Don Bosco khuyên những tu sĩ trẻ Salêdiêng hãy lắng nghe những người trẻ để khơi dậy sự cởi mở, tin tưởng và tín nhiệm.
Một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất ngày nay là khả năng lắng nghe tích cực. Lắng nghe tích cực nghĩa là gì? Là tập trung vào sự cần thiết và nhu cầu của người đối thoại, tôn trọng ý kiến của người ấy. Trở thành một người lắng nghe xuất sắc là một kỹ năng đáng để khao khát: khi bạn lắng nghe người khác, bạn cho họ thấy tầm quan trọng của họ.
Theo nguyên tắc của tính hỗ tương, nếu bạn lắng nghe mọi người, họ sẽ chú ý hơn đến lời nói của bạn. Cảm giác được lắng nghe cho phép người ta cởi mở hơn và dễ dàng chia sẻ bất kỳ thông tin nào với bạn. Tạo ra bầu khí của sự tín nhiệm này là nền tảng: khi bạn nói chuyện với ai đó, đừng cố gắng thuyết phục nhưng tốt hơn là cố gắng lắng nghe quan điểm của họ và thảo luận với họ về quan điểm của bạn. Do đó, lắng nghe là cần thiết cho một cuộc đối thoại thực sự.
Trong các mối tương quan, cần thiết phải chuyển từ “đối thoại biện chứng sang đối thoại hội thoại”. Đây là khẳng định của Raimon Panikkar (1918-2010), nhà thần học Ấn độ-Catalan, người đã phân biệt hai loại đối thoại: đối thoại biện chứng và đối thoại hội thoại.
Trong cuộc đối thoại biện chứng, nổi bật một sự đối chiếu có phê phán của các ý kiến khác nhau, nó phát triển trong lãnh vực trí tuệ và mang lại không gian rộng rãi cho chiều kích lý trí của con người. Những người đối thoại ở cách xa nhau và mỗi người cố gắng làm nổi bật quan điểm của mình. Trái lại, cuộc đối thoại hội thoại đặt người đối thoại lên trên, hoàn toàn cởi mở với quan điểm của người kia trong sự hỗ tương hoàn toàn, cho đến khi bước vào việc thảo luận. Trong cuộc đối thoại này, một bầu không khí nội tâm ngày càng phát triển, trong đó các nhân vật chính được nổi bật. Con người là sự sống, họ không phải là người máy, cũng không phải là người trong “vai trò được nói chuyện”. Đối thoại hội thoại sẽ không bao giờ có thể diễn ra nếu người đối thoại không từ bỏ tất cả các loại quyền lực áp đặt trên người khác cách tự do, hoàn toàn, minh bạch và nhưng không.
Cửa sổ
Để giải thích khái niệm quan trọng này, Panikkar thường sử dụng phép ẩn dụ về chiếc cửa sổ. Trong một cuộc phỏng vấn về đối thoại liên tôn, ông nói: “Tất cả chúng ta đều nhìn thế giới từ quan điểm cụ thể: chúng ta nhìn thế giới qua một chiếc cửa sổ. Ở đây có hai sự quan sát. Thứ nhất: cửa sổ càng sạch thì tôi càng ít để ý đến cái cửa sổ, lớp kính và tôi càng hòa mình và yêu thích hơn những gì tôi nhìn thấy. Tôi không nhìn cửa sổ nhưng tôi nhìn qua cửa sổ. Tôi cần ai đó nói với tôi: “hãy nhìn xuyên qua cửa sổ”, sau đó tôi cũng có thể nói: “cả bạn cũng hãy nhìn qua nó”, sau đó chúng ta có thể trao đổi những gì đã quan sát. Được rồi. Chúng ta cần đến nhau. Nhưng có một điều khác về ẩn dụ của chiếc cửa sổ. Tôi nhìn qua cửa sổ và tôi không thể nói rằng tôi không thấy những gì tôi nhìn thấy qua cửa sổ của mình. Tôi không nhìn qua cửa sổ của người bên cạnh, nhưng nếu tôi yêu họ – tôi nghĩ là sẽ không có gì xấu. Nếu tôi lắng nghe người ấy mô tả về những gì họ nhìn thấy, tôi sẽ nói: Tôi không nhìn thấy điều tương tự như bạn bởi vì tôi nhìn từ cửa sổ của tôi nhưng tôi cảm thấy rằng bạn nói với tôi một điều khác. Vì vậy, tôi nhận ra ra hai điều: rằng người khác, người bên cạnh tôi, không nhìn thấy cùng một thế giới mà tôi thấy, nhưng tôi nhận ra rằng tôi cũng không nhìn thấy cả thế giới bởi vì, trừ khi người đó bị điên hoặc tôi là một kẻ cuồng tín – và chúng ta nhớ rằng Thánh Phaolo đã nói, đức tin đến từ việc lắng nghe. Tôi nghe người khác nói với tôi điều gì đó về thế giới hoặc thực tại mà người đó thấy và tôi không biết. Vì vậy, tôi tkhám phá ra rằng thế giới này đẹp hơn nhiều so với những điều tôi nghĩ.
Tôi tin rằng tầm nhìn của tôi bao trùm tất cả mọi thứ nhưng bây giờ bạn nói với tôi rằng có một cái gì đó khác, rằng tôi có thể thích nó hoặc không, nhưng đó là một sự phong phú, một thách thức. […]
Bạn nói những gì bạn thấy, những gì bạn tin, những gì bạn trải nghiệm và đồng thời bạn lắng nghe người khác kể cho bạn những câu chuyện khác, những niềm tin khác, những trải nghiệm khác và như thế chúng ta bước vào cuộc đối thoại.
Qua suy gẫm này, chúng ta có thể làm nổi bật các bước của cuộc đối thoại:
- Nói chuyện, chúng ta hiểu nhau hơn;
- Chúng ta thấy rằng chúng ta rất khác nhau;
- Mặc dù chúng ta rất khác nhau nhưng chúng ta có những điểm chung;
- Diễn ra sự tương tác lẫn nhau.
7 từ khóa
Trước khi sở hữu khả năng cần thiết cho việc giáo dục, nhà giáo dục được mời gọi tự mình tạo ra một cuộc đối thoại, ghi nhớ từ vựng tối thiểu của cuộc đối thoại hội thoại trong mối tương quan, trong đó bảy từ khóa có thể được xác định để sống sự khác biệt như là cầu nối của cuộc gặp gỡ: căn tính / sự khác biệt; Đồng cảm / niềm đam mê; lắng nghe; hiểu biết; phân quyền; đón nhận / hiền lành và kể chuyện / tường thuật.
Trước tiên bạn phải có một sự đồng cảm chân thành với người khác, đến gần họ trong sự tin tưởng, sẵn sàng học hỏi từ bất cứ ai nói chuyện với sự chân thành và trung thực. Tuy nhiên, đối thoại không phải là một đức tính bẩm sinh, tự nhiên chúng ta không có khả năng đó! Vì lý do này, để đạt tới đích của giáo dục đối thoại, trước tiên cần phải tự giáo dục trong cuộc đối thoại.
Từ đầu tiên và là cũng là từ cơ bản: căn tính
“Căn tính không nằm trong chủ thể như thường nghĩ, nhưng nằm trong mối tương quan, trong các mối quan hệ, trong chiều kích tôi – bạn” (B. Salvarani 2008). Trong bạn có một căn tính khác của tôi, chính vì vậy, căn tính ấy trở thành yếu tố nền tảng khích lệ thái độ tôn trọng người khác trong cuộc gặp gỡ và xem sự khác biệt của người khác là một điều tốt cần được bảo vệ.
Đồng cảm trong đối thoại hội thoại tạo nên một hiểu biết lẫn nhau. Đồng cảm cho thấy một sự tham gia của cảm xúc, tình cảm, kinh nghiệm sống. Đó là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, để cảm thấy như thể bạn là người đó, trong khi bạn vẫn duy trì sự tiếp xúc với chính mình. Đó chính là sống lòng trắc ẩn. Bên cạnh sự đồng cảm, là tình thương mến đối với người khác theo nghĩa “thấu hiểu cõi lòng”.
Khoa chú giải của người Do Thái có kể câu chuyện về một đệ tử, mỗi ngày với sự nhiệt thành quá mức, anh ta theo sau sư phụ của mình và hét to: «Sư phụ, con yêu mến thầy! Sư phụ, con yêu mến thầy!” Cuối cùng, sư phụ của anh ta không thể kiên nhẫn hơn và với sự giác ngộ, ông quay lại và hỏi đệ tử: «Nhưng làm thế nào bạn có thể nói rằng bạn yêu tôi nếu bạn không biết điều gì làm tôi cảm thấy tốt? Và làm sao bạn có thể nói rằng bạn yêu tôi nếu bạn không biết điều gì làm tôi cảm thấy phiền lòng?».
Lực đẩy mạnh mẽ nhất trong mối tương quan giáo dục được xác định trong sức mạnh của sự chấp nhận vô điều kiện, nghĩa là sống kinh nghiệm của một phương pháp giáo dục bằng tình yêu.
Nhà giáo dục được mời gọi đưa mình vào mối tương quan, tạo điều kiện và cuốn hút sự tham gia của người được giáo dục làm cho họ trở thành nhân vật chính. Cần khôn ngoan trong cách diễn tả: yếu đuối, khi từ bỏ việc xem mình như công cụ truyền đạt sự thật cách tuyệt đối hoặc xác định, nhưng mạnh mẽ có khả năng khích lệ giáo dục. Sự khích lệ này giúp người được giáo dục trở thành nhân vật chính của một hành trình sống hay của một thực tại lịch sử luôn mở ra cho tương lai.
Sự lắng nghe trong cuộc đối thoại giáo dục, chúng ta khẳng định rằng chính mối quan hệ không phán xét giả định sự im lặng trước người khác, trong khi sự hiểu biết lẫn nhau cho phép chúng ta nắm bắt được lợi ích chung. Vẻ đẹp của đối thoại sau hành trình này càng tỏa sáng hơn khi đặc tính trong cuộc đối thoại cũng trở thành đặc tính của sự đón tiếp, sẵn sàng mở ra cho nhu cầu của người khác, mà không nghĩ đến việc nhận được phần thưởng hay lợi ích cá nhân. Sự đón nhận và sự dịu dàng sánh bước cùng nhau. Không nên nghĩ rằng đức tính hiền lành là mềm, yếu và tuân thủ. Trái lại, nó phải được coi là một đức tính có khả năng quản lý xung đột khi biết rõ rằng sự hiền lành không sẵn có nhưng có được do học hỏi (xem Mt 11,29).
Với những giả định này, đối thoại cũng có nghĩa là biết cách lắng nghe chính những kinh nghiệm, những câu chuyện câu chuyện của nhau, nhận ra hành trình của người khác. Sự nhận biết thật quan trọng biết bao! Nó giúp nhận ra không chỉ căn tính của người khác mà trên hết là căn tính của chính mình (trích Recalcati 2012).
Vì vậy, các nhà giáo dục phải nỗ lực! Đó là một nỗ lực hướng đến nghệ thuật đối thoại, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ. Tất cả điều này sẽ có thể nếu đề xuất một yếu tố khác là sự phân quyền. Nó bao gồm việc đưa mình ra khỏi trung tâm để dành không gian cho người khác. Đó là trung tâm của chính những suy nghĩ, những xác tín, những định kiến và thay vào đó là sự cởi mở khi đối diện với người khác. Do đó, nhà giáo dục nam nữ với một sự hiện diện chú tâm, đón tiếp, dịu hiền, mang lại không gian cho người được giáo dục với những lịch sử của chính họ. Đó là một nghệ thuật được học hỏi từ kinh nghiệm và mang tính giáo dục khi các thanh thiếu niên cũng nhận thức được điều đó.
Học cách để ở lại trong thế giới
Ngày nay càng gia tăng xu hướng giáo dục muốn xoa dịu những đứa trẻ khỏi những mệt mỏi và tổn thương như thể điều đó chưa bao giờ tồn tại và vô nghĩa đối với năng động lực của hạnh phúc. Những khó khăn đó một mặt làm sút giảm sự kiên cường khi phải đối diện với những thử thách và dòn mỏng ngày càng nhiều. Nhưng mặt khác, chúng lại giúp chúng ta tìm kiếm ý nghĩa của hạnh phúc, luôn có khả năng vượt qua và tìm kiếm điều gì thực sự đáng sống và đáng để dấn thân. Xã hội ngày nay dường như đang đề nghị một lối sống phục sinh mà không cần phải chết, hạnh phúc mà không cần phải trải qua đau khổ, nhìn thấy hạt giống nẩy mầm mà không thấy chúng chết đi, không thấy rễ lan nhanh và thân cây phải đẩy mạnh, đấu tranh để xuyên thủng qua nền đất. Có một sự mâu thuẫn khi vừa nhìn thấy các trẻ em và những người trẻ buồn bã, chúng ta đã muốn nhấc bổng chúng ra khỏi đó chứ không muốn giúp chúng vượt qua những mất mát và tháo gỡ đi những gì khiến chúng cảm thấy thiếu an toàn. Nếu chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ với ý hướng rằng “không có gì làm hại con”, chúng ta ngăn ngừa mọi thử luyện và không dám để cho chúng phải liều mình (bị dơ bẩn, bị thương, bị té ngã, chịu đau khổ..) như thế chúng ta đã ngăn không cho chúng học và phát triển sự kiên cường vốn là điều rất cần thiết để tồn tại trong thế giới này.
Mara Borsi, FMA
Sr. Teresa Lý, FMA chuyển ngữ
(http://fmavtn.org/)