Từ một thực tế
Bin… bin… Tiếng còi xe inh ỏi. Hiện tượng này rất quen thuộc tại Việt Nam, đến nỗi, cứ lái xe là phải bấm còi. Tôi phát hiện ra chính bản thân mình cũng nhiễm “căn bệnh” ấy. Trên đường, chỉ cần có ai đang chạy gần phía trước hay bên cạnh, tôi lập tức bấm còi xe, như báo cho họ biết “có tôi đây”, hoặc bày tỏ chính kiến “tôi muốn vượt!”. Đọc bài chia sẻ “Ở Nhật hai năm, chỉ nghe tiếng còi ô-tô ba lần” của bạn Nguyễn Hữu Trí khiến tôi phải suy nghĩ. Nhiều khi, tiếng còi xe không là báo hiệu, mà còn là “lời quát” chạy nhanh đi,… biến! Nó ẩn chứa một thái độ bất nhẫn.
Cứ thử quan sát những chỗ tắc nghẽn giao thông, đôi lúc không phải vì đông xe, cho bằng mỗi người đều “tranh thủ” nhỉnh xe vài centimet, làm dòng xe trở thành hỗn độn, đan xen khiến không thể di chuyển. Người ta mất đi rồi sự kiên nhẫn cần có, để rồi phải trả giá bằng gấp đôi, gấp ba thời gian.
Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của giao thông, mà là cuộc sống. Cụ thể, với can thiệp của khoa học người ta có thể làm nhiều thứ vượt thời gian. Mọi sự đều cấp tốc: rau muốn lớn mau chỉ cần thuốc tăng trưởng, trái muốn chín mau thì có thuốc ép… Các phụ huynh cũng không ra khỏi quy luật này khi thúc ép con học tập, khi cho chúng tham gia vào cuộc đua thời trang không phù hợp với các em. Dần dần, trong ý thức con người hình thành một nền văn hóa “ngay lập tức”. Cái gì cũng nhanh nhanh, rồi chen lấn, miễn đạt được mục đích, không kể đến những tác hại lâu dài, hay phương hại đến tha nhân.
Không biết nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng (1922-1948) có nhìn thấy trước nỗi bất nhẫn của thời đại của chúng ta, mà viết lên những vần thơ đầy ý nghĩa về những thứ đến trước thời vụ, trước tuổi:
Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa,
Em chầm chậm để mong còn xa mãi,
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.
Quy luật thời gian
Chuyện kể về một người đàn ông tốt bụng nọ muốn giúp con bướm đang vất vả chui ra khỏi tổ kén. Ông dùng dao rạch kén để giúp con bướm mau thoát khỏi kén, nhưng không ngờ hành động tốt của ông chỉ tạo ra một con bướm với thân hình còi cọc và đôi cánh dúm dó. Cả đời nó chẳng cất được một lần bay, và chỉ lê lết trên mặt đất. Con bướm thiếu thời gian để trở nên cứng cáp, để hội nhập với thực tế mới.
Thế đấy, thời gian là yếu tố quan trọng. Chẳng việc gì mà không cần thời gian. Trong thực tế, để làm một việc, người ta chỉ nghĩ đến nhân lực, tài lực, vật lực, nhưng ít ai nghĩ đến ‘thời lực”, tức là thời gian. Cụ thể, nếu đưa tôi một quả trứng và cho 5 phút. Tôi sẽ làm được một cái ốp la, nhưng nếu cho tôi 15 phút, tôi sẽ có món trứng luộc, và nếu 30 phút thì tôi sẽ làm món ‘trứng chả phượng”. Thời gian nào, sản phẩm đó.
Trong giáo dục cũng thế, con người tăng trưởng theo thời gian. Sự tăng trưởng ấy không chỉ nằm ở thể lý, mà còn cả ở nhận thức, kiến thức, tinh thần. Cần phải ý thức rằng con người học và lớn lên trong thời gian. Bên cạnh đó, mỗi người có nhịp điệu tăng trưởng khác nhau, vì thế, việc giáo dục mỗi cá nhân là khác nhau, là duy nhất và không lặp lại. Thế nhưng, đây lại là điều mà nhà giáo dục dễ phạm sai lầm nhất: không chờ thời gian. Cho nên mới có những quyết định tắc trách, những đốt giai đoạn từ phía nhà giáo dục và có những phản ứng đáng tiếc nơi học sinh.
Bản thân cũng nhận thấy mình bị thách đố rất nhiều với sự kiên nhẫn, lý do có thể vì những kỳ vọng quá lớn tôi đặt nơi các em, hay tại tôi muốn bắt các em bay trong khi các em còn lê lết bằng đôi chân dặt dẹo. Tôi chưa hiểu các em, chưa thông cảm với các em và chưa cùng đứng ở chỗ của các em. Tôi chưa thấu điều người xưa nói: “Dục tốc bất đạt”.
Kiên nhẫn đem lại lợi ích nào?
Một người đàn ông có bốn người con. Ngày nọ, ông sai các con lên đường, đến quan sát một cây ông đã trồng ở một nơi xa. Cứ ba tháng ông lại sai một người con đi. Khi người con cuối cùng trở về, ông gọi tất cả lại và mô tả về những gì đã thấy.
Người con thứ nhất nói cái cây thì khô khẳng, xấu xí vặn vẹo. Ngược lại người con thứ hai nói cái cây xum xuê, phủ đầy những mầm non, hứa hẹn đầy sức sống. Người con thứ ba không đồng ý, cậu nói nó rực hoa, thơm lừng. Người con cuối cùng không đồng ý với ai, cậu nói cái cây đó trĩu nặng trái, sức sống và rất phong nhiêu. Người cha cho các con biết các câu trả lời đều chính xác vì mỗi người đã chỉ thấy một mùa đời sống của cây, bài học cho các con là không nên xét đoán những sự việc quá vội vàng.
Đời người cũng thế, nên ta không thể xét đoán một cây hay một con người chỉ trong một mùa, chỉ trong khoảnh khắc vui, buồn, hay yêu thương. Câu kết luận đúng nhất chỉ có khi kết thúc mùa của đời sống con người.
Thái độ kiên nhẫn lắng nghe, tìm hiểu mọi góc cạnh của sự kiện, con người cho phép ta hiểu mọi sự cách toàn diện. Trong giáo dục, kiên nhẫn giúp ta biết dành thời gian để gieo, chờ đợi sự lớn lên, cần cù vun trồng những điều tốt đẹp nơi người thụ giáo, để đến thời đến buổi, thu lượm những kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, kiên nhẫn không là bản tính tự nhiên, nhưng là đức tính phải luyện tập. Cần luyện tập để biết kiên nhẫn với chính mình và kiên nhẫn với người khác, tôn trọng nhịp điệu tăng trưởng nơi mỗi người.
Làm thế nào để có đức kiên nhẫn?
Bộ phim Osin của Nhật vẫn để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm, đó là những khi gặp khó khăn, trắc trở, trái ý, đau khổ, họ không hò hét lên, cũng không cuống cuồng chạy, nhưng lẳng lặng ngồi bất động trong căn phòng tĩnh mịch. Phải chăng chính sự đắm mình như thế khiến họ đạt được tinh hoa văn hóa của cuộc sống và có bản lãnh thâm hậu để đối diện với nghịch cảnh. Tôi vẫn ngưỡng mộ khi nhớ đến hàng ngàn người Nhật nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt lãnh đồ cứu trợ trong thảm họa sóng thần lịch sử gần đây.
Bí quyết “một bàn tay vỗ” là một gợi ý hay để luyện sự kiên nhẫn. Trong buổi giáo huấn, sư phụ dậy các môn sinh cùng đưa hai tay lên vỗ. Âm thanh giòn rã vang lên. Tiếp theo, sư phụ đề nghị môn sinh đưa một bàn tay lên và vỗ. Tất cả chỉ là thinh lặng. Sư phụ dậy môn sinh dùng bí quyết “một bàn tay vỗ” để giải quyết xung đột. Khi cơn nóng giận của ta hay đối phương bùng lên, thì thinh lặng chính là vũ khí đem lại an bình.
Nóng giận là nguyên nhân gây ra sự bất nhẫn. Giảm sự nóng giận, triệt tiêu cơn nóng nảy là bước đầu tiên để học sự kiên nhẫn. Tuy nhiên ít người có kiên nhẫn để học đức kiên nhẫn vì cho rằng “một sự nhịn là chín sự nhục” chứ không là sự lành như ông cha ta thường nói.
Sức mạnh của kiên nhẫn
Kiên nhẫn không là một phương pháp, nhưng là chiến lược giáo dục và là chìa khóa để mở ra lòng người cách nhân bản nhất. Nên để là nhà giáo dục tốt, cần đắc thủ được thái độ kiên nhẫn.
Trong kiên nhẫn chứa hạt mầm hy vọng. Người nào mang niềm hy vọng lớn trong lòng mới kiên nhẫn tận tụy để làm việc. Trong kiên nhẫn chứa hạt yêu thương và tin tưởng. Người yêu thương thật mới tin vào khả năng thay đổi của người thụ giáo mà đợi chờ, mà dấn thân và có sức mạnh vượt qua những cản trở và chán nản.
Sau cùng, người có lòng kiên nhẫn mới có khả năng nhìn thấy những cơ may và biết chộp bắt những cơ may trong cuộc sống. “Trên chiếc lá rộng của cây hoa súng, con ếch chăm chú rình con côn trùng có những chiếc chân dài. Chỉ cần vươn mình ra là nó có thể táp gọn con mồi dễ dàng. Gần đó, một côn trùng thủy sinh khác đang say sưa ngắm cô bạn gái dễ thương. Trên bờ, chỉ cách mặt nước độ mấy centimet, một bông hoa nhỏ xíu đang héo rũ vì thiếu nước. Ngược lại, con muỗi thì đang sắp chết đuối. Một cây xanh hoang dã vươn dài bộ rễ trong đầm nước, cành của nó rũ gần giữa đầm. Một chiếc xuồng trờ tới, bị mắc vào cành cây và lật xuống giữa hồ. Một tiếng “pluf” vang lên, và từ chỗ chiếc xuồng, nước bắn lên tung tóe như một bông hoa bừng nở, tạo nên một vồng nước, lan tỏa tiếp thành nhiều vồng nước tiếp nối nhau. Con côn trùng chân dài thấy động liền nhảy đi, nó tránh được cái miệng mở rộng của con ếch. Vồng nước tràn tới, bất ngờ đẩy con côn trùng thủy sinh đến cạnh cô bạn gái dễ thương. Vồng nước tiếp tục lan đến bờ, làm cho bông hoa tươi sống trở lại. Vồng nước thứ hai tiếp tục lan đến, nâng con muỗi lên và nó may mắn bám vào cọng cỏ, đủ để đứng lên rũ khô bộ cánh”.
Biết bao đời sống đã thay đổi từ vài vồng nước ý nghĩa. Sự kiên nhẫn thật nhỏ bé như những vồng nước trong câu chuyện, nhưng ai mà biết được… !
Ngọc Yến, FMA