Trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, một trong những cách giúp trẻ sống lành thánh là đánh thức con người “dễ ngủ” và khơi lên ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng. Chính bởi điều này, Don Bosco luôn nhắc nhở học sinh của ngài với châm ngôn: “Chúa nhìn con”.
Với Don Bosco, nhắc nhớ trẻ em về sự hiện diện của Thiên Chúa không phải là đưa chúng vào trong tầm ngắm của đôi mắt đầy soi mói và bắt lỗi của Ngài, nhưng là giúp trẻ tìm được nguồn cảm hứng thiêng liêng khiến chúng ước ao trở nên con người tốt lành và thánh thiện. Thiên Chúa lúc này không phải là “cảnh sát” đang rình rập để trừng phạt, nhưng là người cha yêu thương, người thầy nhiệt huyết, và người bạn chân thành của trẻ. Về sau này, Don Bosco cũng ước ao các Salêdiêng và các nhà giáo dục cũng hiện diện với trẻ trong khóe nhìn đầy trìu mến như thế. Sự hiện diện của các Salêdiêng là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa cho những người trẻ.
Đạt được mục đích thiêng liêng này, trẻ sẽ dần vun trồng tương quan thân mật với Thiên Chúa, khởi động cho một tiến trình đối thoại đơn sơ và thân tình với Thiên Chúa, cảm thấy được gần Thiên Chúa hơn, và cam kết chu toàn bổn phận cách vui vẻ vì lòng yêu mến Thiên Chúa, theo cách không gượng ép nhưng chân thành.
Để giúp trẻ luôn đặt trọn đời mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhà giáo dục trước tiên phải học cách trở nên người hướng dẫn và đồng hành với trẻ; do đó, hơn bao giờ hết, nhà giáo dục phải là gương sáng trong cách tiếp cận với Thiên Chúa, và hãy cùng với trẻ thực hành những gì họ đã trải nghiệm, ít nhất là trong giai đoạn đầu cuộc đời của trẻ.
1- Trước hết, cha mẹ phải giúp trẻ nhận thức rõ ràng và sống động rằng, Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi sự; không có nơi nào, cũng như không có gì trên thế giới, mà không có sự hiện diện đầy chí thánh của Thiên Chúa, ngay cả những con chim sẻ bay trên bầu trời cũng không nằm ngoài tầm mắt của Thiên Chúa. Vì thế, bất cứ nơi đâu chúng ta đến, bất cứ ai chúng ta gặp gỡ, đều có sự hiện diện của Thiên Chúa.
2- Nói với trẻ về “giá trị có một không hai” của chúng trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ hiện diện trong không gian mà trẻ đang sống, Ngài còn hiện diện một cách đặc biệt trong tâm hồn và tâm trí của chúng. Nếu không phải là sự nhìn nhận về giá trị của trẻ, Thiên Chúa chắc sẽ không làm như thế. Nhà giáo dục nên nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng, và dĩ nhiên, trẻ nên được biết điều càng sớm càng tốt. Nhà giáo dục nên xác tín về tương quan tình yêu với Thiên Chúa trước khi trình bày cho trẻ, nhờ đó, họ mới có thể khơi dậy và truyền cảm hứng cho trẻ về sự hiện diện đầy trìu mến của Thiên Chúa. Nơi người trẻ, tương quan giữa chúng với Thiên Chúa sẽ là “con tim ở lại trong con tim, tinh thần hòa quyện với tinh thần”.
3- Hãy hướng mắt ngắm nhìn trời cao và ý thức Thiên Chúa đang đoái nhìn mỗi người, bởi chúng ta là con của Thiên Chúa; và Ngài luôn canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đoàn chiên. Đương nhiên, một bước quan trọng mà nhà giáo dục phải giải thích cho trẻ hiểu, đây không phải là sự tưởng tượng đơn thuần, nhưng là sự thật; mặc dù chúng ta chưa thấy Thiên Chúa, nhưng điều chắc chắn, Ngài vẫn đang dõi mắt theo từng người.
4- Dạy trẻ học cách tưởng tượng và hình dung về một Thiên Chúa cứu độ, vừa gần gũi vừa yêu thương như thế Ngài đang ở cạnh bên chúng ta, cũng như chúng ta nghĩ đến những người bạn thân của mình, và tưởng tượng mình và họ đang nhìn nhau và nghe nhau, vì họ đang bên cạnh chúng ta.
Nhà giáo dục có thể kết hợp hoặc sử dụng riêng lẻ từng cách nhằm giúp trẻ sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đừng quá cố gắng phải áp đặt cho được bất cứ phương pháp nào nhưng hay thực hành từng bước và từng cách; hãy làm mọi thứ thật đơn giản và vắn gọn, bởi sống trong sự hiện diện và gặp gỡ Thiên Chúa không bao giờ là một điều quá phức tạp và khó thực hiện.
Đồng Hành