng ta, thiết lập một mối tương giao tình bạn, một cuộc gặp gỡ thân mật, trong đó có sự hiện diện của Thiên Chúa.

  • Kiến tạo bầu khí gia đình, tín nhiệm và đối thoại

Sự hiền lành và đáng yêu trong linh đạo của Phanxicô Salê cho phép và dẫn chúng ta đến một lối sống với người khác trong bầu khí gia đình, tín nhiệm và đối thoại. Tuy nhiên, để đạt được điều này chúng ta phải trả một cái giá bằng chính sự nỗ lực của chúng ta. Rõ ràng, sự hiền lành và đáng yêu không phải là một cái gì tự phát, đó là một tiến trình liên tục phấn đấu và nỗ lực trong đời sống thiêng liêng.

Có thể nói, sự chấp nhận, sự chân thành, lịch sự, sự dịu hiền, kiên nhẫn, tình mến, tin tưởng, dịu dàng, hiền lành là những diễn đạt của tình yêu vốn sinh ra sự tin tưởng và sự thân tình. Chính trong những điều này mà chúng ta đang dần tạo nên một môi trường truyền giáo mang bầu khí gia đình, nơi đó sự tín nhiệm và đối thoại được thực thi, sự thông cảm và xót thương trở nên phong phú, trong sự tiếp nhận và khả năng kiên nhẫn chờ đợi sự trưởng thành của người khác.

Tinh thần tử tế, dịu dàng và hiền lành nên được thấm nhuần nơi những nhà truyền giáo. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, chúng ta không thể xao nhãng nó, nếu đánh mất nó, chúng ta có nguy cơ làm tổn hại trầm trọng đến căn tính của người môn đệ của Đức Giêsu, một vị mục tử với trái tim hiền lành và khiêm nhường. Ngược lại, người môn đệ của Đức Giêsu sẽ có cơ hội tốt để chuyển giao và thông truyền những giá trị Tin mừng của Đức Giêsu đến với người khác một cách dễ dàng ngang qua một lối sống tử tế và thân tình. Chúng ta phải có trách nhiệm làm sống lại những giá trị của sự khiêm nhường và hiền lành của Đức Giêsu cho gia đình nhân loại ngày nay.

  • Cùng nhau nên hoàn thiện

Làm mọi sự với tình yêu là con đường tuyệt vời để cùng nhau đi đến sự trưởng thành đức tin một cách hiệu quả nhất. Như chúng ta đã nói ở trên, yếu tố xuyên suốt trong linh đạo của thánh Phanxicô Salê là giá trị lớn lao dành cho cầu nguyện. Do đó, một thái độ tin tưởng phó thác trong bàn tay của Chúa Quan Phòng, ý thức có một cung thánh nội tâm trong chúng ta, tình bạn với Thiên Chúa mà chúng ta phải vun trồng, và Thiên Chúa tốt lành vốn không bao giờ khước từ giúp đỡ những ai đã làm tất cả những gì họ có thể và trung thành trong những việc nhỏ nhất, đó là tất cả con đường nên hoàn thiện vì tình yêu.

Tất cả những điều này nên được diễn tả cách sâu sắc trong cuộc đời sứ vụ của chúng ta, và biểu hiện cụ thể của nó phải là sự kiên nhẫn với mọi người, sự hiền dịu, tính lạc quan, sự mạnh mẽ cũng như ước muốn thông truyền những giá trị Tin mừng đến mọi người chúng ta gặp gỡ. Đây là kết quả của mối tương giao tình bạn sâu xa, đơn giản và hằng ngày của chúng ta với Thiên Chúa.

6- Kết luận

Tôi muốn kết thúc phần trình bày của mình bằng việc khám phá lại ơn gọi và sứ mệnh của Phanxicô Salê trong tư cách như là một nhà nhân bản Kitô thông truyền Thiên Chúa. Có một nét đặc biệt khác của Phanxicô Salê đã khiến ngài được biết đến hơn cả trong phạm vi văn hóa của thế giới: ngài là vị bổn mạng của các nhà báo. Trong thời đại với sự phát triển đa dạng của các phương tiện truyền thông, cùng với những ưu điểm và khuyết điểm không thể phủ nhận của nó, thánh Phanxicô Salê vẫn nổi bật để đại diện cho một giá trị vốn trao ban phẩm giá cho nghiệp vụ báo chí đó là tìm kiếm và gieo rắc chân lý.

Vào năm 1923, khi Đức Piô XI tuyên bố thánh Phanxicô Salê là Bổn mạng của các nhà báo,[25] ngài chỉ ra những đặc tính chính yếu của vị thánh như một nhà truyền thông thực thụ. Con đường thánh thiện dễ mến của ngài đã tỏ ra cho mọi người, qua các bút tích của ngài, qua con đường chắc chắn và giản dị của sự hoàn thiện Kitô hữu.

Phanxicô Salê đã minh chứng một sự thật rằng, sự thánh thiện là dành cho mọi người và nó hoàn toàn có thể phù hợp với tất cả mọi chức vụ và điều kiện của cuộc sống con người. Đồng thời, họ cũng biết cách tham dự sứ vụ loan bao Tin mừng và truyền thông những nội dung đức tin và tôn giáo theo một ngôn ngữ đơn giản, chân thật, có thể hiểu được và đầy sức lôi cuốn. Đây chính là đặc tính cần thiết đối với các nhà truyền thông ngày nay để thông truyền chân lý, sử dụng mọi phương thế giúp mọi người hiểu được sứ điệp về Tin mừng trong bối cảnh ngày nay.

Sự khao khát rao truyền chân lý của Tin mừng được đi kèm với sự sáng tạo và độc đáo chưa từng có, nhưng theo cách đơn giản và có thể tiếp cận được. Đó là cách thức Phanxicô Salê đã từng trải nghiệm. Chúng ta có thể nhận ra nhiệm vụ cao quý đối với chân lý và sự công bố chân lý, đối với phong thái tốt lành và hiền dịu, đối với sự công bố đơn giản và đối với ý ngay lành là công bố chân lý cho mọi người, luôn tìm thiện ích của con người. Phanxicô Salê luôn trung thành với sứ vụ này trong cuộc đời mục vụ của Ngài. Do đó, những nhà truyền thông phải quan tâm hơn đến việc loan báo Tin mừng và giáo huấn của Đức Giêsu. Chúng ta không nên đánh mất những giá trị đặc sủng này trong linh đạo của thánh Phanxicô Salê. Chúng ta sẽ có cơ hội tuyệt vời để sinh động chiều kích loan báo Tin mừng của chúng ta trong viễn cảnh mới của Giáo hội.

Cuối cùng, vươn tới mọi người và công bố ơn cứu độ và sự giải phóng mà Tình Yêu Thiên Chúa cống hiến luôn là ý định của thánh Phanxicô Salê. Điều này trở thành một thực tại trong cách thức đặc biệt của ngài thực thi sự đáng mến và trong nhiệt tình mục vụ, đi ra để thăm viếng, gặp gỡ, tìm kiếm và khích lệ dân chúng theo những cách khác nhau. Việc sáng lập Dòng Thăm Viếng cùng với Gioana de Chantal, nói cho chúng ta về “một Giáo hội đi ra” được Đức Giáo hoàng Phanxicô đề xuất, một Giáo hội đi ra gặp gỡ bất kỳ ai muốn nghe sứ điệp của Đức Giêsu.

Hình ảnh của thánh Phanxicô Salê thăm viếng những người giáo dân và để lại dưới những cánh cửa nhà họ một sứ điệp đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa nên khích lệ và làm phấn khởi chúng ta, những nhà truyền thông trong thời đại mới, và chắc chắn nó cũng là một thách đố cho chúng ta.

Ra đi gặp gỡ người khác bất kỳ họ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, tiếp tục là nét đặc biệt của những người loan báo Tin mừng, đồng thời cũng là những nhà truyền thông trong thế giới ngày nay. Chúng ta phải trở thành “bí tích của sự hiện diện” chân thật, và cam kết thực thi những hành vi nhỏ bé nhưng với cõi lòng rộng lớn. Đây là cách thức mà thánh Phanxicô Salê đã sống và trao lại cho chúng ta: “Không có gì miễn cưỡng, hãy làm tất cả với tình yêu.”

Lm. Micae Rua Trần Phạm Hoàng Gia Thi, SDB

__________________
[1] Lettre CCXXXIV. A la Baronne de Chantal, OEA XII, 359. Lá thư này đề ngày 14 tháng Mười, 1604.
[2] Cf. The Life Story of St. Francis de Sales (Biography of Francis de Sales). Derived from: http://www.donboscowest.org/saints/francisdesales.
[3] Ángel Fernández Artime, Strenna 2022. Derived from: https://www.sdb.org/en/Rector_Major/Strenna/Strenna_2022.
[4] Thánh Anphong Liguori, Bài suy niệm về Thánh Phanxicô Salê. Trích từ quyển “Con đường cứu độ”, xuất bản vào năm 1766.
[5] Joseph Domyth. Saint Francis de Sale: Biography – Spirituality – Autobiography (2012). The Salesians of Don Bosco – Vietnam Province. p.10.
[6] Ibid., p. 43
[7] Lettre CCXXXIV. A la Baronne de Chantal, OEA XII, 359. The letter is dated 14 October 1604.
[8] M. WIRTH, San Francesco di Sales, Treatise on the Love of God, IV. 76.
[9] Cf. Homily on the conversion of St Augustine (OEA IX, 335). Cited in M. Wirth, San Francesco di Sales, 76.
[10] Cf. M. WIRTH, San Francesco di Sales, 140.
[11] Cf. Ángel Fernández Artime, Strenna 2022. Derived from: https://www.sdb.org/en/Rector_Major/Strenna/Strenna_2022.
[12] Cf. Treatise on the Love of God, XVIII.
[13] Cf. M. WIRTH, San Francesco di Sales, 145.
[14] Cf. Ángel Fernández Artime, Strenna 2022.
[15] Cf. Francis de Sales, Introduction to the Devout Life I, 1.
[16] Cf. Ibid.,
[17] Letter 308. to Baronness de Chantal, 8 September 1605. Consulted in a digital edition, p. 83/321, OEA XIII, 92. Quoted in: Cf. Eunan McDonnell, God Desires You, De Sales Resource Center, Stella Niagra, N.Y., 2008, p. 56.
[18] Cf. Pius XI, Encyclical Letter Rerum Omnium Perturbationem, 26 January 1923.

[19] Cf. J.-P. Camus, L’Esprit du bienheureux François de Sales, partie I, section 3. Quoted in M. Wirth, San Francesco di Sales, 97.
[20] Cf. Ángel Fernández Artime, Strenna 2022.
[21] Treatise on the Love of God, X, 1
[22] Cf. Ángel Fernández Artime, Strenna 2022.
[23] Cf. OEA XV, 28, quoted in M. Wirth, San Francesco di Sales, 29.
[24] Joseph Malègue, Pierres noires. Les classes moyennes du Salut, París 1958, Quoted in Francis, Gaudete et Exsultate, 7.
[25] Cf. Pius XI, Encyclical Letter Rerum Omnium Perturbationem, 26 January 1923.

[/ihc-hide-content]

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG