Những ngày đầu tháng 6 năm 1847, vào buổi hoàng hôn, bầu trời thành phố Torinô đỏ rực. Một hôm, sau khi giúp việc mục vụ tại nhà thờ Thánh Phanxicô Assisi, Don Bosco trở về Valdocco, nơi cư trú nghèo nàn của ngài. Khi tới đường San Massimo, ngài trông thấy một cậu thiếu niên nghèo đang gục đầu vào một thân cây bên lề đường, khóc sụt sùi, Don Bosco tiến lại gần, ân cần hỏi cậu:
– Có gì thế, con? Tại sao con khóc?
Cậu thiếu niên càng khóc nức nở hơn; sau đó cậu nghẹn ngào trả lời:
– Thưa cha, con bị mọi người bỏ rơi. Ba con chết trước khi con có thể thấy được người. Mẹ con thương con lắm, nhưng mới qua đời hôm qua và hôm nay người ta đã chôn cất người.
Nói tới đây, cậu càng khóc nức nở hơn nữa, không thể nín được. Don Bosco để cho cậu khóc hầu vơi đi phần nào sự đau khổ. Sau đó ngài âu yếm đặt tay trên vai cậu và hỏi:
– Tối qua con đã ngủ ở đâu?
– Ở nhà. Nhưng hôm nay, ông chủ đã lấy đi tất cả mọi đồ đạc trong nhà rồi, vì mẹ con chưa trả tiền thuê nhà. Quan tài vừa ra khỏi nhà thì người ta khóa cửa lại. Con không còn ai cả…
– Vậy, con tính làm gì và đi đâu bây giờ?
– Con chẳng biết nữa…
– Con có muốn đến với cha không? Cha sẽ làm mọi sự để giúp con.
– Ước gì con được đến với cha. Nhưng cha có nhận con không?
– Chắc chắn rồi. Cha muốn hai cha con mình luôn là bạn của nhau.
Ngài nắm chặt bàn tay cậu bé an ủi và trấn an. Ngài dắt cậu về nhà, nơi mẹ Margherita, mẹ ngài đang đợi.
Vừa vào nhà, Don Bosco nói với mẹ:
– Thưa mẹ, con có một đứa trẻ thứ hai. Thiên Chúa đã gởi em đến cho chúng ta. Xin mẹ chăm sóc em và dọn cho em một cái giường.
Hôm sau, Don Bosco lo tìm cho cậu một chỗ làm việc thích hợp. Cậu thông minh, linh động và có học vấn tạm đủ. Don Bosco tìm được cho cậu một việc làm. Ngài nói cho cậu biết môi trường làm việc:
– Thế nào, con có thích kinh doanh không?
– Thưa cha, còn gì bằng.
Cậu cảm thấy thoải mái. Cậu thành công và chiếm được một địa vị vinh dự.
* Tìm được một việc làm chính đáng cho thanh thiếu niên luôn luôn là một vấn đề. Một sự chọn lựa sai lầm có thể làm hư hỏng nó suốt đời. Xưa kia, người ta có thể nói rằng con nối nghiệp cha. Ngày nay, nhiều trẻ em không biết nghề của cha mình. Nếu người ta hỏi một em: “Ba em làm gì?”. “Đại biểu”. “Đúng, nhưng làm gì mới được chứ?” “A, suốt ngày ổng chạy xe lòng vòng ngoài đường và ban chiều, khi về nhà, ổng nằm trên ghế bành, đọc báo và đi ngủ”. Học trò, sinh viên yêu cầu nhà trường dạy cho chúng nhiều hơn về nghề nghiệp phải chọn.
* Khám phá trẻ em có khuynh hướng về nghề nào và nên được phân bổ vào công việc gì, không phải là chuyện dễ. Dù đã 18 hay 19 tuổi, các em thường vẫn lưỡng lự không biết nên chọn nghề gì. Chúng không biết phải theo đường nào. Gia đình ép về một phía và các em không có can đảm để phản đối. Hầu hết những em được phỏng vấn sau ba năm học nghề, đều nói chúng hối tiếc vì đã chọn nghề đó, chúng thích nghề khác hơn.
* Tại sao cha mẹ không tìm cách nhận biết năng khiếu của con cái bằng những bảng trắc nghiệm mà nhiều xí nghiệp và công ty vẫn thường dùng. Đáng lẽ cha mẹ phải dùng những bảng trắc nghiệm ấy để thăm dò những năng khiếu của con cái, thế nhưng họ lại thường phó mặc cho chúng tự chọn lấy nghề. Chúng chỉ biết dựa vào một thông báo kinh tế hay quảng cáo, sự tăng tiền công hay lương bổng, hoặc một lợi ích xã hội nào đó mà chọn lấy nghề cho mình, mặc dù trái với ý muốn, và rồi nghề nghiệp đó sẽ giày vò chúng suốt đời.
* Tuy nhiên, điều khổ tâm hơn, điều mà cha mẹ phải quan tâm nhiều hơn, đó là sự kiện con cái họ, vừa mới được đưa vào thế giới lao động, đã phải tiếp xúc ngay với những môi trường bê tha hay lỏng lẻo về phương diện luân lý. Các thanh thiếu niên phải chịu đựng những thứ đó sẽ mắc một chứng bệnh tâm lý khó chữa. Vết thương sẽ tồn tại lâu dài. Khi đi làm việc, thanh thiếu niên phải hằng ngày hứng chịu những câu chuyện vô luân. Một đứa trẻ đã phải nói (và chứng từ của nó được hàng ngàn đứa trẻ khác xác nhận): “Tôi chán ngán những câu chuyện ở trong xưởng của tôi”. Một đứa khác: “Khi một đứa trẻ phải học nghề giữa đám đàn ông và đàn bà làm việc chung với nhau, thì thật khủng khiếp. Các bà tỏ ra ăn nói thô lỗ hơn đàn ông”. Cha mẹ phải biết tất cả những điều ấy. Họ phải lo tìm cho con cái họ một chỗ làm việc thích hợp, trong một bầu khí lành mạnh về luân lý. Đó là điều mà Don Bosco đã làm. Trước khi trao phó đứa trẻ cho ông chủ, ngài đích thân đi tìm hiểu. Bằng không, trẻ em sẽ bị rơi vào những hoàn cảnh khủng khiếp. Các vết sẹo sẽ không thể tan biến được.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB