“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

LINH ĐẠO ‘SÂN CHƠI’ – NHỮNG SUY TƯ DỰA TRÊN LÁ THƯ CỦA DON BOSCO VIẾT TỪ RÔMA

Chương 2 của Hiến luật chúng ta đề cập đến tinh thần Salêdiêng. Từ đó, chúng ta có thể tóm kết những đường nét về linh đạo Salêdiêng.

Trong thời gian làm Tập sư, tôi đã viết 1 bài suy tư với tựa đề ‘Sân chơi cho các anh em Salêdiêng’. Tôi vẫn tự hỏi ‘Vậy thì, chúng ta có thể nói về linh đạo sân chơi hay không ?’. Tôi vẫn xác tín rằng, chúng ta có thể làm được điều đó, tức là đề cập đến ‘linh đạo sân chơi’, một linh đạo đặc thù dành cho các anh em Salêdiêng. Nếu đọc kỹ lá thư mà Cha Thánh Gioan Bosco đã viết từ Rôma vào năm 1884, chúng ta sẽ cảm nghiệm rất rõ linh đạo độc đáo này.

Đối với Don Bosco, sân chơi rất quan trọng, và nếu tôi nói không ngoa, nhiều khi nó còn quan trọng hơn cả nhà nguyện nữa. Lý do :

+ Tại sân chơi, chúng ta tiếp xúc với các bạn trẻ để có thể ‘rỉ vào tai’ chúng những lời tốt lành mang tính giáo dục.

+ Tại sân chơi các em học sinh sẽ thấy được, chúng ta đang quan tâm đến chúng, cách riêng từng em một.

+ Sân chơi là nơi thể hiện bầu khí gia đình.

+ Sân chơi cũng là trường học để chúng ta sửa dạy các em học sinh (như trường hợp của Michael Magone).

+ Tại sân chơi, Don Bosco cũng giúp linh hướng cho các học sinh, cho dù đây không phải là tòa giải tội cách chính thức.

+ Tại sân chơi, chúng ta sẽ biết rõ được từng em học sinh, bởi vì tính khí của các em được bộc ra một cách tự nhiên và rõ ràng.

Chúng ta sẽ đề cập đến từng phần sau đây:

  1. Màn thứ nhất – Khung cảnh nguyện xá thời Don Bosco năm xưa trong những giờ giải lao

Khung cảnh nhộn nhịp, vui đùa chuyện trò với nhau, tạo nên bầu khí ‘Thân tình’ (CORDIALITY) và ‘Tin tưởng’ (CONFIDENCE) giữa các Bề trên và các học sinh.

Sống trong bầu khí như thế, ‘Tinh thần gia đình ‘(FAMILIARITY) sẽ tạo nên mối thân tình. Mối thân tình sẽ đem lại niềm tin tưởng. Khi có sự tin tưởng, các học sinh sẽ mở rộng cõi lòng, thắng vượt nỗi e dè để thổ lộ những tâm tư với các thầy hộ trực và với các Bề trên. Các em sẽ nói ra những gì sâu kín tự bên trong tâm hồn các em, ở trong tòa giải tội cũng như ở ngoài sân chơi. Các em sẽ dễ vâng lời và thực hành những gì chúng ta khuyên bảo, một khi các em cảm nhận ra rằng chúng ta thật sự yêu mến chúng.

  1. Màn thứ hai – Khung cảnh nguyện xá hiện tại bây giờ

Don Bosco đã viết: “Cha không còn nghe những tiếng hò hét vui đùa, không còn thấy những quang cảnh sống động như trước đây. Thay vào đó là 1 bầu không khí buồn chán và lạnh lẽo khiến cha cảm thấy đau nhói. Đâu rồi những giờ giải lao vui nhộn và thân tình ?”.

Bầu khí buồn thảm đó sẽ dẫn đến những hệ quả sau:

+ Các em học sinh sẽ lạnh nhạt, không còn mặn mà đến lãnh nhận các bí tích.

+ Các em sẽ lơ là trong việc cầu nguyện, ở nhà nguyện cũng như ở những nơi khác.

+ Các em sẽ chẳng còn tha thiết chạy đến với Chúa, mỗi khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa sẽ phai lạt dần dần.

+ Các em sẽ không còn hào hứng theo đuổi ơn gọi, vì các em không còn lý do để biết ơn các Bề trên nữa. Cá em sẽ dần dần sống khép kín, hay lẩm bẩm kêu ca… và còn rất nhiều những hệ quả xấu khác nữa.

  1. Màn thứ ba – Chúng ta cần phải làm gì?

Don Bosco đã viết: “Làm cách nào để lôi kéo các học sinh trở về với bầu khí nguyện xá năm xưa, một bầu khí sống động, đầy tiếng nói tiếng cười nhộn nhịp, đầy ắp sự ấm áp và niềm hạnh phúc?”.

Buzzetti trả lời: ‘Chính là bằng Đức ái’. Đức ái cụ thể được diễn bày bằng sự thương mến của các Bề trên đối với các em học sinh.

+ Các bạn trẻ không chỉ được chúng ta yêu mến, nhưng làm cách nào để các em nhận ra rằng chúng ta đang yêu thương các em cách thực sự. Để làm công việc này, chúng ta cần quan tâm và tham gia vào cả những cuộc chơi mà các em ưa thích. Hãy thích những gì các bạn trẻ ưa thích để lôi kéo chúng ham thích những gì chúng ta mong muốn.

+ Có những điều theo lẽ tự nhiên, các em học sinh cảm thấy không thích, như đi vào nề nếp kỷ luật, siêng năng học hành, sống tinh thần từ bỏ… Chúng ta sẽ uốn nắn và từ từ giúp các em yêu thích nhũng điều đó.

  1. Cảnh thứ tư – Các anh em Salêdiêng ở đâu cả rồi?

Buzetti đã nói với Don Bosco: “Cha hãy nhìn xem các học sinh tại sân chơi trong giờ giải lao… Các anh em Salêdiêng đâu cả rồi?”.

Don Bosco trả lời: “Cha đã quan sát. Cha thấy rất ít các linh mục và tư giáo ở giữa các em tại sân chơi. Cùng tham gia các trò chơi với các học sinh thì lại càng ít hơn nữa. Các Bề trên không còn là linh hồn của các cuộc chơi cùng với các bạn trẻ”.

Buzetti nói tiếp: “Ngày xưa ở nguyện xá Valdocco, Cha vẫn luôn ở giữa chúng con tại sân chơi. Sao bây giờ khác xa như thế. Các Bề trên ít hiện diện giữa các em học sinh.”

Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, càng ít hiện diện giữa các em học sinh, ngay cả trong các giờ giải lao, chúng ta sẽ càng làm uống phí những hiệu quả giáo dục mà chúng ta đã nhọc công vun trồng (Don Bosco nói những điều này và xin lỗi những anh em đang phải rất bận rộn trong những công việc khác, không thể thường xuyên ở giữa các học sinh). Ngài cũng đau buồn nói tiếp: “Nhiều học sinh không còn sự ‘Tin tưởng’ (CONFIDENCE) nơi các Bề trên nữa.

Kết luận

Don Bosco đặt câu hỏi: “Vậy, làm cách nào để phá đổ bức rào chắn này, tức là phá hủy sự bất tín nhiệm nơi các học sinh đối với chúng ta?”

Buzetti trả lời: “Bằng sự tương giao thân tình, không cần khách sáo (FRIENDLY INFORMAL RELATIONSHIP) giữa các Bề trên với các bạn trẻ, đặc biệt trong các giờ giải lao”.

Cha cựu Bề Trên cả Albera đã viết: “Trong giờ giải lao, đặc biệt khi có bầu khí nhộn nhịp và sôi động, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để giăng lưới bắt cá. Một em học sinh càng tỏ ra sôi nổi và thể hiện cá tính của nó trong giờ chơi, em đó càng biểu lộ con người thật của mình một cách rõ nét và chân thành. Các bạn trẻ như thế sẽ rất dễ đón nhận những lời khuyên bảo khi chúng ta nhẹ nhàng đến rỉ tai chúng nhất là khi chúng đã đặt trọn niềm tin tưởng nơi chúng ta. Tại sao chúng ta không tận dụng những cơ hội đó để quên mình, phục vụ cho thiện ích các linh hồn ?” (Trích thư luân lưu của Cha Albera 15/05/1921).

Nhiều khi chúng ta lập luận rằng, thời của Don Bosco năm xưa và thời đại ngày hôm nay rất khác nhau. Đúng, nhưng cho dù bối cảnh xã hội có khác nhau, phương pháp và Hệ thống Giáo dục Dự phòng của Don Bosco vẫn không bao giờ cũ kỹ và lỗi thời. Bí quyết và nền tảng trong Hệ thống Giáo dục của Ngài chính là ‘Lòng thương mến’ (AMOREVOLEZZA). Ngày nay hơn bao giờ hết, các bạn trẻ vẫn luôn khao khát tình yêu và lòng thương mến chúng ta dành cho chúng.

Ghi chú

Đức Tổng Giám mục Francisco Panfilo, SDB năm nay 75 tuổi. Ngài khấn dòng lần đầu tiên vào năm 1964, lãnh nhận tác vụ linh mục năm 1974 và được tấn phong Giám mục, coi sóc giáo phận Alotau-Sidea vào ngày 08/09/2001. Hiện nay, Ngài trông coi giáo phận Rabaul, thuộc đảo quốc Papua New Guinea.

Bài viết của Đức Tổng Giám mục Francisco Panfilo, SDB
Văn Hào, SDB chuyển ngữ

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG